Từ Hiến Chương 1977 Cho Tiệp Khắc

Đến Tuyên Ngôn Dân Chủ 2006 Cho Việt Nam

 

                       

Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG

 

 

Năm 1975, 35 quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ ký Thỏa Ước Helsinki, cam kết tôn trọng những quyền tự do cơ bản của con người.

Qua năm sau, 1976, hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc được phê chuẩn để có hiệu lực  chấp hành .

Năm 1977, tại Tiệp Khắc, Hiến Chương 77 dược công bố với trên 200 người ký tên tham gia. Hiến Chương kêu gọi chính phủ Tiệp Khắc - đã phê chuẩn hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền và ký kết Thỏa Ước Helsinki – phải tôn trọng lời cam kết bằng cách thực sự thi hành nhân quyền cho người dân.

Chính phủ Cộng Sản Tiệp phản ứng bằng cách bắt giữ 3 người chủ xướng. Với chủ trương không bạo động nhưng không nhượng bộ, mỗi năm có 3 đại biểu mới đứng ra chịu trách nhiệm phổ biến Hiến Chương để sẵn sàng ngồi tù.

Đến năm 1989, có trên 1500 người đã tham gia Hiến Chương. Đồng thời với phong trào giải thể cộng sản tại Đông Âu, cuối năm 1989 cuộc Cách Mạng Tiệp Khắc thành công. Người chủ xướng Hiến Chương 77, Vaclav Havel được quốc dân bầu làm Tổng Thống Tiệp Khắc đầu tiên trong kỷ nguyên hậu cộng sản.

 

Ngày 8-4-2006, 118 Nhà Tranh Đấu Dân Chủ tại quốc nội đã công bố bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 cho Việt Nam.

Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền tại hải ngoại hoan nghênh và yểm trợ phong trào đấu tranh đòi thiết lập chế độ dân chủ pháp trị, đa nguyên đa đảng, thay thế chế độ độc tài đảng trị.

Muốn xây dựng tự do dân chủ cho Việt Nam đường lối hữu hiệu nhất là đấu tranh cho nhân quyền.  Vì nhân quyền là mục tiêu chung của những người Việt Nam yêu nước, là mẫu số chung để kết hợp lòng người.

Hai mục tiêu chiến lược là truyền bá nhân quyền và đấu tranh đòi thực thi nhân quyền.

Muốn phát động đấu tranh phải nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí.

Để nâng cao dân trí trước kia chúng ta có Phong Trào Truyền Bá Quốc Ngữ.  Ngày nay, trong kỷ nguyên thông tin, chúng ta có những phương tiện truyền thông tân kỳ.

Muốn chấn hưng dân khí chúng ta phát động Phong Trào Truyền Bá Nhân Quyền để phổ biến những kiến thức nhân quyền cho quảng đại quần chúng nhất là giới thanh niên sinh viên là những người thiết tha với  tiền đồ dân tộc.  Có kiến thức nhân quyền người dân sẽ biết rõ họ có quyền đòi thực thi những quyền gì, và những quyền này đã bị tước đoạt ra sao? Từ đó họ sẽ công phẫn và cảm thấy tủi hổ phải sống dưới một chế độ phi nhân, độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực.  Từ chỗ phẫn tâm đó mới nẩy ra ý chí đấu tranh.

Từ khi con người biết sống hợp quần trong xã hội để thành lập quốc gia, giữa người dân và quốc gia có những nghĩa vụ hỗ tương phát sinh từ một khế ước mặc nhiên mệnh danh là khế ước xã hội.  Chiếu khế ước này người dân có nghĩa vụ phải đóng thuế để nuôi dưỡng quốc gia, phải đi lính để bảo vệ bờ cõi của quốc gia. Để đáp lại những hy sinh về sinh mạng và tài sản của người dân, quốc gia cũng có nghĩa vụ phải bảo đảm cho người dân những quyền cơ bản như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.  Đó là những dân quyền xuất phát từ tư cách công dân.

Nhân quyền bao quát hơn và có trước dân quyền.  Nhân quyền xuất phát từ nhân phẩm, từ giá trị bẩm sinh của con người.  Đây là những quyền của con người như những quyền dân sự chính trị mà cũng là những nhu cầu của con người như những quyền kinh tế xã hội và văn hóa. Những quyền này xuất phát từ tư cách con người và tư cách công dân.

Các nước tự do dân chủ đặt vấn đề nhân quyền toàn diện, gồm cả những quyền kinh tế xã hội (cơm ăn áo mặc, y tế giáo dục) và những quyền dân sự chính trị (tự do nhân thân, tự do tinh thần, tự do chính trị).

Kinh nghiệm cho biết những vấn đề kinh tế xã hội chỉ có thể được giải quyết thỏa đáng trong chế độ tự do dân chủ. Vì nếu không có một chính phủ dân chủ thì những lợi ích kinh tế đạt được rồi cũng sẽ bị phe cầm quyền tước đoạt bằng tham nhũng và lạm quyền.

Từ thế kỷ 13 Anh Quốc ban hành Đại Hiến Chương (Magna Carta) để đề xướng và bảo vệ quyền tự do nhân thân cho người dân không bị bắt bớ, giam giữ, lưu đầy hay hành quyết nếu không có bản án hợp pháp.  Đại Hiến Chương không cho phép nhà nước bắt giam phòng ngừa, quản thúc tại gia hay “quản chế hành chánh” những người đối kháng có dũng cảm đứng lên đòi cải thiện đường lối và chính sách quốc gia. 

Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ (1776) nhìn nhận quyền bình đẳng của con người là một chân lý hiển nhiên, và đề xướng những nhân quyền cơ bản như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp (1789) nêu lên 3 mục tiêu tự do, bình đẳng, bác ái và cảnh giác nhân loại rằng:  “Sự phủ nhận, khinh miệt hay lãng quên nhân quyền là nguyên nhân đem lại đại bất hạnh cho người dân và sa đọa cho chính quyền.  Mục đích của mọi tập hợp chính trị là để bảo toàn những quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người như quyền tự do, quyền tư hữu, quyền an ninh và quyền đối kháng”.

Từ thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, Mạnh Tử cũng chủ trương người dân có quyền đứng lên lật đổ bạo quyền: “Ta chỉ nghe nói giết tên Trụ chứ không nghe nói giết vua”.  Đó là quan niệm quý dân khinh vua (dân vi quý, quân vi khinh) mở đường cho chế độ dân chủ với một “chính quyền bởi dân, của dân và vì dân” (Abraham Lincoln). 

Năm 1941, tại diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ, Tổng Thống Franklin Roosevelt đề xướng 4 quyền tự do cơ bản:

1. Tự do ngôn luận (freedom of speech).

2. Tự do tín ngưỡng (freedom of belief).

3. Quyền được giải thoát khỏi sự túng thiếu (freedom from want).

4. Quyền được giải thoát khỏi sự sợ hãi (freedom from fear), sợ hãi do nạn xâm lược bên ngoài và chuyên chế bên trong.

Lời Mở Đầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng nhắc lại 4 quyền cơ bản này: “Việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và sự khốn cùng, được tuyên dương là nguyện vọng cao cả nhất của con người.”

Chiếu Hiến Chương Liên Hiệp Quốc các quốc gia hội viên cam kết cộng tác với Liên Hiệp Quốc trong việc tôn trọng và thực thi nhân quyền trên toàn cầu. (Điều 55-56)

Vì nhân quyền có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau, quốc gia có trách nhiệm tiên khởi và có nghĩa vụ phải thực sự thi hành đầy đủ và đồng đều nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tôn giáo, chính kiến, hay thành phần xã hội.

Với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, vấn đề nhân quyền đã được quốc tế hóa. Từ nay các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc không thể chủ trương rằng việc họ thủ tiêu, tàn sát hay đàn áp các công dân của họ chỉ là vấn đề nội bộ!

Để kỷ niệm ngày ban hành Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, ngày 10 tháng 12 mỗi năm được gọi là Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.

Năm 1994, Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Nghị Quyết Chung lấy ngày 11 tháng 5 mỗi năm là Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam. Nghị Quyết này đã được Tổng Thống Hoa Kỳ phê chuẩn và ban hành để trở thành Luật Công Pháp ngày 25-5-1994 (số 103. 258), với nội dung chủ yếu như sau:

“Quốc Hội Hoa Kỳ yêu cầu Chính Phủ Hà Nội:

1. Phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.

2. Bảo đảm cho nhân dân Việt Nam quyền bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt tín ngưỡng, chính kiến, hay đoàn thể trong quá khứ.                                               

3. Phục hồi các nhân quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại và tự do lập hội.

4. Bãi bỏ chế độ độc đảng.

5. Công bố một phương án và lịch trình tổ chức tổng tuyển cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để nhân dân Việt Nam được hành sử quyền dân tộc tự quyết. Lập trường chung thủy của Nhân Dân và Quốc Hội Hoa Kỳ đem lại hứng khởi cho Nhân Dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi Tự Do, Công Lý, Dân Chủ và Nhân Quyền.

 

LUẬT QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN.

Nhân quyền và những quyền tự do cơ bản được quy định trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành sau Thế Chiến 2.  Mục đích để đề cao nhân phẩm, đem lại tự do hạnh phúc cho con người, hoà giải thân thiện cho các quốc gia, thông cảm bao dung cho các dân tộc, tiến tới một Thế Giới Đại Hòa trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị.

Luật Quốc Tế Nhân Quyền bao gồm những điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998), Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị (1966) và Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa (1966).  Ngòai ra còn có khoảng 60 Công Ước bổ túc và khai triển.

Luật Quốc Tế Nhân Quyền là văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong thời đại chúng ta.  Hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền là hai hiệp ước quốc tế quan trọng nhất trong lịch sử loài người.

Bước sang thiên niên kỷ mới, chúng ta kỳ vọng rằng, rồi đây bạo lực sẽ nhường chỗ cho thuyết phục, chiến trường sẽ nhường chỗ cho hội trường và chiến tranh thế giới sẽ bị thay thế bởi luật pháp quốc tế.  Trong niềm tin tưởng đó chúng ta phát động Phong Trào Truyền Bá Nhân Quyền Cho Việt Nam. 

 

Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề xướng Quyền Dân Tộc Tự Quyết và 26 Nhân Quyền cơ bản.

 

QUYỀN DÂN TỘC TỰ QUYẾT

Quyền thiết yếu trong chế độ dân chủ là quyền dân tộc tự quyết.

Dân tộc tự quyết là quyền của người dân được tự do lựa chọn chế độ chính  trị của quốc gia, và tự do lựa chọn các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó. 

Dân tộc tự quyết gồm có quyền tự do tuyển cử và quyền tham gia chính quyền để thiết lập chế độ dân chủ pháp trị.  Lời Mở Đầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng nhận định rằng: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền.”

Theo Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ “khi chính quyền vi phạm nhân quyền, người dân có quyền hủy bỏ chính quyền để thiết lập một chính quyền mới đặt căn bản trên những nguyên tắc và thể chế thuận lợi nhất cho việc bảo đảm an ninh và hạnh phúc của con người.  Lịch sử đã chúng minh rằng nhân loại thường muốn chịu nhẫn nhục khổ cực hơn là muốn đứng lên đấu tranh để giải trừ các chế độ đã thiết lập từ lâu.  Tuy nhiên với thời gian, nếu chính quyền vẫn ngoan cố tiếm đoạt và lạm quyền để siết chặt guồng máy thống trị bạo tàn bằng chế độ chuyên chính tuyệt đối, người dân có quyền và có nghĩa vụ đứng lên lật đổ chính quyền để giành lại những bảo đảm cho cuộc sống tương lai.  Trải qua bao nhiêu giai đoạn đàn áp chúng ta đã thỉnh cầu chính quyền cải tổ bằng những lời lẽ nhu hòa nhất.  Vậy mà bao nhiêu thỉnh cầu kế tiếp của chúng ta chỉ được trả lời bằng những thóa mạ thường xuyên.  Chính quyền này đã biểu lộ cá tính của một bạo quyền.  Nó không còn xứng đáng lãnh đạo một dân tộc tự do”…

Tâm trạng và ý nguyện của người dân Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm cũng là tâm trạng và ý nguyện của người dân Việt Nam hôm nay.

 

 

CÁC NHÂN QUYỀN CƠ BẢN

Năm 1977, khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cam kết thi hành Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945) và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948).  Năm 1982 Việt Nam tham gia hai Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị và về Những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa, nên có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng các Công Ước này.  Đó là các hiệp ước quốc tế đã được quốc hội phê chuẩn nên có giá trị pháp lý cao hơn luật pháp và hiến pháp quốc gia.

Ngoài Quyền Dân Tộc Tự Quyết, Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề xướng 26 Nhân Quyền Cơ Bản chia thành 4 loại như sau:

1)  Những quyền dân sự cho bản thân con người (hay Quyền Tự Do Nhân Thân)

2)  Những quyền dân sự của con người trong đời sống xã hội (hay  Quyền An  Cư)

            3) Những quyền kinh tế xã hội và văn hóa (hay Quyền Lạc Nghiệp)

            4) Những quyền tự do tinh thần và tự do chính trị (hay Quyền Tự Do Dân Chủ)

           

            TỰ DO NHÂN THÂN THUỘC VỀ THÂN

            TỰ DO TINH THẦN VÀ TỰ DO CHÍNH TRỊ THUỘC VỀ TÂM.

CÙNG VỚI NHỮNG QUYỀN AN CƯ VÀ LẠC NGHIỆP, MỤC TIÊU TỐI HẬU CỦA NHÂN QUYỀN LÀ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CON NGƯỜI ĐƯỢC THÂN TÂM AN LẠC.

 

A. QUYỀN TỰ DO NHÂN THÂN

   Để kết nối 8 Quyền Tự Do Nhân Thân chúng ta hãy vận dụng luồng tư tưởng:

1) Con người có nhân quyền từ khi mới sinh. Cha mẹ sinh ra ta và cho ta Quyền Sống.  Tòa Án Hình Sự Quốc Tế trừng phạt những tội chống nhân loại như thủ tiêu cá nhân và tàn sát tập thể

Muốn sống cho ra sống phải có tự do thân thể và an ninh thân thể.

2) Có tự do thân thể thì Không Bị Nô Lệ hay Nô Dịch (như nô lệ tình dục).

3) Có an ninh thân thể thì Không Bị Tra Tấn Hành Hạ.

4) Có an ninh thân thể thì Không Bị Giam Giữ Độc Đoán.

5) Nếu bị bắt giam và bị truy tố ra tòa thì Được Xét Xử Công Bằng.

6) Nếu sự xét xử không công bằng và bị tuyên phạt oan ức thì Được Tòa Án Bảo Vệ bằng cách buộc nhà nước phải bồi thường thiệt hại.

7) Tòa Án bảo vệ con người căn cứ vào luật pháp. Luật Pháp cũng Bảo Vệ Con Người. Luật Pháp không công nhận các tội giả tạo như  “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

8) Luật pháp bảo vệ con người một cách đồng đều không phân biệt kỳ thị. Mọi người đều có tư cách pháp nhân để được Quyền Bình Đẳng Trước Pháp Luật.

Đó là 8 quyền dân sự cho bản thân con người mệnh danh là Quyền Tự Do Nhân Thân.

 

B.  QUYỀN AN CƯ

Để kết nối 6 Quyền An Cư chúng ta hãy vận dụng luồng tư tưởng:

1. Quyền An Cư trước hết là quyền tự do cư trú và đi lại. Chính sách quản chế hành chánh phải bị bãi bỏ.

2. Muốn có một đời sống an cư trong xã hội, đời tư và danh dự của con người phải được tôn trọng. Đó là quyền riêng tư.

3. Quyền riêng tư áp dụng cho bản thân và gia đình vì con người có quyền kết hôn và lập gia đình.

4. Gia đình là một đơn vị của xã hội. Con người sống trong quốc gia xã hội và được quốc gia ban cho quyền quốc tịch để trở thành công dân.

5. Nếu bị quốc gia đàn áp sống không nổi, con người có quyền rời bỏ quốc gia để đi tỵ nạn tại các quốc gia khác.

6. Muốn bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống an lạc, con người phải có quyền tư hữu.

Đó là 6 quyền dân sự của con người trong đời sống xã hội mệnh danh là Quyền An Cư.

 

C QUYỀN LẠC NGHIỆP

            Để kết nối 8 Quyền Lạc Nghiệp là những quyền kinh tế xã hội và văn hóa,  chúng ta hãy vận dụng luồng tư tưởng:

1. Muốn lạc nghiệp phải có cơ hội hành nghề và được quyền làm việc.

2.  Khi làm việc phải được trả lương tương xứng và công bằng. Để có bình đẳng giao ước phải công nhận cho công nhân quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công.

3. Làm việc để có mức sống khả quan cho bản thân và gia đình.

4. Nếu không thể làm việc được, không thể tự lực mưu sinh được, thì được quyền an sinh xã hội.

5. Quyền an sinh xã hội còn áp dụng cho các sản phụ, hài nhi và thiếu nhi trong chính sách bảo trợ gia đình. Các gia đình có con nhỏ và có lợi tức yếu kém được hưởng trợ cấp tài chánh và trợ cấp y tế.

6.  Quyền y tế miễn phí được phổ cập cho tất cả mọi người trong các nước dân chủ xã hội Bắc Âu.

7.  Giáo dục tiểu học phải được cưỡng bách và miễn phí. Giáo dục trung học và đại học cũng phải tiến dần đến miễn phí.

8. Có giáo dục mới có văn hóa. Về mặt kinh tế, tác quyền của văn nghệ sĩ và các sáng chế phát minh của nhà khoa học phải được quốc gia bảo vệ. Về mặt tinh thần, tự do sáng tác của văn nghệ sĩ và tự do nghiên cứu của nhà khoa học phải được quốc gia tôn trọng.

           

Từ đó chúng ta bước sang những Quyền Tự Do Tinh Thần và Tự Do Chính Trị mệnh danh là Quyền Tự Do Dân Chủ.

 

D.  QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ

      Trước hết là những quyền tự do tinh thần như tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo (quyền thứ nhất)

      Kế tiếp là những quyền tự do chính trị như tự do tư tưởng và tự do phát biểu, tự do ngôn luận và báo chí  (quyền thứ hai)

      Có tư tưởng, có tin tức, ý kiến, phải có cơ hội trao đổi tư tưởng, trao đổi tin tức, ý kiến bằng tự do hội họp, tự do lập hội và tự do lập đảng (quyền thứ ba)

      Các cá nhân và chính đảng có những chủ trương đường lối ích quốc lợi dân phải có cơ hội thực thi chủ trương này bằng quyền tham gia chính quyền và tự do tuyển cử (quyền thứ tư).  Chế độ độc tài toàn trị phải bị bãi bỏ.

      Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhấn mạnh về nghĩa vụ của mọi người phải “bảo vệ dân chủ, đề xướng và phát huy các xã hội dân chủ, các định chế dân chủ và các thủ tục sinh hoạt dân chủ”.

 

1. Tự Do Tín Ngưỡng và Tự Do Tôn Giáo (Freedom of Belief and Religion).

      Quyền tự do tôn giáo bao gồm quyền thờ phụng, quyền truyền giáo và hành đạo. Đòi tự do tôn giáo cũng là đòi phóng thích các tù nhân tôn giáo đã bị giam giữ hay quản thúc độc đoán, đòi cho các giáo hội được sinh họat tự trị, đồng thời đòi lại các cơ sở văn hóa giáo dục và xã hội từ thiện để hoằng dương đạo pháp.

 

2.  Tự Do Tư Tưởng và Tự Do Phát Biểu (Freedom of Thought and Expression)

            a) Tại Việt Nam ngày nay Đảng Cộng Sản vi phạm quyền tự do tư tưởng bằng cách nắm giữ độc quyền tư tưởng để truyền bá học thuyết Mác-Lê phản dân tộc, phản nhân loại tại các trường công lập.

            Trong chương trình giáo dục tương lai, chúng ta sẽ không giảng dạy các học thuyết chính trị tại các trường phổ thông công lập. Thay vào đó, tại cấp tiểu học, chúng ta sẽ giảng dạy cho các em về những tình cảm tự nhiên trong Đạo Làm Người như tình gia đình, tình thầy trò, tình bạn bè, tình lối xóm, tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu nhân loại, yêu thiên nhiên và yêu súc vật.

            Đến bậc trung học chúng ta sẽ giảng dạy cho các học sinh những quyền lợi và nghĩa vụ công dân, đặc biệt nhấn mạnh đến nhân quyền và dân quyền. Từ hai thiên niên kỷ nay, người dân bị đè nén, bóc lột. Họ chỉ nghe nói về bổn phận và nghĩa vụ chứ chưa từng nghe nói về quyền con người và quyền công đân. Đề cao nhân quyền và dân quyền để chấn hưng dân khí, cho người dân đứng lên giành lại quyền làm chủ xã hội, cho con người được phát triển toàn diện, có phần con là những nhu cầu, mà cũng có phần người là những quyền tự do dân chủ.

            Tại bậc đại học Luật Quốc Tế Nhân Quyền sẽ được giảng dạy vì luật này còn quan trọng hơn cả luật hiến pháp. Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề cao nhân phẩm, đem lại tự do hạnh phúc cho con người, hòa giải thân thiện cho các quốc gia, thông cảm bao dung cho các dân tộc, tiến tới một Thế Giới Đại Hòa trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị. Đây là giấc mơ ngàn đời của nhân lọai theo đó người trong bốn biển đều là anh chị em.

            b) Nhà cầm quyền Hà Nội còn vi phạm quyền tự do phát biểu bằng cách cấm tư nhân ra báo. Mọi bài viết có tính đối kháng sẽ bị gán vào tội phản nghịch hay tuyên truyền chống nhà nước. 

Theo Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp “quyền tự do phát biểu là một trong những quyền cao quý nhất của con người. Mọi người đều có quyền nói, viết, in ấn tự do và chỉ chịu trách nhiệm khi vi phạm luật pháp”.

            Theo Luật Báo Chí áp dụng tại Miền Nam Việt Nam thời Pháp thuộc, công dân được tự do ra báo mà không phải xin giấy phép hay kiểm duyệt trước (prior censorship). Chỉ khi nào nhà báo xâm phạm danh dự hay quyền lợi của người khác, hoặc vi phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng hay thuần phong mỹ tục, lúc đó biện lý hay nạn nhân mới có quyền khởi tố nhà báo ra tòa để trả lời về trách nhiệm hậu kiểm của họ (subsequent liability).

Luật Quốc Tế Nhân Quyền bảo vệ quyền tự do phát biểu trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Dân Sự Chính Trị:  “Ai cũng có quyền giữ vững quan niệm mà không bị  người khác can thiệp.  Ai cũng có quyền tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến các tin tức ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.” (Điều 19).

Hồi giữa thế kỷ 19, vì tôn trọng quyền tự do phát biểu, Tòa Án Luân Đôn đã không truy tố Các Mác vì những quan điểm phát biểu trong bản “Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản”, kêu gọi vô sản toàn thế giới đứng lên dùng vũ trang lật đổ chế độ tư bản. 

 

3. Tự Do Hội Họp và Tự Do Lập Hội (Right of Assembly and Freedom of Association)

            Có tư tưởng, có tin tức, ý kiến thì phải được quyền trao đổi tư tưởng, trao đổi tin tức, ý kiến với các thân hữu trong các cuộc gặp gỡ nhờ có tự do hội họp và tự do lập hội.

            Hội họp như diễn thuyết, họp báo, tham dự mít tinh, biểu tình, tuần hành để đạo đạt thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền, phản kháng những vi phạm nhân quyền và đấu tranh đòi thực thi nhân quyền.

            Lập hội có hai loại, hội dân sự và hội chính trị:

a) Lập hội dân sự để thực thi những mục tiêu đạo đức tôn giáo, (giáo hội), kinh tế xã hội (công đoàn, nghiệp đoàn), thông tin văn hoá giáo dục (hội ký giả, nhà văn, nhà giáo, phụ huynh học sinh), ái hữu tương tế (hội học sinh, sinh viên, phụ nữ, cao niên), từ thiện nhân đạo (Hội Hồng Thập Tự, Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền) hay thể dục thể thao v.v... Những hội đoàn này họp thành xã hội dân sự trong một xã hội đa nguyên. Các hội dân sự được quyền sinh họat tự trị, không chịu sự can thiệp hay giám sát của nhà nước. Do đó các giáo hội quốc doanh phải được giải tán, các công đoàn nhà nước phải được thay thế bằng các công đoàn độc lập, công đoàn tự do.

            b) Ngoài các hội dân sự còn có các hội chính trị hay chính đảng trong chế độ dân chủ đa đảng.

Dân chủ đa đảng cộng với xã hội đa nguyên họp thành Dân Chủ Đa Nguyên. Chế độ Dân Chủ Đa Nguyên lên án chế độ độc đảng và độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.  Điều 4 Hiến Pháp phải bị bãi bỏ.

 

4.       Quyền Tự Do Tuyển Cử và Quyền Tham Gia Chính Quyền (Rights to Free Election and to Participate in Government)

            Các chính đảng và các cá nhân có những chủ trương đường lối ích quốc lợi dân phải có cơ hội thực thi những chủ trương đường lối này bằng quyền tham gia chính quyền

            Tham gia chính quyền trực tiếp như ứng cử vào các chức vụ công cử (tổng thống, thủ tướng, dân biểu, nghị sĩ v...v...), hay gián tiếp bằng cách bầu lên các đại biểu của mình trong chính quyền. Đây là quyền tự do tuyển cử, một hình thức của Quyền Dân Tộc Tự Quyết, theo đó người dân có quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị của quốc gia, và tự do lựa chọn các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó.

            Trái với quan niệm cổ xưa theo đó nguồn gốc chủ quyền xuất phát từ quốc gia, Luật Quốc Tế Nhân Quyền minh định rằng “ý nguyện của người dân được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia.  Ý dân phải được biểu lộ trung thực qua những cuộc tuyển cử tự do và công bằng, theo phương thức đầu phiếu phổ thông, định kỳ và kín.”  (Điều 25 Công Ước về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị)

            . 

Quyền Tham Gia Chính Quyền (quyền thứ 26) kết nối với Quyền Dân Tộc Tự Quyết để hoàn thành sợi dây chuyền xuyên suốt. Đây là sợi dây chuyền kết bằng 26 viên ngọc trai chúng ta dành riêng để tặng đồng bào trong nước.

           

            Về mặt chính trị, Đảng Cộng Sản hứa hẹn thiết lập một chế độ dân chủ gấp triệu lần chế độ dân chủ Tây Phương. Đây chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền.  Chúng ta không so sánh Việt Nam với các nước Tây Phương, và cũng không so sánh Việt Nam với các nước dân chủ Á Châu như Nhật Bản, Ấn Độ, Đại Hàn, Đài Loan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Thái Lan, Phi Luật Tân v...v...  Chúng ta hãy lấy nước láng giềng Căm Bốt làm đối tượng so sánh mức độ dân chủ của hai nước trong bán đảo Đông Dương.

Bốn thước đo dân chủ là:  tự do tôn giáo, tự do báo chí,  tự do lập hội và  tự do tuyển cử.

Chấm 100 điểm cho 4 quyền tự do, mỗi quyền được tối đa 25 điểm.

      1) Tự do tôn giáo

             Căm Bốt:  Tương đối không có đàn áp tôn giáo: 15 điểm.

 Việt Nam:  Đàn áp tôn giáo theo chính sách và tiêu diệt tôn giáo theo chủ thuyết: 0 điểm.

      2) Tự do báo chí

            Căm Bốt:  Có các báo đối lập và độc lập: 10 điểm.

            Việt Nam: Công dân không được quyền ra báo:  0 điểm.

      3) Tự do lập đảng          

           Căm Bốt:  Có ít nhất 3 đảng, Đảng Nhân Dân của Hun Sen, Đảng Bảo Hoàng của Ranariddh và      

           Đảng Quốc Gia của Rainsy: 15 điểm.

           Việt Nam:  Đảng Cộng Sản là độc đảng:  0 điểm.

       4) Tự do tuyển cử

           Căm Bốt:  Trong những cuộc bầu cử mới đây, Đảng Nhân Dân chỉ được chừng 40% số phiếu, ngang với số phiếu đối lập của Đảng Bảo Hoàng và Đảng Quốc Gia:  10 điểm.

Việt Nam: Với chính sách  “đảng cử dân bầu”, người dân chỉ có quyền  bầu lên các đại biểu do Đảng Cộng Sản cử ra: 0 điểm.

           Tổng cộng:  Căm Bốt:  50 điểm; Việt Nam:  0 điểm.

           Đây là mối nhục cho Việt Nam. Từ ngày lập quốc chưa bao giờ uy tín chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế lại sa sút như vậy!

           Việt Nam hiện nay đứng chót trong bậc thang tự do dân chủ của 200 quốc gia trên thế giới, kém cả Cao Miên.

           Trong bậc thang kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay là một trong những nước nghèo đói nhất trên thế giới, kém cả Congo và ngang Bắc Hàn.

Lợi tức bình quân mỗi đầu người tại Việt Nam chỉ bằng 1/45 tại Tân Gia Ba, 1/26 tại Đài Loan, 1/25 tại Đại Hàn, 1/8 tại Mã Lai, 1/5 tại Thái Lan, 1/2 tại Phi Luật Tân, 3/5 tại Nam Dương, và chỉ bằng 3/4 tại Congo.  Theo Encyclopedia Britannica Book of The Year 2005,  lợi tức bình quân mỗi đầu người tại Việt Nam năm 2003 là 480 mỹ kim so với 640 mỹ kim tại Congo và 457 mỹ kim tại Bắc Hàn.

             Ngày nay lịch sử đã chứng minh rằng Đảng Cộng Sản không có tư cách và khả năng lãnh đạo quốc gia.

           Và chế độ Độc Tài Đảng Trị phải được giải thể để người dân hành sử Quyền Dân Tộc Tự Quyết, thiết lập chế độ Dân Chủ Pháp Trị, trong đó các nhân quyền và dân quyền được tôn trọng,  kinh tế quốc gia được phát triển và công bằng xã hội được thực thi.

 

       T.M. ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN QUYỀN

                             Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG

                                                                                   (15-4-2006)

 

 

 

PHỤ ĐÍNH:  CÁC NHÂN QUYỀN CƠ BẢN

Tự do - Bình đẳng - Bác ái
Quyền Dân Tộc Tự Quyết

 

 

(THÂN)

(AN

LẠC)

(TÂM)

 

 

 

 

QUYỀN TỰ DO NHÂN THÂN (8)

 (Quyền Dân sự cho bản thân con ngừơi)

 

1.  Quyền sống

Chống thủ tiêu cá nhân

Chống tàn sát chủng tộc (Do Thái), tôn giáo (Cao Đài, Hòa Hảo), chính kiến (Mậu Thân), thành phần xã hội (cải cách ruộng đất)

 

2.  Không bị nô lệ hay nô dịch

 (tự do thân thể)

 

3.  Không bị tra tấn hành hạ

(an ninh thân thể)

 

4.  Không bị giam giữ độc đoán.

 (an ninh thân thể) 

 

5.  Được xét xử công bằng.

Thẩm phán độc lập

Quyền biện hộ.

 

6.  Được Tòa Án bảo vệ

Bồi thường thiệt hại.

 

7.  Được Luật Pháp bảo vệ

Không có tội tuyên truyền chống

chế độ.

 

8.  Được bình đẳng trước pháp luật.

Con người có tư cách pháp nhân (person).

 

QUYỀN AN CƯ (6)

 

(Quyền Dân sự trong  xã hội)

Sống an bình trong xã hội

 

1.  Quyền tự do cư trú và đi lại, xuất ngoại và hồi hương Quản Chế Hành Chánh

 

2.  Quyền riêng tư.

 

Bản thân - gia đình - nhà cửa - thư tín - điện thoại - điện tín

 

3. Quyền kết hôn và lập gia đình.

Sống trong quốc gia

 

4.  Quyền có quốc tịch

 

5.  Quyền tỵ nạn

Đàn áp chính trị, tôn giáo, chủng tộc

 

6.  Quyền tư hữu

An cư: nhà ở.

Lạc nghiệp:  vốn kinh Doanh

QUYỀN

LẠC NGHIỆP  (8)

(Quyền Kinh tế Xã hội và Văn hóa Giáo dục)

 

1.  Quyền làm việc.

Nghỉ ngơi và giải trí.

Trả lương tương xứng.

 

2.  Tự do Nghiệp đoàn và Đình Công.

Bình đẳng giao ước.

 

3. Có mực sống khả quan cho bản thân và gia đình.

 

 

4. An sinh xã hội và bảo hiểm xã hội.

 (Thất nghiệp , già lão)

 

5.  Bảo vệ gia đình.

Sản phụ, Hài nhi, Thiếu nhi

 

6.  Quyền y tế.

Các nước Dân Chủ

Xã Hội Bắc Âu

 

7.  Quyền  giáo dục.

Tiểu học miễn phí

 

8.  Quyền văn hóa.

Tác quyền, tự do

QUYỀN TỰ DO

DÂN CHỦ (4)

(Tự do Tinh thần và Tự do Chính Trị)

 

 

1. Tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo.

Phúc trình Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ.

Phái bộ Điều Tra LHQ

Đặc biệt quan tâm

 

2. Tự do tư tưởng và phát biểu quan điểm

Tự do báo chí.

Tự do ngôn luận

 

3. Tự do hội họp và lập hội,

Mít tinh biểu tình

Tự do lập đảng.

 

4. Quyền tham gia chính quyền.

Chống độc quyền lãnh đạo

Điều 4 Hiến Pháp.

Tự Do Tuyển Cử

Đạo đạt thỉnh nguyện

Quyền  Dân Tộc

 Tự Quyết

 

 


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]