"Giai cấp mới" tại Việt Nam
Trần Trung Đạo VNTB | 7-11-2021
Chính những người biết đau và biết nhục sẽ thay đổi vận mệnh Việt
Nam.
Milovan Djilas là nhà nghiên cứu lý thuyết CS và từng là ủy viên Bộ
Chính Trị đảng CS Nam Tư, Phó Chủ Tịch Nhà Nước CS Nam Tư, Chủ Tịch
Quốc Hội CS Nam Tư. Sau khi phản tỉnh ông viết trong tác phẩm Giai
Cấp Mới: Một Phân Tích Về Hệ Thống Cộng Sản xuất bản năm 1957 như
sau:
“Trong một thời gian dài, đảng CS cố tình che giấu bản chất của mình.
Quá trình hình thành của giai cấp mới không chỉ được che đậy bằng
những thuật ngữ xã hội chủ nghĩa mà quan trọng hơn bằng hình thức sở
hữu mới, sở hữu tập thể. …Bản chất giai cấp của hình thức sở hữu này
được che đậy bằng bình phong quyền lợi của toàn dân tộc. “ (Theo Tủ
sách Talawas, Phạm Minh Ngọc dịch theo bản tiếng Nga, 2005)
Cũng trong tác phẩm Giai Cấp Mới, Milovan Djilas viết: “Năm 1936,
nhân dịp công bố Hiến pháp mới, Stalin tuyên bố rằng ở Liên Xô đã
không còn giai cấp bóc lột, nhưng trên thực tế người ta không chỉ
thực hiện xong quá trình thủ tiêu các nhà tư sản và các giai cấp
khác của chế độ cũ mà còn thiết lập một giai cấp hoàn toàn mới, chưa
từng có trong lịch sử.”
Nhưng câu này của Milovan Djilas mới là chí lý: “ Các lãnh đạo Cộng
sản xử lý tài sản quốc gia như của riêng họ, nhưng đồng thời họ cũng
lãng phí nó như thể nó là của người khác.” (Theo quote.org)
Thời gian dài trôi qua từ khi tác phẩm ra đời nhưng bản chất của chế
độ CS tại năm nước CS còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn đúng như
Milovan Djilas nhận xét.
Chiến tranh Việt Nam chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng sự tiêu pha và
lãng phí của giai cấp thống trị đã làm cho Việt Nam, một đất nước
nhiều tiềm năng, thành là một nước nghèo so với tiêu chuẩn phát
triển chung của thế giới. Trong suốt 47 năm qua, các thế hệ Việt Nam
đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để nuôi dưỡng giai cấp thống trị
hoàn toàn không làm một việc gì hữu ích cho xã hội ngoài hút máu dân
tộc Việt.
Như nhiều người biết hôm nay, dưới chế độ CS, khái niệm “nhân dân
làm chủ” chỉ là một chiếc bình phong để giai cấp của những kẻ thống
trị, có toàn quyền xử dụng tài sản của đất nước như của chính mình,
cũng như có toàn quyền lãng phí tài sản đất nước như không phải của
mình.
Những nhận định của Milovan Djilas có thể áp dụng vào hai trường hợp
mới vừa xảy ra, Nguyễn Thị Phương Thảo tặng 155 triệu bảng Anh và Tô
Lâm ăn bò bít-tết ở nhà hàng của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe.
Như các báo loan tin, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tỉ phú Việt Nam
đồng ý tặng 155 triệu bảng Anh cho Linacre College, một trường nhỏ
thuộc hệ thống Đại Học Oxford. Theo thông báo của trường, với số
tiền lớn được tặng, ngôi trường đang mang tên học giả nổi tiếng
Thomas Linacre có thể sớm đổi thành Thao College. Một số học giả Anh
như giáo sư Đại Học Oxford Marie Kawthar Daouda phê bình ý định đổi
tên trường từ Linacre sang Thao với lý do Thomas Linacre là học giả
nổi tiếng trong thời đại ông và không nên thay chỉ vì một thương gia
cho nhiều tiền.
Việc tặng tiền cho một đại học là một nghĩa cử quen thuộc của những
người giàu tại Mỹ, Anh cũng như các nước Tây Phương. Các tỉ phú Mỹ
thường tặng tiền cho đại học, nhất là những trường mà họ xuất thân.
Năm 2018, Michael Bloomberg tặng 1.8 tỉ dollar cho đại học Johns
Hopkins tại Maryland.
Điểm khác nhau chính là các tỉ phú Anh, Mỹ sinh ra và làm giàu trên
một đất nước vốn đã giàu hàng đầu thế giới trong mọi lãnh vực, nhất
là giáo dục. Theo The Center for World University Rankings trong số
20 trường đại học tốt nhất thế giới có 17 trường là Mỹ, 2 là Anh và
1 là Nhật. Dò mỏi mắt xuống hạng 1,000 trường đại học được tổ chức
này quan sát cũng không có một trường đại học Việt Nam nào.
Theo cách lý giải và hành xử của một người bình thường nếu bạn có
lòng vị tha để tặng thì bạn nên tặng cho những nơi thiếu thốn nhất,
cho những người cần nhất. Giá trị và tác dụng của món quà nhờ đó sẽ
cao hơn và ý nghĩa hơn là tặng cho những nơi đang đầy đủ.
Mấy hôm nay, một làn sóng bất mãn, phê bình, mỉa mai, châm biếm bà
Thảo đã “làm chuyện ngược đời”, “gánh củi về rừng”, “mua danh”
v.v... Những người phê bình còn đưa ra những hình ảnh đau lòng của
các em học sinh phải đu dây qua sông, bơi qua những khe nước chảy
xiết, lội qua những con suối đầy đá nhọn để đến trường như một cách
nhắc nhở cho bà Thảo thấy sự khác nhau giữa thực tế bi thảm của đất
nước đã sinh ra bà và nền giáo dục hiện đại của Anh.
Họ cho rằng lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để xây những chiếc cầu,
lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để dựng trường học, lẽ ra bà Thảo
nên dùng số tiền đó để cấp học bổng cho sinh viên học sinh nghèo và
nhiều “lẽ ra” khác.
Những người phê bình bà Thảo tưởng là bà không biết. Không, chắc
chắn bà đã thấy và đã biết nhưng thấy là một chuyện, biết là một
chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của nhiều triệu tuổi thơ Việt Nam
nghèo khó hay không là chuyện khác.
Là một tỉ phú, bà Thảo không muốn tên tuổi của mình gắn liền với một
trường đại học dù lớn nhất Việt Nam nhưng vô danh trên thế giới.
Chuyện bà Thảo chưa xong. Hôm 3 tháng 11 vừa qua các mạng internet
chuyền nhau video tướng Công An CSVN Tô Lâm ăn thịt bò bít-tếch dát
vàng trị giá hơn một ngàn dollar. Nhìn cảnh Tô Lâm há miệng to cho
đầu bếp nhà hàng Salt Bae hay còn gọi "Thánh rắc muối" đút miếng
thịt bò trông vô cùng kệch cỡm, ghê tởm làm sao.
Ăn thịt là chuyện bình thường nhưng nhìn Tô Lâm ăn khó mà không
tưởng tượng cảnh thú vật ăn thịt nhau trong phim động vật hoang dã.
Đừng nói chi đang đại diện cho một nhà nước tại nước ngoài, một
người lịch sự và tự trọng thường không làm vậy trong nhà hàng với
nhiều thực khách chung quanh.
Những người Việt giận dữ lại lần nữa trưng bày những hình ảnh đau
thương của hàng triệu người Việt tìm đường về quê tránh dịch với
những cảnh chết chóc, đói khát, cực khổ không bút mực nào tả hết như
một cách nhắc nhở Tô Lâm về thực trạng Việt Nam.
Theo họ, lẽ ra Tô Lâm nên biết ngay trong giờ phút ông đang ăn nhiều
triệu người dân không có một chén cơm trắng để ăn, lẽ ra Tô Lâm nên
biết trên cả nước nhiều người vẫn còn chết hay đang chờ chết vì nạn
dịch, lẽ ra Tô Lâm nên biết hàng triệu trẻ thơ Việt Nam đang thiếu
sữa trong tháng Mười lũ lụt này, và lẽ ra Tô Lâm không nên rắc muối
lên vết thương của họ như anh chàng đầu bếp rắc lên miếng thịt bò mà
Tô Lâm đang nuốt.
Chắc chắn là Tô Lâm đã thấy và đã biết nhưng giống như bà Phương
Thảo, thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu
đựng của đồng bào hay không là chuyện khác.
Milovan Djilas viết về bản chất, nguồn gốc lịch sử hình thành nên
giai cấp mới, nhưng ông có thể đã sót một đặc điểm quan trọng, “giai
cấp mới” còn gồm những con người ích kỷ, vô lương tâm và vô cảm.
Lấy Trung Cộng, nước CS đàn anh của CSVN làm ví dụ cho chính xác với
điều kiện kinh tế. Bản chất giai cấp là lý do Trung Cộng mặc dù có
nhiều tỉ phú hạng thứ hai trên thế giới sau Mỹ nhưng là nước được tổ
chức Charities Aid Foundation xếp vào hạng ích kỷ nhất thế giới
trong nhiều năm.
Năm 2019, Trung Cộng đứng hàng 126 trong số 126 quốc gia được tổ
chức quốc tế này quan sát. Charities Aid Foundation kết luận “Trung
Quốc là quốc gia duy nhất đứng hạng tệ hại nhất trong cả ba tiêu
chuẩn gồm tình nguyện, giúp đỡ người khác và đóng góp hiện kim.”
Trung Cộng còn đứng sau cả Congo, Palestine, Yemen, những dân tộc
triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.
Nguyễn Thị Phương Thảo là sản phẩm của ý thức hệ CS nên đừng trách
tại sao bà không rộng lượng với đồng bào mình mà dùng tiền đi mua
danh một cách kệch cỡm đáng khinh.
Hôm qua, 6 tháng 11, 2021, tờ Daily Mail của Anh tố cáo bà Nguyễn
Thị Phương Thảo và chồng không chỉ cấu kết với giới lãnh đạo của
“chế độ CSVN thô bạo” mà còn có quan hệ với cả chủ tịch Trung Cộng
Tập Cận Bình.
Những đồng bạc, dù một đồng hay một tỉ, có được do cấu kết với những
kẻ gây nên tội ác chống lại con người trong trường hợp này là đảng
CSVN, sẽ không được xem là đồng tiền chính đáng.
Đặc tính không chính đáng của đồng tiền thể hiện rất rõ nét và rất
dễ nhận ra tại Việt Nam. Hãy nhìn vào những biệt thự nguy nga mà “giai
cấp mới” này sống so với những túp lều không vách của đại đa số
trong 97 triệu người dân để thấy khoảng cách trời vực giữa hai tầng
lớp người trong cùng một đất nước. Một chính phủ có 110 thứ trưởng,
201 phó chủ tịch tỉnh và hàng ngàn vụ trưởng. Mục đích của bộ máy
hành chánh cồng kềnh này chẳng qua là để hợp thức hóa vai trò của
các cán bộ đảng, để qua đó chúng được chính thức lãnh lương, chính
thức ăn hối lộ, chính thức tham ô và tham nhũng.
Tham nhũng dưới chế độ CS không phải phát xuất từ bản chất tham lam
của một số người ở đâu cũng có thể có. Tham nhũng tại Việt Nam có
tính đảng vì chính đảng CS tạo môi trường cho tham nhũng sinh sôi,
nuôi dưỡng tham nhũng lớn và tạo điều kiện để tham nhũng hoành hành.
Đối diện với tầng lớp cai trị, bộ máy tuyên truyền và bạo lực trấn
áp khủng khiếp và thường trực của chế độ CS đã biến phần lớn trong
số 97 triệu người Việt còn lại thành một tầng lớp chỉ biết phục tùng.
Sự chịu đựng của nhiều triệu đồng bào trong mùa dịch vượt qua ngoài
định nghĩa của khổ đau, bất hạnh và sợ hãi. Dù “mắt kẹt” ở Sài Gòn
hay tìm cách về quê họ đều phải đối phó với những khó khăn chưa từng
có trong đời.
Nhưng khác với Đông Âu trước đây hay Cu Ba mới đây, không có cuộc
biểu tình nào ở Sài Gòn, không có chống đối nào trên đường đi dù có
người phải đi bộ 500 cây số hay như anh thợ hồ Hồ Tám đi bộ 1000 cây
số từ Trà Vinh để về Huế trên vai vỏn vẹn một thùng mì gói.
Họ không bao dung nhưng đã mất hết khả năng chống đối. Trời hành họ
còn biết kêu trời nhưng đảng hành thì không ai dám kêu đảng. Nhà tù
đang chờ họ. Trấn áp đang chờ họ. Chết đói, chết khát đang chờ họ.
Bộ máy kìm kẹp của đảng CS siết chặt đến mức làm tê liệt ý thức phản
kháng của con người. Họ lầm lũi đi như đoàn nô lệ da đen sau nội
chiến Mỹ đi tìm một nơi để gọi quê hương.
Hàng triệu người dân hôm nay có thể đã trở về trong căn nhà trơ trọi
và bên ngoài mùa mưa đang đến, nước lụt đang dâng. Họ sẽ sống ra sao
trong những ngày tháng tới. Có tiếng than, tiếng khóc nửa đêm nhưng
tuyệt nhiên không có tiếng trả lời hay an ủi.
Nhưng một mai, khi đại dịch qua đi, những người dân bất hạnh kia lại
sẽ vào thành phố tìm đường sống vì không còn gì để sống trên nơi
chôn nhau cắt rốn. Và cứ thế, cuộc đời của tầng lớp người bị trị tại
Việt Nam sẽ bị vùi dập trong trầm luân thống khổ cho đến chết.
Trước nỗi bất hạnh của dân tộc Việt, ai là người biết đau và ai sẽ
là người biết nhục? Nguyễn Thị Phương Thảo ư? Tô Lâm ư? Không. Nếu
biết đau và biết nhục bà Thảo đã không đem tiền để mua cái tên
trường ở một đất nước xa xôi bỏ mặc cho nhiều triệu trẻ em Việt sống
trong những điều kiện học hành tệ hại nhất thế giới. Nếu biết đau và
biết nhục, ông Lâm đã không há miệng to để được đút ăn trong lúc một
phần không nhỏ của đất nước không có ngay cả gói mì để ăn.
Những người biết nhục không phải Nguyễn Thị Phương Thảo, Tô Lâm,
Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc mà là những con người Việt còn có
một lương tâm Việt Nam dù ở ngoài guồng máy hay vì lý do riêng phải
tạm thời ở trong guồng máy.
Cách mạng dân chủ tại các nước cựu CS cho thấy, chính những người
biết đau và biết nhục đã làm thay đổi vận mệnh đất nước họ. Khác
nhau về thời gian và thời điểm nhưng Việt Nam cũng vậy. Lịch sử Việt
Nam đã chứng minh nhiều lần trong hoàn cảnh dù đen tối bao nhiêu vẫn
còn có những người biết đau và biết nhục. Lần nữa trong tương lai,
chính những người biết đau và biết nhục sẽ thay đổi vận mệnh Việt
Nam.
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết] |