ĐỌC “HỒ CHÍ MINH, NHẬN ĐỊNH TỔNG HỢP” CỦA MINH VÕ

 

Nguyễn Ngọc Bích

 

Chủ nhật 25-4-2004 vừa qua, nhân cuộc hội ngộ rất thành công (tại khách sạn Hilton Southwest ở Houston, Texas) của khoảng 100 cựu nhân viên thuộc các cơ quan truyền thông VNCH cũ (Việt Tấn Xã, Đài Phát Thanh Quốc Gia và Đài Truyền Hình Sài Gòn), nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao đã ra mắt một số sách của TQH.  Dịp này ông Nguyễn Ngọc Bích đã nói về cuốn sách đồ sộ và mới nhất của nhà văn Minh Võ, một biên tập viên và bình luận gia kỳ cựu của Đài Phát Thanh Sài Gòn, với nội dung như sau.

 

            Đứng trên bình-diện thuần túy lịch-sử thì dù ghét hay thương, ta cũng phải công-nhận là cái bóng của Hồ Chí Minh đã và đang trải dài trên lịch-sử đất nước chúng ta gần 3/4 thế-kỷ và nó vẫn còn khả-năng ám-ảnh dân-tộc ta trong một thời-gian dài hơn nữa.  Bao lâu nữa là điều chúng ta chưa khẳng-định được trong lúc này song có lẽ cũng chính vì lý-do đó mà ta chưa thể, nói như một vài người, là đã đến lúc ném ông vào trong thùng rác của lịch-sử.

            Cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp của Minh Võ do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương in ra cách đây không lâu, cũng vì vậy mà phải được coi là một cuốn sách thức thời chứ không phải là một tác-phẩm mà đôi người, vì lười biếng không chịu đọc, đã tưởng là toàn chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi.”

            Cuốn sách nằm ở một trình-độ trí-thức cao, không giống như những nỗ lực chủ-quan mà thỉnh thoảng ta bắt gặp ở hải-ngoại, nghĩa là cứ nói tràn đi mà không cần để ý xem điều ta nói có đúng sự thật, có sát thực-tế hay không.  Làm như thế, chúng ta sẽ mất đi tin cậy của người khác và thay vì thuyết phục được người, lại đâm ra bị người nghi ngờ sự hiểu biết đích-thực nơi chúng ta.  Cũng tựa như phong trào nổi lên cách đây một thời, là đòi người khác đạp lên mặt Hồ Chí Minh và xem đó là bằng-chứng yêu nước, bằng-chứng chống Cộng số 1—không khác gì các chế-độ phong kiến xưa kia ở Đông-Á đòi người dân phải giẫm lên thánh-giá để chứng minh là mình không theo tà-đạo.  Thử tưởng tượng, những vị chủ-trương việc làm này đã tốn biết bao nhiêu công sức, ngày giờ, giấy mực in tài-liệu, tìm địa-chỉ rồi viết địa-chỉ từng người gửi đi, chưa kể còn mất tiền phong-bì, tiền tem, thời-gian ra bưu-điện v.v. và gặt hái được cái gì?  Chúng tôi chắc, nếu họ thật lòng với họ thì kết-quả phải xem là rất diệu vợi, không thể đi xa lắm được—cũng tương-tự như việc làm những bài hát loại “Hồ Chí Minh rớt xuống sình” để chỉ tương-đương với trình-độ ấu-trĩ của trẻ con ngoài phố.  Song nếu ta chọn con đường ấu-trĩ thì cũng không thể đòi người khác phục ta được.

            Chọn con đường cực nhọc mà trách nhiệm hơn, sau khi đã tìm đọc hàng chục cuốn sách (chưa kể hàng trăm bài báo) mà thế-giới đã viết về Hồ Chí Minh trong tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc dịch từ tiếng Trung-hoa, tiếng Nga, ông Minh Võ—tác-giả trước đây của hai cuốn giá trị Ngô Đình Diệm, Lời khen tiếng chê (1998, đã tái-bản nhiều lần và năm ngoái còn được dịch sang tiếng Anh) và Phản Tỉnh Phản Kháng: Thực hay Hư? (1999)—tìm cách tổng-kết các nhận-định của người đời, khen có chê có, về con người định-mệnh mà chẳng may dân-tộc ta đã phải gánh chịu cái thiên-tài đốn mạt, cũngï như dân-tộc Đức đã phải chịu bao nhiêu đau thương và ân oán từ con người Hitler, dân-tộc Nga từ Stalin và dân-tộc Trung-hoa từ Mao.

 

Tại sao?

 

            Tại sao giờ đây vẫn còn cần một cuốn sách đồ sộ như thế này về Hồ?  Trước tiên, theo tôi nghĩ, là do một sự tò mò khá tự-nhiên ở nơi mỗi chúng ta.  Nước mất, nhà tan, mất sự nghiệp, mất quê hương, mất bạn bè, mất anh em, thế nào chẳng có lúc lòng ta trùng xuống, muốn hiểu tại sao lại có thể đã đến một sự đổi đời như thế này.  Ta đi tìm những nguyên-nhân và một trong những nguyên-nhân trong các nguyên-nhân trực-tiếp dẫn đến thân-phận lưu đầy của chúng ta, chắc hẳn phải là con người xảo quyệt được biết đến dưới tên Hồ Chí Minh.  Cứ riêng sự-kiện ông đã dùng đến 150 tên khác nhau trong đời ông, theo sự nghiên cứu của một tác-giả Nga (Anatoli Sokolov, Viện phương Đông, Viện hàn-lâm khoa-học Nga) đủ chứng minh tính lươn lẹo, đổi da đổi màu như tắc kè của con người mà đến giờ này tên thật là gì cũng hãy còn có chỗ ngờ vực: Nguyễn Sinh Cung, thằng Côông, hay Nguyễn Tất Thành?

            Rồi như một nhà sử-học, chúng ta cũng không thể bằng lòng được với những ngày tháng, dữ-kiện khá mù mờ trong đời của con người mà đã có lúc hỗn xược tự gọi mình là “cha già dân tộc.”  Hồ sinh năm nào, đến nay cả sử-học miền Bắc cũng không dám khẳng-định dù như đã có lệnh từ trên là phải ghi thống nhất thành năm 1890.  Song Daniel Hémery, sử-gia Pháp, đã tìm được bộ đời của xã Kim Liên (làng Sen) để biết đích-xác phải là năm 1891 còn chính tay Nguyễn Tất Thành thì đã ghi 1892 khi xin vào trường thuộc-địa (bất thành), rồi lại khai 1895 khi làm giấy tờ đi Nga v.v.; về ngày sinh thì như ta biết, trước không có, đến năm 1946 mới có cái ngày 19-5 để cho trùng với ngày thành-lập Mặt Trận Việt Minh và đón Pháp vào Hà-nội.  Đến khi chết thì cũng lại ông Hồ chọn ngày Độc Lập 2-9 để mà chết, làm thành ngày “quốc-táng,” bắt sử-học của CSVN phải man trá trong nhiều năm khi cho ngày “Bác mất” là ngày hôm sau, 3-9-1969.  Mà đấy là ta nói về một con người đương-thời, của ngay chính Đảng CS thì thử hỏi, sử-học Hà-nội đáng tin cậy đến độ nào nếu ta càng trở về những thời xa xưa hơn?

            Ngay như “di-chúc của Bác” cũng bị Lê Duẩn bôi xóa đi ba chỗ để, thứ nhất, không thiêu “Bác” và đem rắc tro trên đồi Phú-thọ theo như “Bác” di ngôn, do chính tay “Bác” viết; thứ hai, khỏi miễn thuế nông-nghiệp cho dân cày trong vòng một năm như “Bác” mong muốn; và, thứ ba, làm tang-lễ rềnh ràng cũng như xây lăng để thành như một cái “mả tổ” tốn biết bao nhiêu tiền của cho Nhà nước hết năm này qua năm khác, lại còn di hậu-họa về sau.  Thật vậy, vì có gì đảm bảo là cái lăng sẽ không bị dẹp nay mai và xác của “Bác” vất xó khi đất nước trở lại tự do, dân-chủ?  Có người như ông Trần Khuê, vì muốn tránh cho “Bác” cái số-phận hẩm hiu “người chết hai lần” đó, đã đề nghị đem chôn cất “Bác” tử tế nói là để tiết kiệm công-quỹ cũng như để khỏi phải “động mả” “Bác” hàng năm khi đem xác “Bác” sang tận Nga đi ướp lại, thì giờ đây ngồi tù.

 

“Kỹ-nghệ viết về Hồ Chí Minh”

 

            Thành thử cứ riêng cái chuyện đời của ông Hồ này, chưa nói đến chuyện gái, cũng đủ ly kỳ để có thể viết thành tiểu-thuyết giả-tưởng nhiều chương hồi rồi.  Chẳng thế mà người ta cũng đã nói đến một “kỹ-nghệ viết về ông Hồ” mà ở trong nước cũng phồn thịnh không kém ở hải-ngoại.  Nếu ở trong nước người ta viết bắt đầu từ cái hơi có thật nhưng bao giờ cũng vẽ thêm râu thêm ria, hoa lá cành, loại mà tiếng Anh gọi là “hagiography” (“truyện các ông thánh”), đến chuyện không có thật như “minh triết Hồ Chí Minh” (tên một cuốn sách), thì ở hải-ngoại, sau Hoàng Văn Chí (From Colonialism to Communism: The Case of North Vietnam, New York: Praeger, 1964, được dịch sang hơn 10 thứ tiếng, kể cả tiếng Ả-rập, rồi sau lại được dịch sang tiếng Việt dưới tựa-đề Từ Thực-dân đến Cộng-sản) và Nguyễn Khắc Huyến (Vision Accomplished? The Enigma of Ho Chi Minh, New York: Macmillan, 1971), chúng ta có thể thấy, đặc-biệt từ năm 1989, những quyển như sau:

 

Trương Như Tảng, A Vietcong Memoir, Harcourt Brace Jovanovich, 1985. (Dịch từ tiếng Pháp.)

Cao Thế Dung, Chân tướng HCM và Cộng Sản VN, Cali: Hưng Việt, 1988.

Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu, Một ngôi trường khác cho HCM, Paris: 1989.

Hoàng Hữu Quýnh, Tôi bỏ Đảng, Paris, 1989.

Kiều Phong, Chân dung “bác Hồ,” Cali: Bất Khuất, 1989.

Huy Phong và Yến Anh, Exploring the Hồ Myth, Cali: Thằng Mõ & Mekong Tỵ Nạn, 1989.

Nguyễn Thế Anh, Hành trình chính trị của HCM, Paris: Nam Á, 1989.

Tôn-thất Thiện, Cái đúng và cái giả dối về chuyện HCM, Paris: Nam Á, 1989.

Bùi Xuân Quang, Những điều trông thấy trong cuộc đời HCM, Paris: Nam Á, 1990.

Lâm Thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất của HCM, sai lầm hay tội ác.  Paris: Nam Á, 1990.

Nguyễn Ngọc Huy, Vị trí HCM trong diễn tiến của tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, Paris: Nam Á, 1990.

      (Tất cả những bài trên đây, in chữ đứng, nằm trong một tác-phẩm tập-thể mang tên Hồ Chí Minh: Sự thật về thân thế và sự nghiệp, Bùi Xuân Quang của nhóm Đường Mới chủ-biên, Paris: Nam Á, 1990.)

 

 

Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, Cali: Nguyễn Phước tộc xb, 1990. (Dịch từ tiếng Pháp Le Dragon d’Annam, Paris: Ed. Plon, 1980.)

Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục Trung Nhật Ký,” Toronto và Montréal: Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, 1990.

Nguyễn Thuyên, Bộ mặt thật của HCM, Úc: Tiếng Chuông, 1990.

Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, Bắc-kinh, 1991.

Thành Tín (tức Bùi Tín), Hoa xuyên tuyết, Cali: Nhân Quyền, 1991.

Hồ Sĩ Khuê, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng, Cali: Văn Nghệ, 1992.

Bùi Tín, Mặt thật, Cali: Saigon Press, 1993.

Trần Quốc Vượng, Trong cõi, Cali: Trăm Hoa, 1993.

Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu], Hồ Chí Minh: Con người và huyền thoại, TX: Văn Hóa, 1993 và 1997.

Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc Hội, Cali: Văn Nghệ, 1995.

Bùi Tín, Về ba ông thánh, California, 1995.

Bùi Tín, Following Ho Chi Minh, Luân-đôn: Hurst & Co., 1995.

Hoàng Quốc Kỳ, Ma đầu Hồ Chí Minh, Cali: Mặt Trận Quốc Dân, 1995.

Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, Cali: Văn Nghệ, 1997.

Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Cali: Văn Nghệ, 1997.

Lữ Giang, Những bí ẩn đàng sau cuộc chiến VN, Cali: Tác giả xb, 1998.

Bùi Tín, La face cachée du régime, Paris: Editions Kergour, 1999.

Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Thượng Huyền dịch từ tiếng Trung-quốc sang tiếng Việt, Cali: Văn Nghệ, 1999.

Việt Thường, Chuyện thâm cung dưới triều đại HCM, Cali: Hưng Việt, 2000.

Trần Độ, Hồi ký II, Cali: Văn Nghệ, 2000.      

Nguyễn Minh Cần, Đảng CSVN qua những biến động trong phong trào CS Quốc tế, Cali: Tuổi Xanh, 2001.

Trần Gia Phụng, Án tích Cộng Sản Việt Nam, Toronto: Non Nước, 2001.

Việt Thường, Sự tích con yêu râu xanh ở Việt Nam, Cali: Quật Khởi, 2002.

Minh Võ, Tâm sự Nước Non, Ai giết HCM?, VA: Tiếng Quê Hương, 2002.

Trần Gia Phụng, Lột trần huyền thoại HCM / Exposing the Myth of HCM (Bản dịch tiếng Anh do Timothy Trần), Hội Chuyên Gia Việt Nam, 2003.

Nguyễn Phương Minh, HCM, tên phản quốc số 1 của thời đại, sắp xuất bản.

 

Hồ Chí Minh học đối-chiếu

 

            Xem thế đủ thấy là khác với lối viết “thánh-truyện” ở trong nước, theo đó “Bác” từ nhỏ đã không biết lầm lẫn là gì, trong đó phần bịa đặt nắm phần áp-đảo nên phải bịt miệng những người nói thật (như Vũ Kim Hạnh của tờ Tuổi Trẻ năm nào bị mất chức tổng-biên-tập chỉ vì nói là Bác có vợ), ngành Hồ Chí Minh học ở hải-ngoại tỏ ra đa dạng hơn nhiều và do đó có nhiều khả-năng tiếp cận sự thật hơn.  Không cần phải dông dài, ta cũng có thể thấy ngay là các tác-giả được in ở hải-ngoại nói trên gồm nhiều thành-phần: Từ một Trần Độ hay Hoàng Văn Hoan mà cho đến chết vẫn còn hoàn-toàn tin tưởng ở “Bác,” chúng ta có những người xưa ở trong hàng ngũ của ông Hồ nhưng nay đã vỡ mộng (Bùi Tín, Trương Như Tảng, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hữu Quýnh, Nguyễn Văn Trấn) đến những người mà uy-tín khoa-học được xem là cao (như các giáo-sư nổi tiếng Nguyễn Thế Anh, Bùi Xuân Quang ở Pháp hay G.S. Nguyễn Ngọc Huy ở Mỹ), những nhà sử-học được huấn luyện chính-quy (như Trần Gia Phụng ở Canada hay Vũ Ngự Chiêu, Lê Tùng Minh ở Mỹ), chưa kể là những người có nhiều kinh-nghiệm ở ngoài nước (như ông Nguyễn Minh Cần ở Nga hay Tưởng Vĩnh Kính ở Đài-loan, Trung-hoa Dân-quốc).

            Thành thử ngay nếu ngôn từ của một vài tác-giả hải-ngoại thỉnh thoảng có tỏ ra hơi nặng nề đối với ông Hồ, nói chung đọc các sách viết ở hải-ngoại về ông, chúng ta có một cái nhìn chính-xác hơn nhiều—do dựa vào những nguồn tin phong phú, do có nhiều quan-điểm khác nhau để ta có thể đối-chiếu, do được nói thật mà không phải quanh co, do một không-khí tự do hơn hẳn.  Chẳng thế mà một người như sử-gia Trần Quốc Vương, khi ở Hoa-kỳ thì viết được cuốn Trong cõi, trong đó có một bài rất nặng ký về Nguyễn Sinh Sắc, cha của HCM, khi về đến trong nước thì bị trù ếm, viết những quyển như Văn hóa Việt Nam, Tìm tòi và suy nghĩ (Hà-nội: Nhà xb Văn Hóa Dân Tộc, 2000), dầy gần 1000 trang nhưng cứ dăm ba trang lại phải tìm được cái gì để nói tốt cho ông Hồ—một điều thật ươn hèn và nhục nhã.

            Sự thực là nhờ vào không-khí tự do hơn mà một người như G.S. Lê Hữu Mục đã phơi bầy được những sự gian trá của ông Hồ Chí Minh trong cuốn Ngục-trung nhật-ký trong đó một phần không nhỏ có lẽ đã được ông thuổng từ một bạn tù người Hoa (vì nó không ăn khớp với những chi-tiết trong đời hoạt-động cách mạng của ông).  Cho đến nay, mấy học-giả ở Hà-nội đã cố gắng gián-tiếp trả lời những điều thắc mắc ông Mục nêu ra song vẫn chưa đủ vững để thuyết phục được người đọc.

 

Một cái nhìn cân nhắc

 

            Như vậy, một trong lý-do căn-bản cần có một cuốn như của ông Minh Võ, cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, chính là để đọc giùm ta, cả tài-liệu trong nước và ngoài nước, rồi phân-tích, cân nhắc để giúp ta đến một nhận-định mà tác-giả cho là chính-xác hơn cả.  Tôi xin lấy một hai thí-dụ.

            Có người, để chạy tội cho ông Hồ Chí Minh, cho rằng những quá-lạm của Cải cách ruộng đất ở miền Bắc là do CS Trung-quốc ép buộc Việt Nam phải tuân theo và một số thành-phần thân Trung-quốc trong Đảng CSVN, như Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt, chẳng hạn, đã vì mù quáng theo Tàu mà mang họa trên đại-quy-mô về cho toàn dân-tộc.

            Sau khi phân-tích các quan-điểm do nhiều người đưa ra về phần tội của ông Hồ Chí Minh trong CCRĐ, ông Minh Võ kết-luận như sau (trang 565):

Trên thực tế, Cải Cách Ruộng Đất là một bước đi bắt buộc trong cách mạng vô sản mà HCM đã trở thành tín đồ thuần thành.  Như thế, HCM chỉ thi hành nhiệm vụ của một tín đồ nên không thể đặt vào cảnh ngộ bị ép buộc bởi bất kỳ cá nhân nào.

     Tháo gỡ trách nhiệm [cho ông] không còn cần thiết và cũng là vấn đề bất khả, bởi tất cả đã được quyết định từ khi [ông] chọn đường.  HCM đã chọn con đường chủ nghĩa CS với cuộc cách mạng giai cấp diễn biến trường kỳ cho tới khi tận diệt giai cấp tư bản.  CCRĐ chỉ là một bước đi giai đoạn trên con đường dài thăm thẳm đó và là một bước đi không thể tránh.

            Về cuộc đời thánh thiện của Hồ Chí Minh, ngày nay chúng ta cũng biết quá nhiều về những bồ và vợ đùm đề của ông trong đó Pháp có (cô Bourdon, cô Marie Brière), Nga có (Vera Vasilieva), Trung-quốc có (Li Sam, Tăng Tuyết-minh), người Kinh có (Nguyễn Thị Minh Khai, Đỗ Thị Lạc), người dân-tộc cũng có (Tày, Nùng, Thái có đủ, mà bi-thảm nhất là trường-hợp cô Nông Thị Xuân, sau khi bị “Bác” dùng thì đến bộ-hạ của “Bác” là Bộ-trưởng Công-an Trần Quốc Hoàn hiếp rồi đem thủ-tiêu, cả chị lẫn em để bịt miệng).  Do vậy nên nỗ lực của Hà-nội che đậy chuyện này chỉ như là chuyện người lớn bảo với trẻ con là chúng sinh ra từ bắp cải ngoài vườn hay do cò mang đến.  Tóm lại, nghĩa là như đòi lấy thúng úp voi.  Vậy mà sử-học Hà-nội vẫn cố tình ép buộc cả nước phải theo mình thì ai mà tin được, mà theo nổi?

 

Một quyền sách phong phú

 

            Từ trên đến giờ, chúng ta mới nêu ra có trường-hợp những khác biệt về cách viết sử và đánh giá Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước.  Rõ ràng là hai cách nhìn ở trong và ngoài nước rất khác nhau, có thể gọi là một trời một vực, và dân-tộc ta chưa thể nói cùng một ngôn ngữ—nghĩa là đoàn-kết, hòa-hợp hòa-giải với nhau—ngày nào hai cách nhìn còn xa nhau vời vợi như thế này.  Đó là lý-do tại sao ta cần phải có một cuốn sách tầm cỡ như quyển của ông Minh Võ để giúp chúng ta duyệt lại tất cả các khía cạnh của từng vấn-đề liên-hệ đến con người Hồ Chí Minh và đến được một cách nhìn và đánh giá thống nhất.  Tại vì chỉ khi nào chúng ta có những cách nhìn giống nhau thì chúng ta mới đi cùng một con đường xây dựng lại quê hương được.

            Nhưng cuốn sách của Minh Võ còn có tham-vọng đi xa hơn thế nữa.  Vì khoảng một phần ba cuốn sách, trên 200 trang, là dành để ghi lại những nhận-định về và phần tiểu-sử Hồ Chí Minh do gần 20 tác-giả Tây-phương lên tiếng, từ William Duiker, Stanley Karnow, David Halberstam, Robert Shaplen, Ellen Hammer, Douglas Pike, Bernard Fall của Mỹ đến Philippe Devillers, Pierre Brocheux, Jean Lacouture, Sainteny, Michel Tauriac của Pháp, rồi P.J. Honey, Dennis Duncanson của Anh, Denis Warner của Úc, Sophie-Quinn Judge đi vào các văn-khố Nga hay Tưởng Kinh-quốc sục vào các văn-khố của Quốc-dân-đảng ở Đài-loan.

            Cuốn sách cũng đọc một cách rất nghiêm chỉnh các sách ở miền Bắc xưa kia và ở trong nước lúc này viết về “Bác” như các tác-giả Trần Dân Tiên hay T. Lan (hai bút-hiệu “Bác” dùng để đánh bóng “Bác”), Hồng Hà, Phùng Thế Tài, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Thị Bình, Hoàng Tùng, Sơn Tùng v.v.

            Có như thế mười chương tổng-kết về “Bác” và chế-độ do “Bác” dựng ra mới có giá-trị vì được đặt trên nền tảng của một sự lục soát hầu hết các tài-liệu có cơ-sở viết về Hồ Chí Minh từ trước tới giờ.  Lúc mới cầm quyển sách dầy cộm (gần 800 trang, bìa dầy) lên, tôi đã ngại là sẽ phải đọc nhiều đoạn trùng lập vì tránh sao nổi trở lại một số vấn-đề then chốt trong cuộc đời và sự-nghiệp của Hồ Chí Minh để đánh giá về ông.  Nhưng không, cái khéo của tác-giả Minh Võ là với mỗi tác-phẩm, tác-giả mà ông đề cập đến, ông đều chọn lựa kỹ càng để chỉ nêu ra một số điểm nổi bật về tác-phẩm hay tác-giả đó, tránh được sự trùng-dụng hay lập lại vụng về.  Có thể nói vì vậy mà ta biết là ta đang dứng trước một người cầm bút dầy dặn kinh-nghiệm, biết rất rõ cách nào lôi cuốn ta đi một mạch khá nhẹ nhàng qua hơn 750 trang sách khổ lớn.

 

NGUYỄN NGỌC BÍCH

Houston, TX, hôm ra mắt Tủ Sách Tiếng Quê Hương

Chủ-nhật, 25-IV-2004

 

 

 

 


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]