USCIRF yêu cầu Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC

 

Người Việt Online

30/4/2015

 

WASHINGTON (NV).- Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam cùng 7 nước khác vào danh sách “Cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo vẫn bị giới hạn.

Đúng ngày 30/4/2015  Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) ở Hoa Thịnh Đốn công bố bản phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới và đưa ra các khuyến nghị với Bộ Ngoại Giao. Trong đó, kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp tên Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” thường được gọi tắt là CPC (Countries of Particular Concern).

Những nước được USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC năm nay gồm có Central African Republic, Egypt, Iraq, Nigeria, Pakistan, Syria, Tajikistan, và Việt Nam.

Trừ nước Central African Republic mới được đề nghị đưa vào danh sách CPC năm nay, 7 nước vừa kể gồm cả Việt Nam từng bị USCIRF đề nghị đưa vào danh sách CPC các năm trước vì tình trạng đàn áp tự do tôn giáo vẫn nghiêm trọng.

Việt Nam nằm trong danh sách CPC các năm 2004 và 2005 nhưng sang năm 2006 thì được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lấy ra nhân dịp tổng thống Mỹ George W. Bush đến Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và cho Việt Nam cơ hội gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

Từ đó đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn siết chặt sự kiểm soát các sinh hoạt tôn giáo của người dân kể cả việc đập phá các nơi thờ tự và bắt giữ, bỏ tù tín đồ và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Lời tố cáo các hành động đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền đối với tất cả các đạo giáo tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn được đưa ra thường xuyên.

Dù vậy, nhà cầm quyền CSVN vẫn tuyên truyền là tôn trọng nhân quyền, quyền tự do tôn giáo của người dân.

Trong bản tường trình riêng về tự do tôn giáo tại Việt Nam từ trang 127 đến 131, năm nay USCIRF cáo buộc rằng “Nhà cầm quyền CSVN tiếp tục kiểm soát tất cả các hoạt động tôn giáo bằng các đạo luật và nghị định hành chính, giới hạn chặt chẽ sự hành đạo độc lập và đàn áp các cá nhân và tổ chức tôn giáo mà họ coi là thách đố nhà cầm quyền như Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Công Giáo và Tin Lành” không nằm trong các tổ chức tôn giáo được nhà cầm quyền lập ra để lợi dụng tuyên truyền.

Bản tường trình 2015 của USCIRF nêu rất nhiều trường hợp cụ thể chứng minh cho hành động đàn áp tôn giáo của chế độ Hà Nội từ việc đàn áp chùa Liên Trì ở Sài Gòn; đạo Cao Đài ở Vĩnh Long; cấm đạo Công Giáo ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu; hành hung và ép người Thượng bỏ đạo Tin Lành; hành hung mục sư và tín đồ Tin Lành Mennonite ở Bình Dương, đàn áp dã man tín độ Phật Giáo Hòa Hảo ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp v.v...

Tuy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra bản phúc trình nói có một số mặt tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam để không đưa Việt Nam vào danh sách CPC, nhưng cơ quan USCIRF thấy khác hẳn.

“Sự vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn tiếp diễn, mà trong một số trường hợp lại tồi tệ hơn trước.” Bản phúc trình của USCIRF viết.

USCIRF cảnh cáo rằng tình trạng đàn áp tự do tôn giáo đang tiếp diễn tại Việt Nam có thể trở nên tồi tệ hơn, thụt lùi về tự do tôn giáo khi mà các sự giám sát không được tiến hành. Vì vậy Ủy Hội kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gia tăng các chuyến thăm viếng những nơi xa xôi hẻo lánh, duy trì các mối liên lạc thường xuyên với các cá nhân và tổ chức tôn giáo bị đàn áp.

Ủy Hội khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục thảo luận với nhà cầm quyền CSVN để nước này sửa đổi luật về tự do tôn giáo, giản dị hóa không coi thủ tục hành chính về đăng ký hoạt động tôn giáo như điều kiện bắt buộc.

Cuối cùng, USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ phải bảo đảm rằng các cuộc đối thoại về nhân quyền và tự do tôn giáo với Việt Nam dẫn đến các kết quả cụ thể về tự do tôn giáo, gồm cả việc trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm còn đang bị cầm tù chỉ vì người ta hành đạo ôn hòa.

Theo bản tường trình của USCIRF, hiện có giữa khoảng 100 tới 200 tù nhân lương tâm tại Việt Nam là các người bị kết án liên quan đến các hoạt động tôn giáo hoặc cổ võ tự do tôn giáo. (TN)

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]