Sơ lược về tình trạng các tù nhân lương tâm, các vị tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền tại Việt Nam

 

Lâm Thu Vân

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

Trước thềm năm mới 2005, nhìn lại danh sách các vị hằng hoạt động đòi nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam, chúng ta thấy có những vị đã ra khỏi tù như LS Lê Chí Quang, ông Phạm Quế Dương và Giáo sư Trần Khuê.

Có những bản án đã giảm như trường hợp Linh Mục Nguyễn Văn Lý và BS Phạm Hồng Sơn.

Ai cũng biết các bản án của những vị kể trên đều bất công vì các phiên tòa đều bất hợp lệ, không xử công khai và các bản cáo trạng đều là những lời vu khống trái với sự thật. Vì thế, dư luận thế giới, nhất là các cơ quan bênh vực nhân quyền đã phản đối những vụ án bất công trên. Nhất là trước sự phản đối của các nước cấp viện kinh tế, Việt Nam đã giảm các bản án để xoa diệu dư luận quốc tế, hầu được tiếp tục nhận viện trợ và trao đổi thương mãi với các nước dân chủ trên thế giới.

 1 – Luật Sư Lê Chí Quang từng bị kết án 4 năm tù vì tội danh«gián điệp», thực ra là vì viết bài trên Internet chỉ trích chính quyền Hà Nội đã ký nhũng hiệp ước  biên giới nhượng đất và biển cho Trung Quốc. Trước áp lực quốc tế, CSVN đã thả Lê Chí Quang vào tháng 6, 2004, tức là giảm đi 2 năm thời hạn giam cầm người yêu nước trẻ vô tội.

2 – GS Trần Khuê và cựu đại tá Phạm Quế Dương, đồng sáng lập «Hội Nhân Dân Việt Nam chống tham nhũng», bị bắt vào tháng 12, 2002 và đã ra khỏi tù vào tháng 7, 2004, sau những phiên tòa khôi hài vì không thể nêu lên tội danh chính thức nào.

3 – Linh Mục Nguyễn Văn Lý, bị giam từ tháng 5,2001 và bị kết án 15 năm tù vì đã đòi quyền tự do tôn giáo cho tín đồ của tất cả các tôn giáo ở Việt Nam. Trước áp lực quốc tế, LM. Lý đã thấy bản án của mình giảm xuống 10 năm rồi 5 năm mặc dù không có một phiên tòa nào đem LM. Lý ra xử lại.

LM Nguyễn Văn Lý đã được Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nhận là tù nhân lương tâm từ khi LM Lý bị giam cầm lần trước vào năm 1983. Tổ chức International PEN cũng lên tiếng phản đối việc giam cầm Cha Lý lần nầy, từ 2001.

Mới đây, ngày 18 tháng 11, năm 2004, 3 hội tại Quebec, Canada đã vinh danh LM Nguyễn Văn Lý vì LM Lý là một người chỉ dùng ngòi bút của mình để tranh đấu cho tự do ngôn luận và tự do tín ngưởng. Ba hội đó là Amnistie Internationale, PEN Quebec và Union des écrivains et écrivaines québecois.

 Trên đây là những thắng lợi nho nhỏ trong cuộc vận động đòi tự do ngôn luận cho nhân dân Việt Nam. Tiếc thay, bên cạnh danh sách nầy, chúng ta thấy danh sách 7 vị bị giam cầm trong các trại lao động khổ sai, mà tên tuổi đã trở thành quen thuộc đối với các tổ chức nhân quyền quốc tế. Đó là :

1 – GS Nguyễn Đình Huy, vẫn tiếp tục bị giam cầm tại Z 30 A Xuân Lộc, Đồng Nai sau khi tổ chức bất thành buổi Hội thảo về Phát triển kinh tế và Dân Chủ vào năm 1993.

2 – BS Nguyễn Đan Quế vừa bị bắt lại vào tháng 3, 2004 vì đã gửi lên Internet lời phản đối tình trạng thiếu tự do thông tin tại Việt Nam. Trong quá khứ, BS Quế đã bị giam cầm 2 lần, tổng cộng 18 năm vì đòi bầu cử tự do và tôn trọng nhân quyền. BS Quế vừa bị đưa đi trại lao động Yên Định ở Thanh Hóa sau một phiên tòa bịp bợm kết án ông 30 tháng tù. BS Quế đã mhiều lần từ chối rời Việt Nam để được tự do, vì ông quyết tâm ở lại trong nước tiếp tục tranh đấu cho  dân chủ và nhân quyền.

3 – Linh Mục Nguyễn Văn Lý như chúng ta biết, mặc dù bản án  đã giảm còn 5 năm, nhưng LM Lý hiện vẫn lao động khổ sai trong trại Ba Sao, Nam Hà.

4 – BS Phạm Hồng Sơn, người đã từng dịch bài viết từ tiếng Anh ra tiếng Việt «What is democracy ?» (Dân chủ là gì ?) và đã viết thư cho Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đòi dân chủ hóa chính quyền. Kết quả là Phạm Hồng Sơn bị bắt vào tháng 3, 2002 và bị kết án 13 năm tù. Trước sự phản đối mạnh mẻ của các nước dân chủ như Canada, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Úc Châu, Tân Tây Lan..., bản án của Phạm Hồng Sơn đã đổi thành 5 năm tù.Dịp kỷ niệm Quốc tế Nhân Quyền 10 tháng 12 năm 2004, Hội International PEN đã chọn Phạm Hồng Sơn làm biểu tượng của cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận tại Việt Nam.

5 – Phóng viên Trần Minh Tâm, tức Nguyễn Khắc Toàn, nhà tranh đấu chống cường hào ác bá bị kết án 12 năm tù, hiện bị giam ở trại Ba Sao, tỉnh Nam Hà. Ông đã bị khép tội làm «gián điệp» vì ông đã tường thuật các cuộc biểu tình của nông dân và đồng bào các tỉnh miền Nam, miền Trung và miền Bắc để đòi Quốc hội và Tồng Bí Thư Nông Đức Mạnh giải quyết tình trạng tham nhũng và đối xử bất công bởi các cán bộ địa phương.

6 – Nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị biệt giam từ 25 tháng 9, 2002 và kết án 7 năm tù vì ông tham gia hội chống tham nhũng và đưa đơn xin thành lập đảng Tự Do Dân Chủ. Hiện Nguyễn Vũ Bình bị biệt giam tại Trại Ba Sao, tỉnh Nam Hà.

7 – Mục Sư Nguyễn Hồng Quang bị bắt vào tháng 6, 2004 và bi kết án 3 năm tù ngày 12 tháng 11, 2004 bởi Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, vì đã có những hoạt động xã hội và tôn giáo với tư cách là Phó Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam.

 Ngoài danh sách quý vị trên đang bị giam trong tù, chúng ta biết rất nhiều vị bị quản chế tại gia, tức là không có một chút tự do nào chỉ khác là họ ăn cơm nhà và sống trong nhà riêng. Họ không được đi khỏi nhà nếu công an không cho phép, thư từ và điện thoại bị kiểm duyệt. Không ai được thăm viếng họ hoặc người thăm viếng sẽ bị công an chất vấn, hăm he. Quý vị bị quản chế 2 năm xong rồi sẽ bị gia hạn thêm 2 năm nữa, cứ thế, tùy theo quyết định của chính quyền địa phương (và trung ương). Danh sách rất dài, chỉ xin kể vài nhân vật mà ai cũng biết như Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, ông Lê Quang Liêm, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Thích Không Tánh, nhà đối kháng Hà Sỹ Phu, nhà địa chất học Nguyễn Thanh Giang, nhà thơ Bùi Minh Quốc, ông Trần Dũng Tiến, Limh Mục Chân Tín và các tín đồ Công Giáo và Tin Lành gốc người thiểu số ở Tây Nguyên và ở miền Bắc.

Nhìn qua tình trạng bi đát của các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước, chúng ta thấy thắng lợi không bao nhiêu mà khó khăn còn nhiều. Đó là vì chủ trương của tập đoàn cầm quyền trong nước là phải giữ tình trạng độc đảng và chậm tiến về mọi mặt để tiếp tục độc quyền cai trị, tuy ngoài mặt thì công bố với quốc tế những chương trình xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng và phát triển kinh tế để được nhận vào Tổ chức mậu dịch thế giới (WTO) vào năm 2005.

 Mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng có 2 điểm làm chúng ta có quyền lạc quan. Đó là ý chí muốn dân chủ hóa đất nước đã là chất keo gắn liền đồng bào hải ngoại và trong nước. Yếu tố thứ 2 là sự quan tâm và ủng hộ của quốc tế mỗi ngày thêm rõ rệt và đồng bộ, để áp lực lên Việt Nam hầu giúp dân ta bắt theo kịp trào lưu thế giới, sống trong tự do. Lạc quan không phải là ngồi không chờ ai ban bố cho dân mình các quyền tự do, mà lạc quan để tiếp tục tranh đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.

 10 tháng 12, 2004.

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]