Nhiều uẩn khúc trong vụ người bị tạm giữ chết trong đồn công an ở Phú Yên

 

RFA | 2022.10.24

Liên quan đến vụ án ông Đào Bá Phi (38 tuổi) bị chết trong đồn công an chỉ sau hai ngày bị tạm giữ, gia đình cho biết họ chưa một lần nào được nhìn mặt nạn nhân kể từ khi công an thông báo ông Phi treo cổ tự tử. Cơ quan chức năng tự ý khám nghiệm tử thi, an táng rồi giấu luôn địa điểm chôn cất.

Công an nói nạn nhân tự tử

Theo thông cáo báo chí từ Công an tỉnh Phú Yên, ông Đào Bá Phi, ngụ ở phường 4, thành phố Tuy Hoà, bị bắt giữ vào ngày 16/10 để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Lúc này ông Phi hoàn toàn khoẻ mạnh.

Đến 5 giờ ngày 18/10, người bị tạm giam cùng ông Phi phát hiện ông Phi đang treo cổ trong phòng giam. Ông Phi được sơ cứu và đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Đông Hoà nhưng không qua khỏi.

Theo thông cáo báo chí thì Công an thị xã Đông Hoà “đã thông báo về thời gian, địa điểm khám nghiệm tử thi và đề nghị đại diện gia đình Đào Bá Phi chứng kiến, nhưng gia đình đưa ra các điều kiện không phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng khám nghiệm đã tiến hành khám nghiệm tử thi Đào Bá Phi theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.”

Công an không cho biết cụ thể các điều kiện mà gia đình người chết đưa ra nhưng bị cho không phù hợp quy định pháp luậtBáo chí nhà nước cũng không dẫn lời của gia đình nạn nhân.

Phóng viên RFA gọi điện tới Công an thị xã Đông Hoà để tìm hiểu thêm về vụ việc nhưng cán bộ trực ban nói phải đến trụ sở công an thì mới làm việc.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Toán, là cán bộ điều tra thụ lý vụ án này, sau khi nghe phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến cái chết của ông Đào Bá Phi, ông Toán nói đang bận họp rồi ngắt máy.

Gia đình nói có uẩn khúc

Phóng viên RFA liên hệ với bà Đào Thị Quyên, chị gái của ông Đào Bá Phi, thì nhận được nhiều thông tin trái ngược với những điều mà phía công an đưa ra.

Theo lời bà Quyên, tầm 11 giờ trưa ngày 16/10, có ba người công an mặc thường phục vào nhà yêu cầu ông Phi lên công an phường 4, thành phố Tuy Hoà làm việc, mà không có giấy mời hay giấy triệu tập gì.

Đến trưa ngày 17/10, một cán bộ Công an thị xã Đông Hoà gọi điện cho gia đình thông báo ông Phi đã bị chuyển qua công an thị xã Đông Hoà, đồng thời yêu cầu người nhà mang hai bộ đồ với một ít tiền cho ông Phi ăn uống trong lúc bị tạm giữ.

Theo lời yêu cầu, ông Nguyễn Bá Cường, là cha của ông Phi, lên trụ sở công an gởi đồ thì thấy ông Phi đang bị còng tay. Nhìn thấy cha, ông Phi lớn tiếng kêu cứu. Chị Quyên kể lại:

“Khoảng 2 giờ 30, ba tôi qua đưa đồ và đưa tiền. Ba tôi nhìn vô phòng làm việc thì thấy em trai của tôi bị còng tay rồi nói với ra là “ba ơi cu con”. Ba tôi nghĩ chắc nó sợ nên mới kêu cứu, ông ấy cũng ỷ y ghê! Xong rồi ông ấy cũng đi về.”

Sáng ngày 18/10, Công an phường 4 và Công an thị xã Đông Hoà thông báo với gia đình là ông Phi đã chết do treo cổ tự tử. Bà Quyên cho biết ông Cường xin được nhìn con lần cuối, nhưng phía công an không đồng ý, họ yêu cầu ông Cường phải ký giấy đã nhận xác trước:

“Ba tôi phải năn nỉ miết, để nhìn mặt xem có đúng là con của mình không và có đúng phải là nó tự tử không, nếu mà không đúng thì làm sao mà mình nhận được.”

Tối hôm đó, gia đình một lần nữa đến Công an thị xã Đông Hoà để đem xác ông Phi về, nhưng phía công an nói là phải đợi chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền:

“Mình cũng không hiểu thẩm quyền là ai hết. Nhưng nếu em Phi tự tử thì phải trả xác cho người nhà chôn, có uẩn khúc gì mà không trả cho người nhà lại tự động mổ tử thi, cũng không báo người nhà, không có một giấy tờ nào để người nhà xác nhận rồi ký giấy nhận xác hết. Họ tự động mổ tử thi rồi tự động chôn luôn.”

Ngày 20/10, Bưu điện cùng lúc gởi cho ông Cường ba văn bản từ Công an thị xã Đông Hoà. Thứ nhất Thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Đào Bá Phi để điều tra về hành  vi trộm cắp tài sản. Thứ hai là Thông báo về việc người bị tạm giữ tự tử và thứ ba là Thông báo an táng người tạm giữ đã chết.

Bà Quyên cho biết, cho đến ngày 24/10, sau khi nhận thông báo ông Phi đã chết do tự tử, gia đình chưa một lần nào được nhìn mặt ông Phi. Công an cũng không cho gia đình biết ông Phi được an táng ở đâu.

Gia đình nạn nhân bị trấn áp

Cho rằng phía cơ quan chức năng đang “bóp méo sự thật”, gia đình nạn nhân vào sáng ngày 19/10 mặc áo tang, tập trung ở đồn Công an thị xã Đông Hoà để đòi thi thể ông Phi. Một thành viên trong gia đình đã livestream lại vụ việc và video này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Trang Facebook của Công an thị xã Đông Hòa hôm 19/10 có cảnh báo “Mọi hành vi đăng tải, chia sẻ, bình luận, livestreams với nội dung xuyên tạc, sai sự thật liên quan cái chết của ông Đào Bá Phi, xúc phạm uy tín, danh dự của các cơ quan chức năng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.”

Bà Quyên cho biết, từ hôm gia đình phát tang, lực lượng công quyền được điều động đến canh gác trước nhà bà rất đông. Họ ngăn cản, đe doạ hàng xóm, không cho vào nhà viếng ông Phi:

“Công an theo nhà mình rất là đông, từ cổng ra ngoài là công an bao vây, trấn áp người nhà, người dân ở xóm, rồi không cho ai vô hết. Người ta vô thắp nhang là tụi nó trấn áp, đâu có người nào dám lại đâu, chỉ có người nhà mình thì vẫn vô.”

Theo lời bà Quyên, hiện nay, gia đình chỉ có nguyện vọng là được đem thi thể ông Phi về mai táng. Tuy nhiên, khi gia đình đi gởi đơn khiếu nại, tố cáo đều không được giải quyết 

“Bây giờ gia đình cũng tìm hiểu để làm đơn như thế nào nhưng mà nó trấn áp nhà mình quá. Nhà mình đi đâu, ký giấy hay gửi đơn đều không được.

Phú Yên này không dám nhận, luật sư ở đây không ai nhận hết. Nhờ cộng đồng mạng giúp cho chúng tôi để mang em trai tôi về mai táng, chỉ yêu cầu như thế thôi.”

Bà Quyên cho biết thêm, công an nói với gia đình rằng họ sẽ chỉ chỗ đã an táng ông Phi, với điều kiện gia đình phải ký giấy thoả thuận chỉ được bốc mộ cải táng sau 36 tháng.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]