Buôn người sang TQ có xu hướng tăng

 

BBC – 26.01.2006

 Thông tấn xã nhà nước Trung Quốc cho biết con số phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị đưa bất hợp pháp qua biên giới sang Trung Quốc tăng hơn gấp đôi trong năm 2005 so với năm trước đó.

Tân Hoa Xã nói số người bị buôn bán sang tỉnh Quảng Tây từ Việt Nam riêng trong năm 2005 là 125.

Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thì đánh giá rằng số trẻ vị thành niên, thậm chí các em nhỏ dưới 12 tuổi, bị những đường dây buôn người mang từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng mạnh.

Rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị bán cho các nhà chứa ở các tỉnh như Quảng Đông và Quảng Tây.

Tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam, nằm trên biên giới Việt Trung, là một tỉnh nơi nhà chức trách đã phát hiện nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em bị bán sang Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Hoạt, phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh nhận xét, nay đã hình thành các đường dây buôn người để kiếm tiền bất hợp pháp từ việc đưa phụ nữ sang Trung Quốc.

"Cũng có nhiều chị em vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã bị lừa sang Trung Quốc với hứa hẹn kiếm việc làm".

"Hoàn cảnh gia đình éo le, không hạnh phúc là một lý do nữa để nhiều phụ nữ quyết định ra đi".

 

Mức độ cam kết cao

Nhận định về con số thống kê mà báo chí Trung Quốc đưa ra, Quỹ Nhi đồng UNICEF nói sở dĩ có sự tăng mạnh như vậy, một phần vì nay các cơ quan chức năng hai nước đã có cơ chế để phát hiện ra các trường hợp vi phạm nhanh nhạy hơn.

Theo UNICEF, hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của các đường dây buôn người qua biên giới và có cam kết cao để ngăn chặn tình trạng này.

Bà Julie Bergeron, chuyên gia về bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam nói rằng trong 5 năm trở lại, hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Theo bà, cam kết của hai chính phủ là rất cao.

Tuy Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết được một biên bản ghi nhớ chính thức về việc ngăn chặn nạn buôn người qua biên giới như Việt Nam từng làm với Campuchia nhưng hai bên có kế hoạch thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực này.

 

Hỗ trợ tái hòa nhập

UNICEF cũng kêu gọi phải có trợ giúp nhiều hơn cho những phụ nữ bị đưa trái phép sang Trung Quốc tái hòa nhập cộng đồng.

Những người này khi ra đi đã ở trong hoàn cảnh khó khăn, thì khi trở về tình cảnh của họ lại càng khó khăn gấp bội.

Bà Julie Bergeron từ UNICEF nói:" Có những người không được gia đình chấp nhận trở lại, có những người về nhà nhưng phải chịu định kiến là đã 'bị bán cho nhà chứa' và không thể tìm được công ăn việc làm".

"Việc xóa bỏ định kiến là điều cần làm trước hết, vì họ là nạn nhân chứ không có tội, và phải giúp đỡ họ công ăn việc làm để quay trở lại cuộc sống bình thường".

Định kiến xã hội là một trong các cản trở, thế nhưng cũng không thể phủ nhận rằng lý do kinh tế vẫn là một trong các lý do khiến nhiều phụ nữ không thể và không muốn quay lại cuộc sống trước kia.

Bà Nguyễn Thị Hoạt, phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Lạng Sơn, nói chỉ có hy vọng hạn chế phần nào, chứ không thể chấm dứt hoàn toàn việc phụ nữ bị các đường dây mang sang Trung Quốc.

"Nhiều người bị lừa khi sang bên đó quen thuộc thông thổ lại quay về Việt Nam đề lừa người khác".

"Một khía cạnh khác là Trung Quốc họ cũng thực sự có nhu cầu về người, vì thế cũng có tình trạng đưa phụ nữ Việt sang để môi giới hôn nhân".

Các chuyên gia UNICEF cũng cảnh báo rằng Trung Quốc trong tương lai gần có thể trở thành điểm trung chuyển quốc tế của các tổ chức buôn người qua biên giới.

Trước đây các đường dây này sử dụng Thái Lan để chuyển người sang các nước khác, nay qua Trung Quốc các nạn nhân có thể bị chuyển sang Malaysia, Singapore hay Đài Loan, thậm chí xa hơn. Và như vậy, việc đề phòng để ngăn chặn nạn buôn người từ Việt Nam lại càng trở nên cấp thiết.

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]