VIỆT NAM: ÐẢNG CSVN CÓ ÐẠO KHÔNG?

Pháp lệnh Tôn giáo, Tín ngưỡng 2004 tồi tệ hơn Sắc lệnh 1955

Phạm Trần

 

Hoa Thịnh Ðốn.- Hỏi đảng Cộng sản Việt Nam có đạo không là việc thừa thãi vì có đến 90% cán bộ, đảng viên và thành phần Ðại biểu Quốc hội đều khai KHÔNG ở mục “thành phần tôn giáo” trong tờ khai lý lịch của họ. Nhưng tại sao người CSVN lại vô thần và sợ người có Tín ngưỡng?

Trước hết, người Cộng sản không tin có Thượng đế và không tin có Thần thánh nhưng lại cổ vũ cho việc lập bàn thờ Hồ Chí Minh và bắt treo ảnh họ Hồ cao hơn tượng Chúa, tượng Phật và hình ảnh của Cha mẹ. Họ bài bác mê tín dị đoan nhưng lại tán thưởng và cổ vũ cho việc lập đền thờ Bà Nguyễn Thị Ðịnh, người nữ đảng viên Cộng sản, quê Bến Tre, theo Hồ Chí Minh từ thiếu thời.

Họ cũng chống phá lãng phí trong ma chay, lễ hội, cưới hỏi nhưng lại tổ chức rình rang đám tang cho cấp lãnh đạo, đảng viên cao cấp và đám cưới con cán bộ là dịp để cho cấp dưới đến đóng tiền tạ ơn!

Tôn giáo dậy con người làm việc thiện, tránh điều ác, ăn ngay ở lành, hoà thuận thương yêu nhau và không gian tham. Tôn giáo cũng không kỳ thị, không gây thù chuốc oán cho ai và không từ bỏ một ai dù người ấy có hành động phản đạo.

Như vậy tại sao đảng CSVN lại tìm cách chống người có Tín ngưỡng và kìm kẹp các tổ chức Tôn giáo của người theo đạo?

Họ nói: ”Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.” Và cam đoan:” Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.” (Trích Pháp Lệnh Tôn Giáo, Tín Ngưỡng ban hành ngày 12-7-2004).

Nhưng trong thực tế người CSVN đã thi hành những cam kết này như thế nào?

CON DAO HAI LƯỠI

Truớc hết, hãy bàn về những việc cấm cản ghi ở khoản 2, điều 8 của Pháp lệnh này, theo đó người có đạo: “ Không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đểphá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích thích bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.”

Nhưng khi người dân phản đối việc cán bộ Nhà nước ngăn cản họ tập hợp để thờ phượng, giảng đạo như đã xẩy ra ở nhiều nơi trong nước, đặc biệt ở Tây nguyên và khu vực sinh sống của người Hmong ở miền bắc thì người theo đạo có phạm tội “phá hoại hòa bình”, “vi phạm pháp luật” và “gây rối trật tự công cộng” không?

Còn việc cấm các “hoạt động mê tín dị đoan” thì Nhà nước đã vi phạm từ lâu khi cho phép cán bộ ép buộc người Hmong uống máu thú vật thề bỏ đạo Chúa và không ngăn chận được tệ nạn cán bộ, đảng viên đi coi bói, cầu cơ hay đốt vàng mã cầu may.

Thứ nhì, ở khoản 2 điều 9 ghi: “ ....Thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của luật pháp.” Nhưng thế nào là “nghĩa vụ công dân” khi nghĩa vụ này phải thi hành vào đúng lúc có giờ cầu nguyện của người theo đạo Tin lành, thánh lễ của người Công giáo và lễ Chùa của người đạo Phật?

Sự trùng hợp này, như đã và đang xẩy ra ở nhiều nơi, có ngụ ý gì nếu không phải là hành động “ném đá giấu tay” để ngăn cản người có Tín ngưỡng hành đạo?

Thứ ba, việc thực hành các lễ nghi tôn giáo và giảng đạo của các chức sắc và người tu hành đã bị hạn chế tinh vi trong điều 11: “ Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo tại các cơ sở tôn giáo.”

Trường hợp họ thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ra ngoài “phạm vi phụ trách” và ở những nơi không phải là các “cơ sở tôn giáo” thì các chức sắc này “phải có sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi thực hiện.”

Rõ ràng điều này đã ngăn cấm tối đa việc thự hiện các lễ nghi tôn giáo và truyền đạo của các chức sắc Tôn giáo vì khoản 7 của điều 3 đã định nghĩa: “ Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận.”

Như vậy là từ nay, các chức sắc tôn giáo không được phép bén mảng đến các làng mạc, buôn, bản để thực hiện lễ nghi tôn giáo và truyền đạo nếu không có các “cơ sở tôn giáo” được Nhà nước công nhận. Như vậy là từ nay giáo dân, bổn đạo ở những nơi này sẽ bị bỏ rơi lạc lõng trong một xã hội vô đạo vì Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương có thiếu gì sáng kiến và lý do để khước từ lời yêu cầu của các chức sắc muốn làm nhiệm vụ Tôn giáo?

Các hình thức truyền đạo khác, theo lời Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ “được coi là trái phép”. Ðiều này có nghĩa truyền đạo bằng thư, bằng báo và các phương tiện truyền thông khác, trong đó có Radio, Tivi và Internet đều bị cấm chỉ!

Nhưng Việt Nam có cấm được không thì Xuân thú nhận Nhà nước đã bất lực. Xuân nói với báo chí ở Hà Nội vào chiều ngày 12-7-2004: “ Các hình thức truyền đạo qua sóng radio, qua mạng Internet....được coi là bất hợp pháp nhưng rất khó ngăn chặn. Trong khi đó, hiện tượng truyền đạo trái phép đã và đang xảy ra những bức xúc ở một số địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào thiểu số.”

Xuân tiết lộ: “ Những vấn đề này sẽ được tính đến trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo mà Chính phủ sẽ dự thảo.” (VietnamNet, 12-7-2004)

Vậy là những rào cản, trói buộc và kìm kẹp ghi trong Pháp lệnh do Trần Ðức Lương, Chủ tịch Nước ban hành hôm 12-7 (2004) vẫn chưa làm đảng và nhà nước CSVN hài lòng?

Thứ tư, về các hoạt động của các “cơ sở tôn giáo”, điều 12 đã nói trắng ra quyền kiểm soát và kiểm duyệt của nhà nước: “ Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm diễn ra tại sơ sở đó với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.”

Khoản 2 của điều 12 còn dành quyền cho Chính phủ quyền cho phép hay bác bỏ việc “tổ chức lễ hội tín ngưỡng ” của các tôn giáo tỷ dụ như lễ Giáng Sinh, Ðại hội Ðức mẹ La Vang hàng năm của người Công giáo và Lễ Phật đản, lễ Vu Lan của tín đồ Phật giáo.

Thứ năm, nội dung điều 13 của Pháp lệnh này đã công khai chà đạp lên quyền tự do hành đạo của người có tín ngưỡng:

1) “Người đang chấp hành án phạt tù hoặc đang bị quản chế theo quy định của pháp luật thì không được chủ trì lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo, quản lý tổ chức của tôn giáo và chủ trì lễ hội tín ngưỡng.

2) “Ðối với người đã chấp hành xong các hình phạt hoặc biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 1 Ðiều này, chỉ sau khi được tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được chủ trù lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo và quản lý tổ chức tôn giáo.”


Hai khoản này đã nhắm thẳng vào số Linh mục, Thầy giảng, các Nhà truyền giáo Thiên Chuá giáo và các vị Hoà Thượng, Thượng tọa, Ðại đức, Chư tăng Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo và các Tôn giáo khác đang bị nhà nước cầm tù, quản chế hành chính. Nổi bật nhất trong số nạn nhân của Pháp lệnh này là các Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi và một số Thầy lãnh đạo của Dòng Ðồng Công Thủ Ðức của Giáo hội Công giáo; Ðức Tăng thống Huyền Quang, Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Cụ Lê Quang Liêm, lãnh đạo Phật giáo Hoà Hảo và Mục sư Tin lành Nguyễn Hồng Quang mới bị bắt v.v...

Thứ sáu, Ðến điều 15 của Pháp lệnh, Nhà nước còn nhúng tay sâu hơn vào nội bộ các tôn giáo bằng những điều khoản mơ hồ như sẽ bị “đình chỉ” hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nếu:” Xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường.Tác động xấu đến đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác. Có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.”

Nhưng thế nào là “an ninh quốc gia” và “ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”, hay “tác động xấu đến đòan kết nhân dân”? Cả ba lý do này có thể diễn nghĩa thế nào cũng được vì không có luật lệ nào của nhà nước CSVN định nghĩa rõ rệt! Cũng như muốn bắt ai thì Công an cứ việc nêu ra lý do vi phạm “an ninh quốc gia” như đã và đang làm ở Việt Nam.

AI ÐỘC LẬP HƠN AI?

Như vậy thì Nhà nước CSVN có “độc lập” và không can thiệp vào sinh hoạt của người có Tín ngưỡng không? Bởi vì, theo điều 16 của Pháp lệnh mới, “Tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo”, ngoài những điều kiện về tổ chức, hiến chương, điều lệ vv... còn phải “Có đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định.”

Nguyễn Thanh Xuân diễn giải điều kiện này một cách máy móc: “ Khi một tổ chức tôn giáo được đăng ký hoạt động và có quá trình hoạt động tuân thủ pháp luật trong một thời gian nhất định cộng với các điều kiện còn lại thì mới được công nhận.”

Hai trong số điều kiện “còn lại” này là phải “Có trụ sở, tổ chức và người đại diện hợp pháp” và “Có tên gọi không trùng hợp với tên gọi của tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.”

Trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) do Tăng thống Huyền Quang lãnh đạo đã đương nhiên bị Pháp lệnh này gạt ra khỏi xã hội! Nhưng liệu đảng CSVN có xoá sổ tổ chức này trong thực tế được không?

Về việc phong chức, phong phẩm thì điều 22 viết: “ Việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tôn giáo được thực hiện theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 2 Ðiều này; trường hợp có yếu tố nước ngoài thì còn phải có sự thoả thuận trước với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo trung ương.”

Khoản 2 đòi các điều kiện: “ Là công dân Việt Nam; Có tư cách đạo đức tốt; Có tinh thần đoàn kết, hoà hợp dân tộc; Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.”

Nội dung điều 22 đã “bắn” trúng trái tim của Giáo hội Công giáo. Tuy yếu tố chính quyền địa phương không còn trong sự chọn lựa hay đồng ý, nhưng theo Xuân thì: “ Tuy nhiên, sau khi phong chức, phong phẩm hoặc bầu cử, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm đăng ký người được phong với chính quyền sở tại để họ có đầy đủ tư cách hoạt động tôn giáo trong chức trách được giao. Ðối với nhân sự do nước ngoài phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm (như trường hợp Vatican phong chức Giám mục) thì phải đạt được sự thoả thuận trước với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương.”

Hành động của đảng CSVN năm 2004 trong điều khoản này tồi tệ hơn Sắc lệnh 234 về Tôn giáo do Hồ Chí Minh ký ngày 14-6-1955.

Trong Sắc lệnh này, Hồ Chí Minh cam kết: 1) “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng về công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam với Tòa Thánh La-Mã là vấn đề nội bộ của công giáo.” (Ðiều 13)

Về việc đào tạo tu sinh, Pháp lệnh mới buộc các trường đào tạo tôn giáo phải được sự chấp thuận của Chính phủ và phải có “Môn học về lịch sử Việt Nam, Pháp luật Việt Nam là các môn học chính khoá trong chương trình đào tạo tại các trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo.”

Nhưng trong môn “lịch sử Việt Nam” có gì, nếu không phải là có phần về đảng CSVN và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác ố Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh?

Ðiều này cũng giống như điều kiện tốt nghiệp Ðại học hiện nay của sinh viên là phải hội đủ điểm về môn này. Một cuộc trưng cầu ý kiến cho biết sinh viên Việt Nam rất chán môn chính trị và lơ là với chủ nghĩa Cộng sản.

Việc làm này của đảng CSVN dưới thời Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh cũng đi ngược lại Sắc lệnh của Hồ Chí Minh. Sắc lệnh năm 1955 công nhận quyền được mở trường của các Tôn giáo mà không cần phải có sự đồng ý trước của Nhà nước:
2) “Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình.” (Ðiều 5).
3) “Các tôn giáo được phép mở trường tư thục. Các trường tư thục phải dạy theo chương trình giáo dục của chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của chính phủ có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học.” (Ðiều 9)

Tất nhiên trong “chương trình giáo dục của chính phủ” năm 1955 không làm gì có môn Chủ nghĩa Mác-Lênin!

Vậy ra đảng CSVN năm 2004 của Nông Ðức Mạnh tinh ranh hơn đảng CSVN năm 1955 của Hồ Chí Minh hay Pháp lệnh kìm kẹp Tín ngưỡng và Tôn giáo ban hành ngày 12-7 (2004) đã sổ toẹt lên Sắc lệnh 234 (1955)?

Phạm Trần
(7-04)

 

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]