Vu khống trên mạng xã hội: Công an đề xuất mức phạt đến 60 triệu

 

RFA | 2021-09-22

Kể từ ngày 1/12 tới đây, các hành vi làm, phát tán thông tin bịa đặt, vu khống trên mạng nhằm xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tối đa 60 triệu đồng.

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn đề xuất trong dự thảo lần 2 nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng vừa được Bộ Công an hoàn thành ngày 21/9 và đưa tin cùng ngày.

Tin cho biết, sau khi lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng, Bộ Công an đã đề xuất phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng hay thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác trong điều 9 của dự thảo.

Ngoài ra, mức phạt còn lên tới 40-60 triệu đồng đối với hành vi làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác.

Những hành vi làm và phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm; thông tin xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc lập các trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc chuyên trang, diễn đàn điện tử để đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cũng đối mặt mức phạt tối đa 60 triệu đồng.

Các mức phạt trong dự thảo vừa nêu được nói cao hơn gấp 2-3 mức đang được áp dụng hiện nay.

Bộ luật Hình sự 2015 định nghĩa vu khống là hành vi loan truyền thông tin sai sự thật do người khác tạo ra mặc dù biết đó là thông tin sai sự thật. Nội dung của thông tin sai sự thật thể hiện sự xúc phạm đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Dạng đặc biệt của vu khống là hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, cơ quan tố tụng sẽ chấp nhận các chứng cứ điện tử như ghi âm, ghi hình, chụp ảnh màn hình rồi lập vi bằng. Ngoài ra còn có lời khai của các bên liên quan, nhân chứng, kết luận giám định, văn bản công chứng hay các nguồn khác mà pháp luật quy định.

Trao đổi với truyền thông nhà nước, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng dư luận gần đây quan tâm việc một số cá nhân sử dụng tính năng livestream để thể hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội. Trong đó, nhiều video livestream được ông cho là có nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân khác. Đơn cử trường hợp CEO Công ty Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng, livestream cáo giác một số nghệ sĩ có tiếng về tiền quyên góp từ thiện không được minh bạch.

Tổ chức Freedom House, có trụ sở ở Mỹ, hôm 21/9 công bố báo cáo xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do internet. Freedom House cáo buộc Chính phủ Hà Nội là một trong ít nhất 55 nhà cầm quyền trên thế giới áp dụng chính sách điều tra, bắt giữ và kết tội những người đưa lên mạng xã hội những bài viết của họ.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]