Bài bào chữa về vụ án xét xử cựu phóng viên nguyên đại tá quân đội Phạm Quế Dương bị quy kết tội danh gián điệp
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
Nhà văn Hoàng Tiến
Chiểu theo pháp luật hiện hành Điều 56 Khoản 1/c Bộ luật TTHS sửa đổi của nước CHXHCNVN, gia đình ông Phạm Quế Dương nguyên đại tá QĐNDVN, nguyên tổng biên tập tạp chí Lịch sử quân sự , có mời tôi làm bào chữa viên nhân dân cho vụ sơ thẩm xét xử ông Phạm Quế Dương với tội danh gián điệp sẽ diễn ra vào ngày tháng năm 2004 tại toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Cũng chiểu theo Hiến pháp và luật pháp sửa đổi nhà nước CHXHXNVN, tôi chấp nhận lời mời. Tôi là Hoàng Tiến, nhà văn, công dân nước CHXHCNVN, chứng minh thư số 010455893, hộ khẩu thường trú Nhà A 11 Phòng 420 Thanh Xuân Bắc Hà Nội. Để thực hiện quyền bào chữa trước toà công khai, dân chủ và công bằng như đã ghi trong luật, để chứng tỏ việc thượng tôn luật pháp của ngành toà án từng tỏ ra yếu kém lâu nay, tôi đề nghị lần này toà án Hà Nội hãy mở phiên toà công khai như luật định, cho mọi người vào dự tự do, lấy tranh luận thay hỏi đáp, theo tinh thần cải tổ tư pháp như báo chí đưa tin, tạo điều kiện để tôi được tham dự phiên toà góp phần bào chữa cho thân chủ tôi là ông Phạm Quế Dương theo đúng luật. Chiếu theo luật định Điều 58 Khoản 3/a Bộ luật TTHS sửa đổi, người bào chữa có nghĩa vụ: "sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội", tôi xin gửi đến quý toà bài bào chữa như sau:
Trước hết xin nói sơ qua về thân chủ của tôi để hội đồng xét xử (HĐXX) cùng rõ. Đại tá nhà báo Phạm Quế Dương là người tham gia quân đội khá sớm, từ năm 1945. Ông là bậc lão thành tiền khởi nghĩa, được hưởng phụ cấp tiền khởi nghĩa hàng tháng. Ông đã từng làm chính ủy sư đoàn. từng đảm nhận trọng trách tổng biên tập tạp chí Lịch sử quân sự. Ông còn là một thương binh. Khi về nghỉ hưu ông tham gia công tác xã hội trong câu lạc bộ các dòng họ Việt Nam của tổ chức UNESCO. Ông đã có thời giờ trở về nơi quê hương bản quán là làng Tía ở Hà Tây (tên chữ là Tử Dương) và nhận ra nhiều điều mất mát đau lòng suốt thời gian xa quê tham gia cách mạng, nhất là những nơi thờ cúng và những di tích lịch sử bị xâm phạm nặng nề. Ông là trưởng ban liên lạc đồng hương người làng Tía ở Hà Nội. Ông đã tham gia khôi phục lại cái mà chúng ta thường gọi là những vật thể mang bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam. Ông đã xót xa việc đình làng Tử Dương bị xâm phạm ngay trong lòng Hà Nội ở giữa phố Hàng Buồm. Đây là ngôi vọng đình của dân làng Tử Dương ra làm ăn ở Thăng Long Kẻ Chợ từ xửa từ xưa, hiện vẫn còn những giấy tờ chứng minh sự sở hữu thuộc dân làng. Cuộc đấu tranh kéo dài hàng chục năm cho đến tận hôm nay. Không biết là chính quyền bất lực, hay có sự tiêu cực gì ngầm, mà cứ lằng nhằng không ngã ngũ. Ông đã khởi kiện, nếu trong nước không giải quyết được, ông sẽ kiện ra quốc tế. Ông còn xót xa về đền thờ chính họ Phạm của ông, cụ Phạm Nhữ Tăng, một danh tướng đời Lê, bị xâm phạm trong biến động cải cách ruộng đất. Người chiếm giữ ngôi nhà thờ biến thành nhà ở lại là người có chân trong Đảng ủy xã. Nên việc giải quyết cũng cứ lằng nhằng. Ông còn tham gia xây dựng mộ thờ cụ Lê Văn Thịnh vị tiến sĩ đầu tiên của khoa bảng Việt Nam thời Lý, đã chịu cái án oan khuất bị chết thảm thương. Ông tham gia giữ lại chùa Một Cột (tức chùa Diên Hựu) không bị lấn chiếm bởi công việc xây bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông đóng góp xây dựng miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ người thiếp yêu của Nguyễn Trãi chịu cái án vườn vải tru di tam tộc; miếu dựng ở ven đê sông Hồng thuộc xã Khuyến Lương. Kể các điều trên để ta thấy, một con người như ông Phạm Quế Duơng, suốt thời trai trẻ cầm súng bảo vệ tổ quốc, hết chống Pháp, chống Mỹ, lại chống Tàu xâm phạm biên giới 6 tỉnh phía Bắc; về già ông lại hết mình với công việc chung đình, chùa, miếu, nhà thờ tổ bị xâm phạm. Những con người như ông Dương sống vì nước vì dân, chứ không thể làm điều gì phản dân hại nước, không thể bao giờ làm gián điệp. Làm gián điệp là những kẻ bán bí mật nhà nước cho ngoại bang, để kiếm tiền làm giàu một cách không vất vả, nhằm hưởng thụ một đời sống vật chất xa hoa thừa thãi. Còn đại tá nhà báo Phạm Quế Dương sống rất giản dị. Nhà ông ở đúng tiêu chuẩn nhà phân phối theo quân hàm sĩ quan trong khu tập thể quân đội 37 Lý Nam Đế. Không có biệt thự trang trại gì hơn. Chung quanh người ta cải tạo xây dựng lên tầng ầm ầm, còn nhà ông Dương, trần nhà cũ kỹ có lần sập xuống làm bà Dương và cháu ngoại hút chết. Đồ đạc trong nhà tuyềnh toàng không lộng lẫy đắt tiền như ai. Ăn uống thanh đạm. Ông không nghiện bia, không nghiện rượu, không chơi bời. Không đi xe máy. Không sắm ô tô. Ông sống cởi mở, rất được cảm tình cùa bà con khu tập thể. Ông sẵn lòng giúp đỡ những người khốn khó tìm đến với ông, chia sẻ với họ đồng lương cuối cùng trong tháng. Những con người như thế mà làm gián điệp được sao? Đồng tiền gián điệp họ kiếm được để làm cái gì? Những ai, dù gặp ông Dương có một lần, thảy đều quý mến ông, kính trọng ông. Không có một luận cứ tâm lý nào về tinh thần lẫn vật chất thúc đẩy ông Dương đến với tội danh gián điệp. Người ta muốn kết tội ông với tội danh gián điệp để làm mọi người khiếp sợ, gây sự hiểu lầm ông, nhằm một mục đích khác. Đó là những việc ông Dương đã làm, tuy không vi phạm luật pháp, nhưng lãnh đạo rất ngại, rất sợ, và họ muốn trừng phạt ông. Vậy ông Dương đã làm những việc gì? 1). Ông Phạm Quế Dương đã viết đơn xin ra khỏi Đảng để phản đối việc Đảng khai trừ tướng Trần Độ. Một con người như tướng quân Trần Độ mà bị khai trừ khỏi Đảng thì cái Đảng này biến chất rồi, không còn là Đảng của Hồ Chí Minh nữa. Lâu nay Đảng đã làm nhiều việc mất niềm tin trong nhân dân. Nhân dân xa lánh Đảng. Ông đã phát biểu một câu xanh rờn, mà những người có chức có quyền rất lo sợ: "Đảng đã khai trừ ông Trần Độ thì nhân dân sẽ khai trừ Đảng." Và ông viết đơn xin ra khỏi Đảng. Lời ông nói đã chứng nghiệm. Nhân dân ngày càng xa lánh Đảng. Những đảng viên có chức có quyền ngày càng tệ hại, tham ô, quan liêu, hủ hoá, lãng phí, sống phè phỡn trên cuộc sống còn đầy vất vả của nhân dân. Một bữa nhậu của các quan chức tốn kém hàng chục triệu đồng. Họ xây biệt thự, lập trang trại, sắm ô tô Nhật xịn, ô tô Mỹ xịn, đi săn và chơi gôn. Trong khi đó thì báo chí hô hào cứu đói cho vùng sâu vùng xa, hô hào quỹ giúp đỡ người nghèo tận thu từ 2 chục ngàn, 5 chục ngàn của các cháu học sinh xin cha mẹ để đóng góp. Nạn tham nhũng ngày càng phát triển, đã trở thành quốc nạn, không tài nào chống được. Mà chống làm sao được, vì chính những người có chức có quyền lại tham nhũng. Không nhẽ mình lại chống mình. Chỉ có nhân dân, những người không ngồi ghế chức quyền mới chống được tham nhũng mà thôi. Do đó ông Dương đã đi đến việc thứ hai. 2). Việc làm đơn xin thành lập Hội nhân dân Việt Nam giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng gọi tắt là Hội nhân dân chống tham nhũng. Đáng ra thì Đảng và Nhà nước phải hoan nghênh việc làm này. Nhưng công an lại mở một đợt khủng bố bắt những người làm đơn lên xét hỏi. Vậy ai vi phạm luật pháp? Việc ông Dương cùng một số các cựu chiến binh làm đơn xin thành lập Hội là thực hiện quyền công dân đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp và luật pháp, và nhất là hưởng ứng lời kêu gọi hùng hồn chống tham nhũng của tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi vừa nhậm chức. Còn việc cho hay không cho là quyền của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước cho thì chứng tỏ là muốn chống tham nhũng thật. Không cho là chỉ chống giả vờ, chống cửa miệng thôi. Lá đơn đã làm xong nhiệm vụ của nó. Quả thật cho đến hôm nay không thấy tuyên truyền ầm ĩ chống tham nhũng nữa. Còn tham nhũng thì cứ phát triển ra mọi ngành mọi cấp, ngang nhiên ở mọi nơi mọi chốn, ai ai cũng nhìn thấy (lương bổng như thế thì làm sao các quan chức xây nhiều biệt thự, lập trang trại, sắm xe hơi nhiều đến thế?! lại trong một thời gian kỷ lục đến thế?! chỉ vài ba năm sau khi lên chức vụ này nọ. Có quyền tất có tiền. Vậy tiền lấy ở đâu?), nhưng mọi người chỉ khoanh tay đứng nhìn, mở to mắt trông, vì dân thì không được phép chống. 3). Việc ông Dương ký tên tập thể gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước tố cáo về vi phạm dân chủ, vi phạm quyền công dân và quyền con người ở nước ta. Lá đơn gửi ngày 6-7-2002 đã đưa ra những chứng cớ hết sức rõ ràng: · Việc bắt cựu chiến binh Vũ Cao Quận trên đường từ Hà Nội về Hải Phòng ngay sau khi ông Nông Đức Mạnh nhậm chức tổng bí thư được hai hôm. · Công an thành phố HCM chặn bắt thu giữ bản thảo của tướng quân Trần Độ trên đường phố Sài Gòn. · Công an thành phố Hà Nội bắt xét hỏi các ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Hoàng Minh Chính cùng gần 20 người khác bị sách nhiễu vào ngày 5-9-2001 làm náo động cả Hà Nội, sau lá đơn xin thành lập Hội nhân dân chống tham nhũng gửi ngày 3-9-2001. · Tổ chức đấu tố (như đấu tố hồi Cải cách ruộng đất) khắp các khối dân cư nơi cư trú của các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Lê Chí Quang ... suốt tháng 9 và tháng 10 năm 2001 · Bắt nhà thơ Bùi Minh Quốc trên đường về Đà Lạt, sau một chuyến đi tìm hiểu vấn đề biên giới Việt-Trung cuối năm 2001. Nhà thơ bị quản chế tại gia 2 năm. Cùng cảnh bị quản chế còn có nhà nghiên cứu văn hoá Trần Khuê và tiến sĩ sinh vật học Hà Sĩ Phu. · Tháng 1-2002 thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin Phan Khắc Hải ký quyết định truy tìm và tiêu hủy một số sách của những người dân chủ. · Bắt giam một loạt những trí thức trẻ vu cho họ tội danh gián điệp như luật gia Lê Chí Quang, cựu chiến binh nhà giáo Nguyễn Khắc Toàn, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, (hồi này cựu phóng viên tạp chí Cộng Sản Nguyễn Vũ Bình chưa bị bắt). · Cắt điện thoại gia đình các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình. Nguyễn Đan Quế ... ... · Sách nhiễu giam cầm hàng loạt tín đồ và các chức sắc tôn giáo. ... ...
Kính thưa Hội đồng xét xử, Những việc làm vừa kể trên của thân chủ tôi, ông Phạm Quế Dương, không vi phạm luật pháp. Dù nó có thể làm các nhà lãnh đạo không hài lòng, thậm chí lo sợ và tức tối. Nhưng nó không vi phạm luật. Nói gọn lại, nó chỉ là những quan điểm khác với lãnh đạo, có thể là trái ý lãnh đạo. Nhưng có quan điểm khác nhau, trái ý nhau, không phải là một tội. Điều 19 của đạo luật quốc tế về quyền con người, cũng như điều 69 của Hiến pháp Việt Nam về quyền công dân đã nói rõ điều này. Xin được trích dẫn: Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam chúng ta tham gia ký kết ngày 24-9-1982, đã ghi nhận: "Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới quốc gia, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, bản in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ." Điều 69 Hiến pháp Việt Nam ghi: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật." Điều 53 Hiến pháp Việt Nam còn ghi: "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với sơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân."
Dựa theo những điều luật trên thì việc xin ra khỏi Đảng, việc xin thành lập Hội nhân dân chống tham nhũng, việc viết đơn kiến nghị với Nhà nước của thân chủ tôi, những việc làm ấy đều không phạm tội. Bây giờ nói đến việc quan hệ với nước ngoài và nhận tiền của nước ngoài của thân chủ tôi, mà do đấy, bản cáo trạng kết tội thân chủ tôi làm gián điệp. Trước hết xin được bàn rõ về tội danh gián điệp. Tội danh gián điệp theo luật pháp Việt Nam quy định là phải có yếu tố nước ngoài. Điều đó cũng đồng nhất với quan niệm thông thường của quốc tế về tội danh gián điệp. Điều 80 BLHS Việt Nam ghi: "Người phạm tội gián điệp là người cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài hoặc cung cấp tin tức tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước CHXHCN Việt Nam." Định nghĩa về gián điệp trong cuốn Từ điển cô đọng tiếng Anh của Canađa (Compact dictionary of Canadian English) là: "một nhân viên bí mật được một chính phủ sử dụng để thu thập tin tức về một chính phủ khác." (Spy: a secret agent employed by a governement to get information about another governement). Cuốn Thuật ngữ pháp lý phổ thông của Nhà xuất bản Pháp lý dịch từ tiếng Nga (một công trình tập thể do các nhà luật học Liên Xô soạn) giải thích gián điệp là lấy cắp hoặc thu thập những bí mật nhà nước hoặc bí mật quân sự chuyển cho nước ngoài hoặc chuyển cho một tổ chức nước ngoài. Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa từ gián điệp: cung cấp bí mật quốc gia cho nước ngoài, cung cấp tin tức tài liệu cho nước ngoài. Đọc những cuốn sách Giáo trình luật hình sự Việt Nam của trường Đại học luật Hà Nội, cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, đều giải thích rõ tội gián điệp là làm theo sự chỉ đạo của nước ngoài. Tóm lại, tội danh gián điệp phải có yếu tố: làm tay sai cho nước ngoài, làm theo sự chỉ đạo của nước ngoài.
Vậy cáo trạng muốn kết tội thân chủ tôi làm gián điệp, thì phải chỉ rõ ra ông Phạm Quế Dương làm gián điệp cho nước ngoài nào? Nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp, hay nước Đức, nước Nga, nước Trung Quốc?...Không thể là nước ngoài chung chung, mơ hồ, không có xuất xứ. Thứ hai, họ đã giao những nhiệm vụ gì? Và ông Dương đã thực hiện những nhiệm vụ ấy ra làm sao? Tác hại đến an ninh quốc gia như thế nào? Thứ ba, họ đã trả công ông Dương bao nhiêu tiền? Ông Dương nhận ở đâu? Bao nhiêu lần? Muốn kết tội một người vào tội danh quá nguy hiểm này, khung hình phạt từ 12 năm tù đến chung thân, có thể dẫn đến tử hình, thì không thể làm bừa, không thể làm liều, càng không thể mơ hồ. Bản cáo trạng không trình ra được những tang chứng, vật chứng cùng những chứng lý kết tội thân chủ tôi làm gián điệp, thì xin HĐXX bác bỏ.
Còn việc quan hệ với Việt kiều ở nước ngoài càng không thể thành một tội danh, chứ chưa cần nói tới tội danh gián điệp. Do điều kiện lịch sử người Việt Nam phải di tản ra nước ngoài khá nhiều. Ruột thịt với nhau, họ hàng với nhau, bè bạn với nhau, thư từ điện thoại là chuyện bình thường. Vài năm nay xuất cảnh, nhập cảnh dễ dàng hơn, đi lại thăm nhau cũng là chuyện bình thường. Giúp đỡ nhau thành lẽ đương nhiên. Việt kiều không phải là người nước ngoài. Họ sinh sống ở nước ngoài, nhưng họ vẫn là dòng giống con Rồng cháu Lạc. Không có điều luật nào cấm nhận tiền của Việt kiều hay của người nước ngoài. Điều này Ban Tư tưởng-Văn hoá đã làm một việc rất đáng chê trách, là vi phạm luật pháp. Đảng đã đặt ra luật pháp thì Đảng phải gương mẫu tuân theo mới đúng. Điều 72 Hiến pháp Nước CHXHCNVN ghi: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật." Bản thông báo của Ban Tư tưởng-Văn hoá gửi đến khắp các chi bộ trong toàn quốc, có nghĩa là công bố với toàn dân, loan tin ông Dương làm gián điệp, nhận tiền của nước ngoài mấy chục ngàn đô. Trong khi toà án chưa xét xử. Nếu pháp luật nghiêm minh có thể khởi tố việc vi phạm pháp luật của Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương, về sự coi thường luật pháp, về sự kết tội bừa bãi người dân, vi phạm quyền công dân, vi phạm quyền con người. Việc ông Dương nhận mấy chục ngàn đô đâu bằng ông Đỗ Mười, cựu tổng bí thư Đảng, nhận hẳn một triệu đô tiền biếu của tư bản Hàn quốc. Luật pháp nghiêm minh thì không có phân biệt. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Cái quan trọng là số tiền đó dùng làm gì? Như trên tôi đã trình bày, ông Dương không phải là người ăn chơi hưởng thụ. Ông không dùng tiền để xây dựng biệt thự, mua sắm ô tô. Đến nỗi trần nhà ông sập tý chết bà Dương và cháu ngoại. Theo chỗ chúng tôi biết, ông gửi tiền đóng góp tu bổ đình chùa hay những di tích văn hoá bị hư hại. Ông tích góp để đi kiện lấy lại đình Tử Dương cho dân làng. Kiện trong nước không xong thì ông kiện ra quốc tế. Bản thân ông có 7.000 đô tiền giải thưởng của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch. Ông không dám tiêu pha, dành tiền ấy cho việc kiện tụng. Ông còn kêu gọi những Việt kiều họ Phạm hiện di trú ở các nước trên thế giới gửi tiền về xây dựng lại nhà thờ tổ cụ Phạm Nhữ Tăng, một danh tướng thời Lê, hiện đang mất nơi thờ tự.
Những việc ông Dương đã làm hay dự định làm đó không hề vi phạm luật pháp. Những đồng tiền ông Dương đã tiêu hoặc sẽ tiêu đều nhằm mang lại ích lợi cho mọi người, cho dân làng, cho dòng họ, không có tơ hào cho gia đình cho cá nhân dù chỉ một đồng. Không như những ai kia, lợi dụng chức vụ tham nhũng tham ô hàng tỉ đồng hàng chục tỉ đồng, xây biệt thự, sắm ô tô, ăn chơi phè phỡn, mà pháp luật ngoảnh mặt làm ngơ không sờ mó đến.
Kính thưa HĐXX, Toà án là phải xử theo luật pháp. Điều này là hiển nhiên ở một đất nước có luật pháp. Không xử theo luật pháp thì cần toà án làm gì? Trong một xã hội đông đúc dân cư tất phải có quy ước đặt ra để mọi người không được vi phạm. Người nào vi phạm thì phải đưa ra toà xét xử. Toà xét xử dựa vào cái gì? Dựa vào những quy ước đã được đặt ra gọi là luật pháp. Không vi phạm luật pháp thì không sợ gì cả. Không ai có quyền động chạm đến mình. Người dân có quyền làm tất cả mọi thứ trừ những thứ luật pháp ghi cấm. Rất đáng tiếc là nhiều vụ án ở nước ta, nhất là những vụ án về quan điểm tư tưởng, thường là xử theo lệnh trên chứ không xử theo luật pháp. Không kể những vụ án đã đi vào lịch sử làm đen ngòm lịch sử, như những toà án đặc biệt hồi cải cách ruộng đất 1953-1954, vụ án Nhân văn-Giai phẩm 1957 vụ Xét lại-Chống Đảng 1967, bắt là bắt, giết là giết, tù đày là tù đày, không có luật sư bào chữa, thậm chí không cần xét xử, đã gây oan khuất cho biết bao nhiêu người Chỉ kể ngay những vụ án xét xử những người lên tiếng về dân chủ khoảng mươi năm trở lại đây: vụ xử ông Hoàng Minh Chính và ông Đỗ Trung Hiếu, vụ xử ông Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu và Nguyễn Kiên Giang, vụ xử ông Nguyễn Đan Quế, vụ xử ông Đoàn Viết Hoạt, vụ xử luật gia Lê Chí Quang, vụ xử cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, vụ xử bác sĩ Phạm Hồng Sơn, vụ xử quyết tử quân Trần Dũng Tiến, gần đây vụ xử cựu phóng viên tạp chí Cộng Sản Nguyễn Vũ Bình, và bây giờ là vụ xử đại tá nhà báo Phạm Quế Dương làm gián điệp. Những vụ án này đã gây mất niềm tin trong nhân dân, mất niềm tin vào luật pháp, nó chỉ chứng tỏ sự tàn bạo. Nó làm nước ta bị thế giới lên án vi phạm nhân quyền, không có tự do dân chủ. Chúng ta có nên tiếp tục những vụ án như thế ở đất nước ta không? Là một người ở cương vị bào chữa viên nhân dân theo đúng luật định, tôi tha thiết mong các vị trong HĐXX vụ án ông Phạm Quế Dương, hãy nêu gương có một lần thượng tôn luật pháp, mà xét xử chỉ căn cứ vào luật pháp, không chịu một sức ép nào hết, dù ở trên dù ở dưới. Nếu chỉ căn cứ vào luật pháp hiện hành ở nước ta, cũng như luật pháp quốc tế về quyền con người, thì, chúng tôi đủ cơ sở để khẳng định rằng: thân chủ tôi, ông Phạm Quế Dương không vi phạm bất cứ một điều khoản nào. Nhất là tội gián điệp càng không có lý do cấu thành tội phạm. Tôi đề nghị HĐXX, với lương tâm ngồi ghế quan toà, chỉ dựa theo luật pháp thì cũng chỉ có một hướng xét xử: tha bổng, vì thân chủ tôi vô tội. Những ngưòi như ông Phạm Quế Dương là những người yêu nước. Trừng phạt những người yêu nước là một tội ác. Nếu cứ xét xử cho thoả lòng tức tối của lệnh trên, thì người viết bài bào chữa này xin chịu hình phạt cùng ông Phạm Quế Dương. Người Việt Nam coi trọng đạo lý, tôi xin dâng thân xác mình để cảnh tỉnh những nhà cầm quyền đừng nên làm điều thất nhân tâm quá đáng. Rất mong HĐXX suy xét và phán quyết.
Hà Nội ngày 15 tháng 2 năm 2004
Bào chữa viên nhân dân Nhà văn Hoàng Tiến
Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420 Thanh Xuân Bắc-Hà Nội
Nơi gửi: +Tổng bí thư Đảng CSVN+Thủ tướng Chính phủ +Chủ tịch Nước+Chủ tịch Quốc hội+Viện KSND tối cao+Toà án ND tối cao+Mặt trận Tổ quốc VN +Hội Cựu chiến binh VN+Các cơ quan thông tấn và báo chí+Những ai quan tâm đến vụ án à
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]
|