Việt Nam đứng thứ 161 trong 167 nước theo bản xếp hạng về Tự Do Báo Chí của RSF

 
Trà Mi, phóng viên đài RFA,

05. 5. 2005

Phúc trình thường niên do Tổ Chức Ký giả Không Biên Giới (RSF) vừa phổ biến sáng qua nói trong năm 2004, có 53 nhà báo chết trong khi hành nghề. Ngoài điểm nóng là chiến trường Iraq, với 19 phóng viên thiệt mạng trong năm qua, còn có 16 nhà báo gặp nạn đâu đó trong vùng Á Châu. Trong tổng số 107 ký giả bị tù đày trên thế giới, thì Châu Á chiếm gần phân nửa.

Chỉ Số Toàn Cầu về Tự Do Báo Chí công bố hồi cuối năm ngoái xếp Việt Nam vào một trong các quốc gia Châu Á chót bảng, đứng thứ 161 trên 167 nước được đánh giá.

Ngoài ra, trong danh sách 34 cá nhân và đoàn thể mà RSF gọi là phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì đàn áp báo chí bao gồm giết chóc, bắt giam, hành hung, hoặc đe dọa người làm báo, cũng có tên của ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam.

Để tìm hiểu thêm về tình hình tại Châu Á và Việt Nam, Trà Mi đã trao đổi với ông Vincent Brossel, đặc trách về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới tại Pháp:

Bị kiểm duyệt nghiêm ngặt

Trà Mi: Xin chào ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình tự do báo chí tại Châu Á nói chung, và tại Việt Nam, nói riêng?

Ông Vincent Brossel: Tình hình cho thấy năm 2004 ở Châu Á không có dấu hiệu tốt. Không có cải thiện đáng kể. Những quốc gia như Nepal, Miến Điện, Philipin, nơi nghề báo vốn hay gặp nguy hiểm, nay lại phát sinh thêm những vấn đề mới.

Trường hợp của Việt Nam thì hầu hết các ngòi bút đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt và bị đặt dưới áp lực của đảng và nhà nước. Dĩ nhiên, chúng ta có thấy có một vài trang web, hoặc vài tờ báo tự do, cố gắng đấu tranh để hạn chế sự kiểm soát này. Song, báo chí tại Việt Nam không có thay đổi lớn.

Không có tiến bộ

Trà Mi: Trong Chỉ Số Toàn Cầu về Tự Do Báo Chí công bố hồi cuối năm ngoái, Việt Nam là một trong những quốc gia Châu Á đứng chót bảng, xếp hạng 161 trên tổng số 167 quốc gia. Kể từ đầu năm 2005 đến nay, tức là trong quý đầu năm nay, đã thấy có những tiến bộ gì từ phía chính phủ Việt Nam chưa, thưa ông?

Ông Vincent Brossel: Không thể nói là có tiến bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, có vài trường hợp, vì cạnh tranh thông tin, nhà nước đã cho phép các ký giả trẻ và những nhà báo tự do được phản ánh những vấn đề mà trước đây họ chưa từng được nói đến.

Song, bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam vẫn áp dụng các luật lệ kiểm soát, tuyên truyền trong báo giới.

Theo quan sát của chúng tôi, năm ngoái, có vài trang web tại Việt Nam bị đóng cửa, một số các nhà báo bị đặt dưới áp lực, vì không tuân thủ các luật lệ nhà nước đặt ra.

Đặc biệt, chúng ta biết rằng năm tới Đảng cộng sản Việt Nam có 1 cuộc họp quan trọng. Cho nên, dường như Đảng đang ra sức khống chế và quản lý những phương tiện truyền thông đại chúng tự do nhất tại Việt Nam.

Ông Nông Đức Mạnh

Trà Mi: Trong danh sách các đoàn thể và cá nhân gọi là "phải chịu trách nhiệm trực tiếp" vì đàn áp tự do báo chí, chúng tôi thấy có tên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nông Đức Mạnh, Xin ông giải thích thêm về điều này. Vì sao tên ông Mạnh lại bị liệt kê vào danh sách?

Ông Vincent Brossel: Vâng, dĩ nhiên tố cáo những vấn đề nhân quyền không phải là khó. Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn cả là nêu đích danh những ai sẽ chịu trách nhiệm về những sự đàn áp và kiểm soát đó.

Ông Nông Đức Mạnh là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi cho rằng chính ông ta là người chịu trách nhiệm những hoạt động kiểm soát và giám sát báo chí tại Việt Nam.

Cho nên, chúng tôi đã đưa tên ông vào danh sách 34 người, bao gồm những nhà lãnh đạo độc tài cũng như những nhân vật đe doạ tự do báo chí trên thế giới.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian ông dành cho cuộc trao đổi hôm nay.

Vừa rồi là những nhận xét của ông Vincent Brossel, đặc trách về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới, về tình hình tự do tôn giáo tại Châu Á và Việt Nam.

 


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]