Việt Nam năm thứ 15 liên tiếp bị đề nghị đưa vào "quốc gia cần quan tâm đặc biệt"

 

RFA | 2022.02.08

Chính quyền Việt Nam năm thứ mười lăm liên tiếp bị Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị chính phủ Mỹ đưa nước này vào danh sách "các quốc gia cần quan tâm đặc biệt" (CPC) về tự do tôn giáo. 

Quốc gia độc đảng này cho đến nay vẫn duy trì các rào cản pháp lý nhằm cản trở việc hình thành các tổ chức tôn giáo, và thực hiện các hành vi đàn áp người theo niềm tin tôn giáo mà chính quyền không cho phép.

Báo cáo mới nhất được công bố hôm 7 tháng 2 về tình hình ở Việt Nam của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, một đơn vị tham vấn độc lập của lưỡng đảng chuyên giám sát tự do tôn giáo trên toàn thể giới. 

Theo bản báo cáo này, trong năm 2021, mặc dù đã có những tiến bộ đáng chú ý so với pháp lệnh tôn giáo trước đây, nhưng Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đầu năm 2018 vẫn còn hạn chế về bản chất và còn vướng mắc bởi việc áp dụng không đồng đều và thiếu nhất quán trong cả nước. 

Sự đàn áp của Chính phủ tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt đối mặt với các nhóm tôn giáo độc lập chưa đăng ký, với nhiều người trong số họ bị coi là tôn giáo “kỳ lạ, sai lầm hoặc dị giáo”.

Ba vấn đề nổi cộm liên quan đến tự do tôn giáo ở Việt Nam được nêu ra trong báo cáo này gồm:

Việc nhà nước đặt ra các điều kiện ngặt nghèo về mặt pháp lý để cản trở các hội nhóm tôn giáo được hình thành, mà điển hình là Luật Tôn giáo Tín ngưỡng năm 2018, thứ hai là các chiến dịch đàn áp nhắm đến các hội nhóm tôn giáo độc lập, và thứ ba là bỏ tù các tín đồ, chức sắc tôn giáo hoặc những người hoạt động về quyền tự do tôn giáo. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Nguyễn Kim Lân, Chánh trị sự của cộng đồng theo đạo Cao Đài năm 1926 tại tỉnh Vĩnh Long cho biết nhận định về bản báo cáo trên:

Đúng là như vậy, tôi rất là đồng tình (với bản báo cáo). Nói tóm lại là những sinh hoạt của chúng tôi bây giờ không được nhìn nhận, Nhà nước vui thì làm thinh còn không vui thì hạn chế, đàn áp. Chứ còn không có một cái căn bản gì hết, mà chỉ giống như sống ngoài vòng pháp luật vậy thôi.” 

Không được công nhận bởi pháp luật vẫn là cái cớ thường được sử dụng bởi chính quyền mỗi khi nhắm đến một cộng đồng tôn giáo nào đó. Tuy nhiên, được công nhận bởi pháp luật cũng không đồng nghĩa với việc được tự do hoạt động. Ông Nguyễn Kim Lân nói thêm:

Khi mà mình không đăng ký thì mình có thể làm theo ý của mình, Nhà nước mà không đồng ý thì đàn áp. Còn nếu mình đăng ký thì có những cái Nhà nước cho hay không thì Nhà nước (kiểm-PV) duyệt. Nếu mình chịu đăng ký mà (có những chuyện-PV) Nhà nước không đồng ý nhưng mình vẫn làm thì Nhà nước họ đánh mình đó.”  

Về vấn đề các tổ chức tôn giáo độc lập bị gây khó dễ khi hoạt động, ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý xác nhận là có thật, ông cho hay:

Nhà nước này, đối với những tôn giáo độc lập không theo nhà cầm quyền, tức là không theo Mặt trận Tổ quốc, thì sẽ bị hạn chế về quyền tự do tôn giáo, ví dụ như làm lễ, đi đứng, thậm chí có khi bị phong toả không cho ra khỏi nhà để đi đến những điểm lễ của đạo mình.” 

Cũng theo vị chức sắc của Phật giáo Hoà Hảo này thì các hoạt động tôn giáo của đạo thường bị chính quyền ngăn cản theo hai cách, một là phong toả nơi diễn ra hoạt động tôn giáo và hai là canh me, ngăn chặn không cho tín đồ của đạo rời khỏi nhà mỗi khi có dịp lễ của tôn giáo. 

Hình thức đàn áp nghiêm trọng nhất mà Nhà nước thực hiện đối với các tín đồ của những niềm tin, tôn giáo không được công nhận, theo báo báo của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ là việc bỏ tù những người chống lại ý chí của Nhà nước. 

Một trong những cộng đồng tôn giáo chịu hình thức đàn áp này một cách nặng nề nhất, là những người theo đạo Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên. 

Cô H Biap Krong, người có hơn mười năm kinh nghiệm theo dõi tình hình tự do tôn giáo của các cộng đồng ở Tây Nguyên cho RFA biết thêm về vấn đề này:

Số người Tây Nguyên bị bắt từ năm 2000 cho tới bây giờ thì cũng hơn cả 500 người bị bắt đi tù vì cái tội đấu tranh tự do tôn giáo. Đa số họ, là những cái người lãnh đạo trong hội thánh, hoặc là những tín đồ phụ tá của các lãnh đạo hội thánh, hoặc là tín đồ sốt sắng trong các việc phục vụ Chúa trong các nhà thờ."

Cô cũng cho biết người Êđê và người Gia Rai là hai sắc dân chịu đàn áp nặng nề nhất trong số các sắc dân sinh sống ở khu vực Tây Nguyên. Những tội danh mà chính quyền thường sử dụng để truy tố những người này là hai tội “phá hoại đại đoàn kết dân tộc”, và “âm mưu lật đổ chính quyền”, mà theo cô H Biap là có tính chất “mơ hồ”. 

Trong thời gian gần đây Báo Công an Nhân dân cũng cho đăng tải nhiều bài viết công kích nhắm đến Hội thánh Tin lành Đấng Christ, một chi phái của đạo Tin Lành hoạt động ở khu vực Tây Nguyên nhưng không được Nhà nước công nhận. 

Những người thuộc nhóm tôn giáo này bị đàn áp phải kể đến mục sư A Đảo, người bị kết án năm năm tù hồi năm 2017, hay mục sư A Ga người đã phải chạy sang Thái Lan xin tị nạn. 

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) là một tổ chức độc lập thuộc chính phủ liên bang, được thành lập năm 1998 với mục đích theo dõi tình hình tự do tôn giáo trên thế giới.

Một trong các khuyến nghị của tổ chức này với Chính phủ Mỹ là cử các phái đoàn tập trung vào tự do tôn giáo và các quyền con người liên quan đến Việt Nam, và đặc biệt yêu cầu thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi các hạn chế tự do tôn giáo và các tù nhân lương tâm chẳng hạn như ông Nguyễn Bắc Truyển. 

Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo hồi năm 2006, tuy nhiên kể từ đó chính phủ độc đảng liên tục bị cơ quan của Mỹ khuyến nghị đưa trở lại vào danh sách này vì các vi phạm không ngừng. 

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]