Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ bất chấp quan ngại từ cộng đồng quốc tế

 

 

VOA Tiếng Việt

12/10/2022 

Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 11/10 bỏ phiếu chấp nhận Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc bất chấp các mối quan ngại từ cộng đồng quốc tế cho rằng Việt Nam chưa tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Số phiếu cần có để được một ghế trong Hội đồng là 97.

Việt Nam được 145/189 phiếu hợp lệ, nằm trong danh sách 14 nước được các thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York bầu vào Hội đồng Nhân quyền với nhiệm kỳ ba năm bắt đầu từ 1/1/2023.

Đây là kết quả nỗ lực tuyên truyền và vận động sâu rộng của Hà Nội để có được sự ủng hộ dù các nhà chỉ trích và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho rằng hồ sơ nhân quyền yếu kém trong nước cộng với sự hậu thuẫn ngoại giao mà Hà Nội dành cho các nước vi phạm nhân quyền chủ chốt đã khiến quốc gia độc đảng này không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn để chiếm ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

“Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam, bước đầu tiên tức thời, phải chứng tỏ cam kết của họ với nhân quyền bằng cách phóng thích người thắng Giải Goldman, Ngụy Thị Khanh, và các nhà bảo vệ nhân quyền khác bị bỏ tù trong hai năm qua,” ông Michael Sutton, giám đốc điều hành Sáng hội Môi trường Goldman, kêu gọi.

Trong thông cáo ra ngày 11/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nhấn mạnh: “Là tân thành viên của Hội đồng Nhân quyền, chính phủ Việt Nam nên chứng tỏ họ sẵn sàng bảo vệ nhân quyền thay vì vi phạm nhân quyền.”

Ngoài Việt Nam, các nước vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền bao gồm Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Georgia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Ma-rốc, Romani, Nam Phi và Sudan.

Việt Nam thường bị quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền và về việc giam cầm tù nhân lương tâm.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]