NHẬN XÉT VỀ «TÀI LIỆU TẬP HUẤN» NỘI BỘ 2006

của Ban Tôn giáo trung ương về biện pháp đối phó với

người Hmong theo Kitô giáo miền Tây Bắc

 

«… phải quyết tâm chinh phục sự phát triển nhanh chóng và tự phát không bình thường của đạo Tin lành trong vùng.» (phần ‘Mục tiêu’ trong Bài học 3, đoạn V, 1.)

Đầu năm 2005 Việt Nam vẫn trắng trợn phủ nhận sự hiện hữu của tín đồ kitô giáo Tin lành ở các tỉnh miền Tây Bắc, mặc dù từ 17 năm trước đó, điều hiển nhiên là đã có hơn 200.000 người Hmong theo đạo Kitô.

Năm 2004 và 2005, dưới áp lực quốc tế, chính quyền Việt Nam đã ban hành pháp lệnh mới về tôn giáo. Họ hứa sẽ giáo dục cán bộ toàn quốc về những đạo luật mới này, hầu cải thiện những thành tích u ám của một chính sách tôn giáo đã từng buộc chính phủ Hoa ký phải liệt Việt Nam vào hạng một «nước cần quan tâm đặc biệt» trong những năm đó.

Trắc ngiệm điển hình nhất là các tỉnh miền Tây Bắc, một vùng từng bị áp bức từ lâu. Năm 2000 một chiến dịch được khởi động dưới tên «chương trình 184» nhằm diệt tận gốc Kitô giáo. Một cuộc đàn áp đại quy mô. Nhiều lãnh tụ kitô Hmong bị đánh đập, bỏ tù vô cớ và có người bị thảm sát. (Cái chết được báo cáo trong thời gian gần đây nhất là ông Sung Chong Chu, một lãnh tụ lão thành, tại huyện Điện Biên Đông ngày 9.12.2005. Việc này vừa mới được đưa ra ánh sáng và chưa công bố.) Nhiều người Hmong bị đày xa quê cha đất tổ của họ. Theo tài liệu trên, có chừng 20.000 tín đồ đã trốn xuôi Nam xuống miền Cao nguyên.

Tài liệu tập huấn này đã được áp dụng ít nhất từ tháng 5/2006, và được rơi vào tay người kitô Việt Nam trong tháng 8. Nó thể hiện sự thi hành pháp lệnh mới về tôn giáo theo cách diễn giảng của Ban Tôn giáo trung ương của Nhà nước Việt Nam đối với dân tộc ít người ở các tỉnh Tây Bắc. Đây là một cách thi hành pháp luật gây nhiều hoang mang nếu hiểu là nó phát xuất từ một cơ quan của chính quyền trung ương có trách nhiệm đặc biệt về việc quản lý các tôn giáo, chứ không phải từ một kẻ thừa hành địa phương cứng đấu nào tự phát.

Tài liệu trưng ra cái luận điểm cũ rích là đạo Tin lành là thành phần của chương trình «diễn tiến hoà bình» của đế quốc Mỹ và những đồng minh không nêu tên, mà mục đích là chống phá Cách mạng. Nó cũng công nhận rõ ràng là chính quyền địa phương đã dựng lên những «biện pháp đặc biệt» để đối phó với Kitô giáo, kể cả cưỡng ép các tín đồ phải từ bỏ đức tin của họ. Chính quyền Việt Nam luôn phủ nhận sự việc này.

Tuy nhiên, điều khác biệt với quá khứ là tài liệu tập huấn chấp nhận rằng có một số người Hmong và dân tộc thiểu số khác có nhu cầu tôn giáo chính đáng, và vì vậy những người này được đăng ký sinh hoạt tôn giáo ! Trong khung khổ một cơ chế từ trước đến nay vẫn từng phủ nhận có tín đồ kitô hữu, thì đây có thể coi là một bước tiến.

Điều gây hoang mang đến độ không thể chấp nhận, là chính quyền chỉ định một cách đơn phương và chủ quan những ngưòi Hmong nào là người có nhu cầu tôn giáo chính đáng và được phép hành đạo theo những thủ tục và lề luật khắt khe, và những người Hmong nào phải được «kiên trì vận động và thuyết phục trở lại tín ngưỡng truyền thống» của họ.

Có những ê kíp cán bộ làm việc thanh tra khắp các vùng miền Tây Bắc để đánh giá ai là tín đồ kitô. Họ được lệnh phải chia tín đồ thành ba loại :

-          loại 1 là những tín đồ chứng tỏ sự hiểu biết đức tin của họ và có nhu cầu sinh hoạt thờ phượng trong làng xã ; ho là những người được phép đăng ký ;

-          loại 2 là những người xưng mình là kitô nhưng không hiểu biết gì về đức tin của họ mà lại hay tụ họp thờ phượng ; những người này được khuyến khích trở về với nếp sống cũ, và nếu họ khiếu nại thì chỉ được phép thờ phượng cá nhân tại gia, không được có giáo viên hướng dẫn và sự hiện diện của người đồng đạo khác ;

-          loại 3 là những kitô tân tòng, thì không có cách nào khác là phải được «huy động và thuyết phục» trở về tín ngưỡng truyền thống.

Đây là biện pháp cưỡng ép bỏ đạo, thường dùng đối với hầu hết tín đồ kitô Hmong trong qua khứ gần đây, mà lẽ ra đã bị cấm đoán trong pháp lệnh mới.

Phải cố tưởng tượng tâm trạng của những người Hmong bị thẩm vấn, từng người một. Những thẩm vấn viên là công an và người có chức năng trong chính phủ trung ương, tỉnh, huyện. Những người bị thẩm vấn có thể đã bị đánh đập trong những cuộc tảo thanh trước, và đã từng chứng kiến các lãnh tụ của họ bị lôi đi, bị hành hung và bỏ tù. Những vị chức năng của chính quyền có lẽ cũng chính là những cán bộ đã phát minh ra «chương trình 184» nhằm diệt tận gốc Kitô giáo. Hãy tưởng tượng một người phụ nữ Hmong khiếp sợ, nói tiếng Việt không rành, phải trả lời sự chất vấn như khảo thi về Kitô giáo trước mặt những cán bộ chính quyền chỉ muốn «nhổ sạch cỏ dại» kitô theo những tiêu chuẩn của họ.

Còn các lãnh tụ kitô giáo cũng bị chia thành hai loại. Một là những người có thái độ theo chính phủ. Hai là những người chống đối hoặc phản kháng. Những người này phải bị «tố cáo trước những công dân khác» theo kiểu cách cộng sản cũ.

Trong khi vài chính khách ngoại giao thấy có tiến bộ trong cách Việt Nam cho phép sinh hoạt tôn giáo cho vài dân tộc thiểu số miền Tây Bắc, thì các lãnh tụ tôn giáo ở Việt Nam đánh giá tài liệu tập huấn này một cách khác hẳn. Một số lãnh tụ hiểu biết, cả trong giới Hội thánh được nhìn nhận hợp pháp cũng như trong giới «nhà thờ tại gia» vẫn còn ngoài vòng được đăng ký, đều đã đọc và học kỹ tài liệu. Tất cả đều đồng ý là tài liệu này chứng minh rõ ràng sự «thiếu chân thật của chính phủ» khi chính quyền nói là muốn có sự thay đổi thật sự.

Họ nhận xét rằng mục đích của chương trình đặt ra cho người kitô miền Tây Bắc là QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT, GIỚI HẠN, CHẬN ĐỨNG và BẺ NGƯỢC lại phong trào kitô. Một cách nhìn khác là coi mục tiêu của chương trình này là trấn áp phong trào tại chỗ, không cho nó phát triển. Một phong trào bị trấn đọng lại chỉ có thể khô héo dần hoặc chết. Mục tiêu của chương trình nói rõ là «cương quyết áp chế» phong trào Tin lành. Làm sao có thể coi đó là tạo điều kiện tốt cho tự do tôn giáo ?

THI HÀNH CHƯƠNG TRÌNH MỚI

Nhìn qua những kết quả của chương trính được kê ra trong tài liệu cũng không có gì là phấn khởi. Năm 2002 và 2003, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), mà người kitô Hmong trực thuộc đã từ lâu năm, đã viết nhiều thư chấp nhận cho hơn 1000 nhà thờ của dân tộc thiểu số miền Tây Bắc. (Tài liệu tâp huấn tố cáo HTTLVN (miền Bắc) đã «đơn phương chấp nhận 500 nhà thờ miền Tây Bắc».) Năm 2005 và 2006, HTTLVN (miền Bắc) tiến thêm một bước là giúp 534 cộng đoàn người Hmong gửi đơn xin phép hành đạo tại địa phương thể theo pháp lệnh mới. Không một đơn nào được chính quyền Việt Nam hồi âm, ngay cả tỏ một cử chỉ lịch sự là nói đã nhận được. Chính phủ không màng tỏ chút tôn trọng đối với một Hội thánh được nhìn nhận hợp pháp đã dày công bênh vực người Hmong, thậm chí khi các lãnh tụ tôn giáo được biết về việc đăng ký là do tin từ Toà đại sứ Hoa kỳ trước tiên !

Từ tháng giêng đến tháng 5/2006, ông chủ tịch của HTTLVN (miền Bắc) được cố vấn về tư pháp đã gửi đơn xin đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho một số cộng đồng người Hmong.

Ngày 18.7.2006, cộng đoàn ở Xin Chai, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lai Châu, nhận được giấy phép sinh hoạt tôn giáo. Hình như điều này cũng không được thông báo cho chính Tổng thư ký Hội thánh và Hội đồng quản trị Hội thánh.

Cần phải biết là HTTLVN (miền Bắc) đang bị khủng hoảng vì một hố sâu giữa ông Chủ tịch Hội thánh và ông Tổng thư ký, được bầu trong đại hội cuối năm 2004 (đại hội được cho phép họp lần đầu từ năm 1984). Có những dấu chỉ chứng minh rõ ràng có bàn tay của chính phủ và sự khai thác của chính phủ trong cái hố đáng tiếc này.

Ngày 19.9.2006, ông Tổng thư ký nhận được một fax từ Toà đại sứ Mỹ ở Hà nội cho biết danh sách 18 nhà thờ dân tộc thiểu số được «đăng ký» do Ban Tôn giáo trung ương gửi. Toà đại sứ muốn biết ý kiến của Hội thánh về việc này. Ông Tổng thư ký, không biết gì về việc đăng ký nhà thờ dân tộc thiểu số cho đến khi được nghe tin này từ Toà đại sứ, bèn gửi tin ngay lên các tỉnh miền Tây Bắc và yêu cầu các lãnh tụ của 18 nhà thờ về Hà nội để được nghe tin về việc đăng ký. (Trong khi chương trình của tài liệu tập huấn lệnh cho cán bộ phải đăng ký ít nhất hai nhà thờ trong những tỉnh có tín đồ kitô Hmong, số 18 cộng đồng đăng ký này chỉ tụ trong năm tỉnh.)

Ngày 16 tháng 10, HTTLVN (miền Bắc) gửi một bản tóm lược 1 trang nhận xét đến Toà đại sứ, trong đó có 3 dòng bình luận tích cực và 31 dòng kê ra những điều kiện khắt khe mà những cộng đoàn vừa được đăng ký phải chạm trán. Nhiều bản nhận định từ ba nguồn khác nhau, trong đó có hai bản của người Hmong có liên hệ mật thiết với địa phương, đều công nhận những sự khắt khe này.

Dưới đây là một số những điều than phiền của 18 nhà thờ đã «đăng ký» :

-          Cán bộ chính quyền rình mò rất sát sinh hoạt thờ phượng của các nhà thờ, thậm chí gửi người tới tham dự việc thờ phượng, gây sự hoang mang cho tín đồ.

-          Hơn nữa, tại một vài nơi cán bộ bắt lãnh tụ tôn giáo phải đọc tên những tín đồ kitô đăng ký tại địa phương, và nếu người nào có mặt mà không có tên trong bản đăng ký thì bị đuổi ra.

-          Tại vài nơi, không ai dưới 14 tuổi được phép tham dự.

-          Những sinh hoạt bình thường trong giới nhi đồng, thanh niên và phụ nữ sẽ không được phép tiếp diễn nữa nếu không được ghi trên tài liệu đăng ký.

-          Tại một địa phương, chính quyền chỉ cho phép 25 gia đình trên 35 đã đăng ký, được tham dự việc thờ phượng, viện cớ những người bị từ chối là vì họ không có đăng ký gia đình tại chỗ. Lý do chính là vì họ đã kết hôn với một người không thuộc địa phương.

-          Thủ tục thẩm vấn thật kinh hoàng đối với nhiều người Hmong đã từng bị cán bộ đàn áp vì lý do tôn giáo và có tiền kiến kỳ thị. Trong tháng 10 qua, một trong những ê kíp thẩm vấn có ông Nguyễn Văn Thông (bí danh Ba Quốc) là người chóp bu đặc trách Tin lành trong Ban tôn giáo trung ương.

-          Tại vài nơi cán bộ cấm người lãnh tụ đã được chọn tiếp tục vai trò của mình, và ép cộng đoàn phải chọn một người khác làm việc dưới sự kiểm soát của cán bộ.

-          Có khi cán bộ chính quyền buộc chương trình thờ phượng phải theo đúng như những gì đã viết ra, và theo tuần tự đó. Không được bỏ quên hoặc thay đổi điều gì. Thật là lố bịch !

-          Khi so sánh các kinh nghiệm, các lãnh tụ Hội thánh nhận xét rằng chính sách tôn giáo mới của chính quyền được diễn giảng và thi hành theo nhiều cách rất khác nhau trong 18 cộng đoàn đăng ký, có nơi tương đối đễ dãi, có nơi rất khắt khe.

Những người từng làm việc với phong trào kitô miền Tây Bắc nhận xét rằng 18 «nơi tụ họp» kia không phải là những cộng đoàn lớn, và phần đông các lãnh tụ không đủ mạnh, nên dễ bị lèo lái.

Các lãnh tụ HTTLVN (miền Bắc) kết luận rằng các phương pháp do chính quyền dùng đều nhằm giới hạn số tín đồ kitô vào những người đã có tên trong tài liệu đăng ký, và không cho người mới được phép tham dự. Tóm lại mục tiêu của thủ tục đăng ký không phải là tạo điều kiện cho tự do hành đạo, mà là dùng nó như một dụng cụ để bóp chặt phong trào Tin lành.

Qua tài liệu tập huấn này, các lãnh tụ nhà thờ tại gia đã học được nhiều bài học và rút kinh nghiệm để dùng vào việc thương lượng và thảo chương trình về việc đăng ký các cộng đoàn của họ. Họ ghi nhận rằng cái ý đăng ký tên các tín đồ trong các nhà thờ phát xuất từ Ban Tôn giáo trung ương, và đã bị lạm dụng trong trường hợp người Hmong. Họ cương quyết chống đối biện pháp này. Không một tôn giáo nào khác bị bắt buộc phải theo thủ tục đó.

Cả những nhà thờ được chấp nhận cũng như nhà thờ tại gia đều thấy rằng tài liệu tập huấn chứng tỏ rõ ràng mục đích của chính phủ trong việc đăng ký là tạo một dụng cụ cho chính quyền để chèn ép sinh hoạt của Hội thánh Tin lành. Và do đó, khi được nhìn nhận hợp pháp qua thủ tục đăng ký, thì cũng một trật lãnh luôn sự đe doạ bị chính quyền lũng đoạn nhiều hơn.

Tài liệu này, tự nó và cách thi hành nó, vi phạm pháp lệnh mới vẫn còn rất giới hạn của Việt Nam về tôn giáo, đặc biệt khi nó nhằm «huy động và thuyết phục» tín đồ kitô giáo phải trở về tín ngưỡng cổ truyền và thờ phượng thần linh. Đó là cách Việt Nam thực hiện lời hứa cải thiện vấn đề tự do tôn giáo mà những người dân chủ không thể chấp nhận. Đó cũng là phần thưởng rất tồi cho công lao của những chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã từng dày công đấu tranh cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Chúng tôi rất thất vọng.

Một quan sát viên Tây phương

Việt Nam, tháng 10, 2006

(dịch từ Anh văn)

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]