Hội Ân Xá Quốc Tế: Nhân quyền ở Việt Nam tiếp diễn tồi tệ hơn


25.5.2005

NguoiViet Online

LONDON 25-05 (TH).- Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), một tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, phổ biến bản phúc trình thường niên trong ngày 25 Tháng Năm 2005 nói rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay còn tồi tệ hơn trước. [xem nguyên văn phần về Việt Nam trong Bản Phúc Trình]

“Tình hình nhân quyền ở khu vực Tây Nguyên Việt Nam tồi tệ hơn trước sau khi xảy ra các vụ biểu tình của người Thượng hồi Tháng Tư 2004. Cuộc đàn áp đã làm chết ít nhất 8 người Thượng và rất nhiều người khác bị thương tích. Sau đó nhà nước kiểm soát chặt chẽ sự di chuyển cũng như sự liên lạc với vùng này. Tự do phát biểu trên cả nước vẫn bị hạn chết khắt khe. Nhiều vụ bỏ tù các nhân vật bất đồng chính kiến tiếp diễn trong năm 2004. Ðàn áp các giáo hội tôn giáo không nằm trong hệ thống tôn giáo quốc doanh vẫn tiếp diễn. Còn các người bị án tử hình và người bị hành quyết tại Việt Nam vẫn nhiều.”

Ðó là phần tóm tắt và mở đầu của phần phúc trình về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2004 của Ân Xá Quốc Tế.

Bản phúc trình của Ân Xá Quốc Tế nói như vậy ngược lại sự nhận định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ba tuần lễ trước đây khi Hoa Thịnh Ðốn khen ngợi tình hình nhân quyền ở Việt Nam có cải thiện phần nào mà nhờ đó Hoa Kỳ không đưa ra các biện pháp chế tài. Hai tuần lễ trước đây, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) do chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ đồng thành lập, cũng đề nghị rằng vẫn giữ tên nước Việt Nam trong danh sách các nước “cần quan tâm đặc biệt” vì đàn áp nhân quyền, tôn giáo vẫn tiếp diễn ở nước này.

Trong bản phúc trình của Ân Xá Quốc Tế, tổ chức này thuật lại rằng người Thượng đi biểu tình đòi tự do tôn giáo và đất canh tác truyền thống trong tinh thần bất bạo động nhưng đã bị đàn áp dã man bằng võ lực mà ít nhất 8 người bị giết chết. Toàn khu vực Tây Nguyên đã bị cô lập suốt nhiều tháng, báo chí ngoại quốc được phép tới đây đã bị giám sát chặt chẽ. Sau các cuộc biểu tình từ 2001 đến nay, có ít nhất 142 người Thượng đã bị án tù với cáo buộc tổ chức biểu tình hay tổ chức vượt biên và chống lại chính sách “đoàn kết dân tộc”.

Bản phúc trình nêu ra một số nhà vận động dân chủ nổi bật như Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, sử gia Phạm Quế Dương đã bị tù vì khác biệt chính kiến.

Các tôn giáo, giáo hội không nằm trong hệ thống tôn giáo quốc doanh tiếp tục bị đàn áp.

“Thành viên của các giáo hội không nằm trong hệ thống tôn giáo quốc doanh tiếp tục bị đàn áp, kể cả chuyện sách nhiễu, ép buộc bỏ đạo, quản chế hoặc bỏ tù. Bản phúc trình nêu tên một số người và tổ chức tiêu biểu bị đàn áp trong số đó có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hội Thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam.

Như thường lệ, Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam phổ biến bản tuyên bố báo chí trong ngày Thứ Tư 25 Tháng Năm 2005 chối tất cả các lời cáo buộc chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội là đàn áp tôn giáo, nhân quyền và nói rằng “Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam luôn luôn tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, trong đó gồm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo tín ngưỡng.”

Bản Pháp Lệnh Tôn Giáo Tín Ngưỡng có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Mười Một 2004 rồi liên tiếp mấy nghị định, chỉ thị hướng dẫn thi hành cái pháp lệnh này mấy tháng đầu năm nay, theo sự nhận xét của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, chỉ là nhắm dùng thủ tục hành chánh và quyền lực nhà nước để gạt ra ngoài các tổ chức tôn giáo, giáo hội không chịu chui vào hệ thống quốc doanh cho chế độ Hà Nội chỉ huy.

Ðầu tuần này, Nghị Sĩ Sam Brownback và hai dân biểu Christopher Smith, Zoe Lofgren đã gửi một bức thư tới Tổng Thống Bush để yêu cầu chính phủ áp lực mạnh mẽ vấn đề nhân quyền Việt Nam khi Phan Văn Khải, Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam, đến đây vào khoảng cuối Tháng Sáu 2005. Ðồng thời, 8 hội đoàn người Việt hải ngoại cũng gửi Tổng Thống Bush một bức thư vận động với ông về việc này.

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]