TỰ DO NGÔN LUẬN, QUYỀN CĂN BẢN CỦA CON NGƯỜI

VÀ NỀN TẢNG CỦA THỂ CHẾ DÂN CHỦ

 

 

Nguyễn Học Tập

(Bài tham luận tại ĐH Mạng lưới Nhân Quyền kỳ VI)

 

 

A – Quyền căn bản của con người.

Ước vọng dân chủ, quyền bình đẳng, quyền tự do ngôn luận cùng với một số quan niệm về quyền  tự do  khác của con người được viết thành văn bản trên dưới 200 năm nay, trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776 và Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách mạng Pháp 1789.

Nhưng những đòi hỏi của con người được đối xử bình đẳng với người khác, có quyền tự do phát biểu ý kiến để phổ biến tư tưởng của mình đến người đồng loại, nhứt là đến những người cùng sống gần gũi mình, sống trong cộng đồng với mình, có quyền quyết định lấy đời sống của cá nhân mình, quyết định để bảo vệ người thân thuộc mình và bảo vệ nhà cửa, đất đai nơi mình đang cư ngụ, là những nhu cầu căn bản của con người đã có từ ngàn xưa, từ thuở con người xuất hiện trên mặt đất.

Những nhu cầu căn bản trên của con người chúng ta vừa liệt kê, không có gì khác hơn là quyền bình đẳng, quyền tự do ngôn luận và thể chế dân chủ.

Các tư tưởng đó, chúng ta có thể tìm thấy dấu vết ngay trong ngôn ngữ Hy Lạp, từ thời Cộng Hoà Athene, thế kỷ thứ 2-3 sau Thiên Chúa Giáng Sinh.

-          Ngoài ra từ ngữ “ Demokratía”, là danh từ kép, do “ demos” : dân chúng; “krátos”: quyền hành. Quyền hành của Quốc Gia thuộc về dân chúng hay dân chúng là chủ nhân của quyền lực Quốc Gia. Hay “ quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân” hay “ Dân Chủ”, nói như ngôn từ của chúng ta,

-          Chúng ta cũng có “ Isonomía” là danh từ kép, do “ ísos”: như nhau; “ nómos”: luật lệ. Luật lệ như nhau cho tất cả mọi người hay “ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

-          Và chúng ta cũng có “ iségoria” là danh từ kép, do “ ísos”: như nhau; “ agorà”: cộng đồng. Mọi người đều như nhau, ngang nhau trong cộng đồng đang nhóm họp. Mọi người có quyền lên tiếng, bày tỏ ý kiến và biểu quyết như nhau trong cộng đồng đang tựu họp để quyết định mục đích và phương thức phải có liên quan đến cuộc sống chúng trong Thị Xã “ Polis”. Mọi người đều có quyền lên tiếng như nhau trong các buổi họp của cộng đồng để quyết định đường lối tổ chức ( Politica, Politique, Policy, Politik ) cho cuộc sống chung trong cộng đồng Thị Xã ( Polis ) hay “ tự do ngôn luận”.

Thể chế dân chủ tự do, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do ngôn luận vừa kể và những quyền căn bản khác bất khả xâm phạm của con người, được Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Đức 1949  liệt kê từ điều 2 đến điều 19, trước khi định nghĩa thể chế Quốc Gia ở điều 20. Điều đó cho thấy Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đặt nhân vị và các quyền bất khả xâm phạm của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận là quyền tối quan trọng, ở địa vị trung tâm điểm và tối thượng trong tổ chức Quốc Gia, ngay cả trước khi định nghĩa để xác định thể chế Quốc Gia.

Quốc Gia được xây dựng để phục vụ con người chớ không ngược lại. Do đó Quốc Gia đứng ra bảo vệ con người ngay ở điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp:

 Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm…

   Những quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người sẽ được kể sau đây là những quyêàn có giá trị bắt buộc trực tiếp đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp” ( Điều 1, đoạn 1 và 3, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Các cơ chế quốc gia là những chủ thể trực tiếp  được quy trách cho việc tôn trọng và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận.Tôn trọng và bảo vệ không có nghĩa chỉ là bảo vệ  khỏi bị vi  phạm, đàn áp, mà còn tạo các điều kiện thuận lợi  để  bảo đảm cho các quyền trên có thể được thực thi và tồn tại.

 

B – Tự do ngôn luận nền tảng của thể chế dân chủ.

Một trong những đăïc tính không thể thiếu của nền dân chủ, nếu muốn được gọi là dân chủ thật sự, là những người lãnh đạo Quốc Gia nói chung và Chính Quyền nói riêng là những người lãnh đạo do sự đồng thuận của đa số.

Nói cách khác, Chính Quyền trong thể chế dân chủ là Chính Quyền được chính danh hóa (légitimé) do sự đồng thuận của đa số.

Trong thể chế dân chủ, không ai tự cho mình là đại diện của dân, hành xử quyền của dân, do dân và vì dân, là đội ngủ tiền phong của nhân  dân,  nếu không được đa số dân chúng đồng thuận phong tước cho.

Quyền hành của thể chế dân chủ là quyền hành phát xuất từ hạ cấp, được thành phần dân chúng bị trị  phong cho, ngược với quyền hành trong chế độ quân chủ hay độc tài tự tôn, cho rằng quyền lực mình hành xử là quyền bính do họ tộc, cha truyền con nối hoặc do chính mình đoạt được, do đảng mình quy cho, do thiên mệnh hoặc do dân chúng đồng thuận mặc nhiên giao cho không cần kiểm chứng. Nói cách khác quyền hành trong thể chế quân chủ hay độc tài là quyền hành phát xuất từ bên trên.

Quyền hành không do dân chúng đa số đồng thuận phong cho, không phải là quyền hành dân chủ.

a)Tự do ngôn luận trong tiến trình chọn người lãnh đạo.

Cách thức chọn người đại diện mình  lãnh đạo trong thể chế dân chủ được Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức tuyên bố:

 Các Dân Biểu Hạ Viện ( Bundestag) được tuyển chọn qua các cuộc đầu phiếu phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín” ( Điều 38).

Các tĩnh từ “ phổ thông, trực tiếp, bình đẳng và kín” nêu lên những đặc tính khá minh bạch, có lẽ chúng ta không cần hay chưa cần đề cập đến, nếu chúng ta chưa xác định được thoả đáng tĩnh từ “ tự do”.

Từ ngữ “ tự do” ở đây, không chỉ dùng để đề cập đến động tác bỏ phiếu không bị giới hạn, không bị áp chế của người dân trong lúc bỏ phiếu, mà còn hàm chứa những điều kiện phải có trước đó. Bởi lẽ không có những điều kiện phải có ( sine qua non) trước đó, động tác được coi là “tự do ” trong ngày bỏ phiếu, sẽ không thể hiện được “tự do” bao nhiêu để có thể tuyên bố và bảo đảm cho dân chủ.

Đó là chưa kể đến những hình thức “ tự do giả tạo” của chính động tác bỏ phiếu.

Những điều kiện tiên quyết không thể thiếu, trước khi có cuộc bầu cử “ tự do”, có khả năng phong tước một cách dân chủ cho những ai đại diện dân lãnh đạo Quốc Gia là trong thời gian chuẩn bị, các quyền “ tự do ngôn luận, tự do truyền bá tư tưởng, tự do lập hội và tự do gia nhập hội” phải được tôn trọng.

Nói cách khác, trong thời gian chuẩn bị, người dân phải có quyền lập đảng và gia nhập đảng. Các chính đảng được tự do thành lập và hoạt động, có quyền tự do ngôn luận để phổ biến đến dân chúng lý tưởng dân chủ, các bậc thang giá trị phải được tôn trọng, chính sách lãnh đạo Quốc Gia và các chương trình khả thi và hữu hiệu mà mình muốn thực hiện cho Quốc Gia.

Muốn cho cuộc bầu cử có ý nghĩa dân chủ thực sự, các chính đảng phải có thời gian và tự do để phổ biến và thuyết phục dân chúng những gì chúng ta vừa đề cập.

Các chính đảng phải có quyền tự do ngôn luận, được xử dụng các phương tiện truyền thông để chuyển đạt đến dân chúng chủ trương và chương trình thực hiện cho đất nước. Các chính đảng phải được tự do thành lập, hoạt động, xử dụng các phương tiện truyền thông mà không bị hâm doạ.

Các chính đảng phải được tự do tạo ra dư luận quần chúng.

Bởi vì nếu chúng ta đồng ý rằng đặc tính không thể thiếu của thể chế dân chủ là

 Chính Quyền của thể chế dân chủ là chính quyền được phát sinh do sự đồng thuận của đa số dân chúng” ( Giovanni Sartori, Democrazia, Che Cosa è?, Milano, Rizzoli, 61),

thì “ …nền tảng của Chính Quyền dân chủ là sự đồng thuận của quần chúng” ( Dicey, A.V., Lectures on the Relation Between Law and Public Opinion in England during the XIX Century, London , MacMilan, 1905,3).

Chúng ta nên lưu ý là chúng ta đang dùng danh từ “ sự đồng thuận” ( consensus) của dân chúng thay vì “ dư luận quần chúng” ( opinio ). Dân chúng đồng thuận ( consensus, do từ ngữ La Tinh cum : với nhau, và sensus ( sentire): cảm thấy. Như vậy “ đồng thuận” (consensus): cùng chung với nhau cảm thấy, cảm thấy như nhau, từ đó liên kết nhau, chung nhiệm vụ với nhau).

Đồng thuận với nhau hay cùng cảm thấy như nhau về những gì:

-          đồng thuận nhau về các bậc thang giá trị và lý tưởng phải hướng đến trong việc tổ chức Quốc Gia,

-          đồng thuận nhau về định chế để thực hiện các lý tưởng và giá trị đó vào cuộc sống thực tế của cộng đồng Quốc Gia,

-          đồng thuận chọn người đại diện mình để thừa hành.

Nhưng muốn đồng thuận phải có ý kiến. Đồng thuận về vấn đề gì? Ý kiến là đối tượng của sự đồng thuận.

Nhưng ý kiến không tự dưng có được. Ý kiến được phát sinh sau khi chúng ta được thông tin, suy tư, chọn lọc, đúc kết.

Muốn có ý kiến quần chúng thật sự được tự do kết thành, trong thêû chế dân chủ, chúng ta cần có 3 điều kiện:

-          tự do tư tưởng,

-          tự do ngôn luận để truyền bá tư tưởng,

-          các nguồn thông tin đa nguyên.

Người dân phải được tự do thu thập các nguồn tư tưởng và có quyền kiểm soát những gì được nói ra, viết ra xem có phù hợp với sự thật hay không, những gì được nói được viết ra có phù hợp với sự thật đã được nói ra, đã xảy ra hay không.

Tầm mức quan trọng đó đã được Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đứng ra bảo đảm:

 Mọi công dân đều có quyền phát biểu và truyền bá một cách tự do ý kiến của mình bằng lời nói, bằng chữ viết và hình ảnh, và được tự do thông tin mà không  bị cản trở, từ các nguồn truyền thông mà ai cũng tham dự được…Tự do báo chí và tự do truyền thông bằng đài phát thanh ( phương tiện tân tiến nhứt đến năm 1949) và điện ảnh được bảo đảm. Không có một sự kiểm duyệt nào có thể được chấp nhận” ( Điều 5, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Thiếu quyền kiểm chứng sự thật làm bảo chứng, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận để truyền bá tư tưởng sẽ biến thành tự do lường gạt, tự do mạ lỵ, tự do truyền bá những điều thất thiệt.

Do đó quyền tự do ngôn luận được gắn liền với quyền tự do kiểm chứng sự thật và tố giác những tuyên truyền thất thiệt, lường gạt và mạ lỵ.

Nhà Nước XHCN với chế độ độc quyền giáo dục, kiểm soát phương tiện truyền thông, độc tôn về ý thức hệ XHCN, nghiêm cấm văn hoá và tư tuởng, tin tức của các “ người nước ngoài”, có tôn trọng tự do ngôn luận, phương tiện chính yếu để đưa đến sự đồng thuận đích thực, nền tảng của thể chế dân chủ không? Hỏi để chúng ta trả lời.

Tự do tư tưởng và tự do ngôn luận để truyền bá tư tưởng để kiến tạo dân chủ như vừa thấy, phải được bầu không khí an ninh che chở.

Được luật pháp che chở chưa đủ ( giả sử luật pháp có giá trị thực hữu trong cơ chế XHCN), cần phải có môi trường sống không làm cho con người phải sợ sệt. Hệ thống công an dày đặc kiểm soát từ thành thị đến thôn quê, một cử chỉ, một lời nói không “ nhất trí ” với Đảng và Nhà Nước đều không thể qua khỏi cặp mắt cú vọ của công an và đương sự sẽ được công an chiếu cố mời đi “ làm việc” ở văn phòng công an phường, công an xóm. Và ai có đặc ân được Đảng chiếu cố kỹ hơn, sẽ được Đảng cho đi “ học tập cải tạo” không biết ngày về. Trong bầu không khí vừa kể, người dân có được an tâm, che chở hay “ bảo đảm” của điều 5  Hiến Pháp 1949 CHLBĐ vừa kể không? Hỏi để chúng ta trả lời.

Bởi lẽ “ …một khi sợ không dám nói ra những điều mình suy nghĩ, dần dần nguời ta cũng sẽ không còn muốn suy nghĩ những điều mình không dám nói nữa” ( Giovanni Sartori, op. cit., 69).

Câu văn vừa trích dẫn của giáo sư Giovanni Sartori cho thấy sự liên hệ giữa tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Không có điều kiện để con người được tự do tư tưởng, thì tự do ngôn luận cũng không thể có được. Và không có tự do ngôn luận, sẽ không thể có tự do tạo dư luận và không có sự đồng thuận đích thực, yếu tố thiết yếu để chọn người đại diện một cách dân chủ lãnh đạo Quốc Gia.

Nói tóm lại, không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận sẽ không có Quốc Gia dân chủ đích thực.

b)      Tự do ngôn luận và dân chủ luân phiên.

Ai trong chúng ta cũng biết, trong một thể chế dân chủ, khi có cuộc bầu cử thì có kẻ thắng người thua.

Nhưng thua, không có nghĩa là bị loại khỏi vòng chiến, bị loại khỏi môi trường và đường lối chính trị lãnh đạo Quốc Gia. Thành phần thiểu số không thắng cử cũng cần thiết cho cuộc sống dân chủ như nhóm người đắc cử đương quyền ( G. Sartori, op. cit., 59-78).

Người Anh thường gọi thành phần thua cuộc, thiểu số đối lập, thất cử trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua là Chính Phủ Trong Bóng Tối ( Shadow Government).

Chính Phủ Trong Bóng Tối đang chờ để chuẩn bị ra ánh sáng lãnh đạo Quốc Gia trong nhiệm kỳ tới, với chương trình hiệu năng hơn  và hấp dẫn hơn những gì giới đương nhiệm đang làm.

Thành phần đối lập hành xử quyền đối lập của mình bằng cách chỉ trích, kiểm soát, thắng bớt, cân bằng, điều chỉnh chính hướng lãnh đạo Quốc Gia sao cho đường lối chính trị đó “thích hợp và hiệu năng”, mưu lợi ích cho xứ sở.

Ngay cả việc thành phần đối lập phản đối hay cắt giảm ngân sách công qũy hàng năm cũng đã là tiếng nói cảnh tỉnh cho “ thích hợp và hiệu năng” đối với đường lối và hoạt động của giới đương nhiệm. Đó là chưa nói đến những ý kiến đồng thuận, sửa đổi hay phản đối trên những lãnh vực khác, đối nội cũng như đối ngoại.

Với khả năng trung hoà, hạn chế quyền lực Quốc Gia mà giới đương nhiệm đang hành xử bằng những hoạt động của mình, thành phần thiểu số đối lập cộng tác tăng cường “ hiệu năng” cho nguyên tắc dân chủ và pháp trị để bảo toàn và nới rộng thêm khuôn thước tự do của cá nhân ( Gherig, “ Gewalenteilung zwissen Regierung und parlamentarische Opposition, in DVBL, 1971, 633s).

Sự hiện diện của thành phần thiểu số đối lập là tiếng chuông cảnh tỉnh luôn gióng lên bên tai rằng thời gian hành quyền của Chính Phủ đương nhiệm được tính từng ngày một. Cuộc đời của Chính Phủ đương nhiệm sẽ cáo chúng vào dịp tuyển cử tới, nếu họ không tuân luật pháp, đi ngược lại nhu cầu và ước vọng của dân chúng, nếu họ không quản trị hiệu năng và vì lợi ích chung, thay vì thiên vị, bè phái như họ đang làm.

Xác tính được vai trò trọng yếu không thể thiếu đó của thành phần thiểu số đối lập trong thể chế dân chủ, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ dành cho thành phần đối lập khả năng thực hữu để “ chỉ trích, kiểm soát, thắng bớt, cân bằng, điều chỉnh chính hướng Quốc Gia ” đối đầu với các âm mưu lạm quyền lúc nào cũng có đối với giới đương quyền.

Và đây là bằng chứng:

“ ( Viện Bảo Hiến Liên Bang sẽ quyết định) trong trường hợp bất đồng ý kiến hay nghi vấn về các vấn đề hợp hiến hay bất hợp hiến giữa luật pháp Liên Bang hay luật pháp của Tiểu Bang đối với Hiến Pháp hiện tại, hoặc giữa luật pháp của Tiểu Bang với các đạo luật của Liên Bang, nếu được Chính Phủ Liên Bang, Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/ 3 Nghị Sĩ Hạ Viện Liên Bang yêu cầu” ( Điều 93, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Đoạn văn “…Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/3 nghị sĩ của Hạ Viện Liên Bang yêu cầu” cho thấy Hiến Pháp 1949 CHLBĐ nâng cao khả năng “ đối lập” của thành phần thiểu số đối lập lên lằn mức “ khả thi ”.

Trong một Quốc Gia Liên Bang như CHLBĐ hay Hoa Kỳ, thành phần đa số đang chiếm đa số ghế trong Quốc Hội và lãnh đạo Chính Phủ Liên Bang. Nhưng thành phần thiểu số đối lập có thể đang lãnh đạo Chính Phủ ở một hay nhiều Tiểu Bang nào đó, cũng như đang chiếm 1/3 số ghế trong Hạ Viện Liên Bang. Hiến Pháp xác định là mỗi khi có một Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/3 nghị sĩ Hạ Viện Liên Bang yêu cầu là Viện Bảo Hiến sẽ duyệt xét tích cách hợp hiến hay vi hiến của các đạo luật mà giới đương quyền đưa ra.

Quyết định như vậy là Hiến Pháp trao cho thành phần thiểu số đối lập khả năng thực hữu kiểm soát tính các hợp hiến hay vi hiến các luật pháp được ban hành và hoạt động của Chính Phủ cũng như thành phần đa số trong Quốc Hội.

Nói cách khác Hiến Pháp 1949 CHLBĐ đã trao cho thành phần đối lập có thực quyền để thừa hành “ quyền và nhiệm vụ” đối lập của mình, bênh vực quyền lợi cho xứ sở, bênh vực quyền và tự do cho người dân.

Thành phần thiểu số đối lập trong Hiến Pháp 1949 CHLBĐ không phải chỉ là “ nghị gù, nghị gật”, và cũng không phải là nô bộc “ vâng, dạ” của Đảng và Nhà Nước, trong thể chế trong đó:

“…Đảng là Bậc Thầy không thể sai lầm về phương diện ý thức hệ; về phương diện áp dụng thực hành, Đảng là sự Chính Xác Tuyệt Đỉnh; về phương diện trí thức, Đảng là Thần Thánh” ( R.G. Wesson, Lenin’s Legacy: The Story of CPSU, in The Breznev Party, Standford Univ., Standford, California, 1978, 255).

Như vậy, thiểu số đối lập là yếu tố không thể thiếu để “ chỉ trích, kiểm soát, thắng bớt, cân bằng và điều chỉnh” cũng như là yếu tố “ dân chủ luân phiên” ( Alternanzdemokratie) của nền dân chủ đích thực, khác với lối hành xử độc tài, độc đảng, tự tôn và tự phong tước cho mình để cố bám lấy quyền lực ( Schneider- Zeh,  Parlamentsrecht und Parlamentspraxis in der Bundesrepublik Deutschland, Berlin - New York, 1989, 1063-1064).

Thiểu số đối lập không có quyền tự do đối lập, không có dân chủ luân phiên, sẽ không có dân chủ.

Sự hiện diện của thành phần thiểu số đối lập là hình thức bảo vệ dân chủ và làm cho“ Dân Chủ Cầu Tiến, Dân Chủ Hiệu Năng “ thay vì “ Dân Chủ Ngủ Gà Ngủ Gật, Dân Chủ Bè Phái, Dân Chủ Đảng trị “ và “ Dân Chủ Giả Dạng“ ( Gherig, op. cit. , id.).

Nhưng tất cả những gì cao đẹp vừa kể được Hiến Pháp giao cho thành phần thiểu số đối lập  để bảo vệ và làm cho dân chủ được phát huy sẽ trở nên vô dụng, nếu Hiến Pháp không đứng ra bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Và đó là những gì Hiến Pháp 1949 CHLBĐ đã tiền liệu:

 Mọi người đều có quyền phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, chữ viết và mọi phương tiện truyền thông khác, có quyền được thông tin, mà không ai được cấm cản, từ những nguồn tin mà ai cũng có thể biết được.

Mọi hành vi cắt xén, kiểm duyệt đều không thể được chấp nhận“ ( Điều 5, đoạn 1, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Không có quyền bày tỏ ý kiến để “ chỉ trích, kiểm soát, thắng bớt, cân bằng, điều chỉnh “, thực quyền Hiến Pháp dành cho thành phần thiểu số đối lập sẽ trở thành vô dụng.

c ) Tự do ngôn luận và kiểm soát hạn chế quyền lực.

Hai yếu tố vừa được bàn đến, tự do bầu cử và tự do đối lập, trong thể chế dân chủ không có mục đích gì khác hơn là tạo được một nhóm người đại diện lãnh đạo Quốc Gia nói chung và Chính Quyền nói riêng được sự đồng thuận của đa số chính danh hoá cho việc thừa  hành quyền lực Quốc Gia , hành xử trong giới mức hiến định và hiệu năng để bảo vệ người dân và đem lại lợi ích chung cho xứ sở.

Nhưng trong thể chế dân chủ, quyền lực Quốc Gia được trao cho các người đại diện thừa hành phải được người dân, chủ nhân của quyền lực tối thượng Quốc Gia luôn luôn kiểm soát và hạn chế, nếu không chủ nhân của quyền lực Quốc Gia có thể trở thành nô bộc cho giới cầm quyền, bị đàn áp và tước đoạt bởi những người đại diện, thay vì được họ phục vụ.

Đặc tính trước tiên của các Hiến Pháp của các Quốc Gia dân chủ Tây Âu là đặc tính bảo chứng ( garantisme), áp dụng nhiều kỹ thuật bắt buộc giới hành quyền đương nhiệm phải tuân theo, xác định lằn mức không thể vượt qua cũng như những điều khoản bắt buộc phải thi hành, để bảo vệ quyền và tự do của người dân, cũng như định hướng đường lối cai trị hiệu năng và không thiên vị.

Nhưng điều chúng tôi muốn đề cập ở đây không phải là nghiêng cứu và bình luận những kỹ thuật hiệu năng được áp dụng để bênh vực con người và tạo nên thể chế dân chủ thực hữu ( démocratie substantielle) trong các Hiến Pháp vừa được đề cập ( chúng tôi đã có dịp bàn đến trong bài “ SOẠN THẢO VÀ TU CHÍNH HIẾN PHÁP“).

Điều mà chúng tôi muốn suy tư ở đây, liên quan đến quyền tự do ngôn luận đang bàn, là tự do ngôn luận, yếu tố tối quan trọng để chọn người đại diện lãnh đạo quốc gia một cách dân chủ thực sự và bảo đảm cho nền dân chủ cầu tiến và hiệu năng, qua vai trò của thành phần đối lập, như đã nói.

Ngoài ra quyền tự do ngôn luận được các Hiến Pháp dân chủ Tây Âu dành cho dân chúng như là dụng cụ để kiểm soát hành vi của giới đương quyền lãnh đạo.

Ai trong chúng ta cũng biết để tránh quyền lực tập trung vào tay một chủ thể duy nhứt, vua trong thời quân chủ hay Đảng ở các Quốc Gia Cộng Sản,  các Quốc Gia dân chủ hiện nay phân chia quyền lực Quốc Gia theo  hàng ngang, lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền lực Quốc Gia được chia như vậy độc lập, để kiểm soát và cân bằng nhau ( Checks and Balances) theo tinh thần của Hiến Pháp Philadelphia 1787.

Ngoài ra cách phân chia hàng ngang như vừa nói, các Hiến Pháp dân chủ Tây Âu hiện nay còn phân chia quyền lực Quốc Gia theo hàng dọc, từ trung ương đến địa phương, cộng đồng địa phương ( vùng, tỉnh, quận, tổ chức xã hội trung gian, công đoàn, tổ chức kỷ nghệ và kinh tế…).

Nói cách khác Hiến Pháp đã trao cho các cộng đồng địa phương quyền tự do ngôn luận để cộng tác xác định đường lối chính trị Quốc Gia. Tiếng nói của cộng đồng điạ phương không phải là tiếng nói của người dân địa phương chỉ liên quan đến nhu cầu và ước vọng dân chúng sở tại, mà còn là tiếng nói của những người dân cư ngụ trên một phần lãnh thổ Quốc Gia bày tỏ ý kiến và đồng thuận liên quan đến đường lối lãnh đạo cho cả đất nước, để kiểm soát, hảm thắng, định hướng và quyết định trợ giúp giới lãnh đạo đương quyền.

Đó là những gì Hiến Pháp 1947 Ý giao phó cho người dân địa phương

- quyền đề xướng dự án luật Quốc Gia:

*“ Quyền đề xướng luật pháp thuộc về Chính Quyền, mỗi thành viên của Lưỡng Viện Quốc Hội và các cơ quan và tổ chức được luật hiến pháp giao cho.

          Dân chúng hành xử quyền đề xướng luật pháp, qua sự yêu cầu của ít nhứt 50.000 cử tri, bằng một dự thảo luật viết thành điều khoản “ ( Điều 71, Hiến Pháp 1947 Ý).

*“Hội Đồng Địa Phương ( Vùng) hành xử quyền lập pháp và thiết định quy chế được giao cho địa phương và các vai trò khác được Hiến Pháp và Luật Pháp quy trách cho. Hội Đồng Địa Phương có thể trình bày các dự thảo đến Lưỡng Viện quốc Hội“ ( Điều 121, id.).

- quyền triệu tập trưng cầu dân ý, bãi bỏ những đạo luật không thích ứng với nhu cầu và ước vọng dân chúng:

 Trưng cầu dân ý để bãi bỏ toàn diện hay một phần điều khoản luật pháp hoặc các sắc lệnh có hiệu lực pháp định sẽ được đề xướng , khi có 50.000 cử tri hoặc 5 Cộng Đồng Địa Phương vùng yêu cầu“ ( Điều 75, đoạn 1 , id.).

    - quyền đại diện của Cộng Đồng Địa Phương  tham dự bầu cử Tổng Thống:

 Tổng Thống Cộng Hoà được Lưỡng Viện Quốc Hội bầu ra trong phiên họp chung của các thành viên.

Mỗi Cộng Đồng Địa Phương Vùng có ba đại diện được Hội Đồng Vùng tuyển chọn tham dự cuộc bỏ phiếu, thế nào cho các thành phần thiểu số cũng được đại diện“ ( Điều 83, đoạn 1 và 2, id.)

- quyền thay đổi và bổ túc Hiến Pháp:

 Các luật về sửa đổi Hiến Pháp và các luật hiến pháp khác được mỗi Viện Quốc Hội áp dụng đều phải được Quốc Hội bỏ phiếu tán đồng qua hai cuộc bỏ phiếu trong khoản thời gian không dưới ba tháng. Các luật vừa kể phải được tán đồng của mỗi Viện Quốc Hội với đa số tuyệt đối ( 50%+1 phiếu) ở lần bỏ phiếu thứ hai.

Các luật trên có thể được đưa ra trưng cầu dân ý, nếu trong vòng 3 tháng sau ngày công bố có 1/5 nghị sĩ của một Viện quốc Hội, 50.000 cử tri hoặc 5 Cộng Đồng Địa Phương Vùng yêu cầu…“ ( Điều 138, đoạn 1 và 2 , id.).

- quyền các vị Chủ Tịch Cộng Đồng Địa Phương phải được mời tham dự các phiên họp của Nội Các Chính Phủ ( Temistocle Martines, Lineamento di diritto regionale, Milano, 1997, 99).

 

Nói tóm lại, tất cả những kỹ thuật giới hạn và dành quyền hạn rộng rải cho nhiều chủ thể khác nhau trong Cộng Đồng Quốc Gia với quyền tự do ngôn luận là dụng cụ, Hiến Pháp không có mục đích gì khác hơn là quy trách, kiểm soát và hạn chế những ai đại diện người dân hành xử quyền lực Quốc Gia thay cho họ, để bảo đảm  việc tôn trọng và thực thi các quyền bất khả xâm phạm của con người và hiệu năng hoạt dộng của giới hành quyền, theo thể thức dân chủ và cho mọi thành phần dân chúng có quyền và có phương tiện tham dự thiết thực vào đường lối chính trị  lãnh đạo Quốc Gia.

Dân chủ, có nghĩa là người dân là chủ nhân quyền lực Quốc Gia bất cứ lúc nào, trước khi, đang khi và sau khi trao quyền cho người đại diện. Bất cứ lúc nào Hiến Pháp cũng phải tiên liệu cho người dân có phương tiện, và quyền tự do ngôn luận là phương tiện thiết yếu không thể thiếu, để góp phần tích cực để phát huy và hoàn hảo hóa chính hướng,  cũng như  hảm thắng, cắt bớt, kiểm soát hay khai trừ trong giới mức hiến định, mọi lạm quyền chống lại phương thức hành xử thiếu hiệu năng, bè phái và không tôn trọng nhân vị con người.

c ) Tự do ngôn luận, quyền tự vệ của người dân.

 Bất cứ ai tạm thời bị bắt giam vì bị nghi ngờ có hành vi phạm pháp, nội trong ngày hôm sau,  đều phải được dẫn đến trước quan toà. Vị quan toà phải thông báo cho đương sự biết lý do bị bắt giam, phải nghe đương sự trình bày hay làm cách nào để đương sự có thể biện minh. Sau đó quan toà hoặc phải đưa ra trác án giam giữ bằng chữ viết hoặc phải ra lệnh phóng thích tức khắc“ ( Điều 104, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Điều khoản vừa được trích dẫn cho thấy tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận, trong việc bảo vệ quyền tự do của người dân, “ Quan toà…phải nghe đương sự trình bày hay làm cách nào để đương sự có thể biện minh“.

Cũng vậy:

 Mọi người có quyền hành xử quyền của mình ở toà án để bảo vệ chính mình và lợi thú chính đáng của mình.

    Quyền tự vệ là quyền bất khả xâm phạm ở bất cứ tình trạng và đẳng cấp nào trong tiến trình xử án.

   Đối với những ai không có phương tiện, Quốc Gia có bổn phận thiết lập  ra các cơ quan , phương tiện để họ có thể hành xử để bênh vực mình trước bất cứ phiên toà nào“ ( Điều 24, đoạn 1,2 và 3 Hiến Pháp 1947 Ý quốc).

 Quốc Gia có bổn phận thiết lập ra các cơ quan, phương tiện để họ hành xử…“, điều đó cho thấy không những quốc Gia đứng ra tuyên bố “ nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người…“ ( Điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), mà còn quy trách cho chính mình phải tạo các phương tiện cần thiết để bảo đảm cho các quyền căn bản của con người được thực hiện và được bảo vệ cho tồn tại, trong đó quyền tự do ngôn luận là một.

Không có tự do ngôn luận, người dân bị tước đoạt quyền tự vệ, một trong những quyền căn bản của con người.

Và trước toà án:

- “  Trước toà án, mọi người có quyền phải được các thẩm phán lắng nghe theo thể thức luật định“ ( Điều 103, đoạn 1, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ.).

Còn nữa, trong cuộc sống thường nhật, ai cảm thấy các quyền tự do của mình bị cơ chế Quốc Gia xúc phạm, có thể đệ đơn tố cáo:

-          “ Ai thấy các quyền của mình bị cơ quan công quyền vi phạm, có thể đệ đơn tố cáo với cơ quan tư pháp. Bởi vì không có một cơ quan thẩm quyền nào khác hơn là thẩm quyền của quyền tư pháp thường nhiệm…“ ( Điều 19, đoạn 4, id.). 

Quyền tự do ngôn luận của người dân trong thể chế dân chủ được quan niệm dưới hình thức tiêu cực trong các Hiến Pháp dân chủ Tây Âu, như là dụng cụ để bảo vệ công chính cho người dân bị tình nghi phạm pháp, hay trong trường hợp bị cơ quan công quyền làm tổn thương các quyền tự do của mình, như chúng ta vừa thấy.

Quyền tự do ngôn luận được các Hiến Pháp Tây Âu còn được quan niệm tích cực hơn, tự do phát biểu tư tưởng của mình để góp phần xây dựng Quốc Gia, sữa chửa những thiếu sót, bất toàn và đề nghị những phương thức, mục đích hữu hiệu và lợi ích hơn cho đất nước:

-           Mỗi người đều có quyền đệ đơn, tự mình hay cùng hợp tác với những người khác, thỉnh nguyện thư hoặc  khán thư đến cơ quan công quyền có thẩm quyền cũng như đến cơ quan đại diện dân cử“ ( Điều 17 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Người dân hành xử quyền tự do ngôn luận của mình một cách có hiệu quả hơn, nếu họ cùng chung hành xử quyền tự do đó với người khác.

Đó là những gì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc , không những không cấm cản mà còn khuyến khích người dân của mình hành xử quyền tự do ngôn luận, tham gia vào  các tổ chức chính đảng:

-           Mọi công dân đều được tự do gia nhập thành chính đảng để cộng tác theo phương thức dân chủ xác định chính hướng Quốc Gia“ ( Điều 49, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

 

Nói tóm lại, không có tự do ngôn luận sẽ không có dân chủ , các quyền căn bản của con người không được bảo đảm và người dân không có phương tiện tối quan trọng để góp phần hữu hiệu và hoàn hảo hóa đường lối chính trị lãnh đạo Quốc Gia.

 

 

 

 


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]