Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 4 của Việt Nam còn nhiều phần chưa phản ánh đúng sự thật

 

RFA | 2024.08.13

Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc gần đây công bố Báo cáo quốc gia rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 của Việt Nam. Đối với báo cáo này, giới hoạt động nhận định chưa phản ánh đúng tình hình thực tế ở quốc gia Đông Nam Á này.

Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 4 của Việt Nam được Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV soạn thảo sau kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát về Việt Nam trong ngày 07/5 vừa qua. Sau đó, báo cáo được thông qua trong buổi họp với phái đoàn Việt Nam ngày 10/5. Báo cáo này sẽ được thông qua bởi Hội đồng Nhân quyền LHQ trong phiên họp sắp tới.

Thực thi Công ước chống Tra tấn

 Trong phần phản hồi chất vấn quốc tế trong báo cáo, Chính phủ Việt Nam nói kể từ năm 2019, Việt Nam đã ban hành 3 luật, 11 nghị định và 68 thông tư nhằm ngăn chặn các hành vi tra tấn và các hành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.

Đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành thanh tra các trung tâm giam giữ và cơ sở tạm giam, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để trừng phạt các hành vi tra tấn, và trong một số trường hợp đã đưa những kẻ thủ ác ra xét xử.

Vào năm 2014, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo, hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn hay CAT) và Việt Nam chính thức trở thành thành viên của công ước này kể từ tháng 2 năm sau.

Tuy nhiên, tình trạng nghi can bị tra tấn trong trại giam và trại tạm giam không được khống chế. Trong khoảng từ 2020 đến nay, có ít nhất 9 trường hợp nghi can bị chết trong quá trình hỏi cung với nhiều dấu hiệu bị tra tấn, theo thống kê của Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Theo luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, việc bao che cán bộ công an thực hiện hành vi tra tấn và không điều tra nghiêm túc về cáo buộc tra tấn khiến vấn nạn mang tính hệ thống này không hề giảm bớt.

Ông nói với RFA trong ngày 13/8:

Việc Việt Nam đưa ra những luật, nghị định, thông tư chỉ mang tính hình thức thôi chứ không bảo đảm được công an hay những người chịu trách nhiệm trong quá trình thụ lý vụ án tuân thủ việc cấm tra tấn.”

Trong vụ việc gần đây nhất liên quan đến cái chết của anh Vũ Minh Đức ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, công an đã đình chỉ công tác hai điều tra viên Thái Thanh Thương và Lưu Quang Trung nhưng không khởi tố vụ án gây chết người khiến việc truy tìm nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân khó có kết quả.

Quyền tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình

Trong báo cáo, Việt Nam nói chế độ này bảo vệ quyền tự do lập hội và tự do hội họp ôn hòa, với dẫn chứng đến cuối năm 2022, cả nước có 72.000 hiệp hội và 125.000 công đoàn cơ sở với 11 triệu đoàn viên công đoàn, chiếm hơn 93% tổng số người lao động đủ điều kiện.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, các quyền tự do nói trên không được bảo đảm và bất cứ ai thực thi các quyền trên đều có thể bị cầm tù với những cáo buộc như “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 hay “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự.

Người đồng sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ nói về những con số hiệp hội và công đoàn cơ sở mà phía nhà nước đưa ra:

Tất cả những cái đó mang tính chất hình thức và các tổ chức, hiệp hội này đều do các tổ chức của nhà nước thành lập nên chứ còn những tổ chức xã hội dân sự do người dân tự nguyện thành lập thì rất là khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự về bảo vệ môi trường hay là những tổ chức xã hội dân sự mà hoạt động về vấn đề nhân quyền thì không có cơ hội được thành lập cũng như là hoạt động tại Việt Nam.”

Trong vài năm gần đây, không chỉ các tổ chức xã hội dân sự độc lập như Hội Anh em Dân chủ và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị đàn áp mà các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký cũng bị trấn áp, nhiều lãnh đạo của các tổ chức này bị tống giam với những cáo buộc mơ hồ hoặc nguỵ tạo như “trốn thuế” trong trường hợp của các nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi hay “chiếm đoạt tài liệu” như Ngô Thị Tố Nhiên.

Việt Nam chưa ký Công ước ILO số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), do vậy, công nhân chưa được quyền thành lập công đoàn độc lập, tất cả các tổ chức công đoàn hiện nay đều trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một tổ chức chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước.

Đàn áp luật sư

Báo cáo cũng nhắc đến sự khẳng định của Việt Nam về việc luật sư được hành nghề tự do và được bảo vệ khỏi các mối đe dọa hoặc quấy rối. Số lượng luật sư tiếp tục tăng với trung bình hơn 1.000 người gia nhập đội ngũ luật sư hàng năm.

Hà Nội khẳng định ngày càng có nhiều bị cáo được luật sư đại diện trong các phiên tòa sơ thẩm trong những năm qua trong khi nhà nước có kế hoạch sửa đổi và bổ sung các quy định mới để đảm bảo hiệu quả hoạt động của luật sư tốt hơn.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng có nhiều năm hành nghề luật sư ở Hà Nội, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp luật sư khốc liệt nhất trong khu vực.

Năm 2023, ba luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân phải chạy sang Hoa Kỳ tị nạn sau khi họ có nhiều phát biểu và đơn từ tố cáo Công an Long An vi phạm tố tụng trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” ở Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi thành Thiền am bên bờ vũ trụ).

Gần đây, hai đại biểu quốc hội, luật sư Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 358 Bộ luật Hình sự. Tiếp đến là vụ bắt giữ luật sư Trần Đình Triển với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người được phóng thích sau khi bị kết án 15 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” nhưng bị buộc phải tị nạn ở Đức như luật sư Nguyễn Bắc Truyển, nói:

Trừ Myanmar ra thì có lẽ Việt Nam là một trong những nước ASEAN còn lại là có số lượng luật sư bị cầm tù nhiều nhất, rồi luật sư phải chạy ra nước ngoài hay luật sư bị tước thẻ hành nghề. Đã có nhiều luật sư phải bỏ chạy khỏi Việt Nam sang Hoa Kỳ hay là bị bỏ tù và sau đó bị trục xuất đi nước khác.

Số lượng luật sư tăng hàng nghìn mỗi năm không bảo đảm rằng khi người dân có nhu cầu họ sẽ được bảo vệ một cách khách quan và công bằng.”

Ông nhấn mạnh trong các vụ án chính trị, bị cáo chỉ được gặp luật sư để chuẩn bị cho việc bào chữa chỉ vài ngày trước phiên toà. Trong nhiều vụ, cơ quan tố tụng còn ép buộc không cho người hoạt động thuê luật sư.

Tự do tôn giáo và niềm tin

Phản bác cáo buộc đàn áp tự do tôn giáo từ các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế, phía Việt Nam nói rằng chế độ độc đảng tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, niềm tin của mọi người, và mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Trong báo cáo, Việt Nam khẳng định duy trì chính sách nhất quán tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, và nghiêm cấm mọi hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở tôn giáo, niềm tin.

Tuy nhiên, theo giới hoạt động, chính quyền các địa phương nương tay với các tổ chức tôn giáo có đăng ký và trấn áp một cách tuỳ tiện đối với các nhóm tôn giáo độc lập, và thậm chí đàn áp khốc liệt nhiều tổ chức tôn giáo như Đạo Dương Văn Mình bị chính quyền coi là “tà đạo” hay Hội Thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên bị cho là có tinh thần chống chế độ.

Ông Lê Quang Hiển, Chánh Thư ký của Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý và cũng là tổng thư ký của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, cho biết có sự phân biệt rõ ràng giữa các tổ chức tôn giáo “quốc doanh” và các tổ chức tôn giáo độc lập. Chính quyền thường làm ngơ trước nhiều hoạt động tai tiếng của một số tổ chức tôn giáo có đăng ký nhưng lại hà khắc đối với các nhóm tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, Cao Đài Chơn truyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất…

Tự do tôn giáo đối với những tổ chức tôn giáo trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tự do hành đạo, còn Thích Minh Tuệ tại sao không cho người ta đi hành đạo mà phải giam lỏng tại một nơi nào đó?! Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý chúng tôi tổ chức 3 ngày lễ đạo thì họ lại không cho, đó là tự do tôn giáo như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận xét rằng Việt Nam có những tiến bộ nhất định so với đầu thập niên 2000 nhưng mà so với những quyền cơ bản của công dân thì nó chưa đạt được bất kỳ tiêu chuẩn nào.

Theo ông, những tổ chức tôn giáo chấp hành tất cả các yêu cầu của chính quyền thì sẽ được không gian tương đối tự do còn những tổ chức tôn giáo độc lập họ không muốn sự can thiệp của nhà nước thì bị đàn áp một cách khốc liệt, những người đứng đầu bị cầm tù còn tín đồ thì bị ép bỏ đạo.

Hiện có hàng chục người hoạt động về tự do tôn giáo, chủ yếu là người Thượng ở Tây Nguyên, đang bị cầm tù về các tội danh nguỵ tạo “phá hoại chính sách đoàn kết” hay “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với mức án tù dài hạn lên đến 16 năm tù.

Chính vì sự đàn áp tự do tôn giáo mà Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách Theo dõi đặc biệt trong khi Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi Washington đưa nhà nước độc đảng vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]