Hàng trăm người đình công ở Bình Dương
NguoiViet Online 23/4/2010
HÀ NỘI 23-4 (TH) - Lương bổng thấp không đủ sống, sức lao động bị vắt cùng kiệt lại còn bị đối xử khắc nghiệt, người công nhân ở Việt Nam liên tiếp đình công từ đầu năm đến nay. Các nguồn tin báo Tiền Phong và Lao Ðộng cho hay hai cuộc đình công mới nhất vừa xảy ra ở Hà Nội và Bình Dương, một ngày sau khi xảy ra một số cuộc đình công khác cũng ở Bình Dương và Sài Gòn. “Gần 1,000 công nhân công ty TNHH Young Past Việt Nam (khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) đình công, phản đối một số chính sách của công ty. Lý do công nhân đình công chủ yếu xuất phát từ việc lãnh đạo công ty này không thực hiện đúng cam kết khi tuyển lao động”. Báo Tiền Phong cho hay như vậy về cuộc đình công xảy hôm Thứ Năm và dẫn lời nữ công nhân Tào Thị Nguyệt Ánh, thay mặt nhiều công nhân ở đây cho biết: “Tháng 1 năm 2010, khi phỏng vấn tuyển lao động, lãnh đạo công ty hứa trả lương tháng đầu tiên là 1.19 triệu đồng/người, từ tháng thứ hai sẽ tăng lên 1.4-1.5 triệu đồng. Thế nhưng, mấy ngày nay, khi tiến hành ký hợp đồng chính thức, công ty chỉ đồng ý mức lương 1.273 triệu đồng/tháng nên người lao động không ký. Cùng đó, công nhân không được hưởng tiền trợ cấp như quy định; tiền thưởng cũng không có.” Trong khi đó, theo bản tin tờ Lao Ðộng thì “Sáng 22 tháng 4 năm 2010, tại công ty TNHH giày Thông Trạm (số 25 đường Huỳnh Văn Nghệ, thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương) hàng trăm công nhân đã tự phát ngừng việc theo khoản 3 Ðiều 159 Bộ luật Lao động để phản đối tình trạng chất lượng bữa ăn quá kém, không đủ chất bổ dưỡng để tái tạo sức lao động.” Theo nguồn tin báo Lao Ðộng, công ty Thông Trạm do chủ công ty TNHH giày Thông Dụng (100% vốn Ðài Loan, ở ấp 3, xã An Phú, Thuận An, Bình Dương) bỏ vốn thành lập. “Công nhân của công ty Thông Dụng cũng thường xuyên ngừng việc tự phát do chất lượng bữa ăn kém, không hợp vệ sinh, cách tính giờ lên xuống ca chưa hợp lý, chậm tăng lương. Còn tại công ty Thông Trạm, 'bữa ăn kém chất lượng' thực ra chỉ là nguyên cớ, nguyên nhân sâu xa là bởi công ty này không chấp hành pháp luật lao động, khiến công nhân bức xúc phải tự phát đấu tranh, cụ thể như sau: công ty Thông Trạm tuyển dụng công nhân vào làm việc nhưng không có HÐLÐ, trong đó không ít công nhân chưa đủ tuổi lao động.” Không những vậy, công ty này “không tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp cho công nhân, hậu quả là những công nhân ốm đau, tai nạn lao động, thai sản... không có bất cứ chế độ gì, phải tự bỏ tiền túi khám - chữa bệnh. Ðã thế, khi công nhân ốm đau, những người quản lý công ty không những không ký giấy cho công nhân nghỉ, mà còn trừ 100% tiền chuyên cần trong tháng của họ dù chỉ nghỉ 1 buổi... Ðến trưa cùng ngày, do không có bất cứ cơ quan chức năng nào tới can thiệp, nên công nhân đã bỏ ra về, hẹn sáng nay (23 tháng 4) đấu tranh tiếp.” Mới ngày 21 tháng 4 năm 2010, khoảng hơn 4,000 công nhân của công ty liên doanh Chí Hùng ở xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã đình công vì khẩu phần ăn quá tệ hại. Hơn 700 công nhân của công ty quần áo Smart Elegant (vốn đầu tư 100% Hongkong) ở Sài Gòn đã đình công vì bắt ép làm việc quá đáng trong khi bữa ăn tồi tệ. Gần một trăm vụ đình công đã xảy ra ở Việt Nam từ đầu năm đến nay, theo một số tin tức của báo chí trong nước. Tuy nhiên phần lớn chúng không được loan tin. Theo một bản phân tích thời sự Việt Nam của Reuters hôm 1 tháng 4, 2010, dẫn lời một viên chức cao cấp Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư Việt Nam, các vụ đình công trong năm nay có thể gia tăng so với năm ngoái vì lạm phát gia tăng, công nhân không đủ sống.
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết] |