Công Nhân Việt Nam Đấu Tranh Kinh Tế hay Đấu Tranh Chính Trị?
Nguyễn Quang Duy Canberra, Úc Đại Lợi, 24/03/2006
Lý thuyết và thực tiễn
Lý thuyết kinh tế cho rằng bàn tay vô hình sẽ điều chỉnh cân bằng giữa cung và cầu hàng hoá, vốn, lao động, nguyên vật liệu... Thậm chí trong một nền kinh tế cạnh tranh toàn hảo ở đó không cần thiết có chính phủ. Và vì mọi thứ đều toàn hảo không có việc người bóc lột người hay việc kẻ giàu người nghèo.
Ở một cực điểm khác là nạn độc quyền. Trong mô hình này, nhà tư bản có quyền lực là tư bản (vốn) trong tay. Trong khi người lao động chỉ có sức lao động, để trao đổi lấy tiền lương. Nhà tư bản có toàn quyền quyết định số lượng hàng hoá sản xuất, số lượng lao động và tiền lương để tối đa lợi nhuận thu được.
Từ đó luật chống độc quyền hay chống cấu kết độc quyền ra đời. Luật này nhằm bảo vệ người tiêu thụ và người lao động không bị những nhà tư bản bóc lột.
Trên thực tế nền kinh tế quốc gia thường bao gồm rất nhiều nhà doanh nhân hay buôn bán nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ thường cạnh tranh gay gắt để sống còn. Và càng cạnh tranh thì mức độ bóc lột hay lợi nhuận càng bị triệt tiêu. Luật pháp cũng được dùng để xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Nói cách khác trong các xã hội hiện đại, chính phủ không can thiệp sâu vào đời sống xã hội chỉ dùng pháp luật để điều chỉnh các sai sót cuả thị trường.
Trong thời cách mạng cơ khí, số lượng lao động thặng dư từ khu nông nghiệp đổ về các khu công nghiệp kiếm sống là một cơ hội vàng cho các nhà tư bản sử dụng quyền lực có được để bóc lột giá trị thặng dư cuả những người lao động.
Karl Marx quan sát tình hình đời sống công nhân đưa ra lý thuyết giá trị thặng dư. Ông kêu gọi công nhân vô sản thế giới đoàn kết đấu tranh xóa bỏ các giai cấp, xây dựng một nền chuyên chế vô sản và thành lập một xã hội không có nhà nước. Lý thuyết cuả Marx đã trở thành một nền tảng lý luận và là công cụ cho các các đảng cộng sản trên thế giới sử dụng để cướp chính quyền.
Tuy nhiên trái với dự đoán của Marx, khi đã cầm quyền các đảng cộng sản lại tạo ra một giai cấp mới. Giai cấp này làm nồng cốt xây dựng các chế độ toàn trị. Giai cấp mới chiếm độc quyền về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục... ra sức bóc lột toàn thể xã hội, trong đó có tầng lớp công nhân. Dân chúng trong các quốc gia cộng sản thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.
Karl Marx không bao giờ có thể tưởng tượng được việc chính các công nhân Ba Lan đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Ba Lan đứng lên giải thể đảng và nhà nước chuyên chế vô sản. Tiếp theo đó nhân dân các nước cộng sản lần lượt đứng lên dành lại quyền làm chủ đất nước.
Ngược lại tại các quốc gia kỹ nghệ, chính phủ và quốc hội thông qua các chính sách và luật pháp từng bước hoàn chỉnh các khuyết điểm cuả nền kinh tế tự do. Giai cấp công nhân thì liên tục sử dụng nghị trường đấu tranh cho quyền lợi vật chất và tinh thần. Việc những người xuất thân từ giai cấp công nhân lãnh đạo các quốc gia dân chủ đã trở thành những việc rất bình thường.
Khẩu hiệu "nhân công rẻ"
Khi Liên Sô và các quốc gia Đông Âu chuyển mình trở thành những quốc gia dân chủ. Mất chỗ dựa cả vật chất lẫn lý luận, đảng cộng sản Việt Nam quyết định phải đổi mới kinh tế. Từ đó khẩu hiệu "nhân công rẻ" được liên tục sử dụng nhằm mời gọi tư bản thế giới đầu tư vào Việt Nam.
Nhân công rẻ cuả một điạ phương thường được đánh giá bằng mức lương tối thiểu. Đó là mức lương luật định thấp nhất mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động giản đơn, những người chưa qua đào tạo hay huấn luyện tay nghề.
Trên lý thuyết, trong một nền kinh tế thế giới cạnh tranh hoàn hảo, mức lương công nhân giản đơn của Úc cũng phải tương đương với mức lương công nhân Việt Nam hay công nhân các nơi khác trên thế giới.
Trên thực tế công nhân cuả các quốc gia kỹ nghệ đã kết hợp tạo thành những công đoàn đầy quyền lực. Các công đoàn này đại diện cho công nhân mặc cả với giới chủ và vận động chính phủ gia tăng quyền lợi luật định cho công nhân.
Do đó mức lương tối thiểu thường rất cao so với mức lương cung và cầu nhân dụng. Vai trò cuả công đòan là tiếp tục đấu tranh để mức lương có thể bảo đảm một mức sống tối thiểu, ít nhất là bắt kịp nạn lạm pháp và nhu cầu xã hội ngày một tăng.
Tại Úc mức lương này đang được ấn định vào khoảng $1,000 Mỹ kim một tháng. Vì mức lương được định quá cao so với mức cân bằng cuả thị trường, khả năng thuê mướn công nhân cuả giới chủ bị sút giảm, trong khi nhiều người muốn làm việc với mức lương thấp hơn không có việc để làm. Kết quả lương tối thiểu đã làm tăng số người bị thất nghiệp.
Trong chiều hướng tự do mậu dịch toàn cầu, nguồn tư bản thế giới đã đổ đến những quốc gia giàu nhân dụng (nhưng chậm phát triển kỹ nghệ) và dồn vào xây dựng các khu kỹ nghệ. Ở các nước này, số lượng lao động thặng dư từ khu nông nghiệp được hấp dẫn bởi đời sống đô thị đã đổ về các khu công nghiệp kiếm sống. Đây là cơ hội vàng cho các nhà tư bản sử dụng quyền lực có được để bóc lột giá trị thặng dư cuả những người lao động.
Chính phủ các quốc gia chậm phát triển lại sử dụng mức lương tối thiểu như một định mức để cạnh tranh thu hút nguồn tư bản quốc tế. Trong khi công đoàn độc lập yếu kém còn giới chủ quốc tế đầy quyền lực tạo áp lực ép mức lương tối thiểu rất thấp. Mức lương này chỉ chừng $100 Mỹ kim cho công nhân Phi Luật Tân và Thái Lan, $65 Mỹ Kim cho Nam Dương và Trung Quốc, $55 Mỹ Kim cho công nhân Cam Bốt ...
Trong trưòng hợp Việt Nam, "nhân công rẻ" vẫn là khẩu hiệu hàng đầu trong việc thu hút đầu tư, mở rộng kỹ nghệ, chạy theo con số tăng trưởng đã được đảng đề ra. Trong những năm đầu mở cửa, mức lương này đã được ấn định vào khoảng $55 Mỹ kim.
Vào cuối thập niên 1990, do cuộc khủng hoảng tài chính các quốc gia trong vùng Đông Nam Á đều quyết định giảm mức lương tối thiểu. Năm 1999, mức lương tối thiểu cho công nhân Việt Nam cũng được giảm xuống còn từ $30-45 Mỹ kim. Mặc dầu nạn lạm pháp ước tính chừng 30%, riêng giá lương thực thực phẩm đã tăng 42%, mức lương này vẫn được giữ cho đến hôm nay. Như vậy mức lương trên thực tế đã giảm ít nhất 30% so với năm 1999.
Để quyết định dời về những khu kỹ nghệ kiếm sống. Người lao động giản đơn thường so sánh lương nhận được dựa trên một số các yếu tố. Như chi phí giấy phép rời điạ phương và tạm trú, chi phí tạm cư, chi phí cho một mức sống tối thiểu, ... và một khoản để dành giúp đỡ gia đình. Đó là chưa kể những yếu tố tâm lý phải hy sinh.
Ngược lại người chủ hoạt động doanh nghiệp cũng phải dựa trên các chi phí, máy móc, nguyên liệu, thuế má,..., chi phí lao động. Đặc biệt là chi phí "thao trơn guồng máy" còn gọi là tham nhũng, được ước tính từ 20-30% giá trị thặng dự.
Ngay khi 40 ngàn công nhân đồng loạt đình công, ông Phan văn Khải đã vội vã ký sắc lệnh tăng mức lương tối thiểu một lúc 40 %. Việc làm này chỉ rõ sự yếu kém trong việc điều hành kinh tế quốc gia và sự thiếu quan tâm về quyền lợi và đời sống công nhân cuả Phan văn Khải nói riêng và cuả đảng cộng sản nói chung. Nó cũng chỉ thấy trong một thời gian dài người công nhân Việt Nam đã chịu bóc lột dã man bởi tư bản quốc tế và guồng máy công quyền.
Công nhân Việt Nam đấu tranh chính trị
Từ Viện Đại học Rice, Hoa Kỳ, nghiên cứu sinh Nguyễn an Nguyên với kiến thức kinh tế đã nhanh chóng và xuất sắc nhìn vấn đề từ góc cạnh xung đột lợi ích giữa chủ và thợ.
Tác giả bài viết trên đặt vấn đề dựa trên mô hình các quốc gia đã phát triển. Để bổ sung người viết xin đặt lại vấn đề dưạ trên một nền kinh tế vừa khởi động và đang phát triển như Việt Nam.
Các quốc gia đang phát triển cạnh tranh vốn đầu tư quốc tế bằng nhiều phương cách như giảm thuế, cho thuê đất giá rẻ, ... hay định một mức lương tối thiểu thấp. Việt Nam lại vừa mới mở cửa thu hút đầu tư quốc tế, nền kinh tế lại chưa đựơc cải tổ, cho nên khẩu hiệu chính vẫn là công nhân rẻ và kỷ luật (nghĩa là không đòi hỏi hay đình công).
So với mức lương trong vùng và với mức lương (sau lạm pháp) cuả Việt Nam từ hơn hai thập niên, dễ kết luận mức lương tối thiểu do nhà nước ấn định hiện thời đã thấp hơn mức lương nếu để thị trường quyết định rất nhiều.
Chủ nhân doanh nghiệp ngoại quốc thường lấy mức lương tối thiểu làm định mức để tối đa lợi nhuận. Mức lương quá thấp lại thiếu tiếng nói đại diện, đã làm nản lòng những người lao động tìm công ăn việc làm trong khu vực kỹ nghệ. Những người này có thể sẽ tiếp tục sống lệ thuộc vào gia đình (thất nghiệp) hay tiếp tục phục vụ trong các khu vực có năng suất và giá trị lao động kém hơn.
Điều này có thể thấy rõ, mặc dù Phan văn Khải đã ra quyết định sẽ tăng mức lương tối thiểu đến 40%, số người lao động về quê ăn tết không trở lại làm việc rất cao và các khu kỹ nghệ hiện đang lâm vào hoàn cảnh thiếu lao động một cách trầm trọng.
Điều này đồng nghiã với việc mức lương tối thiểu tại Việt Nam đã làm giảm cả số lao động lẫn tăng trưởng kinh tế.
Khi đặt vấn đề từ quan điểm kinh tế học hiện đại tác giả đã nhìn ra ở các quốc gia kỹ nghệ "quy định lương tối thiểu là kết quả của các cuộc mặc cả, gây sức ép liên tục và dai dẳng của công nhân với các nhà nước trong hàng trăm năm nay". Tác giả đã đưa ra 4 điểm đáng tiếc trong chính sách nhân dụng của Việt Nam.
1. Trước và cả trong sự kiện, hoàn toàn thiếu vắng các tổ chức nghiên cứu dự báo. 2. Đình công đã nổ ra và lan rộng trước khi các bên có cơ hội thương lượng về tăng lương. Nhà nước đã không thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu khi lạm pháp ngày một tăng. 3. Các cuộc đình công đều bất hợp pháp, người đấu tranh cho quyền lợi công nhân lại không phải là người đại diện theo luật định. Công đoàn nhà nước lại không quan tâm đến quyền lợi công nhân. 4. Không có các tổ chức phi chính phủ lo an sinh xã hội cho công nhân.
Từ đó tác giả đã kết luận "Xã hội không thể mãi đòi hỏi một nhóm xã hội vốn đã thiệt thòi phải tiếp tục chịu đựng thiệt thòi để các nhóm khác hưởng lợi. Đảm bảo cho các nhóm yếu thế được hưởng những thành qủa phát triển chính là đảm bảo cho pháp triển bền vững."
Quan điểm cuả đại diện công nhân đấu tranh thì thật rõ ràng: đây là một cuộc đấu tranh chính trị gây sức ép để đảng và nhà nước phải quan tâm và bảo đảm một đời sống tối thiểu cho công nhân. Trong một lá thơ gởi đến Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung Ương ĐCSVN, các đại diện công nhân ở nhiều xí nghiệp đã yêu cầu và đề xuất 8 điều kiện sau:
1. Trả lương cho chúng tôi theo đúng hợp đồng cuả nhà nước Việt Nam với các nhà đầu tư, thương gia nước ngoài có công ty xí nghiệp tại Việt Nam theo mức giá đồng USD thị trường. 2. Mức lương phải ngang bằng công nhân các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia... 3. Dẹp bỏ Công đoàn do đảng (CS) xây dựng đưa vào các công ty xí nghiệp. 4. Không được phát triển đoàn đảng trong hệ thống công nhân chúng tôi, để rồi quay lại đàn áp chúng tôi. Vì chúng tôi chỉ là những người đi làm mướn làm thuê bình thường, không muốn tham gia chính trị, chúng tôi không muốn hệ thống độc tài và độc quyền đeo đẳng chúng tôi, vì chúng tôi đã quá khổ rồi. 5. Chúng tôi có quyền tự hợp đồng lao động cá nhân và tập thể khi đã dẹp bỏ hệ thống công đoàn, vì hệ thống công đoàn không mang lại quyền lợi thiết thực cho chính người công nhân chúng tôi, mà chính họ lại ăn theo phần trăm sản xuất của chúng tôi, và mỗi khi chúng tôi muốn đòi hỏi quyền lợi chính đáng phải được sự đồng ý của công đoàn là phi lý. 6. Chúng tôi không phải đóng góp những khỏan tiền như xóa đói giảm nghèo và các loại tiền do công đòan phát động và trừ thẳng vào lương của chúng tôi như trước đây đã có. 7. Chúng tôi phải được quyền lợi như: bảo hiểm y tế, tiền lương hưu sau khi hết độ tuổi lao động, bảo hiểm tai nạn lao động rủi ro... 8. Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp với mức lương, tương xứng với công sức lao động. Những đòi hỏi ước vọng này, chúng tôi được thực hiện cũng không gây ảnh hưởng kinh tế thị trường và nền an ninh, như nhà nước và bộ phận công an thường cho là thế lực thù địch gây ảnh hưởng kinh tế quốc gia.
Ở điều kiện 5 và 6 các anh chị nêu rõ công đoàn một bộ phận của đảng đã trắng trợn bóc lột giá trị thặng dư cuả công nhân. Và công đòan độc lập là những đòi hỏi trong cuộc đấu tranh.
Sau đó các anh chị đại diện công nhân nêu rõ: "Nếu chúng tôi không được thực hiện 8 điểm yêu cầu kể trên, chúng tôi sẽ chọn một điểm phát động đấu tranh giành quyền làm chủ các nhà máy, xí nghiệp công ty cuả những tay tư bản ngoại quốc, như trước đây chủ nghiã cộng sản đã làm. Và chúng tôi làm đúng chính sách chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam, là nơi nào có bóc lột áp bức, nơi đó phải vùng lên đồng loạt giành quyền làm chủ; đánh đổ các tập đoàn tư bản; giành quyền làm chủ cho dân nghèo."
Cao trào công nhân đòi quyền sống mỗi ngày mỗi lan rộng từ Nam ra Bắc vào Trung và đang lan sang các xí nghiệp quốc doanh.
Công nhân trong những ngày sắp tới
Việc tăng lương một lúc 40% cho hằng triệu công nhân, cũng đồng nghĩa với lạm pháp phi mã trong những ngày sắp tới. Việc tăng lương sẽ không giải quyết được những khó khăn trong đời sống vật chất cuả người công nhân.
Ngược lại nhiều thành phần xã hội như nông dân, hưu trí, công chức, sinh viên, và cả công nhân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp cuả nạn lạm pháp. Như thế đời sống vật chất cuả các tầng lớp này đã khổ sẽ lại khổ hơn.
Vừa rồi Cao ủy Thương mãi Liên hiệp Âu Châu đề đạt áp dụng thuế chống phá giá lên giày nhập cảng từ Việt Nam. Nếu việc này xảy ra, sẽ dẫn đến việc hằng trăm ngàn công nhân phục vụ trong kỹ nghệ giày mất công ăn việc làm.
Việt Nam sẽ phải gia nhập WTO, điều này cũng đồng nghĩa với việc khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân sẽ phải cạnh tranh sống còn với sản phẩm các quốc gia khác. Thiếu khả năng và chính sách rõ ràng sẽ dẫn tới nạn thất nghiệp trầm trọng trong thời gian chuyển tiếp sắp tới.
Kết Luận
Lý thuyết kinh tế học hiện đại không phủ nhận việc công nhân (và cả người tiêu thụ) bị bóc lột. Bằng luật pháp, chính phủ cần can thiệp và xây dựng một thị trường lành mạnh. Một thị trường mà người đầu tư, người sản xuất, người lao động và người tiêu thụ đều có thể hưởng những cơ hội bình đẳng.
Đổi mới kinh tế nửa vời đã dẫn đến việc công nhân Việt Nam phải chịu một mức lương và những quyền lợi lao động thấp kém. Mặc dầu mức lương thấp khuyến khích đầu tư. Nhưng ngược lại làm nản lòng người lao động muốn tham gia vào thị trường nhân dụng.
Lập luận cho rằng mức lương Việt Nam thấp vì năng suất lao động thấp là điều dối trá và phi lý. Không thể chấp nhận được chuyện người lao động giản đơn Việt Nam lại kém năng lực hơn người lao động giản đơn Trung Quốc, Nam Dương, ... ngay cả Cam Bốt.
Nhà nước hiện còn nắm độc quyền về kinh tế và chính trị, các công cụ sản xuất (đất, nhà máy, máy móc ...), quyền hành (giấy phép, quotas, thuế má, bù lỗ, giá cả ...). Các khu vực kinh tế khác phải cạnh tranh một cách bất bình đẳng với các hoạt động độc quyền hay được bù lỗ của đảng và nhà nước. Tự bản thân guồng máy cũng đang bóc lột người lao động và người tiêu thụ.
Người lao động còn bị guồng máy bóc lột qua các tệ nạn tham nhũng, tệ nạn đóng góp cho công quỹ mà tài chánh và hiệu quả lại thiếu công khai minh bạch...
Các đường lối cuả đảng và nhà nước hiện đang kềm hãm khả năng tăng trưởng kinh tế và giới hạn khả năng phát triển, con người nói riêng và đất nước nói chung.
Khi nhà nước và luật pháp không bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. Hay ngược lại bất lợi cho người lao động. Lẽ dĩ nhiên họ sẽ phải đứng lên để tranh đấu cho quyền lợi của chính mình.
Ngoài nhu cầu vật chất, con người còn có nhu cầu về tinh thần. Nhu cầu này lại ngày một tăng thêm. Một thực tiễn không thể phủ nhận, ăn ngon, mặc đẹp, giáo dục nhân bản, y tế cơ bản, văn học nghệ thuật phục vụ cho con người... chỉ có thể thực hiện được tại các quốc gia hiến định, pháp trị và dân chủ./.
Tài Liệu tham khảo
Nguyễn an Nguyên, "Công đoàn - đình công - lương tối thiểu: từ góc nhìn vĩ mô", http://www.tuoitre.com.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=122433&ChannelID=269
Thơ gởi Nông Đức Mạnh - Yêu cầu 8 điểm của Công Nhân Việt Nam, http://danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=articles&sid=1249 [Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết] |