9/11 ba năm sau

Vấn đề Nhân Quyền qua vụ ABU GHRAIB

 Lâm Lễ Trinh

 

       «Hoa kỳ cam kết loại trừ sự tra tấn ra khỏi thế giới và chúng tôi đang cầm đầu chiến dịch này bằng cách nêu gương». Đó là lời tuyên bố long trọng của Tổng thống Bush Ngày Quốc tế  26.6.2003 ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn. Không đầy một năm sau, thế giới sửng sốt khi nhìn những bức ảnh một số quân nhân Mỹ cười đắc chí trong lúc hành hạ  một cách ghê tởm các người tù Irak tại khám đường Abu Ghraib, Baghdad. Chính phủ Bush giải thích rằng đây là hành động của vài con chiên ghẻ  nhưng nhiều bằng cớ xác nhận sự thực không phải như thế.

 

1- Bắt nguồn từ kế hoạch bí mật  Copper Green của Ngũ Giác Đài.

      Khi xì-căn-đan Abu Ghraib nổ lớn, một Ủûy ban đặc nhiệm tại Thượng viện Hoa kỳ liền mở cuộc thẫm vấn nhiều nhân vật hữu trách. Giới truyền thông, trong và ngoài xứ, làm lớn chuyện. Phần đông dư luận nghĩ rằng các hành vi tra tấn nói trên – được  chiếu trên đài TV và in hình trong báo chí - nằm trong khuôn khổ của một chính sách. Các cộng đồng và tổ chức đấu tranh nhân quyền trên thế giới phản ứng rất mạnh. Hội Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch thu góp tài liệu từ hai năm nay để lập một hồ sơ về việc đối xữ với tù nhân trong những trung tâm giam giữ của Hoa kỳ trên địa cầu. Các cơ quan này trình bày những lo âu trong những lần tiếp xúc với Ngũ Giác Đài.

     Dựa vào lời tiết lộ của một số nhân viên tình báo cấp cao, ký giả danh tiếng Seymour M. Hersh đã dăng tháng 5 và 6 vừa qua. trong tạp chí The New Yorker,  một loạt bài nghiên cứu «The Gray Zone – How a secret Pentagon program came to Abu Ghraib?». Hersh cho biết  sau biến cố 9.11.2001, chương trình Hoa kỳ truy nã khủng bố và thẫm vấn  tù binh tại Afghanistan và Irak thay đổi toàn diện do chủ trương của Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld qua mặt CIA trong trách nhiệm kiểm soát các chiến dịch bí mật và bán quân sự.          

 

     A -Trước hết, tại Afghanistan.

Chỉ vài tuần sau vụ 9/11, Mỹ dội bom Afghanistan và truy lùng ráo riết Al Quaeda. Theo nguyên tắc,  các đơn vị tác chiến Mỹ phải xin phép CIA trước khi tấn công mục tiêu của địch. Đêm 7.10. 2001, một máy bay Predator không người lái nhận diện một đoàn công-voa chở lãnh tụ Taliban Mullah Muhammad Omar. Đài chỉ huy CIA tại Tampa, Florida, từ chối cho phép phi cơ khai hỏa tại trận. Khi cho phép, địch đã cao bay xa chạy.Một sĩ quan thân cận cho biết Rumsfeld tức phát điên về chuyện này. Báo Washington Post ghi lại: Qua tháng 11.2001, không quân Mỹ nghĩ rằng họ đã để sẩy một số cán bộ gộc Al Qaeda và Taliban vì CIA do dự.. Ngoài  Hoa kỳ, các Lực Lương Đặc biệt Mỹ cũng gặp trở ngại như thế trong lúc truy lùng các người bị tình nghi khủng bố vì phải xin phép của Đại sứ Mỹ hay cấp  có quyền trong hệ thống chỉ huy tại địa phương.

     Rumsfeld phản ứng bằng cách lập tại Ngũ Giác Đài một kế hoạch bí mật SAP. Special Access Program, mệnh danh Copper Green, Đồng Xanh, cho phép trước, khi cần hành động cấp thời: giết, bắt sống và tra vấn các « con cá khủng bố bự, high value targets. » Kế hoạch này được tuyển  nhân viên  trong số thành phần thượng thặng của Navy Seals, lực lượng Quân đội Delta Force và chuyên gia bán quân sự  NASA và CIA. Về phần trang bị, có thể xữ dụng võ khí tối tân thời Chiến tranh lạnh, kể luôn tiềm thủy đỉnh và bom khí độc. Nhân viên SAP có quyền vượt các biên giới khỏi cần  chiếu khán và thẫm vấn tại chổ hay tại các trung tâm nhà binh giam giũ của Hoa kỳ rải rác trên thế giới, ngoài Guantanamo, Cuba. Tổng thống Bush được Rumsfeld thông báo và Cố vấn an ninh quốc gia Condolezza Rice cũng đồng ý về kế hoạch đề ra.

     Theo Hersh, chỉ có lối 200 người nằm sâu trong kế hoạch, trong số ấy có Rumsfeld và tướøng Richard Meyers, chủ tịch Hội đồng tham mưu Quân lực Hoa kỳ. Luật bảo mật Quốc phòng  miễn cho kế hoạch được thuyết trình đầy đủ trước Quốc hội. Tháng 3.2003, Stephen Cambone, một nhân vật gần Rumsfeld, được bổ nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng để phụ trách kế hoạch. Kenneth de Graffenreid điều khiển về tình báo và tướng William G.Boykin phụ tá về quân sự. Gần đây, Boykin  đã gây sôi nổi khi ông xác nhận tại một thánh đường rằng chiến tranh hiện nay là một cuộc thánh chiến chống Hồi giáo.

 

        B – Tại Irak.    

         Cho đến nữa năm 2003, kế hoạch Copper Green được Bộ Quốc Phòng xem như  thành công chống khủng bố tại Afghanistan. Chiến tranh Irak nổ lớn sau đó. Các Lực lượng Đăc biệt lùng bắt được Saddam Hussein nhưng không tìm ra dấu tích võ khí giết đại chúng WMD, Weapons of mass destruction.

        Trong các tháng đầu sau ngày Baghdad thất thủ,  Bộ trưởng Rumsfeld tuyên bố nhóm phá rối tại Irak là tàn quân thuộc đảng Baath của Saddam, còn sót  lối 5000 người. Khá đông tay chân bộ hạ của Saddam có tên trong danh sách 55 nhân vật đầu sỏ bị Mỹ truy lùng, lọt vào lưới pháp luật.  Tháng 8.2003, Tòa Đại sứ Jordanie bị phá tan hoang, gây thiệt mạng cho 19 thường dân. Khủng bố tấn công Tổng hành dinh Liên Hiệp Quốc tại Baghdad, giết 23 nhân viên, gồm có  trưởng phái đoàn Sergio Vieira de Mello. Ngày 25.8., Rumsfeld  công nhận thành phần nổi loạn gồm có tín đồ Hồi giáo và « những kẻ sát nhân, trộm cướp ».  Năm tháng sau ngày Baghdad đầu hàng, Rumsfeld nói: «Tôi nghĩ chống khủng bố tại Irak tốt hơn là đụng độ với chúng ngay  tại Hoa kỳ». Tướng John Abizaid, tổng chỉ huy Huê Kỳ tại Irak, xác nhận: “Dân phiến loạn có nhiều tiền và võ khí. Chúng nguy hiểm." Đến nay, việc chống đối  Chính phủ lâm thời của thủ tướng Ayad Allawi vẫn tiếp tục vì quần chúng Irak nghĩ  chủ quyền thật sự  nằm trong tay của Tổ chức Liên Minh Cầm quyền Tạm thời, Coalition Provisional Authority, do Hoa kỳ giựt  dây.

        Tháng 2 vừa qua, trước Uûy ban điều tra Thượng viện,  trung tướng Antonio Taguba  tiết lộ chính trung tướng Geoffrey Miller,  chỉ huy khám đường Guantanamo,  đã đề nghị trong một cuộc khảo sát tại Irak vào tháng 8.2203, thay đổi cách làm việc của các sĩ quan chỉ huy tại Baghdad và giao cho những chuyên viên tình báo quân sự  điều khiển những trung tâm thẫm vấn. Đặc biệt, tướng Miller nhấn mạnh nên đem ra áp dụng phương thức hỏi cung  tại Guantanamo, thí dụ như không cho các tù nhân ngủ để lấy lại sức, giam họ ở những chổ thật lạnh hay thật nóng, gây khủng hoảng tinh thần..vv..Về mặt pháp lý, ông cũng chủ trương các người tù khủng bố không đáng được hưởng sự bảo vệ của Hiệp ước Genève vì họ là nhửng chiến binh bất hợp pháp, illegal combatants. Có lúc số tù nhân tại Abu Ghraib tăng lên đến con số 50.000 gổm cóù phụ nữ và trẻ vị thành niên, một số nhân vật thời Saddam, thường phạm trộm cướp và các người bị tình nghi phá hoại. 

         Xì-căn-đan tra tấn tù nhân bị đưa ra ánh sáng ngày 13.1.2004 khi Joseph Darby, một quân cảnh trẻ tuổi làm việc tại Abu Ghraib báo cáo tệ đoan với Cục Điều tra Tội ác trong Quân đội, kèm theo một  CD đầy ảnh tù lõa thể nằm chồng  lên nhau, tù bị xích như thú vật, tù bị chó dữ nhe răng chực cắn,..vv..Ba hôm sau, Bộ trưởng Rumsfeld nhận được phúc trình và Tổng thống Bush được thông báo. Đài CBS cho chiếu phim tra tấn trong chương trình hàng tuần “ 60 minutes” Tướng Taguba kết luận rằng từ tháng 10 cho đến tháng chạp 2003, nhiều  vụ  lạm dụng tù nhân  có tính cách bạo dâm. huyên náo và tục tĩu” đã xãy ra tại Abu  Ghraib.  39 tù nhân qua đời.. Không ai có thể tưởng tượng siêu cường Hoa kỳ, lãnh tụ của thế giới tự do và luôn luôn tuyên bố bênh vực nhân quyền, lại để những hành động lố lăng xãy ra như thế. Thanh danh của Hoa kỳ bị sứt mẻ nặng nề.

 

2 – Biến cố 9/11 thay đổi tâm trạng của quần chúng Mỷ và chính sách của Chính phủ Bush

         Trong một cuộc điều trần tháng 9.2002 trước Ủy ban Tình báo tại Hạ và Thượng Viện Mỹ, Cofer Black, giám đốc Trung tâm Phản gián CIA, khai: « Có một giai đoạn trước 9/11 và một giai đoạn sau 9/11. Sau 9/11, tháo găng làm mạnh, the gloves come off”. Hoa kỳ không còn bất khả xâm phạm và bị tấn công ngay trên lãnh thổ của mình, bởi vài tên khủng bố võ trang sơ sài và xữ dụng máy bay hàng không Mỹ.  Báo The Washington Post đăng ngày 26.12.2002  nơi trang đầu một phúc trình chi tiết về những phương pháp tra tấn  nhiều ngàn người bị Quân đội  Hoa kỳ bắt giữ sau ngày 9 tháng 11. Theo tài liệu vừa này,  nhà chức trách Mỹ phụ trách điều tra tại Hoa kỳ lớp tù nhân cấp cao trong khi lớp tù nhân loại thấp  được gởi ra các nước ngoài như Jordanie, Maroc và Ai cập  để giao cho những cơ quan an ninh lấy cung bằng biện pháp mạnh.

         Tất cả các nhân viên an ninh quốc gia được phỏng vấn trong bài báo nói trên đều bênh vực việc áp dụng sự tra tấn: “Nếu bạn không vi phạm nhân quyền của một ai trong một thời khoản nào thì bạn có thể coi như không thi hành công tác của bạn, If you don’t violate someone’s human rights some of the time, you probably aren’t doing your job.” Đó là lời nói của một nhân viên chính phủ được kể lại. Y tin  rằng đa số thường dân Mỹ cũng cho rằng điều này hơpï lý và cần thiết.

        Thật vậy, tại nước Mỹ sau biến cố 9/11, việc tranh luận về vấn đề tra tấn không còn có tính cách lý thuyết. Nhiều người đứng đắn thường chống đối biện pháp tra tấn có thể bất thần  nghĩ rằng có những trường hợp việc tra tấn một kẻ tình nghi là một cái giá phải trã để cứu  nhiều mạng sống. Giáo sư Alan Dershowitz thuộc Đại học luật khoa Harvard đề nghị cho phép việc xử dụng những “lệnh tra tấn, torture warrants” để phòng ngừa các vụ tấn công thảm khốc  khẩn thiết. Ông lâp luận rằng nếu cần áp dụng tra tấn để thu hoạch những tin tức cứu mạng người – tình trạng  cấp bách này được mệnh danh “bố cảnh bom tíc tắc, ticking bomb scenario” -  thì việc tra tấn phải được tiến hành công khai, với sự đồng ý và nhận lãnh trách nhiệm của giới có thẩm quyền cao nhất tức là Chủ tịch Tối cao Pháp viện.

       Giải pháp vừa nói có vẽ ít  tệ hại nhất trong hai giài pháp. Tuy nhiên các người chống đối sự tra tấn lưu ý rằng  trong đời sống thực tế, rất hiếm xảy ra trường hợp hoàn bị “bom tíc tắc”. Đúng vậy, làm sao biết chắc người đang bị tra tấn thông hiểu bom đặt ở đâu? hay nguồn tin ấy đáng tin cậy hay chăng? Thông thường một số nạn nhân của sự tra tấn sẳn sàng thú nhận bất cứ gì để tránh bị hành hạ.  Chính vì sự thiếu xác thực ấy cho nên cuối cùng, biện pháp tra tấn  được đem ra áp dụng trong môt số lớn hoàn cảnh thay vì chỉ trong trường hợp đặc biệt.  Sự kiện này xảy ra tại Israel, một quốc gia sống dưới sự  đe dọa của bom đạn hằng ngày. Tại đây, “bố cảnh bom tíc tắc” được viện dẫn để biện minh cho chuyện thi hành những phương pháp gây “áp lực thể xác vừa phải”. Hệ quả đáng tiếc là nhiều ngàn người  tình nghi Palestine  bị bắt giữ và tra khảo. Năm 1999, Tối cao Pháp viện Israel cấm đoán bằng một phán quyết hành động này quá quen thuộc đến mức  trở thành một chính sách.

       Mặt khác, việc tra khảo phản tác dụng vì đẩy các nạn nhân và cộng đồng của họ vào sự gịận dữ và căm hờn. Ngoài ra, tra tấn biến các kẻ bị tình nghi thành những thành phần khủng bố và biến những tay khủng bố thật sự thành những sát nhân khát máu hơn. Sự tra tấn đặt  các chiến sĩ và thường dân trong tình trạng bị trả đũa nguy hiểm, không kể  tiêu hủy uy thế tinh thần của các người áp dụng biện pháp tra tấn khi họ lên tiếng tố cáo  những lạm dụng  đối với dân tộc của họ. Các thành viên, nam lẫn nữ, của Quân đội Hoa kỳ cũng như các viên chức dân sự Mỹ liên hệ đến cuộc chiến hiện thời tại Irak, đang lâm vào một tình trạng nguy hiểm hơn bị giết hay bị hành hạ nếu họ rơi vào tay kẻ thù. Phe khủng bố đã không phí thời giờ giải thích quyết định của họ chặt đầu Mỹ kiều Nicolas Berg là để đáp lại chính quyền Hoa kỳ xữ tệ tù nhân Irak. Khi Hoa kỳ nêu ra vấn đề “giá trị, values” – tức là các lý tưởng kiêu kỳ về tự do và công lý mà họ tuyên bố bảo vệ khi khai chiến với Irak – thì lập luận của họ có vẽ  rỗng tuếch và giả dối.

        Trong xì-căn-đan Abu Ghraib, (nữ) thiếu tướng Janis Karpinski, giám đốc của trung tâm này, bị cách chức. 7 nhân viên khác bị truy tố trước Tòa án binh  về tội “.đồ mưu, xao nhãng

phận sự, đối xữ ác độc tù nhân, hành hạ, tấn công và hành động bất nhã.” Tướng Ricardo S.Sanchez, tổng tư lệnh Quân đội viễn chính Mỹ, bị thuyên chuyễn. Ứng cử viên Tổng thống John Kerry kêu gọi Rumsfeld lãnh trách nhiệm và từ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Rumsfeld, đến nay, bình chân như vại. Ngục thất Abu Ghraib bị phá hủy để xóa mọi di tích. Phúc trình chung quy trách cho sự thiếu tồ chức, thiếu huấn luyện nhân viên điều tra và thiếu kỷ luật. Công lý được giải quyết ngắn gọn nhưng lưu lại trong tâm tư của dân Hồi giáo một âm vang đầy bất mãn.

      

Kết luận

      Nếu hai bên đối nghịch không khéo tự chế, cuộc chiến tranh khủng bố hiện nay có cơ  trở thành một cuộc chiến không lối thoát, một “cuộc chiến ngàn năm.” Nhiều thức giả không đồng quan điểm với giáo sư  Samuel Huntington  rằng  sự tranh chấp đang diễn tiến là một va chạm mạnh giữa các nền văn minh, clash of civilizations. Kinh hoàng bởi biến cố 9/11, dân chúng Hoa kỳ ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố, trong đó “kẻ nào không đứng về phía chúng ta tức là chống chúng ta”, theo lời tuyên bố của Tổng thống Bush. Trên thực tế, chủ trương khủng bố chỉ là một phương pháp hành động chớ không phải là một ý thức hệ.

           Làm thế nào Hoa kỳ tái dựng được uy tín đạo lý và thu phục lại lòng tin cẩn của thế giới? Bằng cách  chấp nhận và thể hiện  một chính sách minh bạch và cương quyết chống tra tấn  từ thượng tầng đến hạ cấp. Bằng cách  phân minh lên án mọi kỹ thuật tra khảo, long trọng  cam kết tuân hành các quy tắc quốc tế về việc cấm đoán tra tấn. Bằng cách bảo đảm điều tra công bằng và độc lập mọi vi phạm và truy tố  bất luận ai  liên hệ đến việc hành hạ tù nhân; và cung cấp cho các cơ quan quốc tế những sự dễ dàng tiếp xúc với tất cả các phần tử bị tình nghi khủng bố.

          Vấn đề quan yếu là chính quyền Bush có thiện chí làm chuyện này hay không?  có tin hay chăng rằng sự tra tấn là một khí cụ chính đáng trong cuộc chíến chống khủng bố?

Trong bài diễn văn năm 2002 về Tình trạng Liên bang, Tổng thống Bush tuyên bố: “Hoa kỳ sẽ luôn luôn cương quyết giữ vững lập trường về những đòi hỏi bất khả nhân nhượng về phẩm giá con người; về pháp trị; về giới hạn quyền lực của quốc gia; về sự tôn trọng nữ phái; về quyền tư hữu; về tự do ngôn luận; về công lý bình đẳng; về sự khoan dung tôn giáo..Chúng tôi mong thể hiện một thế giới công bằng và hòa bình ở tận bên kia cuộc chiến chống khủng bố.”

        Nay đã đến lúc chứng minh rằng tất cả hứa hẹn này không phải chỉ là lời nói suông.

 

LÂM LỄ TRINH

Thủy Hoa Trang

Ngày 11.9.2004

Californie

 

Tài liệu tham khảo:

1 – Seymour M. Hersh, “The Gray Zone.How a Pentagon program came to Abu Ghraib”, Torture at Abu Ghraib. American soldiers brutalized Iraqis. How far up does the responsibility go?”, in The New Yorker, 10.5. and 24.5.2004

2 – Samuel Huntington, “The Clash of civilizations” in Foreign Affairs, NY, vol 73, 1993

3 – Jean Francois Revel, “Comment les démocraties finissent”, Grasset, Paris, 1983

4- Alain Gresh, « La Guerre de Mille ans ». dans le Monde Diplomatique, Sept 2004, p. 22.

5 – Olivier Roy, «  Al-Qaida, label ou organisation? » dans Le Monde diplomatique, sept 2004,. Pages 24-25

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]