Luật sư bỏ nghề do mất hết niềm tin vào tư pháp Việt Nam
Diễm Thi, RFA
Luật sư Lê Văn Hòa thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà
Nội tuyên bố trên trang Facebook cá nhân của ông rằng, ông bỏ nghề
luật sư từ ngày 27 tháng 5 năm 2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền
tư pháp Việt Nam. Tư pháp Việt Nam những năm qua được nói đến như
một bức tranh tối với nhiều bản án oan sai; với những phiên tòa bất
công mà ý kiến tranh luận của luật sư tại tòa không được lắng nghe… Có lẽ không có ngành tư pháp nước nào đặc biệt như
ở Việt Nam khi tất cả thẩm phán hiện đều là đảng viên Đảng Cộng sản
Việt Nam. Nhiều người trong số họ xuất thân từ công an, như ông
Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và hiện là ủy viên
Bộ Chính trị, cũng từng là Thiếu tướng Công an; ông Trương Hòa Bình,
cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng công tác tại Phòng An ninh
Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Cục phó Cục An ninh văn
hóa; ông Lê Minh Trí hiện đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao
cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương. Cũng từng là công an nhưng Luật sư Lê Văn Hòa có
cái nhìn khác. Ông giải thích vì sao ông mất niềm tin vào tư pháp
Việt Nam:
“Điều
này đã xuyên suốt cả một quá trình từ khi tôi còn là một công chức
nhà nước. Tôi đã từng công tác 20 năm trong ngành công an và 22 năm
trong cơ quan Đảng là Ban Nội chính trung ương Đảng và văn phòng
trung ương Đảng. Từ đó tôi được phân công trách nhiệm theo dõi lĩnh
vực tư pháp và tôi đã hiểu, đã thấy những bất cập của nền tư pháp
Việt Nam từ mười mấy trước.
Sau khi nghỉ hưu, năm năm nay tham gia ngành luật sư thì tôi cũng
đau đáu cái nỗi khổ của người dân, đặc biệt là những nông dân. Được
tiếp xúc với thực tiễn hoạt động tham gia tố tụng, tôi càng thấy rõ
hơn về nền tư pháp Việt Nam đã xuống cấp một cách trầm trọng.
Việc bỏ nghề của tôi có ý chính là tiếng nói của luật sư không được
quan tâm, nhất là trong các vụ án chính trị hoặc nhạy cảm. Người ta
thờ ơ, vô trách nhiệm quá. Tôi nghĩ việc tôi bỏ nghề cũng là một
tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm đối với nền tư
pháp Việt Nam phải suy nghĩ. Đó là mong muốn của tôi.”
Theo Luật sư Lê Văn Hòa, không phải riêng ông mà một số đại biểu
Quốc hội cũng nhận thấy bức tranh tối của nền tư pháp Việt Nam,
nhưng ở từng góc độ của mỗi người mà họ có cách thể hiện khác nhau.
Sáng 15 tháng sáu năm 2020, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ông
Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ
Quốc hội nói rằng, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của
cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng
chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.
Cuối tháng ba năm 2021, tại phiên thảo luận về báo cáo của Tòa án
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Quốc hội, đại
biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa của đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu lên
tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ tạm giam tại các đồn
công an trên cả nước; đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng của đoàn Bến
Tre cũng nêu lên quan điểm cho rằng hiện tượng “hòa giải dưới lưỡi
dao”, o ép trong hòa giải vẫn còn trong hoạt động tư pháp.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thành viên Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nêu
suy nghĩ của ông với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger về việc một
luật sư phải bỏ nghề vì không tin tưởng vào môi trường làm việc của
chính mình:
“Luật sư Lê Văn Hòa nguyên là Vụ trưởng một vụ của Ban Nội chính
Trung ương Đảng, ông sớm rời cơ quan công quyền khi chưa tới tuổi
hưu trí, đăng ký gia nhập Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với lý tưởng phụng
sự công lý, nhanh chóng trở thành luật sư tham gia nhiều vụ án oan
sai, các vụ án nhạy cảm về chính trị, gần đây ông là một trong các
luật sư tham gia phiên toà vụ án Làng Hoành - Đồng Tâm gây chấn động
dư luận trong và ngoài nước.
Lý do ông Hoà từ bỏ nghề nghiệp luật sư xuất phát từ sự bức xúc cao
độ đối với các bất công mà thân chủ của ông phải gánh chịu qua các
vụ án hình sự oan trái do ông đảm nhận làm người bào chữa, từ các
bất cập và vi phạm nghiêm trọng của cơ quan xét xử mà ông nhận thấy
mình gần như bất lực, khi đã tận lực, dốc hết sức cho công việc.
Thật ra, trước Luật sư Hòa đã có khá nhiều các luật sư lặng lẽ bỏ
nghề, chuyển qua nghề khác trong hệ thống ngành luật như làm Công
chứng viên, Thừa phát lại hoặc bỏ hẳn ngành luật để về vườn, làm
công việc kinh doanh hoặc lao động chân tay. Câu chuyện của họ giống
như việc nhiều Đảng viên Cộng sản thoái đảng một cách âm thầm vậy!”
Theo Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, nhiều người hy vọng qua hành động của
Luật sư Lê Văn Hòa, những người có trách nhiệm của hệ thống tư pháp
Việt Nam sẽ có sự nhìn lại và thay đổi, nhưng bản thân ông thì không
tin điều đó, vì ngay cả như bị cáo kêu oan Lương Hữu Phước tự tước
đi mạng sống của mình để “đánh thức ngành tư pháp” mà cũng không
giải được nỗi oan, thì còn biết hy vọng gì!
Luật sư Võ An Đôn cũng không tin sẽ có sự thay đổi. Ông nói:
“Tôi
nghĩ không bao giờ tư pháp Việt Nam thay đổi sau vụ này nếu vẫn ở
thể chế một đảng lãnh đạo toàn diện, nhất là tư pháp.
Làm luật sư ở Việt Nam rất chán nản bởi họ ra tòa với tư cách là
người bào chữa, bảo vệ thân chủ nhưng chẳng có tác dụng gì hết mà
chỉ có tác dụng ‘làm đẹp đội hình’ mà thôi. Vai trò của luật sư ở
Việt Nam, nói một cách chính xác là chỉ làm cảnh, để người ta nhìn
vào có dân chủ mà thôi. Tiếng nói của luật sư tại tòa không được ai
trong Hội đồng Xét xử nghe, trừ những trường hợp đặc biệt. Mọi quyết
định thắng thua tại tòa là do chánh án, người đứng đầu về mặt đảng
của tòa chỉ đạo hết, luật sư không có tác dụng nên họ rất nản.”
Một số người và ngay cả vợ của Luật sư Lê Văn Hòa bày tỏ quan ngại
về việc ông công khai từ bỏ nghề luật. Họ đồng ý rằng nếu tất cả
những thành phần tốt trong xã hội đều mất niềm tin và từ bỏ thì ‘chỉ
còn lại gian tham’. Nhiều người nhận định rằng, dù tư pháp Việt Nam
có cải cách nhưng từ luật trên giấy tới thi hành trong thực tế còn
quá xa vời.
Liên quan đến việc cải cách ngành tư pháp, tại Hội nghị triển khai
công tác tòa án năm 2021 tổ chức trực tuyến vào tháng 12 năm 2020,
Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
rằng, phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo
hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù
hợp với thực tế, hoạt động hiệu quả. Phấn đấu xây dựng Tòa án
Nhân dân xứng đáng trở thành thành trì bảo vệ công lý.
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết] |