Ðơn Khiếu Nại Về Một QUYẾT ÐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

(xung quanh thủ tục khai báo tạm vắng)

 

 

Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Ðộc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

 

Kính gởi:

  1. Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.
  2. Các cơ quan hữu trách trong tỉnh Lâm Ðồng:
    • Hội Ðồng Nhân Dân Ðà Lạt và Lâm Ðồng.
    • Tỉnh Ủy, UBND Tỉnh và thành phố ÐL.
    • Công An tỉnh và thành phố ÐL.
    • Sở Tư Pháp LÐ, kho bạc tỉnh LÐ.
    • Ðảng Ủy, UBND và Công an Phường 2 Ðà Lạt.
  3. Báo chí và công luận.

 

Tôi là Ðặng thị Thanh Biên, 65 tuổi, cán bộ hưu trí, hộ khẩu tại 4E Bùi Thị Xuân, Ðà Lạt, Lâm Ðồng. Sáng 10-12-2003 tôi đưa chồng tôi (ông Nguyễn Xuân Tụ, 65 tuổi, tức Hà Sĩ Phu) ra Hà Nội khám bệnh. Trước khi đi tôi đã gặp ông Lê Thanh Hà, tổ trưởng dân phố, để báo cáo sự vắng mặt của 2 vợ chồng tôi, tôi còn nói thêm rằng tôi đã viết sẵn giấy khai tạm vắng để ở nhà (giao cho cháu tôi là Nguyễn Xuân Qúy), nếu cần giấy này thì anh nói cháu Quý đem nộp. Tôi còn gặp mấy gia đình trong khu tập thể 4E Bùi Thị Xuân để nói chuyện việc tôi đưa chồng ra Hà Nội khám bệnh. Sáng ngày 26-12-2003 (tức là sau đó nửa tháng), vợ chồng tôi đã trở về nhà tại Ðà Lạt, và ngay buổi chiều hôm đó tôi đã gặp ông Hà để báo chúng tôi đã về.

Việc trình báo tạm vắng, tôi nghĩ thế là chu đáo.

Không ngờ ngày 9-1-2004 chúng tôi bị mời lên Công an phường 2 để kiểm điểm về việc không thực hiện trình báo tạm vắng. Tôi đã trình bày lại việc tôi đã trình báo với Tổ trưởng dân phố như vừa kể trên, và chồng tôi thì nói rõ thêm về tình trạng bệnh tật lúc ấy rất trầm trọng, đã chữa tại Ðà Lạt hàng tháng không khỏi, khi đi rất vội vàng nhưng vẫn không quên việc trình báo.

Bất chấp lời trình bày đúng sự thật, có lý có tình ấy, đại uý Công an Hàn Văn Khanh của phường 2 vẫn kết luận là chúng tôi đã phạm luật, vẫn yêu cầu tôi viết bản tường trình, đồng thời lập biên bản lấy lời khai chi tiết của chồng tôi như thể biên bản hỏi cung. Ông Khanh chỉ cho chồng tôi xem một điều khoản trong một Nghị định và giải thích thêm: Ðấy chú xem, hễ là công dân Việt nam trên 15 tuổi, khi đi khỏi nơi cư trú một ngày thôi là phải trình báo. Không thể trình bằng miệng mà phải làm đơn, vì đây là việc xin và cho, xin phép thì phải xin nơi có quyền cho phép, phải là nơi có con dấu, tổ trưởng dân phố làm gì có con dấu mà cho phép chú ?. Chồng tôi nói: “Ði vắng chỉ cần báo chứ không cần xin phép, cả nước Việt Nam này tôi chẳng thấy ai đi vắng mấy ngày mà xin phép Công an cả, thậm chí trình Tổ trưởng cẩn thận như tôi cũng chẳng mấy người trình đâu !”.

Nhưng ông Khanh vẫn cứ lập thêm 2 biên bản nữa: “Biên bản về Vi phạm hành chính”, trong đó có hẹn “đúng 8g sáng 12-1-04 có mặt ở Công an phường 2 để giải quyết”. (đáng chú ý là ở đây chỉ có một việc, việc tôi đưa chồng tôi đi chữa bệnh, mà phải làm riêng mỗi người một biên bản ?).

Mặc dù rất khó chịu về cách giải quyết kỳ lạ, nhưng đung hẹn trong giấy, tôi vẫn đến trụ sở Công an, nhưng rất lạ là Công an lại đi vắng, không để lại một lời nhắn gì ở phòng thường trực. Kiên nhẫn chờ nửa giờ, tôi đành bỏ về.

Hai hôm sau Công an lại đến, không một lời xin lỗi, mà đưa tiếp 2 giấy mời nữa hẹn sáng 16-1-04 lại lên Công an để nhận Quyết định phạt vi phạm hành chính. Lúc này tôi phê bình Công an đã làm việc không nghiêm túc, không đúng hẹn. Còn chồng tôi phân tích rõ: “Đây chỉ có một việc: vợ tôi đưa tôi là bệnh nhân đi khám bệnh, vợ tôi là chủ hộ lại là người đã trực tiếp đi trình báo, vậy các anh nói chuyện với vợ tôi thôi chứ sao lại phải làm 2 giấy, tôi không có phận sự gì phải làm việc với các anh cả !”.

Sáng 16-1-04 tôi lại lên đồn Công an và Công an đưa cho tôi 2 “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, một cái phạt tôi, một cái phạt chồng tôi, mỗi người 60,000 đồng, phải nộp tiền phạt tại kho bạc Nhà nước. Tại đồn Công an tôi đã nói lên tất cả những điều vô tình, vô nghĩa như tôi đã trình bày ở trên. Nhưng ông Khanh một lần nữa lại khẳng định: Bất cứ người dân nào, muốn đi đâu một ngày phải được Công an cho phép, Công an không cho phép không được đi !.

Giữa lúc mọi nhười đang chuẩn bị Tết cổ truyền, thì hai vợ chồng già hưu trí chúng tôi, vẫn đang ở tình trạng bệnh tật phải điều trị, mà bị gây phiền hà như vậy ? Không biết “luật” này là áp dụng cho tất cả mọi người hay chỉ được viện ra riêng cho gia đình tôi ? (Đã 8 năm nay chồng tôi chưa ra khỏi Đà Lạt).

Vì thế tôi khiếu nại và kiến nghị:

  1. Hủy bỏ 2 Quyết định xử phạt hành chính nói trên đối với tôi và chồng tôi.
  2. Việc áp dụng luật pháp như trong trường hợp này, nếu được coi là đúng luật pháp thì có nghĩa là hầu hết dân ta hiện nay đều phạm pháp !

Vì tôi đi hỏi tất cả những người sống quanh mình thì đều được trả lời: cả đời tôi sống ngần này tuổi đầu, kể cả dưới thời Pháp thuộc, chưa lần nào đi nghỉ chơi trên đất nước mình mà tôi phải xin phép và chờ sự cho phép của Công an cả !.

Nhưng nếu lời của Công an phường 2 như đã nói ở trên là đúng quy định của luật pháp thì tôi kiến nghị Nhà nước nên có kế hoạch cho toàn dân học tập quy định này để cả nước cùng tự giác thực hiện: trước khi có việc cần đi vắng nhà phải làm đơn xin phép Công an khu vực cho đúng pháp luật, chờ được phép rồi hãy đi !.

Tôi xin trân trọng cảm ơn và mong đợi sự phúc đáp.

 

Đà Lạt ngày 16-1-2004

Người khiếu nại

Đặng Thị Thanh Biên

(4E Bùi Thị Xuân, Đà Lạt).

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]