Bác Sĩ Lê Nguyên Sang được trả tự do ‘Không từ bỏ con đường đã chọn’
NguoiViet Online 17/8/2010
SÀI GÒN - Bác Sĩ Lê Nguyên Sang, một nhân vật bất đồng chính kiến, vừa được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do sau 4 năm ngồi tù vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước.” Bác Sĩ Sang được trả tự do vào sáng 17 tháng 8, giờ Việt Nam, tại trại tù Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Cách đây 4 năm, Bác Sĩ Lê Nguyên Sang cùng với hai người nữa là Luật Sư Nguyễn Bắc Truyển và nhà báo Huỳnh Nguyên Ðạo bị xử tổng cộng 12 năm tù. Sau đó, vào tháng 8, 2007, Bác Sĩ Sang được giảm án một năm tù, còn 4 năm và 2 năm quản chế. Bác Sĩ Sang cùng với ông Ðỗ Thành Công, một người Mỹ gốc Việt, là sáng lập viên Ðảng Dân Chủ Nhân Dân, vốn bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm hoạt động ở trong nước. Trả lời phỏng vấn của Ðài Á Châu Tự Do, ông Lê Nguyên Sang nói: “Ðối với tôi nhà tù cộng sản chỉ là nhà tù nhỏ thôi, ngoài nhà tù đó còn nhà tù lớn hơn nữa. Ai ở tù đều có cảm giác, đều biết sau bốn bức tường, còn thêm bốn bức tường, tiếp đó nữa là cái xà lim chỉ nhốt đủ một một người mà thôi.” Ông nói thêm rằng: “Sau khi bước ra khỏi tù tôi còn nhiều việc phải làm nữa.” Trên đài BBC, ông Sang tuyên bố rằng: “Tôi sẽ không từ bỏ con đường đã chọn cho dù có thể lại bị bỏ tù.” Ông Sang kể với đài Á Châu Tự Do về cảm giác sau khi được ra tù: “Ở tù cộng sản, người ta bị đàn áp nhiều về mặt tinh thần, vật chất - mệt mỏi lắm. Nhưng khi bước ra khỏi tù, cảm giác tự do làm cho con người như ‘lâng lâng’, một thế giới mới đối với mình. Do đó, cảm giác choáng ngợp không thể diễn tả hết được. Thế nhưng tôi đoan chắc đã bước qua một giai đoạn nghiệt ngã nhất trong cuộc đấu tranh vì dân chủ của đất nước.” Ông Sang cho đài Á Châu Tự Do biết, ông từng bị giam trong xà lim hơn 1 năm. “Một năm rất nghiệt ngã, không có không khí để thở, ánh sáng để hưởng. Nhu cầu của con người là ánh sáng và không khí, hai thứ không mất tiền; thế nhưng trong nhà tù cộng sản hai thứ đó không được hưởng. Ðó là sự ép bức, đày đọa thể xác, tinh thần con người.” Trong 4 năm, ông Sang từng trải qua các nhà tù như Chí Hòa (Sài Gòn), Bố Lá (Bình Phước) và Xuân Lộc (Ðồng Nai).
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết] |