NGƯỜI NỮ ANH HÙNG THỜI ĐẠI MỚI
Nguyễn Minh Cần Ngày 23.03.2008
Trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, nhiều bông hoa rực rỡ của tuổi trẻ đã trỗi lên trong phong trào dân chủ Việt Nam. Đó là những Phạm Hông Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Trần Khải Thanh Thuỷ, Nguyễn Khắc Toàn, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Chính Kết, v.v... Đặc biệt từ cao trào dân chủ năm 2006, đã bừng nở rộ thêm nhiều đoá hoa tươi thắm, chói lọi của tuổi trẻ dấn thân trên con đường đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền, trong đó nổi bật nhất là hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Công Nhân sinh năm 1979, là nhà dân chủ rất trẻ. Cô lớn lên trong một gia đình gia giáo tốt đẹp. Mẹ của cô là một trí thức, bà nuôi dạy con vừa theo truyền thống đạo đức dân tộc, vừa theo phong cách tự do, dân chủ của xã hội văn minh. Chính vì thế, dù Công Nhân được “đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” nặng tính nhồi sọ ý thức hệ cộng sản, theo lề thói áp đặt tư duy của tập đoàn thống trị, nhưng cô sớm có tư tưởng độc lập, sớm có khát vọng tự do, dân chủ, sớm hiểu được nỗi đau của người dân vô quyền, bị tước đoạt tự do và nhân quyền trong chế độ độc tài toàn trị. Cô học hành chăm chỉ và khá thành đạt về mặt học vấn cũng như nghề nghiệp. Mới 24 tuổi đời, cô đã là một luật sư thành danh có chân trong Đoàn luật sư Hà Nội. Một tương lai xán lạn mở rộng ra trước mắt cô luật sư trẻ trung đầy sinh lực! Nhưng, là một trí thức có ý thức trách nhiệm công dân trước nỗi đau của đất nước đang chìm đắm dưới chế độ cực quyền cộng sản, trước nỗi đau của đồng loại vô quyền đang quằn quại trong chế độ đầy tham nhũng, bị bọn quan tham ô lại và cường hào mới sách nhiễu áp bức, tóm lại, cô biết đau nỗi đau của đất nước và đồng loại, nên đã coi nhẹ giàu sang, phú quý, quyền lợi, địa vị và tiền đồ riêng tư để dấn thân vào con đường đấu tranh đầy chông gai và gian khổ vì Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho đất nước và dân tộc. Ngày 8 tháng 4 năm 2006, Công Nhân đã đặt bút ký tên mình dưới bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006. Đó là bản tuyên ngôn lịch sử đầu tiên của 118 chiến sĩ dân chủ trong nước đi tiên phong, công khai đòi quyền tự do, dân chủ và nhân quyền, chống lại chế độ độc tài toàn trị của Đảng cộng sản (ĐCS) bằng phương thức bất bạo động. Sau đó, cô tham gia Khối 8406, rồi là thành viên và phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, một chính đảng dân chủ công khai, chủ trương đấu tranh ôn hoà. Đến tháng 10 năm 2006, cô tham gia Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, một kết hợp của nhiều trí thức dân chủ và nhiều tổ chức, đảng phái dân chủ trong và ngoài nước. Công Nhân là một luật sư có trình độ hiểu biết cao, cô nhận thức rõ luật pháp dưới chế độ độc tài toàn trị của ĐCS chỉ là một mớ văn bản để làm như tuồng chế độ của họ có luật pháp đàng hoàng và có tính dân chủ, nhưng thực ra mớ văn bản ấy chỉ để che đậy thủ đoạn của ĐCS tước đoạt quyền tự do, dân chủ của người dân. nên cô thấy cần thiết phải nghiên cứu sâu luật pháp trong nước đồng thời đối chiếu với công pháp quốc tế - mà nước Việt Nam đã đặt chữ ký bên dưới - để vạch ra những thủ đoạn bóp nghẹt tự do, dân chủ của kẻ cầm quyền. Hồi cuối tháng 10 năm 2006, khi cô được mời đến Warszawa, thủ đô Ba Lan, để tham gia Hội nghị yểm trợ Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, cô đã chuẩn bị bài tham luận, nhưng đến phút chót kẻ cầm quyền đã ngăn cản, không cho cô lên máy bay. Tại hội nghị, bài tham luận của cô đã được tuyên đọc, trong đó cô phân tích rõ Tổng Công Đoàn Việt Nam tuy mang danh là tổ chức cúa công nhân lao động, nhưng thực ra chẳng bảo vệ gì quyền lợi cho công nhân lao động cả, trái lại hùa theo cán bộ ĐCS để bảo vệ quyền lợi của giới chủ nhân, chính vì thế công nhân lao động cần thành lập tổ chức riêng của mình là các công đoàn tự do để bảo vệ quyền lợi cho mình. Đó là một việc làm hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. Cô còn kêu gọi mọi người, mọi tổ chức ra sức yểm trợ cho Công Đoàn Độc Lập mới ra đời trong nước. Vào tháng 12 năm 2006, khi trả lời phỏng vấn của Đối Thoại Online về chỉ thị số 37 CT-TTg ngày 29.11.2006 của Thủ tướng CHXHCNVN, Công Nhân đã thẳng thắn nói: Chỉ thị này nhằm chính thức hoá thông báo số 41 của Bộ chính trị ĐCS ra ngày 11.10.2006, nó có hai nội dung, một là tăng cường quản lý triệt để tất cả các báo chí ở trong nước thuộc quyền quản lý của nhà nước, và hai là xác nhận lại một lần nữa thái độ ấu trĩ và ngoan cố của nhà cầm quyền Việt Nam nhất quyết không cho có báo chí tư nhân tại Việt Nam. Cô nhấn mạnh: Trước mặt tôi là Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992 hiện đang có hiệu lực. Có thể nói ngắn gọn một câu thôi là chỉ thị 37 này là thể hiện sự độc tài tuyệt đối của đảng CSVN trên hệ thống bộ máy nhà nước của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là hệ thống hành pháp (tức chính phủ) cũng như hệ thống tư pháp. Gần như tất cả các hệ thống này, kể cả lập pháp (quốc hội) đều nằm hoàn toàn dưới quyền cai trị của đảng CSVN mà cơ quan có quyền lực nhất chính là Bộ Chính trị. Sau khi đưa ra các điều 33, 69 trong Hiến pháp CHXHCNVN năm 1992, và điều 19 Công ước LHQ về quyền dân sự và chính trị năm 1966 để đối chiếu, cô kết luận: “Là một luật sư, tôi xin khẳng định với những hiểu biết cá nhân của mình rằng chỉ thị 37/TTg ngày 29.01.2006 là hoàn toàn vi hiến… Tôi nghĩ rằng chỉ thị 37 này là một sự bất công rất lớn đối với báo giới Việt Nam”. Luật sư Lê Thị Công Nhân cũng đã viết một bài công phu, phân tích việc bỏ Nghị định 31 CP về quản chế hành chính, mà thực ra là nhà cầm quyền đã đưa việc quản chế hành chính vào các văn bản pháp lý khác.
Chính việc làm thẳng thắn đó của một luật sư chân chính đã làm cho kẻ cầm quyền vô cùng căm tức cô. Họ đã cho công an sách nhiễu cô bằng nhiều cuộc hỏi cung liên tiếp. Trong một cuộc phỏng vấn của đài RFA (Đài Á châu Tự do), cô kể lại: “… Họ vẫn nói tôi phạm điều 79 bộ Luật hình sự Việt Nam là lật đổ chính quyền, và Đảng Thăng Tiến phạm điều 4 Hiến pháp… qua những ngày làm việc với khá nhiều cán bộ an ninh điều tra, vì một mình tôi làm việc với bốn năm người… tôi thấy đó là do miếng cơm manh áo nên họ phải làm thế là đương nhiên. Tôi cũng cảm nhận một thiểu số nhỏ trong họ có nhận thấy tình hình hiện nay”. Đầu tháng 12 năm 2006, luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân tổ chức một hội thảo dân chủ và nhân quyền tại Văn phòng luật sư Thiên Ân. ĐCS cầm quyền cho rằng họ mở lớp huấn luyện những phần tử chống đảng và chống chế độ, nên đã ra lệnh xoá bỏ tên cô và anh Nguyễn Văn Đài khỏi danh sách Đoàn luật sư Hà Nội và chuẩn bị bắt giam hai luật sư trẻ tuổi này. Trong những ngày gian nguy hết sức căng thẳng, Công Nhân vẫn dành thì giờ để tham gia Diễn đàn Dân chủ, và lúc 3 giờ 40 phút sáng ngày 26.02.2007, tức là vài ngày trước khi bị bắt, cô đã tuyên bố rất chân thành: “… Tôi là thành viên cuối cùng trong bốn thành viên của đảng Thăng Tiến Việt Nam được công an triệu tập làm việc chính thức, tính từ sau Tết âm lịch đến nay. Và thật sự tôi cũng không đoán trước được cụ thể những việc gì có thể xẩy ra với tôi. Nhưng tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là: tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất cứ một điều gì dù chỉ là thoả hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng về phía tôi. Tôi không thách thức, nhưng Cộng sản Việt Nam nếu đã hạ quyết tâm thực hiện những hành vi tội ác bằng cách chà đạp lên nhân quyền của người dân Việt Nam và muốn tiếp tục dìm đất nước Việt Nam trong một sự tăm tối về mặt chính trị, nghèo nàn về mặt kinh tế, lạc hậu về mặt văn hóa kéo dài cho tới tận đời con cháu của chúng ta cũng như của chính người Cộng sản thì tuỳ họ và họ có quyền hành xử với những cái gì họ có. Gia đình tôi đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, đó là tôi có thể bị khởi tố và có thể đi tù. Nhưng tôi xin khẳng định một lần nữa: đó là chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xẩy ra”. Đến ngày 06.03.2007, kẻ cầm quyền đã ra lệnh bắt giam cô tại Hà Nội. Sau hơn hai tháng tạm giam, vào tháng 5 năm 2007 hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị đưa ra xét xử tại toà án sơ thẩm. Trong cáo trạng, người ta buộc tội cô vi phạm điều 88 bộ Luật hình sự, tức là tuyên truyền chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa. Cả hai người đều khẳng định trước toà rằng họ không hề phạm tội gì, mà họ đã bị trừng trị chỉ vì niềm tin của họ, họ bị bỏ tù chỉ vì nói lên ý kiến bất đồng với chính phủ và ĐCS. Công Nhân còn xác nhận thêm là cô luôn luôn khuyến khích đấu tranh bất bạo động để đòi dân chủ. Thực ra, những việc làm của hai luật sư trẻ là hoàn toàn vô tội, họ chỉ sử dụng quyền hiến định của công dân để phát biểu ý kiến của mình, thế mà toà vẫn kết án luật sư Đài 5 năm tù giam, 4 năm “tù” quản chế, luật sư Công Nhân 4 năm tù giam, 3 năm “tù” quản chế! Họ đã chống án. Và ngày 27.11.2007, hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị đưa ra xét xử lại tại toà phúc thẩm ở Hà Nội. Trước ngày mở phiên toà, dư luận trong nước, cũng như dư luận thế giới đều rất xôn xao. Liên đoàn luật gia quốc tế có ý định mời bà Trần Thị Lệ đến Paris để tiếp xúc, nhưng giới cầm quyền đã không cho bà đi. Các luật gia quốc tế muốn gửi luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đều không được chấp nhận. Họ chỉ cho một số luật sư trong nước bào chữa mà thôi. Tại phiên toà phúc thẩm Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đều khẳng định họ không phạm tội gì hết, họ chỉ thực thi quyền được phát biểu ý kiến của mình, mà quyền đó thì có ghi rõ trong hiến pháp hiện hành. Các luật sư bào chữa cũng đều nói: những bài viết và bài nói của các bị cáo là ý kiến riêng của họ, mà quyền phát biểu ý kiến thì không có luật nào ghi là có tội cả. Họ cũng vạch rõ những sai phạm của toà sơ thẩm, nhất là “đã hạn chế đến mức đã ngăn cản việc tranh luận. Đánh giá chứng cứ cần tranh luận, nhưng không được thực hiện. Định tội, lượng hình cũng không được tranh luận”. Thế nhưng, toà phúc thẩm vẫn giữ nguyên lời buộc tội ghi trong cáo trạng là vi phạm điều 88 bộ Luật hình sự, chỉ có giảm mức án cho mỗi người bớt đi môt năm tù ngồi, còn mức án quản chế thì vẫn giữ nguyên như trước! Trong nhà tù, Công Nhân vẫn tiếp tục đấu tranh. Những ai đã từng biết nhà tù cộng sản, đều hiểu rõ tính chất độc ác, phi nhân của nó. Vì ĐCS và kẻ cầm quyền muốn dùng nhà tù để đày đoạ tù nhân về thể xác và tinh thần, bắt họ phải sống trong cảnh chật hẹp, bẩn thỉu, nóng bức, mất vệ sinh, bắt phải làm việc vất vả, phải chịu đựng những cảnh bạo hành, đâm chém, cướp giật diễn ra hàng ngày trong tù, lại thường xuyên bị đám cai tù (mệnh danh là quản giáo) trấn áp về mặt tinh thần và tâm lý cốt đè bẹp ý chí phản kháng của tù nhân chính trị, bắt họ phải khuất phục, đầu hàng. Xin các bạn cứ thử hình dung một tù nhân chính trị mà bắt phải sống chung với đám tù hình sự, trong đó không ít kẻ lưu manh tay đã từng nhuốm máu tội ác! Một người con gái mảnh mai như Công Nhân, quen sống trong môi trường có văn hoá, có giáo dục, tâm hồn trong trắng nay bị đày đoạ trong một cuộc sống kinh khủng như vậy thì đủ hiểu thấu tâm trạng của cô khi phải ở tù. Kẻ thù muốn cô cúi đầu khuất phục, nhưng cô vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu. Bị nhốt chung với đám tù hình sự, cô còn bị cai tù xúi giục đám người này khích bác, hạ nhục bằng những lời lẽ thô bỉ, còn bị cho thức ăn thiu gây tiêu chảy và bị tịch thu Kinh Thánh mà cô coi như “cuốn sách gối đầu giường” quý báu, nên cô đã quyết định tuyệt thực từ ngày 27.12.2007 để phản đối. Bọn cai tù bỏ mặc Công Nhân vật vã, ốm đau trong những ngày tuyệt thực. Chẳng những thế khi cô tuyệt thực đã bảy ngày, đang ốm yếu đến kiệt sức mà ban quản trị trại tù còn ra lệnh chuyển tù đưa cô đến nơi khác trên một chặng đường xa 225 km, bắt cô phải nằm trong chiếc xe tù bịt bùng kín mít, ngột ngạt đến nỗi cô đã ngất xỉu, khi đến nơi phải khiêng cô xuống, làm mọi người tưởng là cô đã chết. Biết bao đoạ đày, khốn khổ, gian truân kẻ cầm quyền đã giáng xuống cái thân hình mảnh mai, nhỏ bé của Công Nhân, nhưng cô không hề chùn bước, cô vẫn giữ vững khí tiết bất khuất của mình. Những lời nói nồng nhiệt của cô sáng ngày 26.02.2007 vẫn còn mãi mãi âm vang: “…Nhưng tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là: tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất cứ một điều gì dù chỉ là thoả hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng về phía tôi…”. Đúng là trái tim hồng nóng bỏng của cô bơm trong huyết quản dòng máu hào kiệt của Hai Bà Trưng, Bà Triệu và của muôn nghìn vị Anh hùng tiên liệt của Tổ quốc Việt Nam. Dòng máu đó đã giúp cô đứng vững trước cơn bão táp bạo tàn mà ĐCS và giới cầm quyền toàn trị đã trút xuống đầu cô. Giới trẻ Việt Nam ngày nay có quyền tự hào là đã có một nữ anh hùng kiệt xuất trong thời đại đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền để mà noi gương. Dân tộc Việt Nam cũng tự hào đã có một người con trung kiên như thế biết yêu nước, thương dân rất mực. Chính vì thế, khi được tin Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã tiến cử luật sư Lê Thị Công Nhân – người đã từng được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao Giải Nhân Quyền năm 2007 nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 năm 2007, cùng với luật sư Nguyễn Văn Đài và giáo sư Hoàng Minh Chính – làm ứng viên Giải Nhân Quyền Gwangju 2008 của Nam Hàn thì mọi người dân chủ trong và ngoài nước đều nhiệt liệt hoan nghênh, đều cầu mong cho ứng viên Lê Thị Công Nhân sẽ được trúng giải. Giải Nhân Quyền Gwangju 2008 sẽ là nguồn khích lệ lớn lao cho chính người tù chính trị và lương tâm Lê Thị Công Nhân đang phải chiến đấu thân cô thế cô trong ngục tù cộng sản, sẽ là nguồn khích lệ cho mọi người thân yêu của Công Nhân, trước hết là cho bà mẹ hiền của cô - bà Trần Thị Lệ - đã hết lòng hết dạ vì con gái yêu quý và đã quyết định theo con đến cùng trong thời gian con bị đoạ đày trong tù ngục, cũng như trong cuộc đấu tranh ôn hoà của con để chống lại bạo quyền vì Công lý, vì Tự do. Đó cũng sẽ là nguồn khích lệ lớn lao cho giới trẻ và trí thức dân chủ Việt Nam, cổ vũ họ mạnh dạn dấn thân vào cuộc đấu tranh bất bạo động vì Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho nhân dân. Đó cũng sẽ là nguồn động viên mạnh mẽ cho phong trào dân chủ đang cố vươn lên sau trận khủng bố ác liệt vừa qua của ĐCS và giới cầm quyền toàn trị. Mong sao Giải Nhân Quyền Gwangju 2008 sẽ về tay luật sư Lê Thị Công Nhân!
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết] |