Giao Thương và Nhà Tù Việt Nam

 


LS Nguyễn Quốc Lân*

 

 

Bài viết “Mở Cửa Giao Thương Việt Nam” (Opening Vietnam trade doors”) (Trang Bình Luận, ngày 16 tháng 7) vẽ một bức tranh đõ hồng về tiềm năng kinh tế của Việt Nam, nhưng bài viết không che dấu nỗi sự thật là quốc gia này vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất và bị áp bức nhất trên thế giới. Ước muốn của quốc gia này nhằm khống chế người dân sẽ tiếp tục ngăn cản mọi phát triển kinh tế thực sự.

Ông Daniel Christman lập lại một lập luận cũ rích là sự lớn mạnh về kinh tế sẽ mang theo cải tổ chính trị. Thực ra, theo sau gần hai thập niên với nhiều nghĩa cử thân thiện của Hoa Kỳ như là bãi bỏ cấm vận, bình thường quan hệ ngoại giao, bãi miễn giới hạn Jackson-Vanik theo Đạo Luật Giao Thương Năm 1974 và ký kết hiệp ước song thương, Việt Nam vẫn chưa chứng tỏ một sự tiến bộ nào trong nhiều lãnh vực nhân quyền căn bản như quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận hay bầu cử tự do. Đi theo khuôn mẫu của Trung Cộng, Việt Nam đang hoàn hảo một chiến lược vừa mở rộng quan hệ giao thương với Tây Phương vừa tiếp tục bóp nghẹt tất cả các quyền tự do căn bản đối với người dân.

Thỏa Thuận Gia Nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một thí dụ nữa cho chiến lược đó. Trong thỏa hiệp này, Việt Nam vẫn còn tìm cách giữ lại độc quyền để ngăn cấm những sản phẩm về văn hóa hay văn chương từ Hoa Kỳ được vào Việt Nam; độc quyền kiểm soát hệ thống lưới điện toán; và độc quyền kiểm soát các hệ thống viễn liên mà có thể vận chuyển những tin tức bất lợi từ thế giới bên ngoài. Mặc dầu thỏa hiệp có lợi cho một vài thành phần thương mại, thỏa hiệp vẫn giữ nguyên khả năng của Việt Nam để ngăn ngừa một dân số hơn 80 triệu người không được có những tiếp cận thực sự với thế giới bên ngoài.

Thêm vào đó, thỏa hiệp song thương về Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới với Hoa Kỳ không đệ đạt gì đến những rủi ro to lớn mà các cơ sở thương mại Hoa Kỳ thường phải đương đầu khi làm thương mại tại Việt Nam, một vài thí dụ đó bao gồm:

·  Bất cứ kế hoạch đầu tư nào tại Việt Nam cũng có thể bị thiệt hại bởi vì nhà cầm quyền có thể thay đổi luật vì bất cứ lý do gì mà không cần đếm sỉa đến quyền được bảo vệ bởi hiến pháp chứ đừng nói chi đến luật lệ giao thương theo thỏa thuận với Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế.

·  Hiện nay không có một hệ thống tòa án độc lập tại Việt Nam để xét xử những tranh chấp về thương mại. Tòa án hiện nay bị kiểm soát bởi đảng hay nhà nước mà chính những thành phần này cũng thường là các phần tử trong các tranh chấp về thương mại.

·  Tình trạng tham nhũng sâu rộng tại Việt Nam có thể đe dọa bất cứ dự án đầu tư thương mại nào bởi vì các thương gia có thể triệt tiêu các đối thủ cạnh tranh với sự quen biết đúng chỗ hay số tiền hối lộ phải chăng.

·  Bất cứ cơ sở thương mại nào cũng có thể bị thua thiệt bởi sự lạm dụng của các viên chức chính phủ bởi vì không có phương thức hữu hiệu nào để khiếu tố những sự lạm dụng đó dưới chính quyền hiện nay.

·  Tình trạng thiếu tự do ngôn luận hay báo chí độc lập sẽ tạo điều kiện cho các tệ nạn tham nhũng bành trướng mà không có một thế lực nào ngăn cản.

·  Các bí mật thương mại hay các dữ kiện bảo mật có thể bị tiết lộ tới các cặp mắt rình mò của chính phủ qua quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông như bưu điện, hệ thống viễn thông hay mạng lưới điện toán. Nếu không có quyền riêng tư được công nhận bởi pháp luật, không có gì có thể ngăn cấm các viên chức tham ô có thể bán các dữ kiện thâu nhặt được cho các thành phần đối thủ cạnh tranh.

Tại sao cộng đồng thương mại Hoa Kỳ lại vận động chính phủ nới rộng quan hệ giao thương trong một môi trường có quá nhiều rủi ro như vậy? Câu trả lời là: Hoa Kỳ sẽ cung cấp bảo hiểm thương mại cho các thương gia qua hình thức bảo đảm tiền vay mượn làm ăn qua Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng mà được tài trợ bởi người dân đóng thuế tại Hoa Kỳ.

Hiệp Ước Gia Nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện nay tin tưởng nhiều vào lời hứa của Việt Nam rằng họ sẽ thay đổi luật lệ để phù hợp với yêu cầu của thỏa hiệp. Tuy nhiên, nhiều điều luật được hứa đã từng có trong Hiến Pháp Việt Nam nhưng chưa bao giờ được thi hành. Tại Việt Nam, có một điều luật trong sách vở là một vấn đề, nhưng thi hành nghiêm chỉnh điều luật đó lại là một vấn đề khác.

Đã đến lúc Hoa Kỳ tuyên bố đã đủ rồi với nhà cầm quyền độc tài này. Cũng đã đến lúc Chính Phủ Hoa Kỳ cùng đứng lên cùng với người dân Việt Nam, không phải với các thương gia lợi dụng cơ hội để làm tiền một cách mau chóng tại Việt Nam.



--------------------------------------------------------------------------

 

  

* Bài viết trên đây là bản dịch Việt ngữ thư đọc giả của Luật Sư Nguyễn Quốc Lân được đăng trên Báo The Washington Times, vào số ra ngày 26 tháng 7, và phát hành trong vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (bấm vào đây để đọc nguyên bản tiếng Anh). Bài viết nhằm phản bác bài viết trước đó của Ông Daniel Christman, Cựu Trung Tướng Lục Quân Hoa Kỳ và hiện là Phó Giám Đốc của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, một tổ chức hỗ trợ mạnh mẽ cho việc giao thương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

 

 

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]