Việt Nam kiểm duyệt chặt chẽ các trang web về chính trị

 

 

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

11.8.2006

 Việt Nam tuyên bố việc kiểm soát Internet chỉ có mục đích ngăn chặn các trang Web có nội dung sa đoạ khiêu dâm, thì trong thực tế, họ lại tập trung vào việc ngăn chặn các trang Web bàn đến các vấn đề mà họ cho là có nguy hại cho chế độ độc đảng.

ONI, viết tắt của OpenNet Initiative là tên một nhóm nghiên cứu liên hợp của bốn trường đại học: Harvard ở tiểu bang Massachusetts của Hoa kỳ, Toronto ở Canada cùng Oxford và Cambridge của Anh quốc.

Mục tiêu nghiên cứu của nhóm là tìm hiểu để vẽ nên bức tranh trung thực và khả tín về tình hình kiểm duyệt, hạn chế và ngăn chặn tại các quốc gia đối với mạng lưới thông tin toàn cầu Internet, và từ đó, nói lên tác hại của hành động ấy trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế.

Bản phúc trình mới nhất được phổ biến là tình hình kiểm duyệt Internet tại Việt Nam trong thời gian qua. Nguyễn An tóm lược. [Bấm vào đây để đọc nguyên văn bản phúc trình]

Các trang web về khiêu dâm

Nhóm ONI thu thập dữ kiện về mức độ và quy mô của cố gắng mà nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhằm kiểm soát môi trường thông tin của người dân. Môi trường ấy bao gồm các trang Web kể cả các trang Web cá nhân, điện thư và các cuộc trao đổi, tranh luận trên mạng.

Dựa trên những nghiên cứu từ nhiều nguồn về kỹ thuật, luật pháp và chính trị cũng như các thử nghiệm thực tế, nhóm ONI kết luận rằng nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tích cực kiểm duyệt Internet, nhất là đối với những trang Web mang nội dung mà họ cho là nguy hiểm về chính trị. Điều đáng lưu ý là các kỹ thuật mà Việt Nam sử dụng vào mục đích này ngày càng tinh vi hơn, càng có phạm vi rộng hơn và càng có hiệu quả hơn.

ONI bắt đầu thực hiện các nghiên cứu của mình về tình hình các quốc gia giới hạn hay ngăn chặn sử dụng Internet từ năm 2002. ONI nhận thấy là Việt Nam đã tăng cường việc kiểm duyệt và ngăn chặn, nên đặc biệt nghiên cứu về nước này từ tháng 11 năm ngoái đến cuối tháng ba năm nay. Đó là thời gian được trình bày trong bản phúc trình.

Ông Derek BamBauer

Ngoài phương tiện kỹ thuật, Việt Nam còn dùng cả sức mạnh của pháp luật và giáo dục vào mục đích này nữa, và điều này thì cũng tương tự như Trung quốc.

Bản phúc trình nhấn mạnh rằng, điều đáng chú ý nhất là, trong khi nhà nước Việt Nam tuyên bố việc kiểm soát Internet chỉ có mục đích ngăn chặn các trang Web có nội dung sa đoạ khiêu dâm, thì trong thực tế, họ lại tập trung vào việc ngăn chặn các trang Web bàn đến các vấn đề mà họ cho là có nguy hại cho chế độ độc đảng.

Từ năm 2002

Trả lời câu hỏi của ban Việt ngữ về thời gian mà ONI bắt đầu làm việc và tìm hiểu về tình hình kiểm duyệt Internet tại Việt Nam, ông Derek BamBauer, nghiên cứu sinh thuộc trung tâm nghiên cứu Internet và Xã hội Berkman của đại học luật khoa Harvard và là một thành viên của nhóm cho biết:

“ONI bắt đầu thực hiện các nghiên cứu của mình về tình hình các quốc gia giới hạn hay ngăn chặn sử dụng Internet từ năm 2002. ONI nhận thấy là Việt Nam đã tăng cường việc kiểm duyệt và ngăn chặn, nên đặc biệt nghiên cứu về nước này từ tháng 11 năm ngoái đến cuối tháng ba năm nay. Đó là thời gian được trình bày trong bản phúc trình.”

Bản phúc trình cho biết rằng ở Việt Nam có sáu công ty chính cung cấp dịch vụ Internet, mà hai công ty chiếm thị phần lớn nhất là VNPT với hơn 44% và FTP với gần 30%. Kế đó là Viettel với gần 14%.

Sau khi đã lên danh sách các Website nhậy cảm chẳng hạn như về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo hay các nhân vật bất đồng chính kiến nổi danh và các vấn đề cấm kỵ, ONI trình bày các dữ kiện một cách chi tiết qua 24 biểu đồ về tình hình ngăn chặn tại hai công ty VNPT và FTP.

Một trong những điểm rõ nét nhất là mức độ ngăn chặn các Website nhậy cảm đã tăng gấp đôi từ tháng 11 năm ngoái đến cuối tháng ba năm nay.

Lấy vài thí dụ: về vấn đề nhân quyền, thì năm nay số website bị chặn là hơn 70% so với hơn 40% hồi cuối năm ngoái. Về các nhà bất đồng chính kiến, thì con số đó là 75% so với 22%, về nhân quyền thì 41% so với 23%.

Là Việt Nam thực sự không triệt để ngăn chặn các trang Web khiêu dâm. Có thể nói là những trang này truy cập được hầu như ở mọi nơi... Điều mà chúng tôi thấy rõ là chỉ những trang Web nào có thể gây nguy hiểm có chế độ độc đảng thì mới bị triệt để cấm mà thôi.

Ông Derek Bambauer

Tình hình ngặn chận truy cập Internet

Cùng với bản phúc trình đưa ra chiều thứ năm 10 tháng tám, ONI cũng công bố những nhận định của họ về tình hình ngặn chận truy cập Internet tại Việt Nam:

Thứ nhất là hai công ty lớn nhất là VNPT và FPT đã ngăn chặn hầu hết các Website có nội dung chính trị nhậy cảm, cụ thể là những vấn đề liên quan đến đối lập, các phong trào cổ vũ dân chủ hay nhân quyền, tôn giáo, nhất là Phật giáo, Cao đài, và Hoà hảo.

Thứ hai là nhà nước đặc biệt lưu tâm đến các website có bàn đến những vấn đề có thể gây nguy hại về chính trị thí dụ như chuyện đối xử với các nhà bất đồng chính kiến, chuyện dân chủ, hay dự luật nhân quyền Việt Nam của quốc hội Hoa kỳ.

Thứ ba, nhà nước Việt Nam đã ban hành những luật lệ quá nghiêm khắc liên quan đến Internet chẳng hạn như buộc tội hình sự những ai sử dụng Internet để chống lại nhà nước hay có thể gây mất ổn định an ninh, kinh tế hoặc trật tự xã hội, bắt các cửa hàng cho thuê dịch vụ Internet phải kiểm soát gắt gao khách hàng của mình cả về nhân thân lẫn nội dung trang Web truy cập.

Ông Derek Bambauer cho biết tình hình thực tế ở Việt Nam khi ONI nghiên cứu thực tế như sau: “Là Việt Nam thực sự không triệt để ngăn chặn các trang Web khiêu dâm. Có thể nói là những trang này truy cập được hầu như ở mọi nơi...

Điều mà chúng tôi thấy rõ là chỉ những trang Web nào có thể gây nguy hiểm có chế độ độc đảng thì mới bị triệt để cấm mà thôi."

Đó cũng là nhận định tổng kết của nhóm ONI. Họ cho rằng hệ thống kiểm duyệt Internet của Việt Nam đã ngăn chặn công dân của họ truy cập nhiều loại thông tin trên Internet.

Điều đáng nói, là những thông tin ấy lại không phải là những thông tin mà nhà nước Việt Nam minh thị tuyên bố cấm truy cập, tức là những trang web khiêu dâm độc hại.

Cách nói ấy chỉ dùng để che đậy mục đích chính của nhà nước, là làm sao để không ai đọc được những vấn đề chính trị nhậy cảm có thể gây nguy hại cho chế độ độc đảng hiện hành.

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]