Nhà báo tù nhân Nguyễn Vũ Bình được bầu làm hội viên danh dự của Trung Tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại

 

Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Genève  ngày 12 tháng 3 năm 2005

  

Sáng ngày 12 tháng 3 năm 2005, sau khi nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt trình bày trường hợp và giới thiệu tiểu sử của ông Nguyễn Vũ Bình, với sự tán trợ của Ban Chấp hành Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại (Centre PEN Suisse Romand), toàn thể văn hữu dự Đại hội thường niên tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Thụy Sĩ ở Genève đã bầu nhà báo tù nhân Nguyễn Vũ Bình làm hội viên danh dự của Trung tâm. Quyết định này sẽ được thông báo cho bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ biết.

  

* Sơ lược tiểu sử của nhà dân chủ đối kháng Nguyễn Vũ Bình

 Ông sinh ngày 2 tháng 11 năm 1968 tại Hành Thiên, Xuân Trường, Nam Định. Trong gần mười năm, ông Nguyễn Vũ Bình từng là biên tập viên cho tạp chí Cộng Sản. Đến tháng giêng năm 2001, ông thôi cộng tác vì muốn thành lập chính đảng Tự Do Dân Chủ, đối lập với độc tài cộng sản. Dự định của ông bất thành vì tổ chức bị nghiêm cấm. Ông còn là hội viên hoạt động của Hội Nhân dân Việt Nam chống Tham nhũng, một tổ chức cũng bị cấm. Gia đình ông bị bao vây kinh tế, cô lập và hạch sách quấy nhiễu. Nhà trí thức đối kháng vẫn can đảm cho phổ biến nhiều bài ông viết nhằm chỉ trích bạo quyền, yêu cầu thi hành dân chủ và phóng thích tất cả tù nhân chính trị. Tháng 7 năm 2002, ông bị thẩm vấn tại sở công an rồi được thả về. Đến ngày 25 tháng 9 năm 2002 thì ông bị nhân viên mật vụ bắt giữ. Suốt mười lăm tháng bị giam cứu tại một nhà lao bí mật, ông không hề được thấy mặt người vợ của ông, bà Bùi thị Kim Ngân và hai cô con gái nhỏ, Nguyễn Vũ Thanh Hà (7 tuổi) và Nguyễn Vũ Thuần Linh (4 tuổi). Một trong những lý do chính khiến Việt cộng trừng phạt ông Nguyễn Vũ Bình là bài tiểu luận "Nhìn lại các bản Hiệp ước biên giới Việt-Trung" hoặc là bản "Điều trần về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam". Ngày 31 tháng 12 năm 2003, ông Nguyễn Vũ Bình bị buộc tội làm gián điệp và bị xử 7 năm tù kèm theo 3 năm quản chế trong một phiên tòa chỉ kéo dài non 3 tiếng đồng hồ. Tường thuật vụ án bất công và độc đoán này, hãng thông tấn Việt cộng, với luận điệu vô liêm cố hữu, cho rằng "Nguyễn Vũ Bình đã soạn thảo, trao đổi thông tin tài liệu có nội dung xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước với một số phần tử cơ hội ở quốc nội". Ông Nguyễn Vũ Bình còn bị cáo buộc là đã giao liên với các tổ chức phản động ở hải ngoại. Ngày 5 tháng 5 năm 2004, tòa phúc thẩm Hà nội giữ nguyên bản án tòa sơ thẩm. Nhà đối kháng dân chủ liền tuyệt thực để phản đối một bản án mà ông coi là bất công, phi pháp và vô nhân đạo. Sau đó, nhà cầm quyền cộng sản bí mật chuyển ông từ nhà lao Hỏa Lò Hà Nội đến trại lao công cưỡng bách Ba Sao Nam Hà, một trong những trại tập trung chính được mệnh danh là "Goulag Việt Nam", nơi đày ải nhiều trăm ngàn tù nhân chính trị từ những năm bảy mươi. Được Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam báo động về tình trạng sức khỏe của ông lúc ông tuyệt thực và gia đình không được thăm nom, nhiều báo Thụy Sĩ đã đăng tin với hàng tựa: "Ông Nguyễn Vũ Bình có còn sống chăng?". Bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ đã chỉ thị cho Đại sứ tại Hà Nội theo dõi và can thiệp. Ông Nguyễn Vũ Bình là khôi nguyên Giải Quyền Tự do Phát biểu Lilian Hellmann/Dashiell Hammett do Đài Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) trao tặng năm 2002. Giải thưởng này được dành cho những nhà văn và nhà báo bị đàn áp, ngược đãi trên khắp thế giới.

 

* Ít hàng về Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại

 Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại (Centre PEN Suisse Romand) là một trong hơn 130 thành viên của Văn Bút Quốc Tế có truyền thống dấn thân cho lý tưởng của Nhà Văn. Trung tâm luôn luôn trung thành với tinh thần Hiến chương Văn Bút Quốc Tế. Trung tâm được biết tiếng vì những hoạt động có phẩm chất cao của Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù. Trung tâm bảo trợ và giúp đỡ nhiều nhà văn bị hiểm nguy, công nhận họ làm hội viên danh dự (như Tô Thùy Yên, Phạm Đức Khâm, Đoàn Viết Hoạt, Thích Huệ Đăng, Nguyễn Đình Huy, riêng về Việt Nam). Nữ văn hữu Fawzia Assaad, cựu thành viên Ban Chấp hành Văn Bút Quốc Tế, làm đại diện trong những khóa họp của Ủy hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève. Nữ văn hữu Mavis Guinard tình nguyện dịch tài liệu của Ủy ban Trung ương Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù (trụ sở Luân Đôn) để Văn Bút Quốc Tế phổ biến đến những Trung tâm Văn Bút nói tiếng Pháp. Cũng chính nữ văn hữu là người đã điều khiển ban phiên dịch tuyển tập "This Prison Where They Live", The PEN Anthology of Imprisoned Writers, để Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại xuất bản dưới tựa đề "Ecrivains en Prison". Trong tập sách rất quý này có hai bài thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, bên cạnh các tác phẩm viết trong tù của sáu mươi chín thi văn sĩ ở khắp thế giới, như Arthur Koestler, Alexander Soljenitsyne, Vaclav Havel, Joseph Brodsky (thi sĩ Nga đã từ trần vài tuần sau khi viết Lời Tựa cho tuyển tập), Tang Qi, Jorge Valls Arango, Promo Levi, v.v.

Từ nhiều năm qua, Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại còn là Trung tâm đã đề xướng soạn thảo bản Quyết Nghị về Việt Nam, luôn luôn được Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế thường niên đồng thanh biểu quyết chấp thuận.  

(Viết theo tin của Nguyên Hoàng Bảo Việt, Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại PEN Suisse Romand).

 


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]