Tổng kết tất niên: Dân chủ giảm tốc độ năm 2004

Lâm Lễ Trinh

 

Khỉ ra đi, gà sắp đến, Saddam Hussein nằm ấp đúng một năm, đợi ngày vác chiếu ra Tòa trả lời về các tôi ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và diệt chủng.  Tuy nhiên, Saddam thở phào bớt lo khi được biết thủ tục truy tố tạm đình.  "Đây sẽ là vụ án của thế kỷ, chúng ta cần chuẩn bị chu đáo", Mouwafak al-Rubaie, cố vấn  của Hội đồng An ninh Irak tuyên bố.  "Chúng ta không thể hấp tấp xử (Saddam) khổ sai chung thân hay một hình phạt nào khác, đưa y lên đoạn đầu đài 100 lần như dân chúng đòi hỏi." Sự thực mà al Rubaie không tiện nói ra là, để cứu thủ cấp của mình, Saddam chắc chắn sẽ tíết lộ trước dư luận quốc tế mối liên hệ thầm kín giữa y và các cường quốc Mỹ, Âu trước khi xảy ra chiến tranh vùng Vịnh. Đặc biệt, Saddam và các luật sư biện hộ sẽ không ngại đưa ra ánh sáng hồ sơ Hoa thịnh Đốn, Paris và Luân đôn đã giúp  chế độ Baas,  gần hai thập niên,  chống Iran (1980),  dẹp tan làng kurde nổi loạn tại Halabja bằng hơi ngạt (1988), tranh dành biên giới với Koweit (1990), áp đảo thiểu số chiite (1991)..v..v.. Làm thế nào ngăn xì-căn-đan  nổ lớn? Làm sao tránh cho một số lãnh tụ của "Thế giới tự do" bị đòi ra Tòa cung khai ?

Cuối 2004, thường dân Irak nhận thấy đời sống vẫn không thay đổi, sánh với năm 2003.  Đất nước của họ bị quân đội Mỹ chiếm đóng dài dài, dân chủ chưa lố dạng, bạo hành tràn lan...Hiện trạng vẫn hỗn loạn, tương lai còn mờ mịt, khủng bố không ngưng gia tăng, dù số  lính Mỹ thương vong vượt trên một ngàn, mỗi ngày người chết như rạ. 

1- Tình trạng phát triển dân chủ trên thế giới năm vưà qua

Trên địa cầu, bất động là tình trạng nói chung. Sự phát triển dân chủ nay bị đình hoãn, điều này ít thấy trong những năm gần đây. Trong 2004, tin không mấy khích lệ là, theo phúc trình của nhóm tranh đấu nhân quyền  Freedom House, chỉ có một nước tự do được công nhận: quốc gia Caraibe (Antigua và Barbuda), với dân số 68.000. Tin tốt là thế giới không  mất  một xứ tự do nào.

Tuy nhiên, có nguy cơ thế giới sẽ mất đi một quốc gia "tự do một phần, partly free". Thật vậy, sau khi dẩn đầu cuộc trình diễn ngoạn mục giã từ  chuyên chế và áp đảo, nước Nga thụt lùi trở lại một mình, trong những tháng gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, vào con đường độc đoán. Tổ chức Freedom House, lần đầu tiên, áp dụng tĩnh từ "không tự do, not free" sau ngày đế quốc Nga sô sụp đổ.

Ở những nơi khác, không có gì thay đổi nhiều. Hiện nay, có 89 xứ  đủ điều kiện mang nhãn hiệu tự do, tăng lên từ con số 76 năm 1994. 44% nhân loại sống tự do; 19%, trong những nước "tự do một phần," và 37%, không tự do.

Tổng thống Vladimir Putin  chẳng những tóm thu quyền bính và loại trừ đối thủ trong xứ mà lại còn ra mặt ủng hộ tại quốc gia láng giềng Ukraine một ứng cữ viên  Tổng thống bị tố cáo gian lận bầu cử.  Bất chấp áp lực của Điện Cẩm Linh, dân chúng Ukraine  ào ạt xuống đường, đòi tổ chức bầu cử lại ngày 26 tháng chạp vừa qua. Ứng cử viên đối lập Viktor Yushchenko thắng cử và tuyên bố: "Dân chúng Ukraine đã thay đổi đất nước của họ một cách ôn hòa, êm  đẹp và lịch sự, không đổ một giọt máu." Theo Freedom House, đường lối cai trị của Putin  gây thương tổn nặng cho dân quyền và quyền tự do chính trị tại Nga. Từ 1997, Haiti là một xứ lâm vào tình thế đáng tiếc tương tự. Người chịu trách nhiệm, Jean Bertrand Aristide, phải lưu vong vì Quân đội Haiti nổi loạn. Đến nay, vị Tổng thống mất chức vẫn nói chính Hoa kỳ đã bắt cóc  và trục xuất ông khỏi xứ.

Tại Venezuela, trái lại, Tổng thống Hugo Chavez đã thoát hiểm và thắng một  cuộc  bỏ phiếu bất tín nhiệm của quần chúng  do Hoa Thịnh Đốn giựt dây. Nam Dương, quốc gia Hồi giáo đông dân nhứt trên thế giới, thành công tổ chức tuyển cử dân chủ trong một ngày. 125 triệu  cử tri  đã đi bầu cho 448,000 ứng cử viên.

Dân Afghanistan đã bầu ngày 9.10.2004, trong một hoàn cảnh  khó khăn,  vị Tổng thống đầu tiên sau khi một "Liên minh quốc tế chống khủng bố." giải thoát cuối năm 2001 đất nước đau khổ này khỏi tay nhóm Hồi giáo cực đoan Talibans.  Uy lực của TT Hamid Karzai hiện không vượt quá ranh giới thủ đô Kabul. Ông được mệnh danh một cách biếm nhẻ  "Thị trưởng Kabul."   Một số lãnh chúa quân sự và loạn quân Talibans đang kiểm soát  phần lớn lãnh thổ. 15.000 quân nhân Mỹ, với sự phụ tá của 2.000 lính Đồng minh, bảo vệ trật tự một cách gian khổ. Nền dân chủ son trẻ Afghanistan bị đe dọa nặng nề vì vướng nhiều sắc thái đa dạng và phức tạp: tôn giáo (sunnites chống chiites), sinh ngữ (persans chống pachtounes), dân tộc (Hazaras, Tadjiks, Pachtounes...).

Đa số các xứ Hồi giáo chưa hưởng ứng nhiệt tình bầu cử tự do. Khi Liên đoàn Á rập, Arab League, hủy một phiên họp thượng đỉnh chỉ vì một vài chính phủ đoàn viên phật ý về việc chương trình nghị sự có ghi "thủ tục dân chủ" và "nhân quyền", thì tạp chí Economist  liền phê bình: " Không có một lãnh tụ Á rập nào cho đến nay bị truất phế êm thấm qua đường lối đầu phiếu kín."

Trường hợp này cũng xảy ra trong vùng Phi châu thuộc Sahara. Giữa 1960 và 1990, chỉ có một lãnh tụ bị  dân hạ bệ bằng lá phiếu. Tuy nhiên, sau đó, có 18  lãnh tụ khác  mất chức vì cử tri không tín nhiệm.

Trong thế giới ngày nay, Trung quốc là trở ngại lớn nhứt  để thể hiện dân chủ. Phân nửa dân số trên địa cầu sống trong quốc gia khổng lồ thiếu tự do căn bản này. 100.000 người tại Hồng kông, một thủ phủ  hưởng quy chế bán tự trị, đã tràn xuống đường trong dịp đầu năm để đòi quyền bầu lãnh tụ của họ. Vừa rồi, lần đầu tiên, tại Hoa Thịnh Đốn, Trung quốc tham gia cuộc Hội nghị các tổng trưởng tài chính của nhóm 7 đại cường (Nhựt, Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Ý và Anh). Đây là dấu hiệu  nước Tàu trở lại trên sân khấu quốc tế. Trong tương lai không xa, Trung quốc sẽ là đối thủ kinh tế và chính trị đáng lo ngại nhứt của Hoa kỳ. Để tránh giải thể và trở thành một siêu cường, Trung cộng chọn giải pháp biến thể.Với Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, lý  thuyết cộng sản đang lần hồi đổi mới để thích hợp với những đòi  hỏi của hệ thống toàn cầu hóa kinh tài quốc tế. "Xã hội  chủ nghĩa thiết thực, socialisme réel", hiện đem ra áp dụng, là một hình thức thử quốc gia hóa cộng sản, nhấn mạnh vào yếu tố dân tộc, uy quyền Nhà nước và chống lại dân chủ lối tư bản (nationalisme étatico-autoritaire et anti-démocratique). Dư luận thường nhắc câu nói bất hủ của Đặng Tiểu Bình: "Mèo đen hay mèo trắng, không quan trọng, miễn bắt được chuột!" Vai trò lớn được dành lại cho Đảng-Nhà nước, État-Parti. Sở dỉ các chế độ tàn dư của xã hội chủ nghĩa như Trung quốc, Viêt Nam và Cuba  còn tồn  tại sau ngày thành trì Nga sô sụp đổ là vì ở các nước này, cuộc thí nghiệm cộng sản  không bị áp đặt từ bên ngoài (như các quốc gia Tây Âu) mà bắt nguồn từ những đấu tranh trong xứ để dành độc lập.

Đặc biệt, ê-kíp cầm quyền ở Hànội luôn luôn hướng về Bắc kinh khi có nhu cầu cải cách. Thành quả mà họ gặt hái được còn quá yếu nếu sánh với nước làng giềng đàn anh vì họ thiếu khả năng lãnh đạo, không có viễn kiến chính trị, phe phái nội bộ và tham nhũng hết thuốc chửa.Trên phương diện thực thi dân chủ và nhân quyền, Việt Nam là một nước lạc hậu và hiện bị Hoa kỳ xếp vào hạng các nước "đáng quan ngại". Bất chấp dư luận quốc tế, gần đây, chính phủ Hà nội gia tăng đàn áp  các phần tử đối lập, thiểu số Thượng, Phật giáo và đạo Tin Lành. Chúng còn ngáo ngổ gởi Tôn Nữ Thị Ninh, thành viên củaỦy ban đối ngoại tại Quốc hội, qua Hoa kỳ để "giải độc" dư luận.         

2 - Mẩu hàng dân chủ USA

Sau hết, một vấn đề đáng lưu ý:  chính quyền George W Bush chủ trương thay đổi bộ mặt của địa cầu bằng cách xuất cảng mẫu hàng dân chủ Hoa kỳ. Nhiều học giả đã phân tích và chỉ trích đường lối này. Một số người còn đưa ra ý kiến "chủ thuyết  tư bản chống xu hướng Dân chủ". 

Đối với phần lớn dư luận, toàn cầu hóa kinh tế được đồng hóa với Hoa kỳ và hệ thống tư bản. Nhiều người tin chắc rằng sự phát triển kinh tế căn cứ trên tự do mãi dịch sẽ đem lại ấm no và dân chủ. Quan niệm như thế là có phần hấp tấp. Thật vậy, chiếu theo bản phúc trình chót của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, UN Development Program, hay UNDP, 1 tỷ 3 dân chúng - tức là một phần tư  tổng nhân số  của địa cầu -  hiện sống với ít hơn một đô la  mỗi ngày.  Năm 1960, trước khi có hiện tượng toàn cầu hóa, 20% dân giàu nhất trên thế giới ba chục lần giàu hơn 20% số dân nghèo nhất. Năm 1997, khi phong trào toàn cầu hóa tăng đến tột đỉnh, thành phần giàu nhất này 74 lần giàu hơn trước.

Khoảng cách giàu-nghèo không ngưng gia tăng mỗi ngày.  Hiện nay, tổng số lợi tức quốc gia GNP của tất cả khối quốc gia mở mang (600 triệu dân) vẫn không đuổi theo kịp tài sản cọng chung của ba nước phồn thịnh nhất trên địa cầu. Trong 15 năm chót, lợi tức theo đầu người giãm thê thảm tại 80 xứ tức là hơn phân nữa số quốc gia trên thế giới. Ở Nga, 150 triệu dân (trong tổng số 200 triệu) sống trong cảnh cơ cực và bấp bênh. Tỷ lệ khiêm nhường 1% của tổng tài nguyên thế giới có thể giải quyết tận gốc, trong vòng 20 năm, nạn nghèo đói trầm trọng của nhân loại. 

Kết luận

Ignacio Ramonet, chủ biên báo Le Monde Diplomatique, nhận xét rằng toàn cầu hóa là biểu tượng đoạn kết của một chu kỳ. Chúng ta hiện nay chẳng những ở vào giai đoạn chót của thời đại kỹ nghệ (với một tân kỹ thuật) và của cuộc cách mạng tư bổn đầu tiên (đi đôi với cách mạng tài chính) mà còn ở cuối chặng đường của một chu kỳ trí tuệ, mệnh danh Thời đại của Lý trí, the Age of Reason, theo định nghĩa của các triết gia thuộc thế kỹ 18. Từ thời đại này đã phát xuất  ngành chính trị học tân thời và hai cuộc cách mạng Pháp quốc và Hoa kỳ. 

Câu hỏi hiện nay là sự thành công của phong trào mãi dịch tư do và việc thắng thế của xu hướng toàn cầu hóa sẽ đưa đến một chế độ toàn trị hay không?  Làm thế nào để tránh một sự  xung đột giữa chủ thuyết tư bổn và trào lưu dân chủ? 

Chế độ tư bổn tập trung tài nguyên và quyền lực kinh tế vào tay của một thiểu số.  Sự kiện này nêu ra một vấn đề căn bản: Phải phân phối lại bao nhiêu để biến sự chế ngự của thiểu số người giàu thành một thực tế có thể chấp nhận  được đối với phần còn lại của nhân loại ?   Thương trường không thể một mình tìm ra giải pháp cho vấn đề.

Làm thế nào chận được phân nữa địa cầu nổi loạn và bạo hành? Chính quyền George W. Bush hiện tin tưởng có thể áp đặt bằng võ lực mẫu dân chủ Hoa kỳ trên thế giới nói chung và tại Trung Đông nói riêng. Thí trường Irak và Afghanistan chứng minh giấc mơ này khó thành sự  thật. nếu không dựa vào sự ủng hộ nhiệt tình và trình độ phát triển văn hóa, kinh tế của dân địa phương.

Học giả Karl Hess đã đúc kết phần nào ý nghĩ chung của dư luận bàng quan khi ông nhận xét: "Nơi nào đó dọc theo lằn ranh, ý thức rằng một phần trăm tổng nhân số nhân loại có thể kiểm soát 99 phần trăm còn lại không còn là một điều hợp lý."

Năm 1879, khi được biết dân chúng Bá Lê xuống đường và đòi hỏi bánh mì (bread), Hoàng hậu Marie Antoinette nói: "Hãy để cho họ ăn bánh (vẽ), Let them eat cake!".

Những lời hứa suông không đủ nuôi sống quần chúng đói khát. 

 

LÂM LỄ TRINH

Tết Ất Dậu

Thủy Hoa Trang

Californie

 

THƯ TỊCH

1- "Democracy's  spread stalls" by Steve Chapman, Chicago Tribune, dec 27.2004

2- "L'Afghanistan abandonné aux seigneurs de la guerre" par Farhad Khosrokhavar dans Le Monde diplomatique, octobre 2004

3- " Les ressorts cachés du dynamisme chinois " par Roland Lew dans Le Monde diplomatique. octobre 2004

4-  "The Lonely Superpower", by Samuel Huntington,  Foreign Affairs, NY March/ April  1999.

5-   " Debate on globalization" between Thomas L. Friedman of The New York Times and Ignacio Ramonet, editor of Le Monde Diplomatique.

 

 


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]