Phúc trình của Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ về tình hình tại Việt Nam

 


 

Việt Long, phóng viên đài RFA

04.5.2006

 

Ủy hội của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo trên thế giới cho rằng Việt Nam chưa thực hiện được những tiến bộ cụ thể trong lãnh vực này để có thể được Mỹ đưa tên ra khỏi danh sách CPC, gồm những nước cần được đặc biệt lưu ý về tự do tôn giáo. Ủy hội họp báo tại Washington hồi trưa thứ tư, giờ Washington, tức khuya hôm thứ tư giờ Việt Nam, công bố bản phúc trình thường niên, trong đó có phần báo cáo về tình trạng tôn giáo ở Việt Nam. Việt Long tường trình.

Phần báo cáo về Việt Nam chiếm chín trang trong tổng số hằng trăm trang phúc trình vừa phổ biến.

Báo cáo viết ngay trong phần đầu rằng Việt Nam tiếp tục vi phạm nặng nề một cách có hệ thống quyền tự do tôn giáo hay tự do tín ngưỡng trong nước. Thành tích nhân quyền của Việt Nam còn kém, và những quyền tự do phát biểu, hội họp, lập hội vẫn bị hạn chế.

Nhà nước Việt Nam nhắm thi hành những biện pháp sách nhiều và bắt bớ những thành phần nổi tiếng trong giới lãnh đạo tôn giáo, trí thức, những người bênh vực dân chủ và quyền tự do ngôn luận, cùng những người thuộc tổ chức của người sắc tộc thiểu số.

Bản phúc trình của Ủy hội tự do tôn giáo Hoa Kỳ cho biết, tháng 5 năm ngoái, Hoa Kỳ đồng ý SẼ bỏ tên Việt Nam khỏi danh sách CPC NẾU một số điều kiện được đáp ứng. Những điều kiện đó bao gồm:

Thứ nhất, áp dụng toàn diện bộ luật mới về tự do tôn giáo, hủy bỏ những quy định mâu thuẫn cũ;

Thứ hai, Nhà nước cần chỉ thị cho giới thẩm quyền ở các địa phương triệt để tôn trọng toàn bộ những luật lệ mới, và bảo đảm thi hành đúng đắn;

Thứ ba, tạo dễ dàng cho việc các tập thể tôn giáo được thờ phượng tại gia, và thứ tư, trong việc ân xá, hãy đặc biêt lưu ý cứu xét cho những tù nhân và các trường hợp đáng quan tâm do Hoa Kỳ đề cập với chính quyền Việt Nam.

Tích cực và tiêu cực

Việc thi hành thoả thuận này về phía Việt Nam có những kết quả cả tích cực lẫn tiêu cực. Một số hành động tích cực cho tự do tôn giáo được thể hiện trong năm qua, sau khi Việt Nam bị chỉ định vào danh sách CPC, theo lời Phó chủ tịch Ủy Hội của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, bà Nina Shea:

“Sau khi bị đưa vào danh sách CPC thì Việt Nam phóng thích một số tù nhân tôn giáo được nhiều người biết đến, cho mở cửa lại một số nhà thờ ở Cao nguyên trung bộ, chính thức cấm việc buộc tín đồ phải bỏ tín ngưỡng, ra luật để việc đăng ký của các giáo hội được nhanh chóng hơn.”

Nhưng bà Nina Shea nói tiếp: “Tuy nhiên những vụ ngược đãi trầm trọng đối với quyền tự do tôn giáo vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là đối với những tín đồ Tin lành người Thượng và người Hmong, tín đồ Tin lành Mennonite, tín đồ Phật giáo Hoà hảo, và các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Thêm vào đó, những báo cáo đáng tin cậy trong năm qua cho biềt vẫn có những vụ ép buộc người dân phải bỏ đức tin, con số những nhà thờ, nhà nguyện được mở cửa lại thì thấp so với những nhà thờ bị đóng cửa, và những vụ bắt bớ thêm vẫn tiếp diễn.”

Theo phúc trình, có mấy trăm điểm tụ họp về tôn giáo được phép mở cửa lại, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 1 ngàn 200 nơi bị đóng cửa ở Tây nguyên sau năm 2001. Những vụ ép buộc từ bỏ tín ngưỡng tiếp diễn, nhất là đôi với tín đồ Tin lành người Thượng và các tu sĩ nam nữ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, tuy rằng có ít hơn trước đây.

Tù nhân tôn giáo được ân xá, thì những vụ bắt giam mới lại tiếp tục xảy ra. Các điều khoản về an ninh quốc gia, đoàn kết quốc gia trong bộ luật hình sự đôi khi thay cho cả luật mới về tự do tôn giáo. Công dân Việt Nam không có chỗ dựa pháp lý để đối phó với những sự ngược đãi về nhân quyền do viên chức Nhà nước gây ra.

Bản phúc trình liệt kê tên một số tu sĩ tù nhân nổi tiếng đã được trả tự do trong năm qua, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Công giáo, Phật giáo Hoà hảo và Tin lành, đồng thời cho biết lực lượng an ninh Việt Nam tiếp tục bắt bớ, giam giữ, bỏ tù thêm nhiều người thuộc nhiều tôn giáo.

Văn bản nêu ví dụ về những trường hợp bắt giam tù và quản chế các tín đố Hoà hảo, trong đó có ông Võ Văn Thành Liêm và Bùi thiện Huệ, cùng 8 tín đồ khác phản đối Nhà nước áp chế đạo Hoà Hảo. Ba tu sĩ Công giáo cũng bị tíep tục giam tù với bản án 20 năm.

Kể ra tất cả những văn bản, quy định, luật lệ do Thủ tướng chính phủ và Quốc hội Việt Nam ban hành nhằm nới lỏng sinh hoạt tôn giáo, coi đó như hành động tích cực của chính quyền Việt Nam, bản phúc trình của Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo cũng liệt kê gần đầy đủ những hành động đàn áp đạo Tin lành ở Tây nguyên, ở Quảng Ngãi, cả ở Điện Biên, những cuộc đàn áp khống chế Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, hoà thượng Thích Quảng Độ cùng 13 tu sĩ khác thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, xảy ra ở Quảng Nam Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Bình Định.

Phúc trình cho biết, các Ủy viên và nhân viên của Ủy hội tôn giáo Hoa Kỳ đã đi nhiều nơi ở Việt Nam, gặp gỡ và thảo luận với các viên chức tôn giáo cùng các lãnh đạo tôn giáo, đồng thời cũng gặp các viên chức và nghị sĩ, dân biểu phía Hoa Kỳ.

Phúc trình năm nay đưa ra nhiều khuyến cáo với chính phủ Hoa Kỳ về những biện pháp giúp tăng tiến tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ủy hội cũng khuyến cáo chính phủ Việt Nam nên cho phép các giáo hội Phật giáo, Hoà Hảo, Tin lành được đăng ký lập những giáo hội riêng song song với các giáo hội do Nhà nước thành lập, và được sinh hoạt tôn giáo riêng.

Ủy hội đề nghị Nhà nước Việt Nam có hành động thúc đẩy việc thi hành đúng đắn những luât lệ, pháp lệnh, quy định đã ban hành, và sửa đổi, tăng cường một số điều khoản trong những văn kiện pháp lý đó để giúp thực hiện tự do tôn giáo.

Do những thành quả chưa đạt yêu cầu về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong năm qua, Ủy hội đề nghị: “Hoa Kỳ không nên tặng thưởng cho Việt Nam quá sớm bằng cách bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, hay giảm nhẹ những mối quan tâm về nhân quyền để tăng tiến quan hệ về kinh tế hay quân sự.”

Việt Long tường trình từ Washington.

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]