APEC HA NOI: Hỡi phóng viên, đừng chụp, hãy đi qua và về ngay


 Phạm Hồng Sơn
Hà nội 16/11/2006

 

 
Không  khí hội nghị APEC tại Việt nam đang trở nên sôi động và hối hả hơn bao giờ hết. Chỉ còn chưa đầy 24 hr nữa sẽ diễn ra cuộc gặp của các vị nguyên thủ 21 nền kinh tế APEC trong đó không thể không nhắc đến những cái tên nghe qua đã thấy đủ uy quyền Bush, Shinzo Abe, Hồ Cẩm Đào,  Howard….
 
Những tiếng còi xe hối hả, những dòng xe hỗn tạp thường ngày của người dân bỗng dưng phải dừng lại bất kỳ chỗ nào, cho dù không có đèn đỏ, và cắt ngang nó là một dòng xe khác bóng bảy, bầu bĩnh đều nhau với phía đuôi xe là tấm biển xanh mới tinh nổi lên chữ APEC trắng nối đuôi nhau chạy qua một cách đường bệ. Những tiếng còi hụ thỉnh thoảng lại rộ lên thất thanh trên đường phố, kéo sau nó là những chiếc xe camion loại nhỏ bọc vải bạt màu sẫm, trong thùng lộ ra những nhân viên công lực với bộ đồng phục sẫm màu, thấp thoáng bên cạnh là súng tiểu liên, dùi cui, bộ đàm. Nhìn ra xung quanh ở các khu vực phố chính của thủ đô quanh hồ Gươm, quanh các khách sạn lớn như Hilton, Horizon, Sheraton, nhất là khu vực quanh khu vực trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ đình, người ta có cảm giác như đang đi vào khu vực quân sự, các nhân viên công lực nịt chặt trong bộ sắc phục màu đen, giầy đen to sụ, các dụng cụ, thiết bị đeo lủng lẳng trên người, hai tay bành ra lăm lăm khẩu tiểu liên đen đậm đang đi lại nối nhau trên các hè đường. Trên các giao lộ và dọc đường đi trong thành phố đều thấy nhiều màu sắc phục khác nhau đang túc trực: màu đen của cảnh sát cơ động, màu xanh lá mạ của cảnh sát trật tự, màu vàng của cảnh sát giao thông, màu cỏ úa bạc màu với băng đỏ trên tay của lực lượng dân phòng và màu không thể nhận biết của các nhân viên an ninh chìm.
 
Những cảnh tượng trên dường như đã làm cho người bộ hành quên mất các biểu ngữ, đèn màu chăng đầy dọc các cột đèn, vắt ngang phố với những dòng chữ cổ động cho APEC. Những con phố được làm sạch sẽ một cách khác thường, các tụ điểm của trẻ em bán rong, gái mãi dâm đã được dọn sạch, khu vực dân oan Mai Xuân Thưởng chỉ còn lảng vảng những sắc phục công an. Không khí náo nhiệt, hồi hộp chờ đợi các nguyên thủ trong các khán phòng cũng râm ran trong dân chúng. Nhưng khoan, hãy để những cảnh đó lại, bởi đó chỉ là những hình ảnh bề ngoài, một chiếc áo khoác mà chủ nhà đã cố công tạo dựng bằng hàng trăm triệu Mỹ kim tiền thuế của người dân. Có những cảnh cần chú ý hơn và đặc biệt hơn và chỉ Việt nam mới có.
 
Hãy  đi qua ngõ 26 Lý Thường Kiệt, 11 ngõ Tràng Tiền, vòng qua 62 Ngõ quyền, ngược lên 37 Lý Nam Đế, chéo lên ngõ 69 Thuỵ khuê, vòng ra số 06 khu tập thể địa vật lý máy bay Trung văn-Từ liêm, quay về A11 phòng 420 Thanh Xuân bắc, ngược lại ngõ 45 chùa Bộc, hãy vòng qua tập thể Phương mai nhà A7 phòng 48, rồi vọt qua ngõ 01 Tạ Quang Bửu phòng 302 Z8, rồi xuyên qua số 104 Lê Thanh Nghị…. Đó không phải nơi trú ngụ của các đại biểu APEC, càng không phải là nơi gặp gỡ, trao đổi của các nguyên thủ, và cũng chẳng phải nhà quan chức của nước chủ nhà nhưng bên ngoài luô xôn xao, căng thẳng với trạm gác và những biển đề " No trespassing" , "No camera", " Restricted area", "No foreigner", xung quanh là những nhân viên mặc sắc phục cảnh sát và thường phục với băng đỏ luôn sẵn sàng xét hỏi bất kỳ ai vào khu vực đó, đặc biệt người nước ngoài sẽ bị chặn lại từ xa và yêu cầu rời khỏi khu vực với lý do đảm bảo an ninh (?!?).
 
Có một đặc điểm chung cho các địa chỉ liệt kê ở trên là ở đó luôn có những người đã và đang lên tiếng phản đối chính sách độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam, đòi hỏi phải có tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, trong đó những cái tên như Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thuỷ, Nguyễn Phương Anh, Bạch Ngọc Dương, Lê Chí Quang,.. không còn xa lạ với các tổ chức nhân quyền quốc tế. Sẽ thật sự là thiếu sót nếu không kể đến Sài gòn và cả thành phố cao nguyên Đà lạt, khúc ruột miền trung xứ Huế, và tất cả các vùng miền trên đất nước Việt nam tình trạng các nhà bất đồng chính kiến bị kiểm soát hăm doạ cũng không kém Hà nội. Theo thông tin của ban tổ chức có khoảng 2000 nhà báo đăng ký đưa tin về hội nghị APEC, chắc chắn, trong đó phần lớn sẽ là các nhà báo đến từ các nền chính trị đa nguyên, bởi trong APEC chỉ có 02 thành viên duy nhất còn duy trì thể chế chính trị độc đảng là Trung quốc và nước chủ nhà.
 
Đưa tin về APEC không thể chỉ đưa tin về hội nghị trong khán phòng, mà thiết nghĩ, còn phải cập nhật tin tức về đời sống cư dân và cách hành xử của nhà cầm quyền bên ngoài hội nghị, đó sẽ là những thông tin trung thực nhất, phản ánh bản chất chính xác nhất của chế độ hiện hành. Muốn có hợp tác tốt đẹp và bền vững cho dù chỉ là kinh tế, không thể không tìm hiểu sự trung thực và chính trực của đối tác. Ngoài khán phòng lộng lẫy, nguy nga, ngoài ly rượu thơm và món quà sang trọng, ngoài những hợp đồng kinh tế mang nhiều con số, ngoài những chủ đề lớn lao như Doha, không thể không biết chủ nhà đối xử ra sao đối với chính cư dân của họ.
 
Mọi sự phát triển đều có chung một cứu cánh là tự do, hạnh phúc. Trên tinh thần nhân loại, mỗi Con người không thể thấy hạnh phúc khi đồng loại của mình đang bị tước bỏ những quyền cơ bản, và điều trớ trêu nhất là sự tước bỏ, chà  đạp đó lại do chính bộ máy cầm quyền của nước chủ nhà APEC gây ra. Hãy bớt đi những tấm hình lộng lẫy, hãy lược đi những video clip trong khán phòng, hãy rút ngắn các bài phóng sự về cuộc gặp gỡ của các nguyên thủ. Hãy qua các địa chỉ trên, hãy tận mắt chứng kiến, và xin hãy đừng nâng ống kính hay nháy flash vì sẽ bị thu ngay và chỉ cần viết lại những điều đã thấy và ghi chú điều đó đang xảy ra ngay trong thời gian diễn ra hội nghị APEC Hà nội 2006, như thế đã góp một phần đáng kể để lột trần cái ác, cái phi nhân tính. Ai dám bảo như thế không phải đưa tin về APEC!

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]