Phải đặt vấn đề tù chính trịLuật sư Trần Thanh Hiệp
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters without Frontiers), từ Paris, đã ra một Thông cáo tố tiết lộ rằng mặc dù được ra khỏi trại tù, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và giáo sư Nguyễn Đình Huy vẫn chưa được tự do thực sự.
Nhà riêng của hai nhà trí thức tranh đấu dân chủ này vẫn bị công an mặc thường phục liên tục canh chừng nghiêm ngặt. Nói chung, hai nhân vật đối kháng nổi tiếng vẫn tiếp tục phải chịu nhiều hình thức quản chế trá hình và sách nhiễu trực tiếp xâm phạm các quyền tự do của họ làm cho họ bị đẩy xuống hàng công dân hạng nhì nghĩa là những tù nhân trong một nhà tù lớn hơn tuy phần nào bớt khe khắt hơn nhà tù họ vừa được rời bỏ.
Như vậy, về mặt nhân quyền, việc họ được cho ra về không có ý nghĩa đích thực của biện pháp mà nhà cầm quyền gọi là “trả tự do” và tình trạng nhân quyền ở Việt Nam do đó vẫn đáng quan tâm. Luật sư Trần Thanh Hiệp nêu một số ý kiến về vấn đề này, bài doViệt-Long và Phạm Điền trình bày. Ông Trần Thanh Hiệp từng là luật sư hai tòa thượng thẩm Sài Gòn và Paris.
Chuyển sang một trại giam khác.Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, người có rất nhiều kinh nghiệm bản thân về việc ngồi tù dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam, đã nói rằng được nhà cầm quyền cho ra về không có nghĩa là được trả tự do mà là được chuyển sang một trại giam khác, rộng hơn.
Tức là không bị giam trong nhà tù nữa nhưng vẫn bị giam ở ngay trong xã hội. Tình trạng này đã kéo dài nhiều thập niên rồi và vẫn còn đang tiếp diễn, đối với Hòa Thượng Quảng Ðộ cũng như đối với nhiều tù nhân khác nữa.
Một trong những trường hợp điển hình gần đây nhất là truờng hợp của hai nhân vật đối kháng nổi tiếng ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Ðình Huy và bác sĩ Nguyễn Ðan Quế. Ông Huy và ông Quế là hai nhà hoạt động ôn hòa chống chế độ để đòi dân chủ nên đã nhiều lần được thả rồi lại bị bắt lại.
Ðầu tháng này hai ông Huy và Quế, cùng với 4 nhà đối lập khác, được phép rời nhà tù để về nhà riêng, nhưng Tổ chức phóng viên không biên giới cho biết họ vẫn nằm trong tình trạng bị bao vây bằng các biện pháp hành chính, công an.
Vì sao vẫn còn tiếp diễn?Ðứng về mặt nhân quyền mà xét thì mặc dù hai ông Huy và Quế không còn ở trong nhà tù nữa, nhưng nhân quyền của hai ông vẫn bị nhà cầm quyền chà đạp dưới lý do này hay lý do khác. Bởi vậy quả thật có những lý do thực khiến cho tình trạng nhân quyền ở Việt Nam chưa thể coi là đã được cải thiện một cách đáng kể để giải tỏa mối quan tâm của dư luận quốc tế.
Vì sao thảm trạng phi nhân quyền này vẫn tiếp diễn? Có nhiều nguyên do, ở đây chỉ nhấn mạnh trên hai nguyên do. Thứ nhất, nhà cầm quyền Hà Nội không chịu thay đổi chính sách cố hữu của mình về nhân quyền, mà thực chất là phi nhân quyền, không công nhận cho người dân được hành sử những nhân quyền luật quốc tế đã minh thị công nhận nhưng luật quốc nội do Hà Nội làm ra lại hạn chế tối đa, đến mức chúng bị phủ nhận hoàn toàn trên thực tế.
Do đó, có thể nói rằng chính sách về nhân quyền của Hà Nội có hai mặt, mặt đối ngoại nhằm xoa dịu dư luận quốc tế và mặt đối nội dùng để đàn áp không nương tay những người không chịu theo đường lối độc tài đảng trị giả danh dân chủ của Ðảng cộng sản.
Thứ nhì, cũng vì vậy, đặc biệt về mặt chính trị, vì nhu cầu bảo vệ bằng mọi giá độc quyền cai trị của mình, Hà Nội đã ngang nhiên trắng trợn vi phạm nhân quyền của đối lập cũng như của người dân. Hà Nội vẫn duy trì gần như nguyên vẹn, nhất là trên địa hạt luật hình sự, những công cụ đàn áp của những năm 80, thời kỳ Hà Nội chính thức thiết lập nền chuyên chính vô sản.
Bộ Luật hình sự năm 1999 tuy có rất nhiều sửa đổi nhưng riêng về Chương XI liên quan tới các tội gọi là “xâm phạm an ninh quốc gia” thì không là gì khác hơn những sao chép của Bộ luật hình sự cũ, ban hành từ thời chuyên chính
Tương quan bất bình đẳng.Cuối năm 2001, trước cao trào dân chủ toàn cầu, Hà Nội cảm thấy không thể tiếp tục kiên trì trong ý đồ chuyên chế, nên đã phải sửa đổi Hiến pháp, chịu ghi vào văn bản này chữ “dân chủ” mà họ đã xóa đi trong nhiều thập niên trước, để đất nước bước hẳn vào con đường “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”.
Muốn có dân chủ thì trước hết phải xóa bỏ loại tương quan bất bình đẳng giữa chính quyền với dân chúng, giữa những người cầm quyền và phe đối lập, giống như ở các nước văn minh trên thế giới.
Nhưng nhà lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam lại cứ giữ nguyên những tương quan cũ, tự cho mình quyền ban phát nhân quyền cho dân chúng, ép buộc người dân phải cúi đầu nhận chịu trật tự chính trị bất bình đẳng giữa dân và Ðảng cầm quyền.
Ai không theo đường lối cai trị của Ðảng thì dùng pháp luật do Ðảng làm ra, Ðảng áp dụng, để trừng trị như những thường phạm. Bởi vậy, chừng nào mà chưa có được sự thay đổi cơ bản này thì không hy vọng gì cải thiện được tình trạng phi nhân quyền ở Việt Nam.
Không có tù chính trị ?Cho đến nay, nhà cầm quyền Hà Nội, từ trên xuống dưới, một mực nói rằng ở Việt Nam không hề có tù chính trị. Trái lại, thực tế cho thấy rằng tất cả những người chống đối đường lối cai trị không dân chủ ở Việt Nam đều là những người tù chính trị.
Giáo sư Nguyễn Ðình Huy đã phải ngồi tù tới 29 năm vì ông công khai hoạt động chính trị. Ðó cũng là trường hợp của Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế mà trên 20 năm tù đã là cái giá ông phải trả cho các yêu sách dân chủ ông đã đưa ra trước dư luận. Nhiều người tù khác nữa như Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Trần Khuê, Phạm Quế Dương v.v..., đều đã bị bắt giữ, xét xử vì hành động chính trị.
Tưởng đã đến lúc Hà Nội phải nhận rõ sự thật hiển nhiên này để sớm từ bỏ hy vọng hão huyền, mong dùng thủ đoạn ở ngoại vi và cấp cứu, để hòng vô hiệu hóa những biện pháp chế tài đã được dự liệu cho những hành động vi phạm nhân quyền có hệ thống, thường trực và qui mô lớn đang làm cho dư luận quốc tế quan tâm.
Không có con đường nào khác ngoài dân chủ hóa thực sự chính sách nhân quyền của mình. Ðiều mà Hà Nội nên làm và cần làm ngay là sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi pháp chế, dứt khoát bỏ hẳn cách xét xử khinh miệt nhân quyền, nhìn nhận một cách chính thức và trong sáng cho người dân được hành sử những nhân quyền liệt kê và qui định trong luật quốc tế mà Hà Nội đã tham gia.
Không cải tạo được những tương quan chính trị bất bình đẳng hiện nay giữa chính quyền và dân chúng thì không thể có dân chủ. Và không có dân chủ thì dân không thể giàu, nuớc không thể mạnh, xã hội không thể công bằng, đất nước không thể văn minh.
2005.02.22
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết] |