Những trăn trở của Phạm Hồng Sơn (*)

                                                      

Bích Ngọc 

 

 

Anh Phạm Hồng Sơn là một bác sĩ trẻ, sanh năm 1968 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Hà Nội năm 1992. Ngoài ra, anh cũng đỗ bằng cao học kinh tế. Trước khi bị bắt, anh làm việc tại Công ty Y Dược Tradewing Asia tại Hà Nội. Anh có vợ là chị Vũ Thúy Hà cùng hai con lên 4 và 6 tuổi. Cộng sản đã giam giữ anh từ hơn một năm nay.

 

Vào ngày 18 tháng 6 vừa qua, trong một phiên tòa xử kín, kéo dài vỏn vẹn nửa ngày, anh đã bị kết án 13 năm tù và 3 năm quản chế về tội làm gián điệp và phổ biến tài liệu phản động, bêu xấu đảng và nhà nước. Dư luận thế giới đang bất bình và lên án cách bách xử vô nhân này.

 

Trên thực tế, anh Sơn đã bị giam cầm sau khi đã loan tải trên mạng lưới Intemet bài dịch khá công phu của anh “Thế nào là Dân chủ”, trích từ thông liệu của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Cộng sản đã trơ trẽn đưa ra một tuyên án mà cả thế giới đều phải khinh miệt.

 

Anh Phạm Hồng Sơn đơn thuần là một nhà trí thức, đầy tâm huyết, luôn khát khao xây dựng một nền dân chủ cho nước nhà. Trưởng thành trong một chế độ độc tài, anh đã không có khái niệm gì về dân chủ trước khi dịch bài “What is Democracy”. “Tôi đã nghe thấy dân chủ từ lâu nhưng chưa bao giờ được nghe và được đọc để hiểu bản chất thực sự của nó là gì”. Và khi khám phá ra thực nghĩa của chữ Dân chủ sau khi hoàn tất bản dịch, anh đã bầy tỏ niềm hân hoan của mình với đầy xúc cảm “Có Dân chủ là có tất cả”. Anh đã chia sẻ sự hiểu biết của anh với hàng chục ngàn người Việt Nam trên các Website.

 

Hơn thế nữa, anh mạnh dạn trình bày quan điểm của mình với giới lãnh đạo Việt Nam. Ngày 4/3/2002, trong Hội nghị lần thứ năm của ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư của đảng Cộng sản Việt Nam, đã khẳng định: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu, là động lực phát triển kinh tế, xã hội, đất nước” (Nhân Dân 04/03/2002). Lời của ông Hồ cũng được nhắc lại trong dịp này: “Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân. Thực hành Dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” (Lao động 05/03/2002). Phạm Hồng Sơn đã dựa vào những phát biểu đầy phấn chấn này để thỉnh cầu giới cầm quyền thi hành những gì họ đã hô hào. Trong lá thơ gởi Nông Đức Mạnh ngày 06/03/2002, bên cạnh những lời khen lịch sự xã giao, anh đã đưa ra những đề nghị thực tiễn ngõ hầu phong trào phát huy dân chủ được toàn dân thông suốt và hưởng ứng. Theo anh, qua sự kiện này đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ tạo nên một kỳ tích trong lịch sử các đảng Cộng sản trên toàn thế giới.

 

Như dự đoán, đảng Cộng sản Việt Nam đã không tạo nên một thành tích nào mà chỉ tiếp diễn những hành vi bạo chế, lọc lừa, anh đã bị bắt giam ít ngày sau đó.

 

Ngoài vấn đề Dân chủ, Tự do cũng là đề tài suy gẫm của anh, điều này cũng dễ hiểu vì anh đã sinh trưởng ở một môi trường hoàn toàn bị quản chế. Trong một bức thơ gởi bạn đăng trên mạng lưới vi tính tháng ba năm ngoái, anh đã diễn giải sự tự do ngôn luận tại Việt Nam. Anh thẳng thắn nhìn nhận rằng một trong những nguyên nhân khiến cho dân chúng trong nước không dám sử dụng quyền căn bản này là sự hiện hữu của chính sách độc đoán của nhà cầm quyền. Anh tha thiết mong mỏi toàn dân Việt Nam ngày sẽ càng ý thức được tầm quan trọng của sự tự do, họ sẽ can đảm nắm nhận quyền và trách nhiệm công dân để cho nước nhà theo kịp bước tiến hóa của thế giới. Anh biết thế sự đương thời chính là những chướng ngại vật cho bước tiến lên nền dân chủ thực trị, nhưng anh khí khái khẳng định “chúng ta hoàn toàn có quyền thay đổi thực tế này”, và “chúng ta không ngần ngại tiếp cận và đi sâu hơn nếu chúng ta thấy công việc chúng ta làm là có ý nghĩa”.

 

Vài giòng qua đã cho thấy “chân tội trạng” của anh Phạm Hồng Sơn, anh đã có “quá” nhiều suy tư cho tổ quốc, dân tộc anh. Những trăn trở của anh xoay quanh vấn đề Tự do, Tự chủ, nâng cao dân trí, thăng tiến quốc gia. Một cách quang minh, anh đã trao đổi, bàn luận những tâm tư này với đồng bào trong nước và hải ngoại cùng các người nắm quyền.

 

Có người cho là anh quá ngây thơ, đặt niềm tin vào giới lãnh đạo. Riêng tôi, anh là một người chánh trực, can trường. Cùng với Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, các anh là những ngọn đuốc soi đường cho cả thế hệ trẻ Việt Nam. Trong khi rất nhiều người đồng lứa tuổi, trong như ngoài nước, chỉ chú tâm về quyền lợi và nhu cầu vật chất. Là những thành phần ưu tú trong xã hội, các anh đã chọn một hành trình khác. Cái nhìn và hướng đi của các anh khiến cho tổ quốc Việt Nam luôn ươm ấp niềm hy vọng dẫu qua bao tai biến.

 

Nghĩa cử của anh Phạm Hồng Sơn đã gây nhiều suy vấn trong tôi. Ở một nơi không có nhân quyền, chỉ có sự cưỡng bách và áp chế, anh đã dám thổ lộ một cách tích cực những nỗi niềm của anh, anh đã nói lên những khắc khoải chung của quần chúng. Chúng tôi, những người lưu vong, cư ngụ tại những xứ sở hội đủ các điều kiện về tự do, tin liệu và trí lực, chúng tôi đã thực hiện được những gì?

 

Đến đây tôi chợt nhớ lại một đề bài luận văn lúc còn bé: “Em sẽ làm những gì cho quê hương?”. Chao ôi khi ấy, ý văn sao dạt dào, tôi đã mê mải lấp đầy trang giấy bằng những giòng chữ và những suy tưởng thành tâm nhất. Bây giờ cùng một đề tài, duy cách dùng “THÌ” được đổi: “Bạn đã làm được gì cho quê hương?”, tôi lại bối rối. Đề luận ra, anh đã làm xong, trên một khía cạnh nào đó, tâm duy anh được an ổn. Còn lũ chúng tôi vẫn ngượng ngùng với cây viết và tờ giấy trắng. Hình như có nỗi trăn trở nào chợt chớm dậy, có lẽ gợi xuất từ những ưu tư ban đầu của anh. Mong rằng những băn khoăn mới tựu hình này sẽ thúc đẩy chúng tôi “có” được một tý gì cho quê hương.

 

Nếu thế thì, Phạm Hồng Sơn, những gì anh gieo rắc đã không vô tác hiệu. Đất nước chúng ta lại thêm niềm tự hào đã sanh ra những người trẻ vì nước dấn thân như anh. Và tôi cũng rất hãnh diện được chung một gia đình Y giới cùng anh. Vì hoài bão dân tộc, anh đang lâm hiểm nạn. Mong rằng những bạn đồng nghiệp của anh trên toàn thế giới tự do sẽ không bỏ rơi anh theo đúng tinh thần của bản tuyên thệ Genève: đồng nghiệp tương huynh đệ (**). 

 

Theo thiển ý, một trong những hành động thiết thực là việc gây quỹ giúp chị Hồng Sơn và các cháu nhỏ. Hy vọng rằng các hội đoàn y sĩ có thể đứng ra điều động các hội viên thực hiện cử chỉ tương thân tương ái này.

                                                                                                                      

 

*  Ý trích từ hai bài Trăn Trở 1 và 2 của Phạm Hồng Sơn (Tâm Việt)

** Lời thề Genève 1947, Điều 7: “Tôi xem đồng nghiệp như anh chị em ruột”.

 

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]