Gia đình 13 người H'mong bị "trục xuất khỏi địa phương" vì theo Tin Lành

 

RFA | 2022.06.20

Ít nhất một trẻ sơ sinh bị từ chối cấp giấy khai sinh vì cha mẹ không chịu bỏ đạo.

 

Một gia đình 13 người ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết đang phải đối diện với sự đàn áp khắc nghiệt tới từ chính quyền địa phương vì lý do tôn giáo. 

Ông Xồng Bá Thông hôm 15/6 có bản tường trình gửi Hội thánh tin lành Việt Nam (miền Bắc) về việc điểm nhóm Ka Dưới của ông bị đàn áp, mặc dù đã được chấp thuận gia nhập một tổ chức tôn giáo hợp pháp. 

 

Bị trục xuất khỏi địa phương vì theo Tin Lành 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình của ông Xồng Bá Thông (sinh năm 1996) là người sắc tộc H’mong, sinh sống ở khu vực này qua nhiều thế hệ và vốn theo phong tục thờ ma của người địa phương. 

Ông Thông cho biết đến khoảng năm 2017 thì toàn bộ gia đình bao gồm cha mẹ, các em và bản thân ông đã tự nguyện cải đạo sang Tin Lành sau khi tìm hiểu về đạo này qua sóng phát thanh.

Đến khoảng năm 2019 thì chính quyền địa phương bắt đầu yêu cầu gia đình này phải từ bỏ đạo Tin Lành và ép họ phải quay trở lại thực hành tập tục cũ.

“Họ chỉ nói một câu duy nhất đó là ở đây khu vực huyện Kỳ Sơn, xã Na Ngoi, cả tỉnh Nghệ An là chưa có ai theo đạo mà mình theo đạo là trái pháp luật. Còn thứ hai thì họ nói là mình làm mất đại đoàn kết dân tộc ở đây.” - Ông Thông cho hay.

Vì muốn được theo đạo một cách chính thức nên gia đình đã làm đơn xin gia nhập Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc), và đã được chấp thuận trở thành thành viên hồi tháng 4 năm 2022. 

Tuy nhiên thay vì thừa nhận và để yên cho gia đình ông Thông theo đạo, chính quyền địa phương lại tăng cường gây sức ép để bắt họ từ bỏ niềm tin tôn giáo. 

Chính quyền đã liên tiếp tới nhà để vận động người nhà bỏ đạo, ngoài ra thì bản thân ông Thông đã bị triệu tập lên trụ sở xã làm việc nhiều lần, một trong số đó là làm việc với đoàn cán bộ của huyện Kỳ Sơn hôm 17 tháng 5, nội dung vẫn xoay quanh việc yêu cầu từ bỏ đạo Tin Lành. 

“Hôm bữa gặp đoàn của huyện thì tôi có đọc luật tín ngưỡng tôn giáo cho họ nghe hết và trình cho họ thấy hết, nhưng mà họ nói luật không có tác dụng gì ở đây cả, không có tác dụng gì ở cái huyện, cái tỉnh này, họ nói thế thôi.” - Ông Thông nói. 

Ngoài gây sức ép về mặt tinh thần, chính quyền xã còn áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Người dân cho biết đã bị chính quyền tịch thu một chiếc máy cày, vốn trước đó được nhà nước tặng để canh tác nhưng nay vì từ chối bỏ đạo nên bị lấy lại. Ngoài ra chính quyền cũng lấy đi một số gỗ mà gia đình định sử dụng để dựng nhà. 

Dù có hơn một hecta ruộng để trồng lúa nhưng vì bị đe dọa nên gia đình tín đồ đạo Tin Lành này giờ đây phải bỏ ruộng hoang, không dám canh tác vì sợ bị phá. Chính quyền cũng tiến hành cắt điện đối với nhà này từ hơn một tuần nay. 

Các biện pháp trừng phạt trên đã khiến cho cảnh sống của gia đình này lâm vào cảnh khốn khó:

“Tôi nói thật là ở đây tôi nuôi được trâu bò nhưng mà về buôn bán thì họ không cho những nhà thương lái đến thu mua bất cứ thứ gì của gia đình, bây giờ nói chung tiền bạc cũng hết, đồ ăn thức uống cũng khó khăn, lúa thì có trong kho dự trữ nhưng không có điện để xay mà ăn.”

Đỉnh điểm của chiến dịch đàn áp này là vào ngày 4 tháng 6, chính quyền tổ chức một cuộc bỏ phiếu để trục xuất gia đình ông Xồng Bá Thông ra khỏi địa phương. Và theo ông Thông thì người dân không ai dám bỏ phiếu chống lại quyết định trên. 

Hệ quả của việc này là giờ đây chính quyền không coi những người trong gia đình này là công dân địa phương, không cho phép sử dụng các dịch vụ công, và thậm chí từ chối cấp căn cước công dân và giấy khai sinh cho một số thành viên của hộ này. 

Phóng viên Đài Á châu Tự do đã gọi điện thoại nhiều lần cho bí thư và chủ tịch xã Na Ngoi để xác minh thông tin nhưng không ai nhấc máy. 

Chúng tôi sau đó đã liên hệ với ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch huyện Kỳ Sơn là người trước đó đã trực tiếp xuống vận động gia đình ông Thông bỏ đạo, tuy nhiên sau khi nghe phóng viên đề cập đến sự việc trên thì ông này viện lý do không được chủ tịch huyện ủy quyền nên không thể trả lời. 

Phóng viên cũng gửi email đến Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc) để xác minh thông tin, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời. 

Chính quyền vận động người dân "không theo tôn giáo khác"

Báo Nghệ An hôm 1/5 vừa qua có bài viết về mô hình An dân ở bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn gần biên giới với Lào, do Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Na Ngoi, đảng ủy xã Na Ngoi.

Bản Phù Khả 1 nằm cách không xa bản Ka Dưới - nơi có gia đình theo Tin Lành hợp pháp nhưng bị đàn áp. 

Theo tờ báo có cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, ban chỉ đạo mô hình An dân vận động các thành viên trong gia đình ở bản Phù Khả 1 chấp hành pháp luật, hương ước của bản... không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các loại đạo (tôn giáo khác) mà chỉ thực hiện theo tín ngưỡng phong tục tập quán lâu đời của người Mông.

Trao đổi với RFA, một một mục sư Tin Lành người H’mong ở tỉnh Lào Cai hiện đang tị nạn tại Thái Lan, cho biết việc người H’mong theo đạo Tin Lành bị trục xuất khỏi địa phương khi từ chối bỏ đạo là khá phổ biến: 

“Thì cái trường hợp này nó xảy ra rất là nhiều, và đã xảy ra từ bao nhiêu năm trước rồi, đây không phải là lần đầu tiên, cũng có rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra từ trước rồi. 

Đã có bao nhiêu trường hợp như vậy thì khi có đơn đề nghị đến chính quyền cấp trên như là tỉnh và trung ương, thì họ trả lời cái đó là do chính quyền xã hay là làng họ không hiểu luật pháp hay là hiến pháp về tôn giáo, để cho cấp trên sẽ điều tra. 

Họ chỉ trả lời vậy thôi, mà bao nhiêu hộ đề nghị cấp trên giải quyết nhưng mà cuối cùng cũng chẳng được gì cả.”

Vị mục sư này cũng cho biết những hộ dân bị trục xuất khỏi địa phương nếu không rời đi thì sẽ khó sống, bởi sẽ không được quyền lợi gì. 

Ông cũng cho biết nhiều trường hợp trẻ em không được cấp giấy khai sinh, dẫn đến không thể đi bệnh viện khi bị ốm, hoặc không thể tới trường khi lớn lên. 

Đây cũng là nguyên nhân khiến một lượng lớn người H’mong Việt Nam phải vượt biên sang Thái Lan xin tị nạn. 

Phản ứng trước thông tin chính quyền huyện Kỳ Sơn ép người dân từ bỏ tôn giáo và thực hiện các biện pháp đàn áp, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc điều hành của tổ chức VETO!, một tổ chức nhân quyền chuyên theo dõi tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng đây rõ ràng là một vụ vi phạm nhân quyền. 

Dựa vào các công ước quốc tế mà chính quyền Việt Nam đã tham gia, ông Dụng cho rằng quyền tự do tôn giáo của người dân Việt Nam là một quyền bất khả xâm phạm, do vậy ông lên án cách hành xử của chính quyền trong sự việc này:

“Nếu mà chính quyền cứ tùy tiện hành động như vậy thì theo tôi Việt Nam nên rút khỏi Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị, và ông Thủ tướng chính phủ không nên ra văn bản bắt các cơ quan nhà nước ở tại trung ương và địa phương, phải học tập về cái công ước này nữa.”

Ông Dụng cũng cho rằng sở dĩ chính quyền Việt Nam có chính sách nhắm đến những người mới cải đạo là vì họ muốn ngăn chặn sự mở rộng của các tôn giáo. 

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]