Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc chất vấn Việt Nam về phiên toà xử 100 người Thượng
RFA | 2024.08.22 Các chuyên gia và báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc hôm 14/6 gửi thư đến Chính phủ Việt Nam yêu cầu trả lời các quan ngại về việc xét xử 100 người Thượng ở Đắk Lắk hồi đầu năm nay liên quan đến vụ tấn công vào các trụ sở chính quyền địa phương ở tỉnh này hồi tháng 6 năm 2023. Liên Hiệp Quốc công bố văn thư này cùng các thư trao đổi từ Chính phủ Việt Nam liên quan đến công văn sau 60 ngày theo thông lệ. Vào ngày 15/8, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới đã gửi thư tới Liên Hiệp Quốc, đề nghị được gia hạn thêm hai tháng để trả lời các chất vấn trong thư của các chuyên gia LHQ. Các quan ngại được các chuyên gia và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nêu ra trong thư bao gồm: việc thiếu vắng một phiên toà công bằng và độc lập trong xét xử những người Thượng bị cáo buộc có liên quan vụ tấn công vào các trụ sở chính quyền địa phương hôm 11/6/2023, cáo buộc về việc bắt giữ và giam giữ người trái phép liên quan đến vụ án này, tra tấn và đối xử tàn tệ đối với những người Thượng bị tình nghi, những vụ chết người khi đang bị giam giữ không được giải thích, các cáo buộc về khủng bố, hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến và sự tham gia của truyền thông, phân biệt đối xử đối với người dân bản xứ (trong trường hợp này là những người Thượng ở Tây Nguyên), đàn áp tôn giáo và tín ngưỡng của người Thượng. Hôm 20/1/2024, Việt Nam mở phiên toà lưu động công khai xử 100 người Thượng ở Đắk Lắk. Phiên toà có sự tham dự của 94 bị cáo, 19 luật sư, sáu bị cáo khác bị xét xử vắng mặt. Các chuyên gia LHQ lưu ý là sáu người bị xét xử vắng mặt không có đại diện pháp lý tại toà. Kết thúc phiên toà, 10 người đã bị kết án chung thân với cáo buộc khủng bố chống chính quyền nhân dân. 43 người khác nhận các án tù từ sáu đến 20 năm với cáo buộc tội khủng bố; 45 người khác bao gồm sáu người vắng mặt nhận án tù từ 3,5 năm đến 11 năm với cáo buộc tội khủng bố, hai người khác bị kết án tù từ chín tháng đến hai năm với cáo buộc che giấu tội phạm và tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Giới chức chính quyền cáo buộc những người này có liên hệ với các tổ chức người Thượng phản động có trụ sở ở Mỹ để tiến hành vụ tấn công vào vào hai trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023 khiến chín người thiệt mạng. Phần lớn các bài báo của truyền thông Nhà nước về vụ án này bị giới hạn vào việc đưa tin do Bộ Công an cung cấp theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đến việc kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, theo thư của LHQ. Cũng theo thư này, hơn 100 người đã bị phạt hành chính vì đưa tin về vụ việc lên mạng xã hội Facebook và TikTok với cáo buộc đưa tin sai lệch. Cũng liên quan đến vụ án này, vào ngày 6/3/2024, Bộ Công an Việt Nam đã xếp Tổ chức Người Thượng vì Công lý vào danh sách các tổ chức khủng bố. Chính quyền Việt Nam nhận định rằng, tổ chức được thành lập vào năm 2019 ở Thái Lan và có đại diện ở Mỹ này hoạt động bằng cách tuyên truyền, thu hút, tuyển mộ thành viên, phân công nhiệm vụ và đào tạo cách thức hoạt động, tài trợ tiền, chỉ đạo mua vũ khí, phương tiện thực hiện các vụ tấn công, giết hại người dân và nhân viên chính quyền, phá hoại tài sản công, nhằm mục đích thành lập một nhà nước tự trị ở Tây Nguyên. Tổ chức này bị chính quyền Việt Nam cáo buộc đã tổ chức cho nhóm Những người lính Degar thực hiện vụ tấn công hồi năm 2023 để thành lập nhà nước Degar. Tổ chức Người Thượng vì Công lý đã bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng những cáo buộc của Chính phủ Việt Nam đối với họ là nhằm ngăn chặn họ công khai các tài liệu về tình trạng đàn áp nhân quyền đối với người Thượng ở Việt Nam. Một trong những thành viên của tổ chức này là ông Y Quynh Bdap đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, và cũng như nhiều người Thượng khác bao gồm các thành viên của tổ chức hiện ở Thái Lan, ông được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn. Tất cả họ đều lo sợ bị đàn áp khi trở về Việt Nam. Bộ Công an Việt Nam thậm chí đã cử người sang Thái Lan và gây sức ép yêu cầu họ về Việt Nam. Những người Thượng này lo lắng họ sẽ bị bắt cóc đưa về Việt Nam như các trường hợp một số nhà hoạt động Việt Nam khác đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ngay trên đất Thái Lan trước đây như blogger Trương Duy Nhất và nhà báo tự do Thái Văn Đường. Các chuyên gia của LHQ lo ngại về việc 100 người bị kết án trong phiên toà lưu động ở Đắk Lắk hồi đầu năm nay đã không có một phiên toà công bằng, đúng theo tiêu chuẩn theo luật quốc tế về nhân quyền. Cụ thể, những điểm thiếu công bằng được nêu ra bao gồm: phiên toà lưu động không theo đúng thủ tục quy định của luật quốc tế đòi hỏi các trường hợp tương tự phải được có thủ tục tương tự; phiên toà lưu động với mục đích để giáo dục công chúng về luật bằng cách kết án các bị cáo trước đông đảo người dân gần nơi họ sống thực chất là để đấu tố những người bị kết án và gia đình họ; phiên toà không độc lập mà chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản với việc kết án nhanh chóng một số lượng lớn bị cáo 100 người; báo chí Nhà nước đã đưa ra các bình luận và cáo buộc đối với những người bị xét xử ngay trước khi phiên toà diễn ra. Ngoài ra, các chuyên gia của LHQ cũng lo ngại những người bị xét xử đã không có được sự tiếp cận đầy đủ đối với các luật sư trong một thời gian giam giữ dài và khi phiên toà diễn ra thì chỉ có 19 luật sư được chỉ định cho 100 bị cáo khi họ không có được quyền tự chọn luật sư cho mình. Các chuyên gia cua Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại và yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải trả lời về việc bắt giữ và giam giữ tuỳ tiện, thiếu bằng chứng, đối với những người Thượng ngay sau vụ tấn công hồi tháng 6/2023. Các chuyên gia LHQ quan ngại về cáo buộc tội khủng bố với những người này vì cho rằng các điều luật liên quan đến các cáo buộc này mù mờ và chung chung. Việc Chính phủ Việt Nam thực hiện đàn áp xuyên biên giới, tìm cách dẫn độ một thành viên của Tổ chức Người Thượng vì Công lý từ Thái Lan về nước cũng được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đề cập trong bức thư. Các chuyên gia của LHQ cũng lo ngại những phân biệt đối xử đối với người Thượng ở Tây nguyên tiếp nối sau vụ tấn công hồi năm 2023 và việc chính quyền gia tăng đàn áp những nhóm tôn giáo của người Thượng thời gian gần đây. Đắk Lắk hiện có khoảng 30 nhóm dân tộc thiểu số gọi chung là người Thượng sinh sổng ở đây từ nhiều đời. Tuy nhiên từ năm 1975, sau cuộc chiến Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã thực hiện chính sách di dân, đưa khoảng hơn ba triệu người từ các nơi khác đến vùng này. Theo số liệu thống kê của Chính phủ vào năm 2019, số người Thượng bản địa hiện chỉ chiếm khoảng 39% trong tổng số gần sáu triệu dân ở đây.
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]
|