Phúc trình về nạn buôn người trên thế giới năm 2005

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố phúc trình thường niên về nạn buôn người trên thế giới, cho thấy Việt Nam vẫn giữ vị trí của bậc hai tức là những quốc gia tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề một cách tích cực.

05.6.2005

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Bản phúc trình thường năm về tệ nạn buôn người trên thế giới do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo được công bố vào lúc trưa ngày thứ Sáu giờ địa phương tại Washington.

Lên tiếng với báo chí tại Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi đi vào chi tiết của báo cáo buôn người 2005, nữ Ngoại trưởng Condoleeza Rice tuyên bố rằng phúc trình thường niên về nạn buôn người trên thế giới phản ảnh sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ đối với hành động gọi là xúc phạm đến nhân phẩm, tự do và nhân quyền của con người.

Vẫn theo lời bà, Hoa Kỳ từng cam kết và có bổn phận lưu ý thế giới rằng buôn người là một hình thức nô lệ trong thời hiện đại.

Bà nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước lượng mỗi năm hơn 800,000 người từ các nước trên thế giới bị buôn từ nước nọ qua nước kia, và hơn một triệu người khác thì bị buôn ngay trong đất nước của họ.

Trẻ em và phụ nữ

Bà Ngoại trưởng Rice nhấn mạnh là nạn nhân của kỹ nghệ buôn người phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Bà nói họ bị lừa, bị dụ dỗ hoặc bị bắt buộc phải qua nước khác để lao động cực nhọc trong những nhà máy hay chỗ làm việc tồi tàn, hoặc bị bán vào những đường dây mãi dâm để trở thành những nô lệ tình dục không hơn không kém.

Bên cạnh vấn đề lao động thiếu nhi, Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp, trẻ em tại nhiều nước trên thế giới còn bị ép buộc cầm súng chiến đấu, trở thành những người lính bất đắc dĩ. buộc cầm súng chiến đấu, bị biến thành những người lính bất đắc dĩ.

Dưới mắt bà Ngoại trưởng Condoleeza Rice, ở đâu có tệ nạn buôn người bùng nổ thì ở đó luật pháp không được tôn trọng, ở đó những tổ chức tội phạm thao túng và kiếm lợi bằng món hàng trao đổi là con người, là phụ nữ và trẻ em.

Bà tuyên bố tiếp là chính phủ Hoa Kỳ cũng như Tổng thống Bush tự nguyện đi tiên phong trong cuộc chiến chống tệ nạn buôn người, và năm ngaói chính phủ Mỹ đã chi ra hơn 96 triệu mỹ kim để giúp các nước trong những chương trình phòng chống cũng như giúp đỡ nạn nhân của tệ buôn người.

Sau bài nói chuyện của Ngoại trưởng Condoleeza Rice, đến lượt ông John Miller trình bày chi tiết hơn về phúc trình buôn người 2005. Ông John Miller là đặc sứ chuyên trách chương trình phòng chống tệ nạn buôn người trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Tình hình tại Việt Nam

Trong phúc trình 2004, Việt Nam nằm trong danh sách Tier 2 Watch List, tức những nước nằm ở bậc thứ hai cần được theo dõi về tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới, mà nhiều nhất và tai tiếng nhất là qua Đài Loan và qua Cambodia.

Trong phúc trình 2005 mới được công bố, Việt Nam vẫn giữ vị trí bậc hai nhưng không còn bị theo dõi sát như năm trước.

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do, đặc sứ John Miller nói bởi vì Việt Nam có nhiều nổ lực đáng kể trong năm qua, điển hình là trước đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rất chú trọng đến tệ trạng khai thác sức lao động của con người ở Việt Nam, về tệ trạng xuất khẩu lao động rồi bị ngược đãi lạm dụng như trường hợp trước đây ở đảo Samoa, thế nhưng trong năm qua Việt Nam đã bắt tay vào việc, đã khởi sự rà sóat cũng như cộng tác với các giới liên hệ để giảm thiểu tệ trạng buôn người.

Thế nhưng nếu nhìn vào phần mở đầu của bàn báo cáo 2005 về tệ nạn buôn người, thì Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Việt Nam vẫn là nơi chốn, là nguồn cung cấp phụ nữ trẻ em xuyên biên giới để bị khai thác vào đường lao động thiếu nhi hoặc mãi dâm.

Báo cáo 2005 nói rõ phụ nữ trẻ em Việt Nam không chỉ bị bán qua Cambodia, Trung Quốc, Đài Loan mà còn đến những đặc khu hành chánh kinh tế như Hongkong, Macau, kế đó là Malaysia, hay xa hơn nữa là nước Cộng Hòa Czech.

Đài Loan và Cambodia

Có thể nói hai quốc gia láng giềng với Việt Nam mà tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ từ trong nước sang đã và đang gây nhiều tai tiếng nhất hiện giờ là Đài Loan và Cambodia .

Những chi tiết liên quan đến tệ buôn người từ Việt Nam qua Đài Loan, Việt Nam qua Cambodia cũng được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề cập tới trong từng phần phúc trình riêng về hai nước này.

Năm 2004, Đài Loan là nước bậc một trong phúc trình buôn người thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ, có nghĩa là không có vấn đề nổi cộm. Năm nay, Đài Loan tụt xuống bậc hai vì Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là chính phủ nước này không cố gắng giải quyết vấn đề, không đề ra luật phòng chống tệ buôn người.

Nói về Cambodia, nơi mà nhiều thiếu nữ và trẻ gái Việt Nam bị bán vào những động mãi dâm ở những khu vực nằm sát biên Việt Nam, thì nước này vẫn nằm trong bậc hai như năm ngoái vì không tiến bộ, không áp dụng luật lệ để chống lại những tổ chức buôn người.

Có thể đọc nguyên văn Phúc Trình ở địa chỉ sau:

http://wid.ap.org/documents/2005humantrafficking.pdf

 Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]