VỀ VỤ BẮT GIAM VÀ TÁI BẮT GIAM LINH MỤC NGUYỄN VĂN LÝ

 

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống*

Ngày 3-8-2011

 

 

 

Từ hơn 30 năm trong hai thế kỷ 20 và 21, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị bắt giữ và giam cầm tất cả 4 lần vì đã đứng lên đòi tự do, công lý và nhân quyền:

Năm 1977 Cha bị bắt giữ 4 tháng “vì có những hành vi Tuyên Truyền Chống Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Năm  1983 Cha bị Tòa Thừa Thiên kết án và giam giữ 10 năm về tội “Phá Hoại Chính Sách Đoàn Kết”.

Một  tháng sau vụ Đại Khủng Bố 11 Tháng 9, ngày 19-10-2001, Đảng Cộng Sản Việt Nam lợi dụng thời cơ leo thang khủng bố và đã xử phạt Cha 15 năm tù về hai  tội “Phá Hoại Chính Sách Đoàn Kết” và “Vi Phạm Quyết Định Quản Chế Hành Chánh”.  

Và ngày 30-03-2007 Cha lại bị Tòa Thừa Thiên kết án 8 năm tù về tội “Tuyên Truyền Chống Nhà Nước”.

Như vậy trong 34 năm (từ 1977 đến 2011), Cha Lý đã bị Tòa kết án 33 năm tù.

Tuyên truyền chống nhà nước là một tội đại hình nghiêm trọng về xâm phạm an ninh quốc gia mà hình phạt có thể đến 12 hay 20 năm tù.  

 Bản tường trình này vụ vào 3 đề mục:

1. Về căn cứ của tội trạng

2. Về sự vi phạm quyền biện hộ của bị cáo

3. Về sự tái bắt giam Linh Mục Nguyễn Văn Lý

 

I.  Về Căn Cứ của Tội Trạng

Về mặt pháp lý tuyên truyền chống chế độ hay tuyên truyền chống nhà nước không cấu thành tội hình sự. Vì tuyên truyền chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu và tự do thông tin (tuyên truyền). Cùng với quyền tự do lập hội và lập đảng, những quyền này được bảo vệ bởi các Điều 18, 19 và 22 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị.

Chiếu Điều 18: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng”.

Chiếu Điều 19: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu, quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi tin tức ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông, không kể biên giới quốc gia”.

Chiếu Điều 22: “Ai cũng có quyền tự do lập hội” [kể cả các hội dân sự và các hội chính trị hay chính đảng].

Hơn nữa chiếu Điều 69 Hiến Pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền thông tin (tuyên truyền), có quyền lập hội (dân sự và chính trị), và quyền biểu tình (tự do hội họp)”.

Do đó các bản án phạt Linh Mục Nguyễn Văn Lý vì những hành vi thông tin tuyên truyền phản đối nhà nước và thành lập các hội dân sự (như Khối 8406) và các hội chính trị (như Đảng Dân Tiến) đã hiển nhiên vi phạm hiến pháp quốc gia và công ước quốc tế.

Về tội tuyên truyền chống chế độ, giữa thế kỷ 19, Các Mác công bố bản “Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản” kêu gọi vô sản thế giới đứng lên đấu tranh võ trang để lật đổ các chế độ tư bản. Vậy mà ông ta đã không bị Tòa Án Luân Đôn truy tố về tội tuyên truyền chống chế độ tư bản chủ nghĩa. 

Và sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ tại Đông Âu năm 1989 và tại Liên Sô năm 1991, nhân loại đã vứt vào thùng rác lịch sử chế độ ngụy xã hội chủ nghĩa. Vì vậy Đảng CS Việt Nam đã giảo hoạt thay đổi tội danh, từ tuyên truyền chống chế độ (Điều 82 cũ) thành tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88 mới).

Tuyên tuyền chống chế độ và tuyên truyền chống nhà nước là những tội trạng giả tạo không thấy trong các bộ hình luật của các quốc gia văn minh trên thế giới.

Chiếu Điều 15 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị : “Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều đã làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế, [luật pháp quốc tế là những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia, như  những nguyên tắc và mục tiêu ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế vể Những Quyền Dân Sự và Chính Trị].

Về tội tuyên truyền chống Nhà Nước, Điều 88 Khoản 1 Điểm (b) cũng kết tội “dùng chiến tranh tâm lý để tuyên truyền gây hoang mang trong nhân dân”. Đây là một tội lỗi thời, tàn tích của thời Chiến Tranh Lạnh.

Người Cộng Sản thường lầm lẫn luật pháp với chính trị. Họ sáng chế ra những tội trạng giả tạo phi- pháp- lý như phản động, phản cách mạng, địa chủ gian ác, cường hào ác bá, xét lại chống đảng, biệt kích văn nghệ v...v... Đối với họ, chính trị là thống soái và luật pháp là công cụ. Bộ Hình Luật năm 1985 cũng xác nhận điều đó: “Trong hệ thống pháp luật của nước Cộng Hòa XHCNVN, luật hình sự là một công cụ sắc bén của Nhà Nước chuyên chính vô sản để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong chiều hướng đó Quốc Hội Cộng Sản  đã ban hành những đạo luật hình sự  quy định những tội trạng bịa đặt giả tạo và cưỡng ép lố bịch với những yếu tố cấu thành tội trạng hết sức bao quát và mơ hồ,  như các tội tuyên truyền chống chế độ, tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ, phá hoại chính sách đoàn kết v...v....

Việt Nam đã tham gia Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị năm 1982 nên có nghĩa vụ phải tôn trọng và thực thi những điều khoản ghi trong Công Ước như các Điều 18, 19 và 22 quy định quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền tự do lập hội và lập đảng. Chiếu Điều 2 Công Ước, các quốc gia hội viên tham gia Công Ước cam kết sẽ tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền tự do cơ bản đã được thừa nhận trong Công Ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp các quốc gia hội viên kết ước không quy định thành văn những quyền này trong luật pháp hay hiến pháp thì những điều khoản về nhân quyền và về những quyền tự do cơ bản của người dân ghi trong Công Ước Dân Sự và Chính Trị vẫn có hiệu lực chấp hành và phải được áp dụng tại các tòa án quốc gia và quốc tế.

Vả lại, năm 2008 Việt Nam đã ban hành đạo luật xác nhận hiệu lực và giá trị thượng tôn của Công Ước Dân Sự Chính Trị Liên Hiệp Quốc đối với luật pháp và hiến pháp quốc gia.

Như vậy về mặt pháp lý, tuyên truyền không phải là một tội hình sự, dù là tuyên truyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước. Đây chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền thông tin tuyên truyền, quyền đối kháng và quyền thay thế chính quyền bằng tự do tuyển cử chiếu nguyên tắc Dân Tộc Tự Quyết.

Trong Phần Mở Đầu, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 đã minh thị thừa nhận quyền đối kháng: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ dân chủ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải đứng lên đối kháng chống áp bức và bạo quyền”.

Vì con người không phải là á thánh nên xã hội cần phải có chính quyền. Và vì nhà cầm quyền cũng không phải là á thánh nên luật pháp phải dành cho người dân quyền kiểm soát, đối kháng, chế tài và thay thế chính quyền. Nếu không có tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền thông tin tuyên truyền, quyền đối kháng bằng phê bình chỉ trích thì không có dân chủ. Nếu người dân không có quyền tự do tuyển cử để tham gia chính quyền và thay thế chính quyền thì đảng cầm quyền sẽ hủ hóa thành độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực.

Như vậy, tuyên truyền lên án nhà nước độc tài tham nhũng, bất công hay bất lực là những hành vi chính trị  cần thiết trong một chế độ dân chủ pháp trị. Nó không cấu thành tội hình sự.

Tại các quốc gia dân chủ, tòa án không truy tố và kết án những hành vi thông tin tuyên truyền cho chủ thuyết cộng sản. Tòa cho đó chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu để cổ võ một chủ thuyết trừu tượng (abstract doctrine). Chỉ khi nào có các tổ chức nhằm  lật đổ chính quyền bằng tập hợp võ trang  và khởi sự hành động võ trang gây nguy hiểm rõ rệt trước mắt cho an ninh quốc gia, thì đương sự mới bị truy tố ra tòa, không phải về tội tuyên truyền chống nhà nước, mà về tội phản nghịch.

Nói tóm lại, tại các quốc gia dân chủ lấy Luật Quốc Tế Nhân Quyền làm kim chỉ nam hành động, tòa án không truy tố người dân về những tội giả tạo về tuyên truyền chính trị, dầu là tuyên truyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước.

Trong điều kiện này, nếu vụ án tuyên phạt Linh Mục Nguyễn Văn Lý 8 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước được đưa ra trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì Khối Công Tác Điều Tra về Giam Giữ Độc Đoán sẽ thụ lý. Và Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ tuyên Nghị Quyết lên án sự bắt giam Cha Lý là độc đoán.

 

II. Quyền Biện Hộ Bị Vi Phạm Thô Bạo

Ngoài những vi phạm về nội dung liên quan đến căn cứ của tội tuyên truyền chống nhà nước, bản án ngày 30-3-2007 của Tòa Thừa Thiên còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đặc biệt là quyền biện hộ của bị cáo.

Theo quan niệm luật pháp phổ thông, Thủ Tục hay Hình Thức điều tra thẩm vấn là chị em sinh đôi của Tự Do (Procedure or Form is a twin-sister of  Liberty). Nếu thủ tục bị vi phạm thì tự do nhân thân cũng bị vi phạm và hồ sơ truy tố sẽ vô hiệu. Trong trường hợp này Tòa sẽ miễn nghị bị cáo.

Điều 14 Công Ước Dân Sự Chính Trị dành cho bị cáo quyền được có luật sư biện hộ do chính họ lựa chọn. Chiếu Điều 58 Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam, bị cáo bị truy tố về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (như tuyên truyền chống nhà nước) không được quyền nhờ luật sư biện hộ khi cuộc điều tra chưa kết thúc. Đây là một nghịch lý. Vì nếu phải chờ cuộc điều tra kết thúc rồi mới nhờ luật sư thì đã quá muộn. Chỉ cần viện dẫn điều này cũng đủ để giải thích tại sao Luật Tố Tụng Hình Sư Việt Nam đã vi phạm Điều 14 Công Ước Dân Sự Chính Trị theo đó “mọi người đều được bình đẳng trước tòa án, được nhờ luật sư biện hộ do họ lựa chọn, được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và vô tư và được quyền có đủ thời gian và phương tiện để liên lạc với luật sư và chuẩn bị sự biện hộ”.

Trong vụ xét xử Cha  Lý tại Tòa Thừa Thiên ngày 30-3-2007, chẳng những không có luật sư biện hộ mà Cha Lý cũng không được quyền tự biện hộ. Vì trong phiên xử  một tên công an chìm (mặc thường phục) đã bịt miệng Cha Lý không cho phát biểu, và như vậy đã tước đoạt quyền tự biện hộ của Cha.

Do những vi phạm thô bạo về thủ tục tố tụng, bản án kết tội Cha Lý phải được tuyên bố là vô hiệu và phải bị hủy bỏ.

Ngoài ra, như đã trình bày, về nội dung liên quan đến căn cứ của tội trạng, Cha Lý không thể bị kết án về tội tuyên truyền chống nhà nước, một tội giả tạo và lố bịch. Và những hành vi của Cha Lý không cấu thành tội hình sự nào chiếu luật pháp quốc gia  như Điều 69 Hiến Pháp, và luật pháp quốc tế như các Điều 18, 19 và 21 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Tòa Án Việt Nam phải tôn trọng.

 

III.  Về Vụ Tái Bắt Giam Cha Lý

Ngày 30 tháng 3-2007, Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị kết án 8 năm tù và phải thụ hình tại trại tù Ba Sao (Hà Nam). Tới tháng 11- 2009 Cha đã 3 lần bị tai biến mạch máu não gây liệt nửa người bên phải (stroke and brain tumor). Mặc dầu vậy Cha đã không được điều trị kip thời. Mãi 2 tuần sau Cha mới được chuyển tới một bệnh viện trong trại tù tại Hà Nội để rồi lại  phải trở về trại tù Ba Sao hồi tháng 12-2009. Vì bệnh tình không thuyên giảm, ngày 15-3-2010 Cha được Tòa Án quyết nghị cho chuyển về Nhà Chung Tòa Tổng Giám Mục Huế để điều trị trong 1 năm, (từ tháng 3-2010 đến tháng 3-2011). Tuy nhiên tới ngày đó Cha vẫn chưa bình phục nên  vẫn được giữ lại điều trị tại Huế. Bỗng nhiên, 4 tháng sau, ngày 25-7-2011 Cha được lệnh của Tòa Hà Nam truyền chấm dứt thời gian chữa bệnh tại Huế để bắt giam trở lại thụ hình tại trại tù Ba Sao.

Đây là một vi phạm nghiêm trọng về Thủ Tục Tố Tụng  quy định trong Chương 33 về “Các Biện Pháp Bắt Buộc Chữa Bệnh”. Chiếu các Điều 311 và 315 Luật Tố Tụng Hình Sự, trong trường hợp người đang thụ hình mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình thì Tòa Án phải mở cuộc giám định y khoa. Và căn cứ vào Bản Phúc Trình của Hội Đồng Giám Định Y Khoa, Tòa Án có quyền quyết định đưa đương sự vào một Trung Tâm Y Tế Chuyên Khoa để bắt buộc chữa bệnh.  Và khi khỏi bệnh đương sự phải trở về  trại tù để tiếp tục thi hành án văn.

Trong hiện vụ, chiếu Điều 317 Luật Tố Tụng Hình Sự, sau thời gian điều trị tại cơ sở y tế (tại Huế), căn cứ vào kết luận của Bản Phúc Trình của Hội Đồng Giám Định Y Khoa xác nhận Cha Lý đã thực sự bình phục Tòa Án mới có quyền tái bắt giữ Cha Lý để giải về trại tù tiếp tục thụ hình.

Điều đáng lưu ý là Tòa Án Hà Nam chỉ ra nghị quyết cho Cha Lý về điều trị tại cơ quan y tế Huế trong 1 năm từ tháng 3-2010 đến tháng 3-2011. Vì tới tháng 3-2011 Cha Lý vẫn chưa khỏi bệnh nên Tòa Án đã không buộc Cha Lý phải giải về trại tù Ba Sao để tiếp tục thi hành án văn. Mãi 4 tháng sau, ngày 25-7-2011 Tòa Án mới ra quyết định tái bắt giam Cha Lý chuyển về trại tù Ba Sao để “phục hồi tố tụng”.

Vậy mà trong thời gian 16 tháng (từ tháng 3-2010 đến tháng 7-2011) không có bản phúc trình nào của Hội Đồng Giám Định Y Khoa (tại Huế) xác nhận Cha Lý đã khỏi bệnh và có đủ sức khỏe tinh thần và thể chất để tiếp tục thụ hình.

Do đó quyết định của Tòa Án Hà Nam truyền tái bắt giam Cha Lý đã hiển nhiên vi phạm Luật Tố Tụng Hình Sự trong các Điều 311, 315 và 317.

Việc này liên quan mật thiết đến sự sống của Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Và Nhà Cầm Quyền Hà Nội phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sinh  mạng và sức  khỏe của Cha.

Do đó Tòa Án Hà Nam phải lập tức cho Cha Lý trở về cơ quan y tế điều trị tại Nhà Chung Tòa Tổng Giám Mục Huế để chữa cho Cha Lý cho đến khi thực sự bình phục như đã quy định trong Chương 33 Luật Tố Tụng Hình Sự.

Theo giới am hiểu sở dĩ có việc đột ngột tái bắt giữ Cha Lý còn đang lâm bệnh vì, trong những tháng vừa qua, Cha đã lên tiếng kêu gọi dân chúng hành sử quyền biểu tình quy định trong Điều 69 Hiến Pháp để biểu dương lực lượng đứng lên đòi chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông Hải chống chính sách bá quyền của Đế Quốc Bắc Phương muốn lấn chiếm hầu hết hải phận  Biển Đông Nam Á trái với tinh thần và bản văn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết tham gia từ năm 1982.

Sự tái bắt giam Cha Lý là một bằng chứng hiển nhiên cho thấy Nhà Cầm Quyền Hà Nội đã phản bội quyền lợi của Tổ Quốc và đã ngoan ngoãn tuân hành mệnh lệnh của ngoại bang, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Vì những lý do nói trên

Chúng tôi khuyến cáo Tòa Án hãy tức thời phóng thích và trả tự do vô điều kiện cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một Tù Nhân Ngôn Luận và Lương Tâm  đã bị kết  án oan ức 33 năm tù trong hai thế kỷ 20 và 21.

Văn thư này được thông tri cho các cơ quan chính quyền và các tổ chức quốc tế về Công Lý và Nhân Quyền, đặc biệt là Hội Văn Bút Quốc Tế và Hội Ân Xá Quốc Tế.

 

 

 ------------------------------------------------------------------------------------ 

 

 

* Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

 

-  Hành nghề luật sư tại Việt Nam, Pháp và Hoa Kỳ từ năm 1954 đến nay.

-  Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa (1966-1967).

-  Cố Vấn Sáng Lập Hội Luật Gia Việt Nam tại California (từ 1979 đến nay).

-  Chủ Tịch Sáng Lập Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền (từ 1990 đến nay)

-   Cố Vấn Sáng Lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (từ 1997 đến nay)

 

Đã Xuất Bản các Tác Phẩm về Dân Chủ và Nhân Quyền:

-      Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội (1957)

-      Nền Dân Chủ Trong Các Tân Quốc Gia (1960)

-      Cẩm Nang Nhân Quyền (1998)

-      Luật Quốc Tế Nhân Quyền (1998-1999)

-      Restoring The Historic Truth (2003)

-      Hiến Chương Nhân Quyền Cho Việt Nam (2005)

-       Biện Minh Cho Các Tù Nhân Lương Tâm (2007)

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]