Giới bất đồng chính kiến vắng mặt trong cuộc gặp của bà Kamala Harris với xã hội dân sự Việt Nam

 

RFA | 2021-08-26

Sáng ngày 26 tháng 8, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris đã có cuộc gặp với bốn đại diện từ các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam, tuy nhiên cuộc gặp này không có sự tham dự của giới bất đồng chính kiến.

Theo thông tin từ Nhà Trắng thì cuộc gặp giữa bà Kamala Harris với những người làm việc trong các tổ chức xã hội dân sự được gọi là “sự kiện của những người mang lại sự thay đổi”.

Các đại diện xã hội dân sự Việt Nam bao gồm những người hoạt động trong lĩnh vực quyền của cộng đồng LGBTQI+, quyền của người chuyển giới, quyền của người khuyết tật, và biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực được nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động công khai.

Hãng tin AP tường thuật lời phát biểu của bà Harris, trong đó có đoạn:

Chúng ta cần phải trao quyền cho lãnh đạo ở mọi lĩnh vực, tất nhiên là bao gồm cả lãnh đạo chính quyền, nhưng còn cả lãnh đạo các cộng đồng, lãnh đạo các doanh nghiệp, và xã hội dân sự, nếu chúng ta muốn tận dụng mọi nguồn lực sẵn có.”

Khác với cuộc gặp của cựu Tổng thống Barack Obama, cuộc gặp lần này của bà Kamala Harris thiếu vắng những người hoạt động trong các lĩnh vực nhân quyền chính như tự do biểu đạt, tự do lập hội, và cũng không có sự tham dự của người bất đồng chính kiến với nhà nước Việt Nam.

Xã hội dân sự vẫn được coi là lĩnh vực nhạy cảm ở Việt Nam, chính quyền Việt Nam thậm chí không khuyến khích sử dụng thuật ngữ này, và truyền thông Nhà nước đã nhiều lần đả phá những người cổ xuý cho việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự.

Những người hoạt động xã hội dân trong các lĩnh vực nhân quyền nhạy cảm ở Việt Nam thường phải đối mặt với sự dò xét, cấm cản, và cả đàn áp từ phía chính quyền. Vào ngày 2/7 vừa qua, công an đã bắt giữ ông Mai Phan Lợi và ông Đặng Đình Bách, với cáo buộc “trốn thuế”. Cả hai người đều tích cực hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự.

Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, Phó Tổng thống Kamala Harris, tuyên bố nhân quyền là một vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ, và nói nước bà sẽ không ngần ngại lên tiếng khi cần thiết “kể cả điều đó có khó nghe”.

Trong lần thăm Việt Nam hồi năm 2016 của cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, phía công an Việt Nam đã bắt giữ và câu lưu ít nhất hai đại diện của xã hội dân sự là tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, nhằm ngăn cản họ gặp mặt với tổng thống Obama.

Trước khi chuyến thăm của bà Kamala Harris diễn ra, các tổ chức nhân quyền quốc tế và đại diện của gia đình các tù nhân chính trị đã lên tiếng kêu gọi bà Phó Tổng thống nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam, trong đó có việc thả tù nhân chính trị.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]