Tăng cường đàn áp và kiểm soát tôn giáo

 

Nhận xét vắn tắt về  Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp Hành

Trung ương Đảng khóa IX về Công tác Tôn giáo.

 

Đỗ Mạnh Tri

                       

Hội nghị của Ban Chấp Hành Trung ương đã diễn ra hồi đầu năm nay (từ 13 đến 21.01.03). Nhưng cuối tháng ba Nghị quyết về Công tác Tôn giáo mới được phổ biến trên tuần báo Công giáo và Dân tộc (số 1400, 20.03.03) và cuối tháng tư mới được biết đến trên mạng lưới.

Nghị quyết dài 3 trang. Chia thành 5 mục (I – V). Ký : Nông Đức Mạnh. Sau đây xin đề nghị vài nhận xét về những điểm cốt yếu.

 

1. Vấn đề chiến lược. Công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược hệ trọng vào bậc nhất đối với mọi đảng cộng sản. Điều này, ai cũng biết cả rồi. Nhưng Nghị quyết vẫn nhắc lại cho rõ : "Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng".  Nhiệm vụ của công tác tôn giáo là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.  Nhưng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực tế là đào sâu những chia rẽ và nghi kỵ đã có sẵn và nhất là tạo thêm những chia rẽ mới nhằm cô độc hóa mỗi cá nhân, mỗi thành phần dân tộc để buộc chặt người dân vào Đảng[1]. Có thế, Đảng mới tiếp tục nắm vững quyền toàn trị. Ngôn ngữ của Đảng gọi là 'an ninh chính trị' hay 'ổn định chính trị'. Ai cũng hiểu : khai trừ các đảng phái chính tri, tương đối dễ. Khai trừ tôn giáo, khó hơn. Tôn giáo liên hệ mật thiết với mọi mặt của đời sống cá nhân và xã hội, mà vì thế, nghiễm nhiên thành kẻ thù nguy hiểm nhất cho một chế độ muốn thống trị toàn bộ nếp sống con người.

 

2. Lùi từng bước. Lúc này thì Đảng quá biết : không thể tiêu diệt được tôn giáo. Nghị quyết công nhận : "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta" (NQ II, 1). Khẳng định này lấy lại y nguyên tuyên bố của Nghị Quyết 24 về Công tác tôn giáo, năm 1990, của Bộ Chính trị : "Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân" (NQ, I). Sau sự sụp đổ của khối Nga Xô, không còn cách nào khác. Người ta thường nói, đảng cộng sản lùi một bước để tiến hai bước. Trước kia thì như vậy. Lúc này không phải vậy. Cái thế lùi một tiến hai đã hết thời. Tất cả quyền lực và sự khôn khéo của Đảng ở cách lùi. Chỗ nào giữ được, Đảng giữ. Chỗ nào không thể giữ nổi, Đảng lùi theo cách của Đảng. Về kinh tế thì rõ như ban ngày. Không thể không hội nhập kinh tế thị trường. Vậy Đảng hội nhập, nhưng Đảng vẫn nắm độc quyền. Như thế gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụm từ 'theo định hướng xã hội chủ nghĩa' có nghĩa là Đảng đã quay lưng lại chủ nghĩa xã hội và vứt nó vào sọt rác[2] nhưng nhất định giữ chắc dân chủ tập trung. Dĩ nhiên, dân chủ tập trung rồi cũng hết, và Đảng biết rõ, tới lúc nào đó Đảng sẽ hết quyền lãnh đạo. Nhưng lúc đó, những ông tư bản đỏ đã thành những ông tư bản chính hiệu rồi. Về tôn giáo cũng thế. Chính sách tôn giáo của Đảng là tự do tôn giáo...  theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, trước sau như một, tín ngưỡng, tôn giáo tự do nhưng hướng thuộc quyền Đảng.

 

3. Bách hại. Khi có thể, Đảng tiếp tục đàn áp một cách ngang ngược, lộ liễu. Coi trường hợp cha Lý, ba người cháu của cha, Hoa, Việt, Cường và em Hoàng Trọng Dũng. Hay cách Đảng đối xử tàn tệ mấy chục năm qua với hai nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, HT Thích Huyền Quang và HT Thích Quảng Độ. Có điều những người này còn được biết tới và vì thế được ít nhiều bênh vực. Tại những vùng quê hẻo lánh, ai biết được con số những người bị truy bức, đánh đập, cầm tù vì lý do 'lợi dụng tư do tín ngưỡng'? Thô bỉ nhất là hành động cấm đạo dã man đối với các dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành ở vùng thượng miền Trung và miền Bắc. Từ đầu năm 2001 tới nay, quân đội và công an hợp lực với chính quyền địa phương đàn áp, bắt bờ, đánh đập, phạt tiền, bỏ tù...[3] Đất đai của họ bị chiếm cứ. Chính quyền đưa người Kinh từ Bắc và trong Nam tới (như Trung quốc làm với Tây Tạng !)... Những sự kiên này cả thế giới biết, nhưng Đảng vẫn bình chân như vại ! "Ở một số nơi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, một số người đã lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành những hoạt động chống đối, kích động tín đồ nhằm phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị" (NQ, I).

 

4. Bình thường hóa. Nhưng không phải lúc nào, chỗ nào Đảng cũng có thể du côn được. Khi hoàn cảnh không cho phép, Đảng thích ứng. Hoàn cảnh là "âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ" (NQ, III). Khi những thế lực này quá mạnh, nói cách khác, khi không thể không chấp nhận một số tự do tôn giáo, thì Đảng tổ chức những tự do đó để chúng nằm gọn trong lòng bàn tay Đảng. Điều Đảng không cấm nổi, Đảng cho phép. Đảng "Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật"(NQ, II,1). "Tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước"(NQ, III). Theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước ! Cụ thể là cơ chế xin-cho của Đảng. Trong cơ chế ấy, Đảng tìm cách 'bình thường hóa' các tôn giáo. Đảng tổ chức chặt chẽ các thứ tự do Đảng ban cho các tôn giáo để một mặt, thẳng tay loại trừ những phần tử 'xấu' của mọi tôn giáo, mặt khác giữ các tôn giáo trong vòng ảnh hưởng và kiểm soát của Đảng. Sau Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đảng đã cố bình thường hóa Hòa Hảo, Cao Đài và hiện nay là Tin Lành[4].  Phải công nhận đây là một biện pháp thông minh. Nó có vẻ có lợi cho cả đôi bên. Đảng "xem xét trong từng trường hợp cụ thể để cho phép"(NQ, I). Đi vừa ý Đảng, Đảng cho phép dễ dàng, có khi còn khuyến khích. Cũng một cái dây thòng lọng, khi nới lỏng, khi buộc chặt. Nhưng người ‘lãnh đạo’ dây thòng lọng vẫn là Đảng. Về phía các tôn giáo cũng không phải không có lợi. Được nới lỏng vẫn hơn là bị buộc chặt. Nhất là khi biết rằng, vì sức ép của hoàn cảnh trong ngoài, đặc biệt sức ép của những phần tử ‘xấu’, chính quyền sẽ còn nới lỏng hơn[5].

 

5. Trường hợp Giáo hội Công giáo. Chẳng nói ra, ai cũng biết: nếu công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược của Đảng, thì vì nhiều lý do, Công giáo vận là khâu rất quan trọng của công tác tôn giáo. Không phải vô tình mà Nghị Quyết coi tôn giáo là nhu cầu tinh thần "của một bộ phận nhân dân". Khách quan, đại đa số nhân dân Việt Nam theo một hay nhiều tôn giáo. Tại sao lại nói của một bộ phận? Tôi coi đây là một 'lapsus'. Nghĩ nhưng không tiện nói ra, rồi vẫn cứ nói ra một cách khó hiểu trên bình diện ngôn ngữ nhưng lại dễ hiểu về phương diện ý nghĩa : Công giáo hay Kitô giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Công giáo được đặc biệt 'ưu đãi'. Nên nhớ lại, Năm 1990 với Nghị quyết 24 của Bộ chính trị về Công tác Tôn giáo cũng là thời điểm Phái đoàn Tòa thánh Vatican sang thương thuyết với chính quyền Hà Nội ; thời điểm Đảng nói chuyện trực tiếp với các Giám mục Việt Nam thay vì nói với tay sai của Đảng, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước. Hồi đó, có người quan sát cách hời hợt tưởng rằng quan hệ giữa Vatican và Hà Nội, giữa Đảng và Giáo hội Công giáo Việt Nam đã trở nên tốt đẹp. Thật ra tình trạng có khá hơn trước nhưng vẫn “còn nhiều hạn chế”, theo lối nói xã giao của các Giám mục. Vậy trực diện tố giác những “hạn chế ấy” hay nín thở qua sông, tùy theo hoàn cảnh mà chèo chống để giữ vững con thuyền của Giáo hội qua cơn sóng gió? Nói chung, Giáo hội đã chọn giải pháp thứ hai. Kể cũng là một đường lối để giữ mình. Với đường lối ấy, Giáo hội nhất định thắng, vì Giáo hội quá biết, Đảng cộng sản không có tương lai. Vậy lúc này Giáo hội được Đảng nới lỏng là tốt. Ngoài ra, được đàng chân, lân đàng đầu : từ kiến nghị này đến cho phép khác - ngôn ngữ ngoại giao gọi là đối thoại, dung hòa - Đảng ở vào cái thế mỗi ngày phải nới lỏng hơn. Khác hẳn lối hành xử của một linh mục Nguyễn Văn Lý : cắt đứt dây thòng lọng. Tự do tôn giáo hay là chết ! Nói cách khác : sẵn sàng chết để sống tự do[6]. Ôn hòa nhưng không chút nhân nhượng. Vì tự do không thể chấp nhận độc tài ở bất cứ mức độ nào. Chưa nói tới Tin Mừng, chỉ xét về phương diện con người, thái độ ấy đáng cảm phục biết bao. Nhưng mấy ai có được thái độ ấy? Ai cũng thích tự do, nhưng mấy ai dám thực sự sống tự do? Những người như linh mục Lý sẽ vẫn cô đơn bao lâu chế độ độc tài còn ngự trị. Sự im lặng của hàng giáo phẩm Việt Nam vể vụ án cha Lý là một bằng chứng. Lá thư của Đc Phạm Minh Mẫn gửi cho Đại hội UBĐKCG, của HĐGMVN gửi cho Quốc hội cuối năm ngoái tuy rất mạnh mẽ nhưng vẫn chưa dám nhắc tới những trường hợp cụ thể như trường hợp lm Nguyễn Văn Lý

Nhân nhượng, khôn ngoan, đi từng bước hay dứt khoát cắt đứt dây thòng lọng? Đây không chỉ là vấn đề nội bộ của Giáo hội Công giáo. Đó là vấn đề của cả nước.

 

6. Chuyện lâu dài. Sớm muộn rồi độc tài cũng qua đi. Nhưng khi nào? Đảng không đời đời nhưng đừng tưởng Đảng chỉ nghĩ chuyện trước mắt. Vấn đề tôn giáo "còn tồn tại lâu dài", vậy công tác tôn giáo của Đảng cũng lâu dài. Đảng đã có hẳn một Viện nghiên cứu về tôn giáo, một Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo, một Ban tôn giáo chính phủ, một Ban chỉ đạo 184 của Trung ương và còn những ban, ngành kín đáo nào nữa? Nghị quyết đưa ra một số biện pháp rất đáng lưu ý:

- Đóng chặt Đạo vào nhà thờ : "Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo đúng quy luật"(NQ, II, 5). Chỉ một điều có vẻ tích cực như thế, đủ cho thấy tự do tín ngưỡng bị hạn chế tới đâu. Tôn giáo tự do là thứ tôn giáo hoàn toàn riêng tư. Không được ra khỏi nhà và nhà thờ, với điều kiện nơi thờ tự  đã hợp pháp lại còn phải theo đúng quy luật !

- Ảnh hưởng đường lối : "Hướng dẫn các tôn giáo thực hiện quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà Nước"(NQ III). Thật là trơ tráo. Chẳng cần ai tố cáo. Các ‘thế lực thù địch’, các tổ chức quốc tế chỉ đọc Nghi quyết này cũng đủ thấy : chính Đảng cho biết Đảng đang trấn áp tôn giáo. Đường lối đối ngoại của tôn giáo phải phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng. Nói gì đối nội ! Vậy khi Đảng tuyên bố tại Việt Nam có tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, không có tù chính trị, không có tù nhân lương tâm thì các Giám mục, Thượng tọa cũng phải hùa theo Đảng mà nói dối trắng trợn? Tiếc thay đã có những vị làm như thế. Thật ra Đảng khôn hơn. Thí dụ trường hợp Công giáo : không dùng được Ủy ban Đoàn kết Công giáo để sai khiến Giáo hội, Đảng tìm cách đưa người của Ủy ban này vào cơ cấu tổ chức của Giáo hội. Điển hình là lm Huỳnh Công Minh, làm Tổng đại diện của Tổng Giám mục Sài Gòn từ năm này qua năm khác, như một người không ai thay thế nổi. Các Tổng Giám mục qua đi. Tổng đại diện vẫn.. lâu dài. Nhưng lm Huỳnh Công Minh ai cũng biết. Lưu manh hơn là ảnh hưởng đường lối của Giáo hội để chính Giáo hội có đường lối riêng của Giáo hội mà vẫn phù hợp với hay it ra không trực tiếp chống lại đường lối đối ngoại của Đảng. Giúp đỡ những phần tử cơ hội trong hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ ; đối xử tử tế với những tu sĩ, linh mục, giám mục đạo hạnh nhưng 'mềm dẻo'; đề cao những vị có thiện cảm với UBĐKCG hay ít ra không chống lại UBĐKCG để họ có những vị trí then chốt trong tổ chức của Giáo hội... Đó là những điều Đảng thường làm một cách rất nghề nghiệp và Đảng cũng nói rõ trong nhiều văn kiện. Khách quan mà nhìn : Giáo phẩm không kiên nhẫn chờ đợi bằng Đảng. Trong việc bổ nhiệm Giám mục, truyền chức linh mục chẳng hạn.

- Lấy truyền thống chống tà đạo : " Giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân ; tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc (...) tạo cơ sở để đấu tranh chống những tà đạo, những hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo... " (NQ IV, 2). Đọc qua, thấy ngọt xớt. Nhưng mấy chữ 'lợi dụng tôn giáo' đủ làm người đọc cảnh giác. Đề cao truyền thống để giữ ghế là biện pháp Đảng dùng từ khi chủ nghĩa xã hội đã được thay thế bằng định hướng xã hội chủ nghĩa. Cứ xem cách Đảng buộc đồng bào các dân tộc thiểu số bỏ đạo Tin Lành để trở về với tín ngưỡng truyền thống của họ, thì đủ biết, mục tiêu không phải là chống mê tín dị đoan[7]. Kể ra, đây cũng là một biện pháp rất truyền thống. Xưa kia, vua quan bách hại đồng bào công giáo cũng nhân danh truyền thống, nhân danh thuần phong mỹ tục để cấm Giatô tà đạo.

 

7. Thực dụng.

Trên đây là chuyện lâu dài trên bình diện tạm gọi là lý thuyết. Có những chuyện lâu dài rất thực dụng.

- Đảng phá sản rồi cho phép tôn giáo xây dựng lại. Đảng đánh, rồi Đảng cho phép tôn giáo xoa. Nghị quyết viết : "Giải quyết việc tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... của Nhà nước", dĩ nhiên là "theo quy định của pháp luật"(NQ, IV, 3). Có cần nhắc lại :  ‘xã hội hóa’ là thứ ngôn ngữ kỳ khôi để chỉ một biện pháp đi ngược lại chủ nghĩa xã hội, vì xã hội hóa đơn thuần là tư nhân hóa? Giáo dục xuống cấp thê thảm, tệ nạn xã hội tràn lan, bất công, áp bức, nghèo đói... Các tôn giáo đã chẳng chờ Đảng để hàn gắn những vết thương do Đảng gây ra. Chính Đảng đã và còn đang gây nhiều khó khăn cho công việc từ thiện. Bây giờ, Đảng cho phép và khuyến khích các tôn giáo tham gia trong một số lãnh vực cần 'xã hội hóa'.  Dĩ nhiên không phải tất cả mọi lãnh vực ! Tệ nạn xã hội lớn nhất, làm căn nguyên cho nhiều tệ nạn khác, là tham nhũng. Nhưng Đảng giữ độc quyền chống tham. Dễ hiểu thôi ! Muốn chống tham nhũng thực sự phải chống Đảng. Mà xét cho kỹ : ‘chủ trương xã hội hóa’ là một thứ tham nhũng tinh vi. Những việc mà lẽ ra Nhà nước phải làm, bây giờ Nhà nước 'cho phép' dân làm để Nhà nước dùng tiền của dân làm chuyện khác. Thao nào, Nghị Quyết cũng có cái nhìn tích cực về tôn giáo : “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”(NQ, I). Chẳng biết xã hội mới của Đảng là xã hội nào, nhưng từ bi, bác ái thì khai thác được : có lợi cho Đảng. Còn công bằng, tôn trọng sự thật, vô úy không biết có được Đảng coi la đao đức tôn giáo không. Nghe nói Đc Phạm Minh Mẫn đang quyên tiền xây một nhà thương lớn và tối tân để giúp đỡ dân nghèo. Đảng cho phép. Nếu Đức cha yêu cầu Đảng trả lại những Nhà thương, trường học Đảng đã chiếm đoạt chắc là không xong.

- Lâu dài? Đoạn mại ! Nghị quyết nói rõ :"Đối với việc khiếu kiện liên quan đến  nhà và cơ sở tôn giáo đã chuyển giao cho chính quyền hoặc đoàn thể sử dụng : về nguyên tắc, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành ; riêng đối với những trường hợp nhà, đất do tôn giáo đã hiến tặng có văn bản xác nhân thì không đặt vấn đề trả lại"(NQ, IV, 3). Diễn nôm : đã chiếm đoạt rồi thì không có trả lại. Chuyện lâu dài ở đây, Đảng muốn biến nó thành chuyện đoạn mại. Ai bảo Đảng nhiều ảo tưởng? Lý thú hai chữ nguyên tắc : xử lý theo quy định của pháp luật của Đảng đã chẳng ra gì rồi, thế mà có xử lý chăng là trên nguyên tắc thôi ! Còn trong thực tế cũng tùy ngẫu hứng và lòng tham của các đầy tớ nhân dân[8].

 

Kết luận

 

Do sức ép "của những thế lực thù địch", một mặt Đảng đương tìm cách bình thưỡng hóa các tôn giáo, tức nhượng bộ và ban bố một số tự do nhưng đưa các tôn giáo vào khuôn phép của Đảng. Nếu cần, bình thường hóa luôn cả những phê phán mạnh mẽ và biến những phê phán ấy thành chứng cớ của “tự do tôn giáo tại Việt Nam”, với điều kiện những phê phán này không trực diện chống đối chế đo[9]ä. Tiến trình bình thường hóa cho phép Đảng loại trừ trắng trợn những thành phần tôn giáo dám trực diện chống đối. Có một thứ biên giới vô hình nhưng rất rõ ràng giữa những tự do tín ngưỡng tôn giáo được bình thường hóa, thứ tự do cá chậu chim lồng và tự do tôn giáo thực sự, tự do...  bình thường. Biên giới rất rõ ràng này xê dịch với hoàn cảnh, thời gian. Tùy theo hoàn cảnh, Đảng có thể lùi thêm một bước và mở rộng hàng rào.

Hiện nay hàng rào của Đảng vẫn chắc, và Đảng dự trù rào kín hơn, chắc hơn, uyển chuyển hơn để luôn luôn cập nhật. Công tác Tôn giáo từ đây trở thành mặt trận đại quy mô. Được tổ chức chi tiết, cặn kẽ. Nghị quyết là Nghi quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, huy động toàn bộ các tổ chức của Đảng từ trên xuống dưới. Không chỉ có Ban Tôn giáo Chính phủ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và mọi thứ tay sai (như Ủy ban Đoàn kết Công giáo), tất tất đều phải tăng cường quản lý, vận đông, tuyên truyền. Công việc đào tạo cán bô làm công tác tôn giáo được Đảng đặc biệt chú ý : sẽ là công việc đào tạo dài hạn. Các cán bộ này sẽ được bồi dưỡng đúng mức. Một Pháp lệnh về tôn giáo sẽ được ban hành nay mai, dẫn tới một Luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Tôi có cảm tưởng những người dứt khoát đấu tranh cho tự do tôn giáo trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, họ sẽ bị cô đơn hóa hơn. Tại hải ngoại công việc đấu tranh và hỗ trợ người ở nhà hẳn cũng sẽ phức tạp hơn.

                                                                                   

 

Paris 17/05/03.

 



[1] Viết Đảng chữ hoa không phải vì đề cao đảng cộng sản,  nhưng vì, như mọi người đều biết, chế độ cộng sản, trong bản chất của nó, không chấp nhận bất cứ một tổ chức nào (tôn giáo, chính trị, văn hóa, kỹ thuật...) bên ngoài vòng kiềm tỏa của đảng cộng sản. Một khi nắm được chính quyền, đảng cộng sản dùng mọi biện pháp, kể cả những biện pháp nhân đạo, để trở thành Đảng, tức thành cơ cấu tổ chức độc nhất và toàn bộ của xã hội. Chỉ có tại những nước dân chủ, người ta mới cần đặt tên cho một đảng vì tại những nước này có nhiều chính đảng. Trong chế độ cộng sản không có chính đảng, tức những tổ chức chỉ tranh đấu trên bình diện chính trị nhằm lên nắm chính quyền, chỉ có Đảng. Khi người cộng sản nói : « tất cả là chính trị », điều đó có nghĩa rằng kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật v.v.. tóm lại, mọi lãnh vực của đời sống cá nhân, tập thể đều thuộc quyền Đảng.

[2] Nghi quyết phân biệt hai giai đoạn cách mạng, và viết : "Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, vấn đề tôn giáo có những nội dung mới. Năm 1990... ". Như vậy, cách mạng xã hội chủ nghĩa khởi đầu từ năm 1990, khi chỉ còn có 'định hướng xã hội chủ nghĩa', tức từ khi Đảng bỏ rơi chủ nghĩa xã hội !  Còn trước đó Nghi quyết coi là "cách mạng dân tộc dân chủ" ! Cải cách ruộng đất, Vụ án Nhân văn Giai phẩm, Hợp tác xã, Vụ án xét lại chống Đảng và tất cả những gì xảy ra trong Nam sau 1975 cho đến 1990 đều là cách mạng dân tộc dân chủ cả !

[3] Tài liệu ‘Tối mật’ Kế Hoạch 184 B, Phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định xã hội, xây dựng cơ sở chính trị vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số đang có đạo Tin Lành (03/05/1999) cũng công nhận sự kiện cấm đạo này : « Ở một số tỉnh, do thấy nguy cơ của sự mất ổn định, trong một số năm đã chủ trương tiến hành các đợt chống truyền đạo trái phép : Tuyên truyền phê phán âm mưu kẻ xấu ; xử lý bằng pháp luật với người truyền đạo ; yêu cầu đồng bào cam kết bỏ đạo ; thậm chí phạt tiền, phạt thóc (...). Nhưng nhìn chung (...) kết quả rất hạn chế. Nơi làm mạnh thì dường như sinh hoạt tôn giáo lắng xuống, âm ỉ, đồng bào sinh hoạt không công khai. Bị thúc ép nhiều hơn, đồng bào bỏ quê di cư sang tỉnh khác, đi xa hơn vào các tỉnh Tây nguyên hoặc chuyển sang theo công giáo. Giải quyết vấn đề tôn giáo trực diện bằng cách phê phán, ngăn chặn, thu hẹp, cam kết xóa bỏ đạo đã không mang lại kết qua như mong muốn ; đông bào theo Tin Lành mặc cảm, xa chính quyền hơn, không nói thật, dấu giếm việc theo đạo của mình ». Chính quyền biết thế ít là từ năm 1999. Nhưng những bản báo cáo của Human Rights Watch hay của Amnesty chứng tỏ đồng bào dân tộc thiểu số theo Tin Lành ngay lúc này đây, tháng 04/03 đang bị bách hại nặng nề.  Có lẽ vì biết thế nhưng bí thế trước sự « bùng nổ » của Tin Lành nên chính quyền cứ tiếp tục làm càn? 

[4] Về điểm này, Kế hoạch 184A cũng nói rõ : khi tổ chức Đại hội Đại biểu Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành (miền Nam) năm 2000, chỉ làm cho « đồng bào Kinh ở đồng bằng. Không mở rộng ra vùng dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Nam Trường Sơn và những nơi mới theo đạo ». Và Đại hội lần thứ 32 của Hội thánh Tin Lành miền Bắc năm 1999 tại Hà Nội cũng « không mời những người theo đao Tin Lành trong đồng bào dân tộc ».

[5] Thái độ của Đảng đối với Thầy Huyền Quang hiện nay nhằm ‘bình thường hóa‘ GHPGVNTN để bới đi được một cái gai trong nước, và nhất là ngoài nước. Tiếp tục khinh rẻ và bách hại GHPGVNTN lúc này, lợi ít hại nhiều. Muốn kiềm chế những tăng thống có uy tín với GH  một cách hiệu quả hơn không thể mãi mãi để GH ngoài vòng pháp luật. Nhưng làm cách nào để GHPGVNTN có chỗ đứng xứng đáng, trong khi GHPGVN vẫn « là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và nước ngoài như Hiến chương GHPGVN quy định? Đây là vấn đề quan trọng cho chính quyền trong những ngày tháng sắp tới. Và cũng quan trọng không kém về phía nội bộ Phật giáo. Vẫn là câu chuyện thống nhất Phật giáo.

Xin trích lại điều tôi đã viết trong cuốn Đọc Thông điệpHướng về Thế kỷ XXI của HT Thích Huyền Quang (tái bản tại Hoa kỳ, 2000) :

Muốn có cái nhìn tương đối vô tư, nên xem hai chứng từ của hai chứng nhân quan trọng : Bản Nhận Định vế những sai lầm tai hại của Đảng cs Việt Nam đối với nhân dân và Phật giáo Việt Nam của thầy Thích Quảng Độ và hồi ký của Đỗ Trung Hiếu, trong Phật giáo Thống nhất/Thống nhất Phật giáo (nxb Tin, Paris 1994). Thầy Quảng Độ viết : « Khoảng đầu năm 1980,lần đầu tiên cố HT Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, TT Thích Trí Tịnh Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự và TT Minh Châu Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục được Nhà nước cộng sản mời với tư cách cá nhân đi dự cuộc ‘gặp mặt đầu năm‘ do ông Nguyễn Văn Linh, bí thư thành ủy chủ trì... Ba vị về cho chúng tôi biết có cả hòa thượng Thích Đôn Hậu (...) Về sau, cố hòa thượng Trí Thủ được ai đó bầu làm trưởng Ban vận động thống nhất Phật giáo, TT Trí Tịnh phó trưởng ban và TT Minh Châu làm thư ký. Từ đó ba vị đi họp luôn, có khi ra họp ngoài Hà Nội, và cứ mỗi lần đi họp về, các vị đưa vấn đề ra trước Viện Hóa Đạo xin góp ý kiến ». Sau này hòa thương Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo sẽ được bầu làm Trị sự trưởng của GHPGVN.

            Mai ngày, khi hết độc tài, những tăng ni phật tử thành tâm, dù có những chọn lựa nào đi nữa, cũng phải bắt tay nhau. (...) thán phục thái độ cương nghị và dứt khoát của những Tăng Ni như thầy Quảng Độ không có nghĩa là phải tố cáo toàn thể các Tăng Ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tr. 87-88)

            Trong số những tăng ni phật tử tại các tự viện, các trường Phật học (của GHPGVN) có bao nhiêu người thành thực theo Đảng, bao nhiêu người vì tình thế ép buộc mà ít nhiều thỏa hiệp cho qua ngày, hoặc châm chước để được việc? Tất nhiên, nếu cương nghị cả như Thầy Quảng Độ thì còn gì bằng. Nhưng sự thể đã không ra thế. Tôi có cảm tưởng rằng năm 1981, một khi đã cam nhận sự hướng dẫn của chính quyền, những người đứng ra cáng đáng công việc thống nhất Phật giáo Việt Nam đã bị bó buộc chấp nhận nhiều điều họ không muốn chấp nhận và đã cố gắng tối đa thực hiện những gì có thể thực hiện được. Dù sao, ý chí thống nhật Phật giáo Việt Nam đã có từ trước khi có chính quyền cộng sản tại Việt Nam, và tới nay vẫn chưa thực hiên. Hồi đó, Đảng muốn thống nhất Phật giáo. Tăng ni cũng muốn thống nhất Phật giáo. Dĩ nhiên, đối với người phật tử, thống nhất Phật giáo đơn giản là ... thống nhất Phật giáo. Còn đối với chính quyền, thống nhất Phật giáo là sát nhập Phật giáo miền Nam vào Phật giáo miền Bắc (cũng như thống nhất đất nước là là miền Bắc vươn dài tới miền Nam), mà Phật giáo miền Bắc thì đã ‘thống nhất’ với Đảng rồi.

            Đàng khác, và đây là điều hết sức quan trọng, đối với Đảng, thống nhất Phật giáo chỉ có nghĩa là thông nhất tăng ni (cũng như Ủy ban Đoàn kết Công giáo yêu nước chỉ là Ủy ban Đoàn kết linh mục tu sĩ yêu nước). Không phải vì Đảng nghĩ rằng nắm được tăng ni là nắm được phật tử. Nhưng vì trong một thể chế toàn trị chuyên chính vô sản, dân chủ tập trung, không thể có một định chế, một tổ chức xã hội nào nằm ngoài vòng tay chính quyền. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết là đoàn kết từng người Việt Nam một  với Đảng, thông qua các định chế xã hội của Đảng, tức phải ly tán người dân ra khỏi mọi định chế, mọi cơ cấu, mọi tổ chức có trước (gia đình, làng mạc, giáo hội, hiệp hội...) để họ tay không gia nhập, tức nộp mình cho Đảng hay một tổ chức ngoại vi của Đảng. Tăng ni thì có GHPGVN, phật tử thì có Đoàn thanh niên công sản, Hội phụ nữ, Hội nhà văn...

            Trong Bản Nhận Định, Thầy Thích Quảng Độ cho biết, người cộng sản gọi Công giáo là cứt gà, lết vào quần áo không thể rửa sach, chỉ có cắt đi ; còn Phật giáo là phân gà, phủi đi là xong. Phật giáo không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ bằng Công giáo. Dễ thao túng. Nhưng đấy là nói về tổ chức. Tăng ni bị thao túng, hẳn cũng ảnh hưởng đến phật tử tại gia. Có điều đạo Phật đã thấm nhuần nếp sống người dân từ mấy ngàn năm nay, kể cả người dân đảng viên. Thay đổi lòng người đâu có phải chuyện ngày một ngày hai (mà phủi đi được).

            (...) Thích Trí Thủ : Ôn tâm sự với tôi (Đỗ Trung Hiếu) : Thống nhất kiểu này, tới cũng khó mà lui cũng khó. Tôi thưa với Ôn :Thực tế diễn ra có thể tốt hơn. Mấu chốt bây giờ là con người. Mình phải uyển chuyển. Ôn đồng tình. Nhưng lòng không vui » 

            Nhưng lòng không vui ! Đọc, thấy thương mến Ôn Già Lam. (tr. 93-96)

[6] Có người cho đó là hăng máu tử đạo mà không hiểu rằng đó là khẳng định và biểu lộ sức mạnh của sự sống.

[7] Ngược lại, có lẽ chỉ có mê tín dị đoan mới được Đảng cho tự do thực sự vì cái đó tự nó không thể có sức phản kháng lại Đảng trái lại hoàn toàn có lợi cho Đảng trong việc mê hoặc ru ngủ quần chúng.

[8] Coi vụ dòng Thiên An. Đất đai của nhà dòng, người của chính quyền đã mua đi bán lại cho nhau. Chẳng tài nào đòi lại được. Trừ khi...

[9]Nghị quyết ra sau thư của Đc Phạm Minh Mẫn, Tgm Sài Gòn, gửi cho Đại hội của UBĐKCG. Thê nhưng Đc Mẫn vẫn đi nước ngoài. Chứng tỏ Đảng tôn trọng tự do tôn giáo của Đc Mẫn. Cũng như Đảng đang tôn trọng tư do tôn giáo của Thầy Huyền Quang.

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]