Tại sao có quá ít người dám tranh đấu?
Nguyễn Chính Kết
Trong chế độ Cộng sản, chẳng có dân chủ cũng chẳng có tự do, người
dân bị áp bức đủ điều. Ai cũng biết điều ấy. Mà Việt Nam, trong 4000
năm lịch sử, nổi tiếng là một dân tộc bất khuất: tuy nhỏ bé, bị
Trung Hoa xâm lược, đô hộ, tìm cách đồng hóa cả ngàn năm, bị Pháp
cai trị cả trăm năm, nhưng Việt Nam vẫn bảo tồn được nòi giống,
văn hóa cá biệt của mình. Vì thế, nhiều người nghĩ rằng, trong hoàn
cảnh bị Cộng sản áp bức hiện nay, ắt hẳn phải có rất nhiều người
đứng lên tranh đấu chống lại cơ chế áp bức ấy. – Theo lý luận tự
nhiên, kết luận như vậy thật hết sức lôgích! Nhưng trong thực tế, số
người tranh đấu chống lại áp bức quả hết sức ít ỏi. Tại sao? Đó là
một thắc mắc chính đáng mà không ít người chỉ nêu lên, nhưng chưa có
câu trả lời tương đối đầy đủ, tạm thỏa mãn.
Thật vậy, gần 50 năm kể từ 1954 đến nay ở miền Bắc, và suốt 30 năm
kể từ 1975 đến nay tại miền Nam, dù sống dưới ách chuyên chế vô cùng
khắc nghiệt của Cộng sản, số người trong nước dám lên tiếng tranh
đấu cho tự do dân chủ quả quá ít so với 80 triệu dân đang sống trên
mảnh đất chữ S này. Phản ứng của người dân trước cuộc đấu tranh
quyết liệt cho tự do tôn giáo do linh mục Nguyễn Văn Lý khởi xướng
là một trắc nghiệm thật hùng hồn về tình trạng «không dám» ấy của
đại đa số người dân trong nước.
Phải nói rằng từ khi Việt Nam có chế độ Cộng sản đến nay, chưa có ai
dám lên tiếng cách mạnh mẽ và được cả một cộng đồng Việt Nam hải
ngoại – khoảng 3 triệu người – ủng hộ hết mình và «rầm rộ» như linh
mục Nguyễn Văn Lý. Đây quả là một cơ hội vô cùng hiếm có để người
dân trong nước có thể ủng hộ cuộc đấu tranh cho quyền tự do và quyền
làm chủ đất nước của mình hầu tạo nên một áp lực mạnh mẽ và hữu hiệu
buộc chế độ Cộng sản phải thay đổi chính sách, đặc biệt chính sách
đối với các tôn giáo. Thế nhưng số giám mục, linh mục hoặc tín hữu
trong nước dám công khai lên tiếng ủng hộ cuộc tranh đấu ấy để bênh
vực một quyền lợi hết sức chính đáng của mình chỉ đếm được trên đầu
ngón tay. So với 6 triệu người Công giáo, con số ấy quả ít ỏi đến
mức đáng ngạc nhiên ([1]).
Số người tranh đấu cho tự do tôn giáo ở trong nước chỉ được khoảng
20 người ([2]). Cứ cho người có tôn giáo chiếm khoảng 2/3 dân Việt
thì số tín đồ phải là 50 triệu. 20 người so với 50 triệu tín đồ quả
là quá ít ([3]). Số người lên tiếng tranh đấu cho dân chủ, nhân
quyền ở trong nước mà quốc tế biết đến trong 30 năm qua, kể từ 1975,
chưa đầy 50 người ([4]). So với 80 triệu dân, thì con số trên quá
nhỏ nhoi: phải hơn một triệu người mới có được một người dám công
khai lên tiếng ([5]), dù chỉ là lên tiếng một cách ôn hòa, hợp pháp
chứ chưa nói tới chuyện làm gì hơn thế nữa.
Đó là một thực tế rõ rệt mà ai – nếu được hoàn toàn tự do phán đoán
theo lương tri – cũng đều công nhận. Như vậy, phải chăng dân Việt
ngày nay không còn dũng khí, không còn anh hùng như cha ông ta ngày
xưa nữa? Thời Pháp thuộc cách đây chưa đầy 100 năm, dân chúng đâu
đến nỗi bị cai trị cách hà khắc và độc đoán như trong chế độ Cộng
sản, thế mà có biết bao người dám đứng lên mộ quân, khởi nghĩa, chứ
không chỉ lên tiếng phản đối hay đấu tranh cách ôn hòa. Chẳng lẽ dân
Việt ngày nay – thời đại internet, là thời mà người dân có thể cứ
ngồi trước máy vi tính ngay trong nhà mình cũng có thể lên tiếng
tranh đấu – không còn có những con người anh hùng, đầy dũng khí như
Đề Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, v.v… nữa
sao?
Là một người ở trong nước có phần nào góp phần vào việc tranh đấu
cho tự do tôn giáo, tôi hiểu được và rất thông cảm với sự im lặng
của hầu hết người dân trong nước nói chung, và các nhà trí thức
trong nước nói riêng. Quả thực, ngày nay, người dân trong nước muốn
lên tiếng thì phải đắn đo hơn xưa rất nhiều. Người Cộng sản có thể
dở hay hèn kém về nhiều mặt, nhưng phải công nhận họ rất khôn ngoan
và vô cùng hữu hiệu trong việc ngăn cấm người dân tranh đấu, nhất là
cản trở người dân liên kết lại với nhau để chống lại họ. Mọi mầm
mống hay âm mưu chống lại họ đều khó có thể hình thành, và nếu hình
thành được thì rất dễ dàng bị đập vỡ ngay từ trong trứng nước. Họ
làm được điều này hữu hiệu hơn tất cả những chế độ quân chủ hay dân
chủ trước đó, không phải vì họ tài giỏi hơn cho bằng họ vô đạo đức
hơn, quỷ quyệt hơn, độc ác hơn. Chủ trương vô thần của họ phần nào
là nguyên nhân của tính vô đạo đức này ([6]).
Sau 1975, nhất là từ khi Việt Nam cần bang giao với các nước, việc
bắt bỏ tù và âm thầm thủ tiêu những người tranh đấu không còn thực
hiện được dễ dàng như trước, vì họ bị đòi hỏi phải làm theo luật
pháp, của chính họ cũng như của quốc tế. Vì thế, để làm cho các
tiếng nói tranh đấu trong nước phải im tiếng, chính quyền đã sử dụng
những biện pháp mềm dẻo hơn, ít mang tiếng hơn, nhưng không phải là
kém phần hữu hiệu. Sau đây là một số phương pháp họ đã dùng với mục
đích trên.
1) Bao vây kinh tế, sách nhiễu, đe dọa
Điều đáng sợ khiến nhiều người dù uất ức, muốn phản kháng tới đâu
cũng phải im lặng, đó là sự bao vây kinh tế của nhà nước đối với
những người tranh đấu. Để tranh đấu cho quê hương đất nước, những
người yêu nước có thể chấp nhận bị phiền nhiễu, phải vào tù, bị tra
tấn, thậm chí chết, mặc dù họ cũng như mọi người, rất sợ những thứ
ấy. Thắng được nỗi sợ ấy là việc mà một số người – tuy không nhiều,
nhưng không đến nỗi quá ít – có thể làm được. Tuy nhiên có một điều
thật đáng sợ, làm người ta ngần ngại hơn nhiều, đó là sợ làm liên
lụy đến người khác. Thật vậy, người ta không sợ chết, sợ tù cho bằng
sợ việc tranh đấu của mình làm cho nhiều người bị liên lụy, khổ sở:
trong đó có vợ con, cha mẹ, anh em, bạn bè, hay cộng đoàn mà mình
đang có trách nhiệm.
Xin đan cử trường hợp mới đây nhất là trường hợp của anh Phương Nam
Đỗ Nam Hải. Khi còn du học ở Úc, anh đã viết 5 bài nhận định, phân
tích, phê bình về chính sách cai trị của đảng Cộng sản hiện nay tại
Việt Nam, đồng thời đề nghị hay vạch ra một phương hướng tốt đẹp hơn
cho đất nước. Khi về nước đầu năm 2002, anh bắt đầu phổ biến rộng
rãi những bài viết của anh trên Internet. Đến tháng 8-2004, anh bắt
đầu bị công an mời đi làm việc hàng chục lần tại nhiều nơi khác nhau,
có những lần bị giữ lại hơn hai ngày. Và đầu tháng 2-2005, anh đã bị
mất việc anh đang làm để sinh sống tại ngân hàng. Tôi có dịp tiếp
xúc với anh Hải nhiều lần, anh cho biết: Khi sách nhiễu nhiều lần và
đủ kiểu như thế, điều chính quyền nhắm không phải là làm lung lạc
tinh thần anh, vì họ biết họ làm không nổi, mà nhắm làm lung lạc
tinh thần gia đình anh. Họ hy vọng những người trong gia đình anh –
vốn không vững tinh thần như anh – bị căng thẳng và chịu không nổi
những sách nhiễu ấy, sẽ tác động đến anh khiến anh phải im tiếng.
Tôi cũng xin kể trường hợp của tôi. Khi bắt đầu lên tiếng cho tự do
tôn giáo vào đầu năm 2001, tôi đang làm trưởng một hội đoàn ở Việt
Nam, hội Kolping ([7]). Vì sợ hội đoàn của tôi bị liên lụy, nên khi
vừa bắt đầu lên tiếng, tôi đã tự nguyện từ chức hội trưởng. Ấy thế
mà nhiều cộng đoàn nhỏ bé của tôi đã bị khó dễ, nghi ngờ. Một số hội
viên bị mất việc làm chỉ vì là hội viên Kolping. Chẳng hạn một hiệu
trưởng trường cấp ba ở An Giang bị giáng chức xuống làm giáo viên
thường, một nhân viên của trường ấy bị đuổi việc. Đương nhiên khi
giáng chức hay đuổi việc những người này, chính quyền luôn luôn dựa
vào một lý do khác, nếu không có thật thì cũng ngụy tạo ra, để có cớ
mà đuổi. Một số cộng đoàn Kolping ở tỉnh này tỉnh nọ phải làm việc
với công an và bị theo dõi vì bị nghi ngờ…
Riêng tôi thì bị bao vây kinh tế và bị sách nhiễu nhiều lần. Tôi
sống và nuôi gia đình được là nhờ dạy học và dịch sách. Lúc đó tôi
đang dạy triết học cho 5,6 nhà dòng ở Sàigòn và dịch các sách về tôn
giáo (thần học, tu đức). Sau khi lên tiếng cho tự do tôn giáo thì
tất cả các nhà dòng tôi đang dạy đều không còn dám nhờ tôi dạy nữa,
mặc dù ở một vài nhà dòng có những môn tôi đang dạy chưa xong. Tôi
thắc mắc: không hiểu công an có ra lệnh gì cho các nhà dòng đó không?!
Khi công an quận hỏi tôi: có phải anh nhận dịch sách ở tòa Tổng Giám
Mục không? Tôi nhận đại cho khỏi lôi thôi. Thế là khoảng 3 tháng sau,
anh công an tôn giáo quận đến hỏi tôi: «Anh đâu có nhận dịch ở tòa
Tổng Giám Mục, vậy anh nhận dịch ở đâu?» Lúc đó tôi đang dịch một
cuốn sách do một người bạn ở Pháp nhờ dịch, nên tôi trả lời thẳng: «Tôi
nhận dịch từ ngoại quốc!» Điều đó cho thấy công an đã đến tòa Tổng
Giám mục hỏi về việc cung cấp bài dịch cho tôi để tôi có việc làm,
chắc chắn chỉ với mục đích bao vây kinh tế hầu tôi không còn cách
nào để sống. Có lẽ chính quyền nghĩ rằng nếu không còn cách nào để
sống, gia đình bị thiếu thốn, đói khổ, con cái không đủ tiền để đi
học… thì những người tranh đấu làm sao có thể tiếp tục lên tiếng
được?
Một trí thức nọ rất thân với tôi cũng bức xúc về sự im lặng của mình.
Anh rất muốn lên tiếng, nhưng không dám. Anh tâm sự: «Nếu tôi lên
tiếng, thì trước hết tôi mất việc làm đã đành, mà mấy con của tôi
cũng có thể bị mất việc. Lúc đó làm sao tôi có đủ tiền để nuôi bản
thân, nuôi vợ và những đứa con còn nhỏ của tôi? Và những đứa đã có
gia đình mà bị mất việc thì tôi làm sao có đủ tiền để nuôi cả mấy
gia đình chúng nó nữa?» Nếu cứ nghĩ thế thì chắc chắn chẳng ai dám
lên tiếng tranh đấu. Vì vấn đề không phải chỉ là đau khổ cho riêng
bản thân mình, mà còn liên lụy tới bao người thân yêu của mình nữa.
Trường hợp của tôi rất may là một vài người bạn đã tìm cách giúp tôi
có những tài liệu về kinh tế để dịch thường xuyên với giá rất cao
nên tôi và gia đình vẫn tạm sống qua ngày được, nhờ đó tôi mới có
thể tiếp tục lên tiếng. Nếu không nhờ sự giúp đỡ ấy, chắc chắn tôi
đã phải «tịt ngòi» từ lâu! Làm sao tôi có đầu óc để viết những bài
tranh đấu khi nhìn vợ con mình đói, nheo nhóc, đau khổ? Làm sao tôi
có thì giờ để viết bài tranh đấu khi tôi, vì bị mất việc làm, phải
dành hết tâm lực và thì giờ để tìm cách nuôi sống gia đình mình
trước đã?
Nói tới đây tôi mới thấy chính sách quản lý thật kỹ dạ dày và các
nhu cầu thiết yếu nhất của người dân là một chính sách tuy dã man,
nhưng rất hiệu nghiệm để dẹp tan tất cả những mầm mống nổi loạn ở
trong nước vào những năm đầu tiên sau 1975, hầu ép người dân phải
chấp nhận chế độ Cộng sản. Nhà nước quản lý dạ dày và các nhu cầu
thiết yếu nhất của người dân bằng hộ khẩu, bằng việc cấp phát các
nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn đầu người trong hộ khẩu. Mọi chuyện cho
phép hay cấp phát của chính quyền đối với dân chúng đều căn cứ trên
hộ khẩu: xin phép chính quyền bất cứ điều gì đều phải trình thẻ
chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu. Chính quyền cấp dưới khi đề nghị
lên cấp trên giải quyết điều gì cho ai đều phải chứng nhận đương sự
có thường trú, tức có hộ khẩu tại địa phương. Không có hộ khẩu thì
hầu như tiên thiên không được giải quyết. Vì thế, người dân hoàn
toàn bị lệ thuộc mọi mặt vào tờ hộ khẩu của mình.
Sống ở Việt Nam hai thập niên đầu sau 1975 mà không có hộ khẩu thì
vô cùng vất vả! Chỉ người dân nào có hộ khẩu mới được mua các nhu
yếu phẩm cần thiết cho sự sống bằng giá đặc biệt, phù hợp với mức
lương vô cùng thấp của người dân lúc ấy. Có hộ khẩu mới có thể cư
ngụ tại địa phương một cách hợp pháp, không bị khó dễ, mới có thể
xin việc làm, xin đi học, xin đăng ký hôn nhân, xin di chuyển, xin
xây cửa sửa nhà, v.v… Không có hộ khẩu thì dù có ở ngay trong chính
ngôi nhà mà mình đã từng ở cách hợp pháp mấy chục năm và dù mình
không hề phạm một tội gì, thì cũng là cư trú bất hợp pháp. Cư trú
bất hợp pháp thì chẳng hưởng được một quyền lợi nào cả, có muốn tìm
việc làm chính thức thì cũng chẳng ai dám nhận. Vì thế, có những
người phải chạy chọt để được nhập hộ khẩu với giá cả một cây vàng.
Một cây vàng những năm sau 1975 là một giá trị rất lớn: lương của
rất nhiều người dân làm việc suốt cả năm cộng lại không được một cây
vàng! ([8])
Chính sách hộ khẩu nghiệt ngã đến nỗi, nếu không có hộ khẩu, người
dân không thể thực hiện các quyền căn bản của mình như: cư trú, làm
việc, kết hôn, sở hữu hay mua bán tài sản, v.v… nói chung là mọi thứ
cần thiết của cuộc sống. Không có hộ khẩu thì chẳng khác một tội
nhân sống ngoài vòng pháp luật, không làm được gì cả. Do đó người
dân mà hó hé biểu hiện một chút gì «phản động» thì không thể sống
nổi tại địa phương của mình đã đành, mà đi đâu cũng không sống nổi,
vì không có hộ khẩu làm sao kiếm được việc làm mà sống? làm sao mua
được gạo và các nhu yếu phẩm khác mà ăn, mà dùng? Và ai dám chứa
người bất hợp pháp trong nhà mình?
Nếu có ai «phản động», chống lại nhà nước, thì người thân của người
ấy phải có trách nhiệm «giáo dục» người ấy, nếu không thì cả người
thân ấy cũng sẽ phải chịu một biện pháp chế tài nào đấy! Một bằng
chứng cụ thể mới đây là trường hợp ông Huỳnh Hữu Nghĩa, hiệu trưởng
một trường tiểu học ở Bạc Liêu, là em ruột của Thượng tọa Thích
Thiện Minh ([9]), một người tranh đấu cho tự do tôn giáo. Ông em của
thượng tọa đã nhận được nhiều cú điện thoại hăm dọa sẽ bị đuổi khỏi
trường hoặc bị tai nạn xe cộ nếu không khuyên nhủ anh mình chấm dứt
việc lên tiếng cho tự do tôn giáo và nhân quyền ([10]). Trường hợp
này, nếu ông Nghĩa đang chủ yếu sống bằng lương của hiệu trưởng và
phải nuôi vợ con chỉ bằng số lương ấy, thì thượng tọa quả là khó xử.
Ông Nghĩa có thể chấp nhận bị mất việc vì lý tưởng của anh mình,
nhưng còn vợ con ông thì sao? Vợ con ông có chấp nhận cho ông hy
sinh sự bình an và no ấm của cả gia đình cho lý tưởng cao cả của
người anh ông không? Đối với thượng tọa, nếu vì những hành động yêu
nước, yêu tôn giáo của mình mà em mình có thể bị tai nạn, cả gia
đình em mình bị thiếu thốn, khốn khổ, thì liệu ông có đủ nhẫn tâm
đối với gia đình em mình để tiếp tục những hành động yêu nước ấy
không? Thượng tọa có yêu nước, yêu đạo pháp, có dũng cảm đến đâu,
gặp trường hợp này thì đành phải chịu thua thôi! Và quả thực, thượng
tọa đã phải im tiếng luôn từ lúc ấy đến nay! Phương pháp này quả là
hữu hiệu!
2) Đổi chác
Để đạt được sự im lặng hay cộng tác từ một nhân vật nào đó trong
Giáo Hội, việc đổi chác quyền lợi cũng là một kế rất hay. Tôi nhượng
cho anh cái này, thì đổi lại anh phải nhượng cho tôi cái kia. Tôi
cho anh cái này, anh phải cho tôi cái kia. Gặp trường hợp này, một
nhà đạo đức nhất vẫn có thể phải chấp nhận sự trao đổi, không phải
chỉ để khỏi bị hại hay được lợi cho cá nhân mình, mà còn để cho cả
tập thể của mình khỏi bị hại hay được lợi. Chẳng hạn một chủng sinh
chỉ cần chấp nhận cho biết một số tin tức nào đó trong Giáo Hội mà
một cách chủ quan anh ta cho là vô hại đối với Giáo Hội, thì anh sẽ
được chính quyền chấp nhận cho vào chủng viện hay được làm linh mục.
Nếu chỉ như thế thì dại gì mà không làm? Vì nếu được làm linh mục
thì ngoài việc thăng tiến cá nhân, anh còn có thể làm lợi cho Giáo
Hội biết bao nhiêu, cứu được biết bao linh hồn! Chỉ một linh hồn
thôi cũng đáng giá gấp bội để có thể bù đắp sự thiệt hại do mình gây
ra qua việc cung cấp những thông tin mà anh nghĩ là vô hại kia! Hay
một linh mục chấp nhận mất đi một mảnh đất của giáo xứ thì việc xây
nhà thờ sẽ được chấp nhận dễ dàng hơn, được mở các lớp giáo lý… Một
giám mục cũng có thể chấp nhận cho chủng sinh học lý thuyết Marxism
trong chủng viện để việc phong chức hay bổ nhiệm nhân sự trong giáo
phận, hay việc xin cho một số linh mục xuất ngoại du học… được chính
quyền chấp thuận dễ dàng hơn. Như vậy không chỉ thuận lợi cho mình
mà còn vì lợi ích của Giáo Hội và các linh hồn nữa! Nhưng than ôi,
một khi đã nhượng bộ trong một trường hợp nhỏ, thì sẽ có nhiều cám
dỗ để tiếp tục nhượng bộ những trường hợp lớn hơn. Tương tự như để
nuôi một lời nói dối, đôi khi phải tiếp tục nói dối trong nhiều
trường hợp khác. Chỉ cần chấp nhận lần đầu tiên đổi chác một cách
nhẹ nhàng như thế là có thể bắt đầu đi vào quỹ đạo mà chính quyền
mong muốn. Người Pháp có câu: «il n’y a que le premier pas qui coûte»
(chỉ bước đầu tiên là quan trọng), người Việt cũng thường nói: «đầu
xuôi, đuôi lọt» mà!
Chúng ta đừng vội kết án các chủng sinh, linh mục hay giám mục đã
chấp nhận những đổi chác như vậy. Tốt nhất hãy tự đặt mình trong
hoàn cảnh ấy xem mình sẽ hành động thế nào? Phải thật thánh thiện,
phải thật sự khôn ngoan theo cách của Thiên Chúa (chứ không phải
cách của người trần), phải dám tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên
Chúa và phải có thật nhiều ơn Chúa mới có thể giải quyết thật vuông
tròn không gì đáng trách trong những trường hợp như thế! Rất tiếc
đâu phải ai cũng được như vậy!
3) Phương pháp «cây gậy và củ cà rốt»
«Cây gậy và củ cà rốt» là một phương pháp cổ điển nhưng rất hữu hiệu
mà mọi người có thế lực cũng như mọi chính quyền đều dùng để làm chủ
tình hình, bắt buộc hay lái mọi người làm theo ý mình. Trong một
quốc gia mà luật pháp rõ ràng, thì việc sử dụng phương pháp này sẽ
bị hạn chế. Nhưng trong những quốc gia theo luật rừng, theo chế độ «xin-cho»
tùy tiện, thì phương pháp này rất dễ thực hiện và rất hữu hiệu.
Ai cũng sợ khổ, sợ gặp khó khăn, phiền nhiễu, sợ lâm vào thế kẹt, sợ
chết, và ai cũng ham lợi, ham sướng, muốn thuận lợi, thích dễ dàng…
Phương pháp này triệt để áp dụng định luật tâm lý ấy. Để tránh khổ,
tránh phiền phức, để được dễ dàng trong đời sống, rất nhiều trường
hợp phải xin phép chính quyền (chẳng hạn xin xây sửa nhà, xin đăng
ký kết hôn, xin vào chủng viện, xin xuất ngoại, xin di chuyển…). Ở
các quốc gia khác, người dân xin phép chính quyền điều gì, nếu điều
đó chính đáng theo luật pháp, thì chính quyền có bổn phận phải cho
phép. Nếu không, người dân có quyền kiện cáo chính quyền. Nhưng tại
Việt Nam, chính quyền có cho phép hay không, điều đó không hoàn toàn
dựa trên luật mà phần nào dựa trên sự tùy hứng và tùy nhiều thứ của
người có quyền cho phép. Và sự tùy tiện này là điều kiện rất thuận
lợi để kẻ có quyền sử dụng phương pháp «cây gậy và củ cà rốt»: nếu
anh cứng đầu không chịu nghe lời tôi, không làm theo ý tôi, thì tôi
cũng cứng đầu không chấp thuận điều anh xin. Cùng cứng đầu với nhau
xem ai thiệt hơn ai? Đương nhiên là người dân phải chịu thiệt. Nếu
không muốn chịu thiệt, thì phải chấp nhận «mềm đầu» thôi!
Áp dụng trong phạm vi tôn giáo, nếu lãnh đạo tập thể tôn giáo tỏ ra
cứng đầu thì cả tập thể sẽ phải chấp nhận sự kìm kẹp chặt chẽ hơn,
xin phép gì cũng khó được chấp thuận. Chẳng hạn, nếu các giám mục
hay linh mục cứ nhất định giữ vững lập trường của mình, không chịu
làm theo đề nghị của nhà nước, hoặc dám lên tiếng về tình trạng
thiếu tự do tôn giáo cho dù ôn hòa cách mấy, thì hậu quả sẽ là: các
sinh hoạt tôn giáo trong giáo phận hay giáo xứ mình sẽ bị giới hạn
lại, mọi chuyện xin phép cho dù chính đáng cũng đều trở nên khó khăn…
Cụ thể là Giáo Hội Công giáo, Giáo Hội Tin Lành Việt Nam nhờ các vị
lãnh đạo Giáo Hội im lặng dẫu bị đàn áp, dẫu bị tịch thu đất đai tài
sản, và chấp nhận dễ dàng một số yêu cầu của chính quyền mà các sinh
hoạt tôn giáo bề ngoài (lễ lạy, xây nhà thờ, dạy giáo lý…) hoặc việc
xin xuất ngoại, du học được thuận lợi. Còn giáo phái Tin Lành
Mennonite và các Hội Thánh Tin Lành Tư Gia ([11]) hễ bị đàn áp là
lên tiếng đấu tranh, là «la lên» cho cả thế giới biết, nên bị chính
quyền gây khó dễ trăm chiều, bị bắt bớ, bị đánh đập… thậm chí bị đe
dọa tiêu diệt. Những Hội Thánh này chủ trương thà bị bắt bớ, bị khó
dễ chứ không chấp nhận thỏa hiệp ([12]).
Ta thử đặt mình vào địa vị của các vị lãnh đạo các Giáo Hội mà suy
nghĩ xem: nếu mình cứ cứng đầu thì thiệt hại sẽ về ai? Về mình thì
không nói làm gì, nhưng con chiên của mình mới bị thiệt hại nhiều,
mà thiệt hại về phần hồn mới là khó chấp nhận. Ích lợi hay thiệt hại
phần linh hồn là điều mà các giám mục, linh mục, hay các mục sư,
truyền đạo vốn đặt rất nặng. Có nhiều Kitô hữu, mục sư, linh mục hay
giám mục cho rằng dù chỉ một linh hồn cũng giá trị hơn những miếng
đất rộng bao la, hơn những cơ sở vật chất khang trang đầy tiện nghi
rất nhiều. Một linh hồn giá trị đến nỗi Đức Giêsu, là Thiên Chúa, đã
sẵn sàng chịu bao đau khổ, sẵn sàng đổ máu mình ra đến nỗi chết để
cứu chuộc cơ mà! Vì thế, nếu phải chịu đủ mọi khó khăn, thiệt thòi,
chịu mất miếng đất này cơ sở nọ mà cứu được dù chỉ một linh hồn thôi
thì cũng đã bõ công lắm rồi! Do đó khi cân nhắc lợi hại của việc
cứng đầu, các ngài đành phải chấp nhận xuống nước thôi… Quan niệm
của nhiều người bên Kitô giáo là như thế! Nên các vị lãnh đạo bên
Công giáo hay Tin Lành thường không quá cứng đầu thì cũng dễ hiểu
thôi! Đó cũng là lý do để chúng ta thông cảm cho các ngài. Còn quan
niệm như thế là đúng hay sai thì đó là suy nghĩ của mỗi người.
Vì thế, xin đừng hiểu lầm, vấn đề không phải là các vị lãnh đạo bên
Kitô giáo ([13]) coi Giáo Hội riêng của mình quan trọng hơn cả tổ
quốc. Hoặc coi trọng những điều kiện thuận lợi cho tôn giáo mình hơn
cả tình trạng đau khổ và chịu đầy dẫy bất công đàn áp của dân chúng.
Vấn đề là các ngài coi giá trị của linh hồn cao hơn, và cao hơn rất
nhiều so với những mất mát vật chất, những khó khăn của hoàn cảnh
bên ngoài… Chính vì quan niệm như vậy, mà ngày xưa các giáo sĩ thừa
sai đã sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, kể cả hy sinh mạng sống, để
đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng… chỉ với mục đích cứu các linh hồn.
Vì mọi linh hồn đều là vô giá! Người đứng ngoài lãnh vực đức tin
Kitô giáo khó có thể hiểu và chấp nhận được lập trường này của các
ngài.
Vì thế, các ngài đã chấp nhận nhiều hy sinh – bị mang tiếng là hèn
nhát, là im lặng đồng lõa với Cộng sản, với bất công… – chỉ vì muốn
tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu rỗi các linh hồn, là điều quan
trọng nhất trong sứ mạng hay bổn phận của các ngài. Sứ mạng hay bổn
phận này ngầm đòi hỏi sự phát triển và thăng tiến của Giáo Hội, như
đào tạo, phong chức và bổ nhiệm các chức sắc, lập chủng viện và
chiêu sinh, cử người du học, xuất ngoại, quan hệ ngoại giao với Giáo
Hội toàn cầu, mở các lớp giáo lý, đào tạo giáo dân, xây sửa nhà thờ,
v.v… Tất cả những sinh hoạt này ở các nước tự do và dân chủ thì
không phải xin phép vì chúng đều thuộc quyền căn bản của con người.
Nhưng trong chế độ Cộng sản, muốn làm những việc chính đáng này thì
đều phải xin phép và phải chờ chính quyền cho phép mới được làm
([14]). Tự do theo nghĩa của Cộng Sản là vậy! ([15]) Nếu tỏ ra cứng
đầu với nhà nước thì tất cả những nhu cầu trên đều bị hạn chế hay
gặp khó khăn. Và sự thiệt hại trước mắt là về phía các linh hồn, mà
trên nguyên tắc đối với các ngài là sự thiệt hại không gì bù đắp
được. Vì thế, việc tỏ ra ngoan ngoãn đối với chính quyền để đỡ bị
thiệt hại cho các linh hồn một cách nào đó theo quan niệm của các
ngài là một thái độ khôn ngoan.
Tuy nhiên, xét theo khía cạnh khác, thì thái độ ngoan ngoãn, im lặng
và có vẻ như thỏa hiệp này là một hình thức đồng lõa, làm mất bản
chất ngôn sứ của Giáo Hội. Dần dần Giáo Hội trở thành một công cụ
ngoan ngoãn trong tay của nhà nước. Và để có được tình trạng dễ thở
phần nào trong Giáo Hội, thì Giáo Hội đã phải đánh mất phần nào bản
chất quý giá của mình. Như vậy được cái này thì mất cái kia… Vấn đề
là cái nào quan trọng hơn cái nào? Điều này tùy quan điểm của mỗi
người. Người ta có thể dựa vào những lý do chính đáng nhất để biện
hộ cho hành động của mình.
4) Áp dụng pháp luật cách tùy tiện (để hỗ trợ phương pháp «cây gậy
và củ cà rốt»)
Một trong những cách rất hữu hiệu để hỗ trợ phương pháp «cây gậy và
củ cà rốt» là dùng sự lỏng lẻo và tùy tiện khi áp dụng pháp luật. Ta
thấy những luật lệ về tôn giáo – chẳng hạn pháp lệnh tôn giáo mới
ban hành – có những điều khoản thật gắt, thật chặt, khiến người đọc
cảm thấy không còn một khoảng trống nào cho tự do nữa. Theo pháp
lệnh này, tất cả mọi tập thể tôn giáo đều phải được nhà nước công
nhận thì mới hợp pháp và mới được hoạt động. Hầu hết mọi sinh hoạt
tôn giáo đều phải xin phép mới trở thành hợp pháp. Nhưng luật lệ gắt
gao ấy giống như một cái thòng lọng mà nhà nước có thể tùy nghi thắt
chặt hay nới lỏng theo từng đối tượng. Đối với những đoàn thể được
nhà nước công nhận, sẵn sàng chấp nhận khuôn phép, thì nhà nước có
thể làm ngơ cho những sinh hoạt đáng lẽ phải xin phép mà không xin
phép. Nhưng đối với những đoàn thể tôn giáo không được nhà nước công
nhận thì mọi sinh hoạt như thế đều có thể bị kết án là vi phạm luật
pháp.
Tương tự như có luật quy định rằng mọi công dân khi vắng nhà ban đêm
đều phải xin phép chính quyền địa phương. Nhưng trong thực tế, người
dân bình thường có thể vắng nhà không xin phép cả tháng cũng không
hề gì, chính quyền địa phương có biết cũng làm ngơ. Nhưng một người
tranh đấu cho dân chủ bị chính quyền lưu ý theo dõi, chẳng hạn như
tôi, dù chỉ vắng nhà một đêm không xin phép mà bị chính quyền phát
hiện, thì lập tức sẽ bị xử lý theo pháp luật. Thỉnh thoảng chính
quyền vẫn đến nhà tôi ban đêm để kiểm tra hộ khẩu, xem tôi có mặt ở
nhà hay không. Nếu vắng nhà không xin phép hay trình báo, chính
quyền có thể kết án tôi vi phạm pháp luật một cách hết đường chối
cãi. Vì thật sự là có luật như thế đã được ban hành rồi và vẫn còn
đang có hiệu lực. Trên nguyên tắc thì đối tượng của luật này là tất
cả mọi công dân trong nước, nhưng trong thực tế thì chỉ áp dụng cho
những đối tượng đặc biệt mà thôi!
Rất nhiều luật được lập ra nhưng có những người vi phạm thậm chí
thường xuyên cũng không sao, nhưng có người vi phạm chỉ một lần mà
bị phát hiện thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Đó cũng là một cách hữu
hiệu để hạn chế và gây khó khăn cho những tiếng nói tranh đấu ở
trong nước.
5) Gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ nhau
Người ta biết rõ một số trường hợp cụ thể chính quyền đã gài người
vào trong một số tập thể nào đó. Thế là trong cả những tập thể khác
liền có sự nghi ngờ lẫn nhau, không biết ai là người được chính
quyền gài vào tập thể mình.
Một mục sư Tin Lành cho tôi biết: trong một buổi họp chỉ gồm những
người đứng đầu hay đại diện các giáo phái Tin Lành để bầu các chức
vụ trong hiệp hội các giáo phái, vừa bầu xong thì chỉ mấy phút sau
vị mục sư mới đắc cử chủ tịch liền nhận được điện thoại của ban tôn
giáo thành phố chúc mừng ông trúng cử. Việc chính quyền biết ngay
tức khắc kết quả cuộc bầu cử khiến các mục sư nghi ngờ rằng đã có ít
nhất một người trong nhóm làm nội ứng cho họ. Và vị này đã dùng điện
thoại di động mở sẵn như một máy ghi âm để truyền thanh trực tiếp
buổi bầu cử ấy cho chính quyền. Làm sao biết được ai làm chuyện ấy?
Vì thế, trong tập thể lập tức phát sinh tình trạng người này nghi
ngờ người kia. Về sau, trong các buổi họp, tất cả các mục sư đều
được yêu cầu tắt điện thoại di động và để điện thoại ngay trước mặt.
Nhưng biện pháp này chẳng hữu hiệu chút nào, vì nếu ông mục sư «hai
mang» mang hai điện thoại di động đi thì ai mà biết được?
Trong tình trạng nghi ngờ nhau như thế, làm sao các vị lãnh đạo tôn
giáo có thể đoàn kết với nhau, có thể hoạch định với nhau một việc
gì cần kín đáo để phát triển Giáo Hội được? Biết bao chuyện kín đáo
trong nội bộ tôn giáo đã được báo cáo cho công an nhờ những tay «hai
mang» đắc lực này! Chuyện xảy ra trong tập thể này, thì chắc chắn
cũng đã, đang và sẽ xảy ra trong các tập thể khác.
Vì thế, chúng ta không nên lấy làm lạ tại sao HĐGMVN nhiều khi không
thể thống nhất với nhau một đường lối mạnh mẽ để bảo vệ Giáo Hội và
để đối phó với chính sách phá hoại tôn giáo của nhà nước. Tốt nhất
hãy thông cảm với các ngài hơn là kết án! Một giám mục nọ muốn biểu
lộ sự ủng hộ của ngài đối với việc lên tiếng cho tự do tôn giáo của
tôi, cũng phải nói với tôi một cách kín đáo, phải ngó trước ngó sau
rồi mới nói, mặc dù cả hai chúng tôi lúc đó đang ở trong sân một
chủng viện. Phải chăng các ngài đã từng có những kinh nghiệm chua
chát, đau thương về chuyện này?
Chỉ cần biết chắc trong tập thể có một hai người làm nội gián mà
không xác định rõ được ai, thì chuyện làm việc chung với nhau liền
trở nên rất khó khăn. Nhất là khi cần đi tới những quyết định chung
quan trọng mang tính đối phó với nhà nước. Chỉ cần nhà nước biết nội
dung quyết định ấy thế nào thì quyết định ấy đã bị vô hiệu hóa rồi,
chưa nói đến sẽ có nhiều người bị phiền nhiễu trong quá trình thực
hiện quyết định ấy!
Và đương nhiên những ai dám hành xử theo lương tâm đi ngược với
chính sách nhà nước sẽ được các tay «hai mang» báo cáo cho công an
để họ nắm vững và lên phương sách đối phó. Đương sự có thể sẽ bị cô
lập, sách nhiễu hoặc bị gây khó khăn để không làm gì được. Trong một
hoàn cảnh khó khăn như thế, nhiều người cho dù thiện chí và can đảm
cũng đành phải buông xuôi… vì mọi cố gắng của mình chẳng đi đến đâu,
mà chỉ có hại cho bản thân, gia đình và tập thể mình lãnh đạo thôi.
Chỉ người ở trong cuộc mới có thể hiểu hết những khó khăn và hạn chế
của mình. Đôi khi đành phải chấp nhận mang tiếng là hèn nhát để tập
thể mà mình phụ trách đỡ bị thiệt hại. Chấp nhận mang tiếng xấu như
thế quả là một hy sinh to lớn. Nói thế không có nghĩa là tôi muốn
loại trừ những trường hợp có những giáo sĩ, giáo dân – thậm chí rất
cao cấp hay rất trí thức – vì hèn nhát mà không dám lên tiếng tranh
đấu cho Giáo Hội. Hoặc sẵn sàng làm những việc trái ngược với lương
tâm, với quyền lợi của Giáo Hội hay quê hương mình, như làm tay sai
cho chế độ, chỉ điểm cho công an những người dám tranh đấu bảo vệ
Giáo Hội, chống áp bức bất công, hoặc dám chống lại chính sách đàn
áp tôn giáo của nhà nước… Điều này đã từng xảy ra không ít trong các
nước Cộng sản ở Đông Âu, Trung Hoa, như đã từng được mô tả trong
những tác phẩm viết về tình trạng các tôn giáo bị đàn áp trong chế
độ Cộng sản ([16]).
6) Gài bẫy
Một trong những phương cách rất hữu hiệu để những nhân vật có uy thế
phải im lặng hoặc trở thành tay sai cho chế độ, đó là gài bẫy để họ
phạm phải một lầm lỗi nào đó. Dễ dàng nhất là sử dụng mỹ nhân kế.
Đây là một kế tuyệt vời, rất hữu hiệu, có khả năng làm tê liệt tức
khắc những tiếng nói oanh liệt trong Giáo Hội. Vì bất cứ ai đang có
uy tín trong Giáo Hội mà vướng phải những lầm lỗi liên quan đến phụ
nữ, đến điều răn thứ sáu ([17]), không ít thì nhiều, đều bị mất uy
tín, không chỉ với giáo quyền, mà còn với dân chúng nữa. Giáo dân
Công giáo thường có quan niệm rất khắt khe về vấn đề này, khiến cho
người lỡ phạm lỗi phải cố gắng che dấu lầm lỡ của mình. Và để che
dấu, người ta có thể chấp nhận dễ dàng những điều kiện mà kẻ gài bẫy
đưa ra như một lối thoát.
Kế này cũng rất dễ thành công, vì nó đánh vào một điểm rất yếu của
con người, cũng là một nhu cầu tự nhiên và rất lớn thuộc bản năng
con người. Nhất là khi con người đã ở trong một tình trạng ít nhiều
mất sáng suốt, kém tự chủ, chẳng hạn trường hợp uống rượu say, hay
dùng phải một chất kích thích hoặc một loại thuốc kích dục được pha
trộn trong thức ăn đồ uống… Trong tình trạng mất sáng suốt, lại ở
một nơi có vẻ kín đáo, bảo đảm không ai thấy, một người nam bị cám
dỗ bởi một người nữ vừa đẹp lại vừa khêu gợi, nếu không thuộc loại
bản lãnh siêu cường thì hầu như chắc chắn phải sa ngã. Và trong một
cuộc gài bẫy, những hành động của người ấy ắt nhiên được ghi lại
cách nào đó để làm bằng chứng tội phạm.
Để những bằng chứng này được giữ kín, nạn nhân sẽ phải chấp nhận một
số điều kiện nào đó mà người gài bẫy đưa ra. Chẳng hạn im lặng không
lên tiếng, hoặc có một thái độ chấp nhận dễ dàng hơn những đề nghị
của chính quyền, hoặc chấp nhận làm một công tác nào đó. Người Việt
Nam có tính «sĩ diện», coi danh dự của mình là quan trọng, nên nếu
không có lương tâm ngay thẳng và mạnh mẽ, sẽ rất dễ chấp nhận những
điều kiện mà chính quyền đưa ra, để những lầm lỡ của mình được ém
nhẹm. Tôi rất phục linh mục Nguyễn Văn Lý trong việc phá được kế
này, không để cho việc lầm lỡ của mình (có thể do bị gài bẫy) và
việc bảo vệ uy tín của mình về chuyện này khiến mình phải câm lặng
trước những bất công sai trái của chế độ. Bất chấp bị đưa ra trước
công luận lầm lỡ của mình, linh mục vẫn lên tiếng một cách mạnh mẽ.
Một nhà tranh đấu nọ cho tôi biết là ông rất lấy làm lạ khi thấy
người bạn cùng tranh đấu với ông trong một vụ nọ, đã tự nhiên thay
đổi lập trường, trở nên dễ bảo hơn, dễ chấp nhận những yêu cầu của
chính quyền hơn, sau khi ông chấp nhận lời mời đi ăn uống với các
nhân viên chính quyền. Ông nghi ngờ người bạn này đã bị gài bẫy mỹ
nhân kế kết hợp với việc sử dụng chất kích dục, vì quả khó mà nghĩ
ra một cách nào khác giải thích sự thay đổi đột ngột ấy. Con người
vốn bị cám dỗ nặng nề về tính dục, nếu để tự nhiên thì chỉ khi có
điều kiện thuận tiện mới sa ngã. Nhưng nếu bị chất kích dục kích
thích, thì tùy theo nồng độ, con người có thể đi đến những hành động
sàm sỡ công khai ngay trước mặt mọi người.
Đây là một kế rất hữu hiệu và tương đối dễ thực hiện. Hầu như chính
quyền nào cũng áp dụng kế này, nhưng nhất là chính quyền Cộng sản,
vốn không từ một mưu kế nào để thực hiện điều mình muốn, nên việc sử
dụng kế hữu hiệu này là chuyện khó tránh khỏi. Các chính quyền khác
phải e dè những nguyên tắc đạo đức, phải sợ dư luận của quần chúng
hay của phe đối lập, còn những chính quyền vô thần, độc tài độc đảng
thì đâu có những ngăn trở như vậy mà phải sợ
7) Cho phép lạm quyền, vi phạm luật… để có thể sai khiến
Để có thể khống chế và sai xử dễ dàng những cán bộ thuộc quyền, nhà
nước có thể làm ngơ cho những sai phạm hay vi phạm pháp luật của họ,
nhưng ghi nhớ và lưu trữ bằng chứng. Chẳng hạn hiện nay, biết bao
quan chức trong nước làm văn bằng giả mạo (từ tiểu học cho đến tiến
sĩ), hối lộ tham ô, chiếm đất đai của dân chúng cách bất công, hoặc
hiếp dâm phụ nữ… Chính quyền dù có biết rất rõ cũng vẫn làm ngơ,
dung túng để họ trung thành với mình. Nếu cần sai xử những cán bộ
này thực hiện điều gì mà họ không chịu làm, hay khi họ lên tiếng
tranh đấu mà muốn bắt họ im lặng, thì nhà nước có thể dùng những
bằng chứng vi phạm pháp luật này để đe dọa truy tố. Hoặc họ có thể
bị biến thành những «con dê tế thần» hầu xoa dịu sự phẫn nộ của dân
chúng khi bị dân chúng kêu ca quá đáng. Vì thế, muốn được yên thân
thì những kẻ đã phạm lỗi này phải biết điều, phải làm theo lệnh
trên, hoặc phải im lặng… Vì thế, những cán bộ đã từng vi phạm pháp
luật, đã tham ô, đã nhận hối lộ, đã xài bằng giả, v.v… dẫu có giác
ngộ con đường dân chủ, dẫu có muốn đứng về phía dân chúng, thì cũng
không dám lên tiếng, vì «há miệng mắc quai».
8) Nắm cho được người đầu. Đập giập đầu rắn
Một trong những chính sách đối với tôn giáo của nhà nước Việt Nam
là: làm sao nắm được người lãnh đạo tập thể. Một khi đã nắm được
người lãnh đạo của một tôn giáo, một đoàn thể, một giáo phận, một
giáo xứ… thì kể như là nắm được toàn thể tập thể đó. Sở dĩ như vậy
là vì nói chung, người Việt Nam vẫn có truyền thống tôn sư trọng
đạo, luôn luôn kính nể và tuân phục người lãnh đạo mình, khi người
lãnh đạo còn tỏ ra ít nhiều xứng đáng, thậm chí không còn xứng đáng
nữa… Tính chất này còn rõ rệt hơn nơi các tín đồ tôn giáo, nhất là
các tín hữu Công giáo. Các tín hữu Công giáo thường coi các linh
mục, giám mục như những vị đại diện cho Thiên Chúa ở trần gian. Vì
thế, họ sẵn sàng nghe theo lời chủ chăn, cho dù lời của chủ chăn
ngược với ý họ, hay họ thấy chủ chăn không được đúng hay hợp lý cho
lắm. Số người chủ trương «vâng lời tối mặt» cũng còn chiếm một tỷ lệ
không nhỏ trong các cộng đồng Công giáo. Vì thế, nhà nước Cộng sản
luôn luôn quan tâm tới việc làm sao nắm được người lãnh đạo các tập
thể trong Giáo Hội, mà quan trọng nhất là các giám mục.
Một linh mục nọ kể lại cho tôi lời của một anh công an nói với ông:
«Trong một giáo phận, chúng tôi chỉ cần nắm được giám mục giáo phận
ấy là kể như giáo phận ấy không còn vấn đề gì đáng ngại nữa». Tôi
nghĩ anh công an ấy đã rất thành thực khi nói câu ấy. Vì thế, một
trong những nỗ lực rất lớn của chính quyền là chi phối các giám mục
để có thể điều khiển được cả giáo phận. Nếu những nỗ lực đó thành
công, lúc ấy nhà nước nói thì giám mục nghe, giám mục nói thì linh
mục nghe, và linh mục nói thì giáo dân nghe, thế là cả giáo phận đều
làm theo ý nhà nước. Đương nhiên không dễ gì mà làm cho một giám mục
nghe theo ý nhà nước hoàn toàn, nhưng nghe được nhiều chừng nào thì
tốt chừng nấy. Tuy nhiên cũng có những chủ chăn «yếu bóng vía», hay
«sợ bóng sợ gió», chưa dọa đã sợ, hoặc có một lỗi nặng nào đó muốn
che dấu mà nhà nước biết được. Những vị này nhà nước nắm đầu thật dễ
dàng.
Đó chính là lý do tại sao nhà nước lại nhất định phải can thiệp vào
việc bổ nhiệm giám mục, bề trên các chủng viện hay tu viện. Họ dành
quyền «phủ quyết» trong lãnh vực này. Dù Tòa Thánh có bổ nhiệm một
người tài đức cách mấy làm giám mục, nếu chính quyền thấy vị này
thuộc loại cứng đầu, không dễ gì nắm đầu được, thì vị này khó mà
được họ chấp nhận. Họ chỉ chấp nhận những người nào mà họ hy vọng có
thể «nắm» được, ít nhất là một phần nào. Để «nắm» được những người
lãnh đạo này, chính quyền có thể dùng những phương cách đã kể trên:
từ bao vây kinh tế, sách nhiễu, đe dọa, đến đổi chác, gài bẫy, v.v…
Và chúng ta cũng nhận thấy họ đã phần nào thành công khi các giám
mục, linh mục Việt Nam đã giữ được một thái độ im lặng, thụ động
trong một thời gian rất lâu. Cho dẫu nhiều người trong Giáo Hội bị
tù đày hay quản chế cách bất công và phi luật pháp, cho dẫu Giáo Hội
bị đàn áp, bị khó dễ, bị mất mát tài sản, quyền lợi. Bất chấp những
lời tha thiết van xin các ngài lên tiếng của một số con chiên bức
xúc về tình trạng Giáo Hội… Cũng may về sau có một vài vị lên tiếng,
nhưng chỉ lên tiếng cách rất dè dặt và ôn hòa.
Nếu có một tôn giáo, một giáo phái, một giáo phận nào không chấp
nhận sự kiểm soát, khống chế của họ, dám tỏ thái độ bất khuất, dám
lên tiếng phản kháng… thì họ phải tìm cách triệt hạ hoặc hạn chế tầm
hoạt động của vị lãnh đạo ấy. Trường hợp Tổng giám mục Nguyễn Kim
Điền, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Mục
sư Nguyễn Hồng Quang… là những thí dụ điển hình và cụ thể. Đây là
một phương cách cổ xưa như trái đất: «Đánh rắn thì phải đánh vào
đầu». Đức Giêsu đã lấy lại lời của ngôn sứ Dacaria để nói lên chiến
thuật ấy: «Hãy đánh mục tử thì đàn chiên sẽ tan tác» (Dc 13,7; x. Mt
26,31; Mc 14,27; Cv 5,36). Triệt hạ mục tử cũng là cách dằn mặt
những mục tử kế nhiệm để các vị này tránh vết xe cũ – là dám cứng
đầu, đối kháng – mà chấp nhận một đường lối mềm dẻo hơn.
9) Tiệm tiến, tiến từng bước một
Để có thể ngày càng hạn chế số người lên tiếng tranh đấu đòi dân chủ
và tự do, đòi tự do tôn giáo và nhân quyền, đồng thời gia tăng số
người ủng hộ chế độ, nói tốt cho chế độ lên, nhà nước đã yêu cầu các
cán bộ của mình phải biết mềm dẻo và tiến tới từng bước một, thậm
chí có thể «lùi một bước để tiến hai bước». Phải chấp nhận thời gian
khi muốn thay đổi lòng người, không thể đốt giai đoạn, vì «dục tốc
bất đạt». Nghĩa là họ phải hoạt động làm sao để:
– người đang chống thì bớt chống hơn, và không liên kết với nhau
được.
– người đang cứng rắn thì trở nên ôn hòa, mềm dẻo hơn.
– người đang lên tiếng thì trở thành im lặng, thụ động, chấp nhận
làm ngơ trước bất công, đàn áp, trước những trái tai gai mắt, trước
những vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền.
– người đang thụ động im lặng thì nói thuận theo, ủng hộ chế độ.
– người đang nói thuận theo thì trở thành người hoạt động tích cực.
– người đã hoạt động thì trở thành tay sai, «hai mang», làm nội
gián, tự động báo cáo cho công an những gì nhà nước muốn biết…
Để thực hiện được từng bước tiến một như thế, các cán bộ cần phải
biết áp dụng kết hợp những phương cách trên tùy theo tình huống cụ
thể. Và cứ tiệm tiến từng bước như thế trong một thời gian dài,
người cán bộ có thể dần dần biến một người từ chống đối mãnh liệt
trở thành người hoạt động tích cực cho chế độ. Quá khứ cho thấy họ
đã thành công trong việc biến đổi một số khá đông người theo chiều
hướng họ muốn. Thật vậy, họ đã biến được một số linh mục từ chống
đối hoặc không chịu cộng tác đến chỗ dường như hoàn toàn nói theo
lập trường Cộng sản, dù biết đó là sai sự thật: chẳng hạn đã có
những linh mục sẵn sàng sang Hoa Kỳ để giải độc cho Cộng sản về tự
do tôn giáo, hoặc sẵn sàng viết những bài báo ca tụng chế độ…
10) Dùng pháp luật, tòa án để dập tắt những tiếng nói tranh đấu
Trước áp lực quốc tế, và để có thể nhận được những quyền lợi từ các
nước khác (chẳng hạn được gia nhập WTO, được vay tiền, được viện
trợ…), chính quyền Việt Nam bị buộc phải tôn trọng nhân quyền, đặc
biệt tự do tôn giáo. Bị các thế lực nhân quyền quốc tế lên án quá
nhiều, họ không còn có thể bắt bớ người một cách vô cớ như những
thập niên đầu sau khi chiếm thêm được miền Nam năm 1975. Vì thế, họ
đã dùng pháp luật kiểu «luật rừng» để đàn áp những người lên tiếng
tranh đấu: thay vì bỏ tù hay giết họ cách lén lút, thì đưa ra tòa án
xét xử, nhưng thường là xét xử một cách lén lút, không công khai, vì
họ không cho ai ngoài người thân nhất của bị can tham dự. Để có thể
kết án những người tranh đấu cho dân chủ, chính quyền có thể gán
ghép cho họ một tội danh nào đó mà họ không hề phạm, một cách hết
sức gượng ép. Chẳng hạn khi xử linh mục Nguyễn Văn Lý, tòa án không
biết ghép cho ông tội gì, chỉ biết ghép một tội rất mơ hồ không có
trong luật pháp: «phá hoại đoàn kết dân tộc». Hoặc chỉ dựa vào việc
liên lạc với bên ngoài để kết án bác sĩ Phạm Hồng Sơn là gián điệp…
Ai cũng biết là tòa án ngụy tạo ra tội để kết án những kẻ vô tội,
nhưng trong một chế độ độc tài thì người dân dù có biết điều ấy cũng
chẳng dám làm gì khác hơn là im lặng. Pháp luật và tòa án thay vì
bênh vực cho công lý, thì lại trở thành công cụ để chính quyền đàn
áp, bịt miệng người dân.
Để hợp pháp hóa việc đàn áp, bắt bớ, nhà nước đã ra những luật lệ
như nghị định 31/CP do thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành ngày 14-4-1997
cho phép công an được phép tùy tiện quản chế tại gia những cá nhân
(bị quy kết tuỳ tiện là) vi phạm an ninh quốc gia, mà không cần thủ
tục pháp lý (chẳng hạn lệnh của tòa án) hay được đem ra toà án xét
xử. Hòa thượng Huyền Quang, Quảng Độ, linh mục Phan Văn Lợi… đang là
nạn nhân của nghị định này. Hay dựa trên pháp lệnh tín ngưỡng tôn
giáo do Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2004,
nhà nước có thể quy kết những sinh hoạt tôn giáo chính đáng của
những tập thể tôn giáo không được nhà nước công nhận là bất hợp
pháp, là vi phạm pháp luật hầu có cớ pháp lý mà bắt bớ hay kết án…
Các Hội Thánh Tin Lành Tư Gia đang là nạn nhân chính của pháp lệnh
này.
11) Những lý do chủ quan khiến người dân im lặng
Ngoài những lý do nhà nước tạo nên để làm câm lặng những tiếng nói
đấu tranh trong nước, người dân nhiều khi không thể lên tiếng tranh
đấu vì những hạn chế của riêng mình. Sau đây là một vài trường hợp
điển hình:
Có những người muốn lên tiếng tranh đấu, nhưng tự xét thấy mình
không có khả năng, đã than thở với tôi: «Tôi cũng muốn lên tiếng
lắm, nhưng tôi không biết lên tiếng thế nào đây? Dù cũng khá trí
thức đấy, nhưng quả thật tôi viết lách không quen. Viết một lá thư
cho người thân mà tôi phải loay hoay mất cả mấy tiếng đồng hồ, vậy
thì làm sao tôi viết được một bài lên tiếng tranh đấu cho tự do, dân
chủ, vốn đòi hỏi phải mất công và mệt trí hơn rất nhiều?»
Một người khác nói với tôi: «Phải công nhận anh thật bình tĩnh khi
đối diện với công an, và trả lời họ một cách thật khôn ngoan và khéo
léo khiến họ không kết tội anh được. Nhưng quả thật tôi không được
như anh. Gặp công an là tôi run cầm cập, bao nhiêu khôn ngoan bình
thường của tôi đều biến đâu mất cả. Lúc đó dù tôi không có tội,
nhưng cách trả lời ngu xuẩn của tôi cũng biến tôi thành có tội. Như
vậy làm sao tôi tranh đấu được?»
Một người khác nữa nói: «Tôi cũng muốn lên tiếng, nhưng biết lên
tiếng ở đâu bây giờ? Tôi chỉ là một thằng dân đen, tiếng nói của tôi
có giá trị gì? Vừa lên tiếng là bị dập tắt ngay. Thế giới chưa nghe
được tiếng của tôi, thì tôi và gia đình đã phải khốn khổ trăm chiều
rồi, còn sức đâu mà lên tiếng được nữa?! Tôi nghe nói trong chế độ
này chỉ có thể lên tiếng trên Internet thôi, mà tôi thì chẳng biết
Internet là gì!»
Quả thật, không phải cứ muốn lên tiếng là lên tiếng được. Phải có
một số điều kiện thuận lợi nào đấy. Chẳng hạn phải có thể viết lách
được, phải có khả năng ứng đối, phải nắm trong tay một số những
phương tiện thông tin liên lạc, nhất là phải có can đảm được thúc
đẩy bởi tình yêu quê hương, yêu Giáo Hội thật sự. Không có điều sau
cùng này thì dù có tất cả mọi thuận lợi khác cũng vô ích. Có nó, thì
dù không có những điều khác cũng có thể trở thành có.
Có những người không lên tiếng vì có những quan niệm hẹp hòi hay có
một chủ trương triết lý sai lầm nào đó. Chẳng hạn:
Một trí thức nọ nói: «Mọi chuyện đã có Thiên Chúa lo, chuyện nước
thì có vận nước, mình nhỏ bé quá đâu lo chuyện vận nước được. Tôi
bây giờ chỉ làm những gì có thể làm được trước mắt: biết bao kẻ đau
khổ cần tôi an ủi, biết bao người bệnh cần tôi chăm sóc, biết bao
trẻ em bơ vơ cần được giáo dục, nuôi dưỡng… Những việc này làm đã
không xuể, nghĩ chi đến những chuyện xa vời, nguy hiểm, ngoài khả
năng của mình?!» Tôi trả lời: «Những chuyện ấy đúng là cần phải làm
và phải có người làm, nhưng dẫu sao giải quyết những chuyện ấy chỉ
là giải quyết vấn đề ở ngọn thôi. Có một cái gốc phát sinh ra những
tệ nạn và đau khổ ấy, đó là chính sách cai trị kém sáng suốt của
những kẻ cầm quyền thiếu thiện chí! Phải giải quyết vấn đề từ gốc
thì mới hữu hiệu! Nhà cháy mà không ai tìm cách dập tắt, ai cũng chỉ
lo chạy đồ đạc, cứu người bị phỏng thì đám cháy bao giờ mới hết
được? Nó sẽ lan hết nhà này đến nhà khác. Muốn chạy đồ đạc, muốn cứu
người mà không cố gắng dập tắt ngọn lửa, thì sẽ tha hồ có việc mà
làm, những việc đang làm ấy sẽ tự phát sinh không bao giờ hết được!»
Một linh mục nói với tôi: «Giáo Hội cũng đã có những người lên tiếng
cho quyền lợi chính đáng của Giáo Hội như các linh mục Nguyễn Văn
Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi, Chân Tín và cả anh nữa. Các vị ấy
và anh đã lên tiếng thay cho chúng tôi rồi! Quốc tế đã biết những gì
cần phải biết rồi! Vì thế, chúng tôi nên làm những chuyện khác cũng
cần cho Giáo Hội. Giáo Hội cũng còn có biết bao chuyện phải làm,
không chỉ có chuyện tranh đấu cho quyền lợi của mình! Mỗi người có
một phận sự riêng!» Tôi trả lời: «Phải rồi, Giáo Hội còn biết bao
nhiêu chuyện phải làm! Nhưng việc tranh đấu cho sự sống còn và duy
trì bản chất phải có của Giáo Hội là việc quan trọng, là bổn phận
của mọi người, và cần rất nhiều người cùng làm mới thành công được.
Chỉ có một vài người lên tiếng như thế thì chẳng đi đến đâu! Vả lại,
những người lên tiếng tranh đấu đâu phải chỉ làm có mỗi việc tranh
đấu! Họ vừa tranh đấu mà cũng vừa làm những chuyện cần thiết khác
cho Giáo Hội, thậm chí cũng đâu kém gì ai!? Không thể lấy lý do bận
chuyện khác để miễn cho mình bổn phận ấy được! Chính tôi đây cũng
vẫn hăng hái làm việc cho Giáo Hội, lại còn phải làm kinh tế nuôi
sống gia đình, mà vẫn lên tiếng tranh đấu. Nếu ai cũng đùn đẩy
chuyện tranh đấu cho người khác thì Giáo Hội mình vẫn tiếp tục bị
đàn áp, bị cấm đoán là phải rồi!»
Có người tâm sự với tôi: «Lên tiếng tranh đấu mà làm chi? Cái gốc
phát sinh ra mọi sự dữ là tính tham, sân, si của con người. Điều
quan trọng là phải diệt cái gốc ấy. Chế độ có thay đổi mà cái gốc ấy
còn, thì đồng bào cũng vẫn phải đau khổ trăm bề. Anh hãy lo trừ diệt
cái tham sân si ấy nơi lòng người đi đã!» Tôi trả lời: «Các tôn giáo
đang cố gắng làm chuyện ấy đấy chứ! Sứ mạng của các tôn giáo là giáo
dục lòng người, là diệt trừ tham sân si, nguồn gốc mọi tệ nạn và đau
khổ. Nhưng nhà nước này có cho các tôn giáo được tự do thực hiện sứ
mạng ấy đâu? Các tín đồ Tin Lành vừa mới nhóm họp với nhau tại tư
gia để giúp nhau thực hiện điều ấy thì lập tức công an đến giải tán,
lại còn khó dễ họ nữa! Các tôn giáo muốn mở trường để giáo dục thanh
thiếu niên thì nhà nước không cho phép. Họ chỉ cho phép các tôn giáo
chăm sóc những người bị bệnh AIDS, bị cùi, bị tàn tật… toàn là những
người sắp chết, để họ vừa được tiếng là cho tôn giáo có phần nào tự
do, vừa đỡ cho họ một ngân sách và một số nhân sự quan trọng mà đúng
ra họ phải làm! Mình chỉ được lo chữa cái ngọn, còn cái gốc là vấn
đề giáo dục thì mình không được can dự vào.
Muốn diệt được tham sân si nơi lòng người, là cái gốc phát sinh mọi
sự dữ như anh muốn, thì phải tranh đấu để các tôn giáo được tự do
hoạt động đã, chứ một mình anh với tôi thì sao làm nổi chuyện thay
đổi lòng người?»
Người khác nói: «Anh thấy không, có tự do tôn giáo thì chỉ làm cho
các linh mục hư đi mà thôi! Có tự do thì mấy ổng sống giàu sang, bê
bối, hách dịch… Còn giáo dân thì sẽ ít quan tâm tới Chúa hơn, ít lui
tới nhà thờ hơn. Bên Âu châu kìa, chẳng có tự do tôn giáo sao? Thế
mà nhà thờ vắng tanh, nhiều nhà thờ phải cho thuê để có tiền đóng
thuế cho chính phủ. Chính trong hoàn cảnh khó khăn này Giáo Hội mới
phát triển về phẩm chất, anh không thấy lịch sử Giáo Hội chứng minh
điều đó sao?» Tôi trả lời: «Trong những chế độ khác thì điều anh nói
là đúng. Nhưng trong chế độ này thì hoàn toàn khác hẳn! Chế độ này
đang cho các tôn giáo được tự do trong những chuyện bên ngoài: lễ
lạy, rước sách linh đình, xây nhà thờ, tạo cơ sở vật chất… Điều này
có thể còn làm hư các linh mục hữu hiệu hơn nhiều, làm cho cả linh
mục lẫn giáo dân chỉ còn biết đến những chuyện bên ngoài ấy mà thôi.
Nhưng tôn giáo không phải là cái vỏ bên ngoài ấy, mà cốt yếu của tôn
giáo là cái gì ở sâu bên trong. Linh mục cần có cái bên trong ấy
hơn, và cái sâu xa bên trong ấy phải đào tạo công phu lắm mới có
được. Nhưng nhà nước lại không cho Giáo Hội được tự do đào tạo các
linh mục theo ý mình. Điều tôi thấy hiện nay là Giáo Hội Việt Nam
đang đánh mất bản chất ngôn sứ của mình để đổi lấy thứ tự do tôn
giáo giả tạo bề ngoài. Chính nhà nước cũng muốn khuyến khích thứ tự
do tôn giáo giả tạo ấy để đánh lừa thế giới là Việt Nam có tự do tôn
giáo. Khi chỉ chú trọng và phát huy những gì bên ngoài là Giáo Hội
mắc bẫy nhà nước, và Giáo Hội đang đi đúng quỹ đạo mà họ mong muốn.
Với quỹ đạo này, Giáo Hội dần dần sẽ trở thành công cụ trong tay nhà
nước. Tôi thấy Giáo Hội đang chấp nhận im lặng thay vì phải nói lên
tiếng nói ngôn sứ của mình».
12) Nỗi sợ hãi có sẵn trong lòng người
Còn biết bao lý do chủ quan và khách quan khác khiến người ta không
muốn lên tiếng đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình, và
chấp nhận tình trạng hiện có của đất nước. Tuy nhiên, có một lý do
chung rất sâu xa nằm sâu trong vô thức hay tiềm thức, trong cơ cấu
tâm lý con người.
Người Việt Nam rất bất khuất, rất anh hùng đối với ngoại bang, nhất
là khi bị ngoại bang đô hộ. Tự ái dân tộc khiến họ sẵn sàng đứng lên
khi có người hô hào nổi dậy. Nhưng người Việt Nam lại rất tôn trọng
kẻ bề trên đang nắm quyền cai trị mình, cho dù đó là một bạo chúa.
Trong tôn giáo cũng vậy: dù cha sở có bê bối, tội lỗi, đối xử với
giáo dân tệ bạc đến đâu, người giáo dân vẫn một mực chịu đựng, thậm
chí còn bao che cho ông, cho đến khi không chịu nổi nữa mới kiện lên
giám mục. Dân Việt mình sẵn sàng nhẫn nại, chịu đựng, chấp nhận bất
công, áp bức, cho dù vua quan hay bề trên của mình có tàn nhẫn gấp
nhiều lần người ngoại bang đô hộ mình. Dân mình không khác gì một
người vợ có thể kiên trì chịu đựng chồng đánh đập, đối xử tệ bạc gấp
chục lần người ngoài… nhưng lại không chấp nhận để cho một người đàn
ông nào khác đụng đến chân lông của mình. Quả thật, người Việt Nam
không thiếu gì những người vợ hiền lành đến như vậy.
Lịch sử đất nước đã phần nào chứng tỏ điều ấy. Người dân có thể đứng
dậy kháng chiến chống ngoại xâm thật mạnh mẽ, đầy khí thế: chống nhà
Hán, quân Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh… và mới đây, chống Pháp, chống
Nhật… Khi đất nước bị đô hộ thì luôn luôn có những anh hùng chiêu mộ
nghĩa quân nổi dậy để đòi lại chủ quyền đất nước: như bà Trưng, bà
Triệu, Ngô Quyền, Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định, Nguyễn
Thái Học, v.v… Nhưng khi gặp phải những bạo chúa như Hồ Quý Ly, Lê
Long Đĩnh, v.v… hay các tín đồ Công giáo gặp những vị vua cấm đạo
nghiêm khắc như Minh Mạng, Tự Đức… thì dù có ta thán, oán hờn, nhưng
dân chúng vẫn một lòng kiên trung với nhà vua chứ không hề có ý muốn
phản loạn… Những bạo chúa thường chỉ bị lật đổ là do con cháu của
các vua chúa cũ đứng dậy để thiết lập lại triều đại của cha ông mình
hơn là do dân chúng bất mãn mà nổi dậy.
Có quan điểm cho rằng tâm lý chung này là do ảnh hưởng của Khổng
giáo. Tôn giáo này đã đề cao quá đáng đến mức tuyệt đối hóa vai trò
và quyền hạn của vua quan. Lý thuyết «Quân, Sư, Phụ» coi nghĩa vụ
đối với vua, quan là cao nhất, thiêng liêng nhất, rồi mới tới bổn
phận đối với thầy, và sau đó mới tới cha mẹ mình. Theo lý thuyết này
thì «Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung» (vua bắt bề tôi phải
chết mà bề tôi không chấp nhận chết là bất trung), coi việc «trung
quân» (trung thành với vua) như một chuẩn mực vô cùng quan trọng của
đạo đức con người. Từ đó người dân phải coi vua chúa và quan quyền
là «dân chi phụ mẫu», trong xã hội cũng như trong tôn giáo. Vì thế,
quan niệm của Khổng giáo đã khiến người Á Đông nói chung, và người
Việt nói riêng, chỉ biết vâng lời tối mặt mà không dám phản kháng,
cho dẫu «phụ mẫu» ấy có sai trái đi nữa. Đặc biệt giới trí thức,
được đúc theo khuôn «quan văn» thì chỉ biết thụ động, chỉ biết một
lòng cung cúc phục vụ bề trên, không chỉ trong xã hội mà trong tôn
giáo có thể còn hơn như vậy. Cũng có quan điểm nói rằng những cuộc
chiến dai dẳng vừa qua đã tạo một chấn thương tâm não quá lớn khiến
nhiều thế hệ người Việt hiện tại không còn khả năng và ý thức đối
kháng nữa. Ngoài ra còn phải kể hoàn cảnh nô lệ – ngàn năm với Tàu,
trăm năm với Pháp – đã làm cho tâm lý luồn lách thấm sâu vào xương
thịt của dân Việt. Nó đã trở thành một triết lý sống cụ thể: «Khôn
cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết mới sống». «Biết mới sống» ở đây
được quan niệm lệch lạc đi là biết luồn lách, biết đút lót, biết
«tránh voi chẳng xấu mặt nào»… cho được việc của mình. Thể hiện tích
cực của triết lý này là dân Việt dễ hội nhập, dễ thích ứng với mọi
hoàn cảnh. Nhưng thể hiện tiêu cực của nó là dân chúng thụ động,
thích luồn lách; nếu có đối kháng thì chỉ biết chửi đổng bằng những
chuyện tiếu lâm, thơ con ong, thơ trào phúng…
Tâm lý chung đó vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Cho dù chế độ
Cộng sản Việt Nam hà khắc hơn bất kỳ chế độ đô hộ nào của ngoại
bang, người dân dường như vẫn có thể kiên trì chấp nhận. Thêm vào
đó, từ xưa đến nay, không một chế độ nào – dù trong nước hay ngoại
bang – có khả năng dập tắt hữu hiệu ngay từ trứng nước tất cả những
mầm mống nổi loạn như chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Đằng sau cái tâm lý thụ động và sẵn sàng chịu đựng ấy là nỗi sợ hãi
vốn mọc rễ rất sâu trong tâm lý con người mọi nơi mọi thời. Chính
nỗi sợ hãi này đã làm cho những bạo chúa, những chế độ độc tài,
những tên quan độc ác tăng thêm uy quyền của mình. Chúng trèo được
lên đầu lên cổ người dân chính vì người dân sẵn sàng khom lưng cho
chúng cưỡi lên. Như vừa nói trên, có quan niệm cho rằng nỗi sợ hãi
chung này do ảnh hưởng của Khổng giáo. Tôi nhận thấy không chỉ Khổng
giáo, mà các tôn giáo khác cũng có thể góp phần tạo nên và gia cường
tâm lý chung sợ hãi này.
Đúng ra các tôn giáo phải giúp giải phóng các tín đồ của mình khỏi
mọi nỗi sợ hãi để sống như những con người tự do, xứng với phẩm giá
của mình, vì mục đích và bản chất của tôn giáo lẽ ra phải như vậy.
Nhưng các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay dường như vẫn chưa nâng cao
được trình độ tâm linh các tín đồ của mình lên đúng mức phải có.
Người ta vẫn còn giữ đạo vì sợ hãi: sợ bị Thượng Đế trừng phạt, sợ
bị luân hồi làm thú vật, sợ bị đọa địa ngục, hơn là giữ đạo vì tình
yêu, vì giác ngộ được đạo là cách sống khôn ngoan nhất để được hạnh
phúc cả thân lẫn tâm. Trước Thượng Đế, người ta vẫn tự coi mình như
những kẻ ăn mày chỉ biết xin xỏ cầu cạnh, hay như những kẻ làm thuê
có được trả công thì mới chịu làm việc, chứ chưa thật sự tự thấy
mình là những con cái được Ngài yêu thương hết mực để có thể thật sự
tin tưởng và dám phó thác cho tình yêu toàn năng của Ngài. Cứ xem
cách người ta cầu nguyện với Thượng Đế, với Phật tổ, với các vị thần
thánh thì thấy rõ điều ấy. Chỉ có tình yêu đích thực mới giải phóng
con người khỏi sợ hãi, như thánh Gioan nói: «Tình yêu không biết đến
sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn
liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo»
(1Ga 4,18). Thật vậy, tình yêu đích thực và mạnh mẽ làm người ta
không còn sợ hãi: một người mẹ rất yếu đuối vẫn có thể dám xông vào
đám cháy để cứu con mình trong đó, đang khi những kẻ mạnh mẽ hơn rất
nhiều lại không dám. Tình yêu của bà đối với con trở thành sự can
đảm. Người ta trở nên hèn nhát chính vì tình yêu đích thực không có
trong lòng họ. Vì thế họ chưa nhận được sức mạnh, sự dũng cảm mà
đúng ra họ phải nhận được cách dồi dào từ tôn giáo của mình nếu họ
sống đúng với tinh thần từ bi yêu thương của các vị giáo chủ sáng
lập.
Những tín đồ tôn giáo còn có thêm bao nỗi sợ hãi do chính giới lãnh
đạo tôn giáo tham quyền uy đã tạo nên cho họ. Tôn giáo nào chỉ tìm
cách tăng thêm quyền uy cho giới lãnh đạo, thần thánh hóa lãnh tụ,
dạy các tín đồ đồng hóa giới tăng lữ với thần thánh, với Thượng Đế,
đến nỗi ai chống giới tăng lữ đều bị hiểu là chống Thượng Đế, chống
thần thánh… tôn giáo ấy đang nô lệ hóa con người thay vì giải phóng
họ, đang biến các tín đồ thành thứ thần dân đầy sợ hãi của mình.
Trong một chế độ độc tài như chế độ Cộng sản, thứ tôn giáo như thế
đang góp phần biến con người trở nên sợ hãi và hèn nhát trước bạo
lực. Một tín đồ sẵn sàng khom lưng sợ hãi trước giới lãnh đạo tôn
giáo mình, sẵn sàng vâng phục họ cho dù họ sai trái, thì cũng sẵn
sàng khom lưng sợ hãi trước những ông vua bạo ngược, những tên quan
tham lam của mình. Tôn giáo có thể như một con dao hai lưỡi: có thể
giải phóng, đem lại tự do đích thực cho con người, mà cũng có thể nô
lệ hóa con người. Vì thế những chế độ độc tài có thể rất sợ tôn
giáo, nhưng cũng có thể coi tôn giáo như bạn đồng hành mà chúng có
thể lợi dụng để làm gia tăng tâm lý sợ hãi này nơi dân chúng.
***
Trong cuộc tranh đấu dành quyền làm chủ và những quyền căn bản của
con người, điều căn bản và quan trọng nhất là con người phải tranh
đấu với chính nỗi sợ hãi của mình: sợ chết, sợ khổ, sợ tù tội, sợ
nghèo, sợ đói, sợ bệnh, sợ khó, sợ nghịch cảnh, sợ bị khinh chê coi
thường… đủ thứ sợ! Có thắng được nỗi sợ hãi ấy người dân mới có đủ
sức mạnh để chiến thắng những thế lực độc tài, vốn luôn luôn lợi
dụng tâm lý sợ hãi ấy để đặt ách thống trị hà khắc lên đầu lên cổ
người dân. Như vậy, phải thắng được chính mình trước đã. Lão Tử
viết: «Tự thắng giả cường» [thắng mình là mạnh] ([18]). Không thắng
được nỗi sợ hãi của mình, thì chẳng bao giờ mình được tự do, vì
thoát khỏi cảnh nô lệ này ta sẽ rơi vào cảnh nô lệ khác.
Muốn thoát khỏi sợ, thì phải giảm bớt ham muốn: ham sống, ham giàu,
ham đẹp, ham vui, ham dễ, ham danh, ham lợi, ham quyền… Càng nhiều
ham muốn, càng dày tham vọng, thì càng nảy sinh nhiều sợ hãi. Cho dù
là ham muốn cho cá nhân hay ham muốn cho tập thể! Ham cứu độ các
linh hồn mà đành im hơi lặng tiếng, không dám làm theo tiếng lương
tâm, đành chấp nhận hy sinh bản chất tôn giáo của mình, như thế có
khác gì kẻ không dám bơi lại muốn cứu người chết đuối?! Cứu mình
chẳng được thì cứu được ai? Thiên Chúa nào muốn con người hy sinh
lương tâm của mình để cứu rỗi linh hồn người khác? Việc cứu các linh
hồn tùy thuộc vào Thiên Chúa và vào chính bản thân đương sự hơn là
vào những nỗ lực của người ngoài cuộc, nên bổn phận trước tiên của
những ai muốn cứu các linh hồn là làm hãy theo đòi hỏi của lương tâm
mình đã. Chúa nói: «Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính
của Người trước đã, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho sau» (Mt 6,33).
Muối có mặn thì mới ướp thức ăn được, muối đã lạt thì ướp được gì?
(x. Mt 5,13) Đèn có sáng thì mới soi đường được, đèn bị tắt thì soi
cho ai? (x. Mt 5,14-16). Chính mình còn đang nô lệ cho sợ hãi thì
còn giải phóng hay cứu được ai?
Rất may là càng ngày dân ta càng giảm bớt sợ hãi. Đã có những tiếng
nói mạnh mẽ không chỉ nơi người dân, mà còn trong nội bộ đảng Cộng
sản. Những cuộc tranh đấu trong nước được đồng bào hải ngoại hỗ trợ
đã phấn khích người dân trong nước bớt sợ hãi, khiến cho càng ngày
càng có nhiều người trong nước lên tiếng tranh đấu. Những tiếng nói
thẳng thắn và can trường trong nội bộ đảng đã làm cho đồng bào trong
và ngoài nước tràn trề hy vọng. Và bây giờ, chính quyền độc tài đang
từ những kẻ gây sợ hãi trở thành những kẻ sợ hãi. Chúng đang phải
lùi từng bước trước cuộc tranh đấu ngày càng mạnh của nhân dân trong
và ngoài nước, của những người trong và ngoài đảng. Họ đang phải lùi
từng bước trước áp lực của các quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ
muốn giúp dân Việt được tự do và phát triển. Cả hai thế lực trên đều
bị chúng gọi là «những thế lực thù địch»! Vì tự do và dân chủ thì
đương nhiên phải là thù địch với độc tài toàn trị.
Vậy, trong viễn ảnh đầy lạc quan này, xin mọi người dân trong cũng
như ngoài nước hãy can đảm lên, hãy dám nói lên những gì lương tâm
mình đang đòi hỏi phải nói, hãy dám làm những gì lương tâm mình đang
đòi hỏi phải làm! Đó chính là yêu nước, yêu tôn giáo của mình, và
cũng là yêu Thượng Đế, yêu chân lý và công lý!
Sàigòn, ngày 10-6-2005
Nguyễn Chính Kết
([1]) Những
người Công giáo đã lên tiếng cho tự do tôn giáo của Giáo Hội: 1)
Giám mục Nguyễn Kim Điền, 2) Linh mục Nguyễn Văn Lý, 3) Linh mục
Nguyễn Hữu Giải, 4) Linh mục Phan Văn Lợi, 5) Linh mục Chân Tín, 6)
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, 7) Ông Vũ Sinh Hiên, 8) Ông Nguyễn Chính
Kết. 8 trên 6 triệu người, tức khoảng 1,3 phần triệu.
([2]) Những người đã lên tiếng cho tự do tôn giáo (xếp theo thứ tự
A,B,C): 1) Giám mục Nguyễn Kim Điền, 2) Hòa thượng Thích Quảng Độ,
3) Linh mục Nguyễn Hữu Giải, 4) Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, 5) Giáo
sĩ Trương Trí Hiền, 6) Ông Nguyễn Chính Kết, 7) Giáo sư Nguyễn Ngọc
Lan, 8) Ông Lê Quang Liêm, 9) Linh mục Phan Văn Lợi, 10) Linh mục
Nguyễn Văn Lý, 11) Thượng tọa Thích Thiện Minh, 12) Mục sư Phạm Đình
Nhẫn, 13) Hòa Thượng Thích Huyền Quang, 14) Mục sư Nguyễn Hồng Quang,
15) Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, 16) Thượng tọa Thích Không Tánh, 17)
Linh mục Chân Tín, v.v…
Ngoài ra còn có Thượng tọa Thích Chân Hỷ của PGVNTN, cụ bà Nguyễn
Thị Thu của Phật giáo Hòa Hảo, và một vài người nữa, đã tự thiêu để
phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Cộng sản.
([3]) 20 trên 50 triệu, tức 0,4 phần triệu.
([4]) Những người đã từng lên tiếng tranh đấu cho tự do dân chủ
trong nước (xếp theo thứ tự A,B,C): 1) Nguyễn Vũ Bình, 2) Hoàng Minh
Chính, 3) Tiêu Dao Bảo Cự, 4) Phạm Quế Dương, 5) Nguyễn Kim Điền, 6)
Thích Quảng Độ, 7) Trần Độ, 8) Nguyễn Thanh Giang, 9) Nguyễn Hữu
Giải, 10) Thích Thiện Hạnh, 11) Đỗ Nam Hải, 12) Trương Trí Hiền, 13)
Nguyễn Hộ, 14) Dương Thu Hương, 15) Nguyễn Đình Huy, 16) Nguyễn
Chính Kết, 17) Trần Khuê, 18) Nguyễn Ngọc Lan, 19) Lê Quang Liêm,
20) Phan Văn Lợi, 21) Trần Văn Lương, 22) Nguyễn Văn Lý, 23) Thích
Thiện Minh, 24) Tuệ Minh, 25) Hà Sĩ Phu, 26) Vũ Cao Quận, 27) Thích
Huyền Quang, 28) Lê Chí Quang, 29) Nguyễn Hồng Quang, 30) Nguyễn Đan
Quế, 31) Bùi Minh Quốc, 32) Phạm Hồng Sơn, 33) Thích Tuệ Sỹ, 34) Bùi
Ngọc Tấn, 35) Thích Không Tánh, 36) Hoàng Tiến, 37) Trần Dũng Tiến,
38) Chân Tín, 39) Nguyễn Khắc Toàn, 40) Nguyễn Văn Trấn, 41) Nguyễn
Thị Thanh Xuân.
xem trang web:
http://ns3578.ovh.net/~lmvntd/rubrique.php3?id_rubrique=6
([5]) 50 người trên 80 triệu dân, tức khoảng 0,63 phần triệu.
([6]) Xin đừng hiểu rằng hễ là người vô thần thì đều coi nhẹ vấn đề
đạo đức. Tôi biết nhiều người vô thần còn coi trọng đạo đức hơn cả
những người bình thường có tôn giáo. Nhưng phải nói rằng người có
tôn giáo thì tin vào sự sống đời sau và vào sự thưởng phạt của tạo
hóa hay của luật thiên nhiên ở đời sau. Điều này khiến họ phải đặt
nặng vấn đề đạo đức hơn. Còn người vô thần không tin có đời sau, họ
cho rằng chết rồi là hết, nên nếu họ không có lương tâm, thì họ
không sợ hậu quả ở đời sau cho những việc làm thiếu đạo đức của mình
ở đời này. Riêng tôi, tôi rất phục những người vô thần mà thật sự có
lương tâm. Tôi đánh giá rất cao nền đạo đức của họ. Họ đạo đức vì
bản chất đạo đức của họ chứ không vì sự thưởng phạt ở đời sau.
([7]) Kolping: một hội đoàn công giáo tiến hành đặc biệt cho giáo
dân, do linh mục Adolph Kolping (1813-1865) sáng lập tại Köln (Đức),
hiện đã có mặt trong khoảng 70 nước trên thế giới. Đây là một đường
hướng sống đạo đặt nặng vấn đề dấn thân xã hội, sống yêu thương,
thân thiện với nhau như gia đình.
([8]) Giá vàng hiện nay: một cây vàng giá khoảng 8 triệu đồng VN,
tương đương với trên 500 USD.
([9]) Thượng tọa Thích Thiện Minh vừa được trả tự do dịp tết Ất Dậu
2005.
([10]) Xem thông cáo báo chí làm tại Paris ngày 26.3.2005
([11]) Giáo phái Tin Lành Mennonite Việt Nam là một trong số các Hội
Thánh Tin Lành Tư Gia thuộc Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam
(Vietnamese Evangelical Fellowship). Hiệp hội này gồm các giáo phái
Tin Lành Tư Gia – chủ trương “về nguồn” – tụ tập sinh hoạt thờ
phượng Chúa tại tư gia như các tín hữu Kitô thời sơ khai. Họ chủ
trương không xây đền thờ vật chất cho bằng xây đền thờ Thiên Chúa
trong tâm hồn người tín hữu. Họ thường không được nhà nước Việt Nam
chấp nhận, nên mọi sinh hoạt tôn giáo của họ đều bị nhà nước coi là
bất hợp pháp.
([12]) Các tôn giáo có hai khuynh hướng suy nghĩ khác nhau:
– một đằng đặt nặng việc tồn tại và phát triển hơn bản chất tôn giáo
mình: thà mất đi một chút bản chất mà còn tồn tại thì vẫn hơn. Trong
thực tế, Giáo Hội Công giáo và Tin Lành Việt Nam có vẻ như theo
khuynh hướng này.
– một đằng đặt nặng bản chất tôn giáo hơn sự tồn tại và phát triển:
thà chấp nhận khó khăn, không sinh hoạt được còn hơn mất bản chất
Kitô hữu của mình. Đức Giêsu nói: «Chính anh em là muối cho đời.
Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành
vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi»
(Mt 5,13). Đây là chủ trương của nhiều Hội Thánh Tin Lành Tư Gia.
([13]) Kitô giáo nói ở đây là Công Giáo và Tin Lành Việt Nam (không
kể các Hội Thánh Tin Lành Tư Gia).
([14]) Nội dung Pháp Lệnh Về Tín Ngưỡng, Tôn Giáo số
21/2004/PLUBTVQH11 do Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội ban hành ngày 18
tháng 6 năm 2004 cho thấy rõ điều này.
([15]) Trong thực tế tại Việt Nam, chữ «tự do» trong các văn bản
luật pháp, chẳng hạn trong Pháp Lệnh Tín Ngưỡng và Tôn Giáo vừa ban
hành (18-6-2004), có nghĩa là người dân được tự do làm tất cả mọi
điều luật pháp không cấm, với điều kiện là phải xin phép; chính
quyền có cho thì mới được làm. Không xin phép mà vẫn cứ làm là vi
phạm luật pháp. Hiện nay, nghĩa này chỉ còn được áp dụng chặt chẽ
trong phạm vi tôn giáo, còn trong phạm vi khác thì lỏng lẻo hơn rất
nhiều. Riêng các quan chức cộng sản thì trong thực tế, càng cao cấp,
càng có thể làm được cả những việc luật pháp cấm làm mà không sao
cả: như cướp đất của dân, hối lộ tham nhũng hàng tỷ đô la, thâm lạm
công quỹ, phí phạm của công, v.v... Dân có ra tận Hà Nội biểu tình,
khiếu kiện trước Quốc Hội thì các quan vẫn cứ phây phây, không sao
cả! Vì thế, đối với các quan cộng sản thì chẳng một đất nước nào
trên thế giới tự do bằng Việt Nam! Quả thật, các quan ở đây bảo Việt
Nam tự do gấp triệu lần Mỹ là họ rất thành thật đấy! Không sai sự
thật chút nào cả! Vì các quan cộng sản được làm cả những việc luật
pháp cấm! Các quan ở Mỹ làm gì được như vậy? Bill Clinton kia làm
tới chức tổng thống Mỹ, thế mà mới «động» tới Monica Lewinsky một
chút là đã bị đem ra tòa xử rồi! Các quan Việt Nam tự do hơn các
quan Mỹ hàng triệu lần là đúng đấy! Chỉ
riêng có người dân là... thiếu tự do thôi!!!
([16]) Chẳng hạn hai cuốn Tôn giáo dưới ách Cộng sản và Tù ngục với
Chúa của mục sư Richard Wurmbrand (giáo phái Lutêrô ở Rumani), dịch
giả Thanh Sơn, xuất bản tại Sàigòn năm 1970 và 1973. Tác giả kể
nhiều câu chuyện cho thấy có cả những đạo trưởng cao cấp như Thượng
Phụ (Chính Thống), Mục sư Tổng Quản (Tin Lành), Tổng Giám Mục (Công
giáo)… sẵn sàng làm “ăng-ten”, chỉ điểm, cộng tác với chế độ Cộng
sản để bách hại những người dám tranh đấu cho Giáo Hội hoặc cho quê
hương đất nước. Nếu ở những nước ấy có những loại mục tử như thế,
thì tại Việt Nam chắc hẳn cũng khó tránh khỏi. Nhưng rồi tất cả
những hành động tệ hại ấy cũng sẽ được đưa ra ánh sáng: «Không có gì
che giấu mà sẽ không được tỏ lộ» [Quidquid latet apparebit] (Mt
10,26).
([17]) Điều răn thứ sáu trong Thập Giới của Kitô giáo là: «Chớ làm
sự dâm dục».
([18]) Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương 33, a.
Trở lại trang chính
Mạng
Lưới Nhân Quyền Việt Nam
[Trang
nhà] [Về MLNQ]
[Luật Nhân Quyềnn]
[Tài liệu] [Tin
nhân quyền] [Diễn
đàn] [Tham gia]
[Tải xuống] [Liên
kết] |