Hòa Thượng Thích Quảng Độ: Quyền Tự Do Đi Lại Và Quyền Tự Do Văn Hóa

 

 

Lê Minh Nguyên

 

 

Theo Thông Cáo Báo Chí ngày 16 và 17 tháng 2, 2006 của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế thì vào ngày Thứ Năm 16 tháng 2/2006, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cùng với Hòa thượng Đức Chơn, Thượng tọa Viên Định, Thượng tọa Không Tánh, Thượng tọa Thiện Minh, Thượng tọa Chơn Tâm và một số vị thị giả dự tính lấy chuyến xe hỏa lúc 7 giờ tối ở ga xe lửa Hòa Hưng đi Bình Định, đến Tu viện Nguyên Thiều để vấn an và chúc thọ đức Tăng thống Thích Huyền Quang vào dịp đầu năm Bính Tuất 2006. Đó là truyền thống, phong tục tập quán của văn hóa Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng trong việc chúc thọ, bái tuế các vị trưởng thượng dip Xuân về.

 

Nhưng khi phái đoàn đến ga vào lúc 5 giờ 30 chiều thì có khoảng 100 công an đến bao vây, hành hung, xô xát với phái đoàn rồi bắt giữ Hòa thượng Thích Quảng Độ. Hay tin, 40 Tăng sĩ chùa Giác Hoa liền đến nhà ga tọa kháng để phản đối. Chuyến tàu đã khởi hành lúc 7 giờ tối và không một ai trong phái đoàn được ra đi dù đã mua vé sẵn từ trước.

 

Theo lời HT Quảng Độ, công an dùng chính sách cách ly từng người một, không cho đi chung với nhau. Các vị khác họ tách riêng và gom vào một chỗ, còn HT Quảng Độ thì họ cho 4 công an khênh đưa vào một phòng gọi là Phòng An ninh của nhà ga. Ông bị bất tỉnh một thời gian, khi tỉnh lại, ông hỏi lý do bị bắt và được công an cho biết là không phải bắt mà vì có sự lộn vé và đưa ông vào phòng để thay đổi. Sau khi không còn xe hỏa để đi, họ lại dùng 4 công an khênh ông lên xe để đưa về Thanh Minh Thiền Viện.

 

Qua sự việc này chúng ta thấy ý đồ của Cộng Sản Việt Nam là ngăn chận không cho Thầy Quảng Độ đi Bình Định để vấn an và chúc thọ Thầy Huyền Quang, theo truyền thống của văn hóa Việt Nam và Phật Giáo. Bài viết này muốn nhìn vấn đề trên căn bản của Hiến Pháp Cộng Sản Việt Nam, Sách Trắng Nhân Quyền của Cộng Sản Việt Nam (CSVN) và Công Pháp Quốc Tế qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, hai Công Ước về Quyền Dân Sự Và Chính Trị và Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa. Hai quyền được khảo sát ở đây là quyền tự do đi lại và quyền tự do văn hóa.

 

Về quyền tự do đi lại, Hiến Pháp của CSVN, điều 68 nói rằng, “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước”, và điều 71 nói rằng, “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm… Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.

 

Vào tháng 8/2005, CSVN công bố Sách Trắng Nhân Quyền mà ở Chương Hai nói về Những Thành Tựu Của Việt Nam Trong Việc Thực Hiện Và Thúc Đẩy Quyền Con Người, nơi phần (I)(7) về Bảo Đảm Quyền Tự Do Đi Lại Và Cư Trú, CSVN khẳng định là, “Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện và bảo đảm quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân. Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định: công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước… Việc đi lại và lựa chọn nơi cư trú do mỗi cá nhân quyết định phù hợp với nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của họ… Các thủ tục hành chính gây phiền hà cho việc đi lại, cư trú của công dân đều bị bãi bỏ.”

 

Trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, Điều 13, Khoản 1 nói rằng, “Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia”, cũng như trong Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự Và Chính Trị, Điều 12, Khoản 1 nói rằng, “Những người cư trú hợp pháp trong lãnh thổ một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ”.

 

Về quyền tự do văn hóa, ta thấy trong hiến Pháp CSVN, điều 30 nói rằng, “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hoá Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam…”, và điều 31 nói rằng, “Nhà nước tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện, giáo dục ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình có văn hóa…”.

 

Trong Sách Trắng Nhân Quyền của CSVN, Chương Hai nói về Những Thành Tựu Của Việt Nam Trong Việc Thực Hiện Và Thúc Đẩy Quyền Con Người, nơi phần (II)(2) về Bảo Đảm Các Quyền Về Xã Hội, CSVN khẳng định, “… tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn đến truyền thống văn hóa dân tộc… Các lễ hội, sinh họat văn hóa truyền thống cũng được khôi phục ở nhiều nơi trong cả nước, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng phong phú hơn của nhân dân, vừa là cách để cũng cố truyền thống văn hóa, lòng tự tôn dân tộc.”

 

Trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, Điều 27, nói rằng, “(1) Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy, (2) Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình”. Cũng như trong Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa, Điều 15 (1)(a) nói rằng, “Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận quyền của mọi người: Được tham gia vào đời sống văn hoá”.

 

CSVN năm 1982 đã ký các văn bản của Công Pháp Quốc Tế cam kết tôn trọng và thực hiện các điều khoản của luật quốc tế này mà trong đó chính yếu là 26 nhân quyền căn bản của mọi người dân như quyền sống, quyền không bị tra tấn, quyền không bị làm nô lệ, quyền tự do thân thể, quyền được xét xử công bằng, quyền được tòa án bảo vệ, quyền được luật pháp bảo vệ, quyền có tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật, quyền riêng tư, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền tị nạn, quyền có quốc tịch, quyền kết hôn và lập gia đình, quyền sỡ hữu, quyền làm việc, quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công, quyền an sinh xã hội, quyền bảo vệ gia đình, quyền có đời sống khả quan, quyền y tế, quyền giáo dục, quyền văn hóa, quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo, quyền tự do tư tưởng và phát biểu quan điểm, quyền tự do hội họp và lập hội, quyền tham gia chính quyền. Ngoài ra, Hiến Pháp và Sách Trắng Nhân Quyền của CSVN còn tuyên bố tôn trọng các nhân quyền này.

 

Như vậy thì việc CSVN ngăn chận sự đi lại của HT Quảng Độ là đúng hay sai? Có mâu thuẫn với sự cam kết và lời nói của họ hay không?

 

Việt Nam đã mở cửa giao thiệp với hầu hết các quốc gia trên thế giới, là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, đã bình thường hóa các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, sắp trở thành hội viên của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Do đó, nhà cầm quyền CSVN cần phải cư xử với dân chúng của mình theo tập tục của các xã hội dân chủ văn minh, biết tôn trọng nhân quyền để năng lực của dân tộc được phát huy. Trong việc bắt giữ và làm khó dễ HT Quảng Độ, CSVN đã vi phạm trầm trọng quyền tự do đi lại và tự do văn hóa của ông và của phái đoàn do ông hướng dẫn.

 

Bài viết này đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng các quyền tự do đi lại, tự do văn hóa của HT Quảng Độ và của mỗi người dân trên đất nước Việt Nam.

 

 

 

 


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]