Tự do cho Việt Nam, tự do cho em tôi

 Nguyễn Quốc Quân

Lời người dịch: Nhân kỷ niệm một năm ngày Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế bị bắt lần thứ ba tại Sài Gòn, báo National Review Online (NRO), một tạp chí chính trị uy tín tại Hoa Kỳ có khuynh hướng bảo thủ, đã phổ biến bài sau đây vào số báo ngày 17-03-2004. Tác giả bài này là Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân, bào huynh của Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế. Sau đây là bản dịch sang Việt ngữ bài: “Freedom for Vietnam, Freedom for My Brother” trên báo NRO. (Nhà báo Ðinh Từ Thức)

 

Một năm trước đây, vào ngày 17-03-2003 công an Việt Nam đã bắt em tôi là Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế tại trước cửa nhà ông ở Sài Gòn. Là người đã từ lâu vận động cho nhân quyền tại Việt Nam, Bác Sĩ Quế đã bị giam từ hồi ấy và bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài.

Bác Sĩ Quế đã phạm tội gì? Theo nhà cầm quyền Việt Nam, vào chiều hôm đó, ông ấy đang trên đường tới một quán cà phê để gửi qua internet một số tài liệu bất lợi cho chính quyền. Ðêm hôm đó, công an tới xét nhà ông, tịch thu nhiều giấy tờ, trong số có bản thông cáo báo chí phản bác lại lập luận của nhà cầm quyền (công bố năm ngày trước) nói rằng ở Việt Nam có tự do thông tin. Bản thông cáo viết: “Chúng tôi tố cáo trước thế giới rằng tất cả các phương tiện truyền thông tại Việt Nam đều là công cụ của chế độ để đảng sử dụng vào mục tiêu tuyên truyền. Ngay cả một tờ báo tư nhân độc lập cũng không có”. Trong thông cáo báo chí, Bác Sĩ Quế cũng kêu gọi hỗ trợ cho Dự Luật Tự Do Thông Tin tại Việt Nam năm 2003, do các Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Ed Royce và Zoe Lofgren đệ trình vào tháng Hai năm đó.

Vào tháng Năm năm ngoái, tôi được biết, dưới áp lực của Hoa Kỳ và áp lực từ nhiều nơi khác, nhà cầm quyền Việt Nam đề nghị thả Bác Sĩ Quế, với điều kiện ông ấy phải rời khỏi Việt Nam. Nhưng với ông ấy “Cưỡng bách lưu vong không phải là tự do, nên bác sĩ Quế vẫn tiếp tục ngồi tù.

Trước đó, Bác Sĩ Quế đã ba lần từ chối cơ hội rời khỏi đất nước. Một trong những dịp đó là khi quân Bắc Việt kéo vào Sài Gòn trước năm 1975. Bác Sĩ Quế đã tới bến tầu khi gia đình chúng tôi thoát đi trên một chiếc tầu. Thay vì cùng đi với chúng tôi, ông ấy đã quyết định ở lại. Là con người lý tưởng, Bác Sĩ Quế nghĩ rằng với tư cách là một y sĩ đã được đào tạo chuyên môn đầy đủ, ông ấy có thể đóng góp vào việc tái thiết Việt Nam sau chiến tranh, ngay cả dưới chế độ Cộng Sản.

Chẳng bao lâu, ông ấy thấy rằng mình đã lầm. Khi lên tiếng phản đối chính sách y tế của nhà cầm quyền về việc cho cán bộ đảng được ưu tiên trước người nghèo, Bác Sĩ Quế đã bị cách chức Trưởng Khu Nội Khoa tại Bệnh Viện Chợ Rẫy. Bất bình trước tình trạng thiếu các nhân quyền căn bản trên toàn quốc, Bác Sĩ Quế đã cùng với một số người lập ra Mặt Trận Quốc Gia Tiến Bộ. Mặt Trận theo đường lối bất bạo động trong nỗ lực vận động để nhà cầm quyền “giảm chi tiêu về quân sự, đầu tư vào các chương trình an sinh của người dân”, và đòi tổ chức bầu cử tự do, công bằng. Mặt Trận Quốc Gia Tiến Bộ bành trướng mau lẹ, và được nhiều giới trí thức tham gia. Mặt Trận xuất bản hai tờ báo chui và cả hai được giới sinh viên, trí thức hưởng ứng rộng rãi.

Nhà cầm quyền thấy đã đến lúc không thể chấp nhận những hoạt động của tổ chức này. Bác Sĩ Quế bị bắt vào tháng Hai năm 1978 cùng với 47 người trong tổ chức. Năm người đã chết trong tù. Khi phản đối thẩm quyền trại giam, ông đã bị biệt giam hai tháng trong xà lim một thước rưỡi x hai thước thiếu thốn mọi tiện nghi vệ sinh. Nhờ vào những nỗ lực vận động của Ân Xá Quốc Tế( Amnesty International), Bác Sĩ Quế được thả vào năm 1988. Một lần nữa, ông ấy đã từ chối đi định cư tại nước ngoài và trở thành hội viên Việt Nam đầu tiên của Ân Xá Quốc Tế và đồng thời ông cũng không chịu im tiếng.

Năm 1990, được gợi hứng và phấn khởi bởi các phong trào tranh đấu cho dân chủ tại Ðông Âu, Bác Sĩ Quế cùng một số những người đồng chí hướng thành lập Cao Trào Nhân Bản Việt Nam và vào ngày 11 tháng Năm năm ấy, ông đã đại diện Cao Trào đưa ra một bản tuyên ngôn kêu gọi một cuộc tranh đấu bất bạo động để thực hiện một thể chế tự do, dân chủ và đa đảng tại Việt Nam. Lo sợ trước ảnh hưởng của Bác Sĩ Quế và sự lớn mạnh của Cao Trào, nhà cầm quyền đã bắt ông lại vào ngày 14 tháng Sáu, 1990. Tháng 11 năm 1991, qua một phiên tòa trá hình chớp nhoáng trong nửa giờ, Hà Nội đã xử Bác Sĩ Quế 20 năm tù khổ sai, vì lý do “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Vào tháng tám năm 1998, do áp lực quốc tế, Hà Nội chịu nhượng bộ, nói rằng sẽ thả Bác Sĩ Quế nếu ông chịu đi sống ở ngoại quốc. Bác Sĩ Quế đã từ chối không chấp nhận, sau cùng ông vẫn được thả ra, nhưng bị canh giữ tại gia. Và một lần nữa, ông ấy đã từ chối không chịu im tiếng.

Mặc dầu bị nhà cầm quyền thường trực canh chừng và luôn làm khó dễ, từ nhà riêng, Bác Sĩ Quế tiếp tục viết và phổ biến những bài cổ võ tự do giao thương ở Việt Nam và chỉ trích chính sách của nhà cầm quyền Cộng Sản đối với các tộc thiểu số và các thành phần đối kháng. Các đường dây tiếp xúc với bên ngoài của ông bị cắt đứt, máy vi tính bị tịch thu, công an ngày đêm canh giữ quanh nhà, ngăn cản khách viếng thăm và làm khó dễ một số ký giả ngoại quốc.

Dầu vậy, bằng cách này hay cách khác, Bác Sĩ Quế đã đưa được tiếng nói của mình tới những người ủng hộ ông tại Việt Nam và tại Hoa Kỳ. Năm ngoái, sau khi ông bị bắt lần thứ ba vì đã cả gan bác bỏ lập luận của nhà cầm quyền có tự do thông tin ở Việt Nam, mười hai vị khôi nguyên Giải Nobel, kể cả Bác Học Torsten Wiesel, khôi nguyên Giải Nobel về Y khoa và là Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền của các Hàn Lâm Viện Quốc Gia Hoa Kỳ đã cùng ký tên trong một văn thư yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho Bác Sĩ Quế.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam năm ngoái tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, Bác Học Wiesel đã so sánh Bác Sĩ Quế như là một Andrei Sakharov của Việt Nam vì đã “kiên trì không chịu từ bỏ viễn kiến của ông về một đất nước tự do dân chủ và nỗ lực của ông để hoàn thành nó”.

Mười năm trước đây, Quốc Hội và Tổng Thống Hoa Kỳ đã chọn ngày 11 tháng Năm, ngày Bác Sĩ Quế công bố bản tuyên ngôn năm 1990, là Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam. Cùng với các lãnh tụ lưỡng đảng tại Quốc Hội hàng năm chúng tôi vẫn kỷ niệm ngày này kể từ năm 1994. Năm nay, chúng tôi lại kỷ niệm ngày này, để nuôi dưỡng niềm hy vọng của Bác Sĩ Quế về một nước Việt Nam tự do, và đó cũng là ước vọng chung của dân tộc Việt Nam.

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]