Nhận định sơ khởi về Pháp lệnh tôn giáo của Cộng sản Việt Nam

 

(Nhân hội thảo về Pháp lệnh của Hội đồng Liên tôn vào tháng 8-2004 tại California, Hoa Kỳ)

 

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Lm Phêrô Phan Văn Lợi

 

 

            Kính thưa Quý vị Thượng tọa, Mục sư, Hiền tài, Linh mục thuộc Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ

            Kính thưa Quý tham dự viên và toàn thể đồng bào,

            Chúng tôi là hai linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Phêrô Phan Văn Lợi, thành viên Hội đồng Liên tôn đoàn kết quốc nội, trong tâm tình hiệp thông với linh mục Nguyễn Văn Lý, linh mục Chân Tín và với hết mọi thành viên Hội đồng Liên tôn đoàn kết quốc nội, xin được có đôi lời về Pháp lệnh tôn giáo mà Cộng sản Việt Nam vừa ban hành mới đây.

 

            Chúng tôi xin nhận định về lý do, mục đích, biện pháp và hậu quả của Pháp lệnh này.

            · Về lý do của Pháp lệnh tôn giáo, theo chúng tôi nghĩ  là có ba:

            - Lý do thứ nhất: CS vốn là một đảng phái và chế độ toàn trị độc tài tự bản chất, luôn nuôi tham vọng quản lý xã hội, định hình văn hóa và uốn nắn lương tâm theo chủ thuyết phi nhân bản, phản dân tộc của mình. Bỏ tham vọng này thì CS sẽ không còn là CS nữa.

            - Lý do thứ hai: CS biết rằng tôn giáo là một thế lực tinh thần mạnh mẽ, có sức giáo dục lòng người, động viên ý chí và cải tạo xã hội mà lại hoàn toàn đối nghịch với CS về mọi phương diện và không thể đội trời chung với CS.

            - Lý do thứ ba: CS đang thấy các tôn giáo tại Việt Nam -cụ thể là những vị chức sắc và tín đồ dũng cảm- đang lần lượt đứng lên để đòi lại tự do cho mình và cho đồng bào, phơi bày mặt thật và làm lung lay quyền lực của CS. Tiếng nói của các giáo hội ngày càng mạnh mẽ, uy tín của các giáo hội ngày càng dâng cao.

            · Về mục đích của Pháp lệnh tôn giáo, chúng tôi thiết nghĩ cũng có ba:

            - Mục đích thứ nhất: Làm cho các tôn giáo không thể phát triển về tổ chức cũng như bị tê liệt trong hoạt động, hầu ảnh hưởng tốt lành của các tôn giáo bị giới hạn lại nơi quần chúng và trên toàn xã hội.

            - Mục đích thứ hai: Làm cho các tôn giáo, vì bị trói buộc tư bề, chỉ còn dồn tâm trí và sức lực để bảo toàn cơ cấu và sinh hoạt có sẵn của mình, và như thế ngày càng lệ thuộc nhà nước trong cơ chế xin-cho.

            - Mục đích thứ ba: Làm cho các tôn giáo đánh mất bản chất của mình là trở thành lương tâm cho xã hội, thầy dạy cho con người, chứng nhân cho chân thiện mỹ, để cuối cùng trở thành công cụ ngoan ngoãn trong tay đảng CS.

            · Về biện pháp của Pháp lệnh tôn giáo, theo thiển ý của chúng tôi là có năm, như chúng tôi đã có lần trình bày chi tiết trong bài viết “Sợi xích sắt năm vòng”.

            - Biện pháp thứ nhất: Siết chặt cương vị của các tôn giáo, nghĩa là công nhận tư cách pháp nhân cho tôn giáo. Hiện nay, ngoại trừ Công giáo, thì Phật giáo quốc doanh, Hòa hảo quốc doanh, Cao đài quốc doanh và Tin lành quốc doanh mới được công nhận như pháp nhân. Còn các Giáo hội chính thống như Phật giáo Thống nhất, Hòa hảo thuần túy, Cao đài đích thực và một số Hội thánh Tin lành đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, chẳng có hy vọng được CS công nhận.

            - Biện pháp thứ hai: Siết chặt nhân sự của của các tôn giáo, bằng cách kiểm soát việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong và bổ nhiệm hàng chức sắc cũng như chức việc, bằng cách thọc sâu vào việc tự điều hành của các dòng tu, đặc biệt bằng cách cấp giấy phép hành nghề tôn giáo (như thấy trong dự thảo Nghị định áp dụng Pháp lệnh) để loại trừ những người được huấn luyện và hoạt động ngoài vòng kiểm soát của chính quyền.

            - Biện pháp thứ ba: Siết chặt hoạt động của các tôn giáo, trước hết bằng cách tạo ra khái niệm “truyền đạo hợp pháp” và “truyền đạo bất hợp pháp”, thứ đến là giới hạn địa điểm hoạt động: trong phạm vi các nơi thờ tự (do đó cấm truyền đạo tại gia đình, học đường, công sở, bệnh viện, nhà tù và thậm chí trên internet), cuối cùng bằng cách bắt đăng ký hoặc xin phép trước mọi hoạt động tôn giáo dù lớn dù nhỏ.

            - Biện pháp thứ tư: Kiểm soát tài sản của các tôn giáo, một là để tìm cách giới hạn việc phát triển của tổ chức tôn giáo, hai là để tìm cách chiếm đoạt cướp bóc các tài sản này như vô vàn trường hợp đã chứng minh. Ngoài ra, khi để cho tài sản của các giáo hội ở vào tình trạng pháp luật không rõ ràng trong bộ luật dân sự, CS khiến các giáo hội không thể sử dụng quyền sở hữu của mình được.

            - Biện pháp thứ năm: Kiểm soát việc liên lạc của các tôn giáo, nhằm làm cho các giáo hội mất đi sự hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất của các đồng đạo hải ngoại, làm cho ảnh hưởng tôn giáo từ bên ngoài khó xâm nhập vào Việt Nam, làm cho thế giới khó biết rõ về hiện trạng của tôn giáo tại quốc nội.

            · Về hậu quả do Pháp lệnh gây ra, chúng tôi nghĩ  rằng cũng có ba:

            - Hậu quả thứ nhất là hậu quả cho CS: Pháp lệnh càng phơi bày bộ mặt vừa tàn bạo, vừa ngu xuẩn, vừa gian dối giả nhân giả nghĩa của CS, cho thấy các lãnh đạo CS, đầu thế kỷ XXI này, vẫn nuôi cuồng vọng tiêu diệt những thực thể tinh thần rất tốt đẹp đã tồn tại hàng ngàn năm trên đất Việt.

            - Hậu quả thứ hai là hậu quả cho dân tộc Việt Nam: Đảng CS, chủ nghĩa CS và chế độ CS đã, đang và sẽ chỉ tạo ra những nhà giáo vô lương tâm, những y sĩ vô đạo đức, những quan tòa vô liêm sỉ, những viên chức vô trách nhiệm và những thế hệ trẻ vô lý tưởng. Tôn giáo lúc này đang cần cho đất nước hơn bao giờ hết, thế mà CS vẫn nhất quyết trói tay các giáo hội lại.

            - Hậu quả thứ ba là hậu quả cho các tôn giáo: Pháp lệnh sẽ đẩy các giáo hội hoặc đến chỗ phải thỏa hiệp luồn lách để tồn tại, đánh mất bản chất và sứ mệnh hầu bảo toàn sinh hoạt và cơ cấu, như thế là chỉ còn lại cái vỏ; hoặc đến chỗ phải đứng lên để đương đầu với bạo quyền vô thần duy vật trong tinh thần hiếu hòa nhưng can đảm của các vị tử đạo, hầu bảo vệ bản chất của mình.

            · Để kết luận, vấn đề cấp thiết đặt ra cho mọi người dân Việt trong và ngoài nước - đặc biệt các tôn giáo - là phải bằng mọi giá, giải thể cho được chế độ CS duy vật vô thần đang phá bỏ di sản quá khứ của tổ tiên, làm băng hoại bao thế hệ hiện tại và đẩy dân tộc vào một tương lai mịt mờ; đồng thời phải làm mọi cách để các giáo hội được phục hoạt và phát triển trong tự do để canh tân đất nước như đã làm hồn sống cho dân tộc và văn hóa dân tộc suốt giòng lịch sử.

 

            Xin kính chào và cảm ơn tất cả Quý vị. Xin Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện và gương sáng của các thánh tử đạo, ban đầy tràn đức thông tuệ, lòng can đảm và chí quyết tâm cho mọi tín đồ tôn giáo Việt Nam.

 

            Gởi đi từ Huế ngày 27-07-2004.

 

           

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]