Theo dõi Nhân quyền: Bắt cóc và xét xử Đường Văn Thái là hành vi côn đồ, coi thường luật quốc tế!
RFA | 2024.10.31 Bốn tổ chức nhân quyền quốc tế ra thông cáo riêng rẽ lên án Chính phủ Việt Nam sau phiên xử kín blogger Đường Văn Thái vào ngày 30/10 với mức án 12 năm tù giam và ba năm quản chế. Một người có hiểu biết về phiên tòa cho RFA hay, 7 đồng phạm trong cùng vụ đều bị kết án theo Điều 117 Bộ luật hình sự về tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" với mức án từ 30 tháng tù đến 5 năm 6 tháng tù, nhưng từ chối tiết lộ danh tính những người này vì lý do an ninh. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ngay sau đó ra thông cáo gọi phiên toà kín xử blogger Đường Văn Thái "mang động cơ chính trị," đồng thời yêu cầu Việt Nam huỷ bỏ bản án và trả tự do cho ông. Nhắc lại việc ông Thái bị bị "một nhóm người không rõ danh tính bắt cóc vào tháng Tư năm 2023 và bị đưa về Việt Nam bằng vũ lực," bà Patricia Gossman, Phó giám đốc ban Á châu của HRW kêu gọi: “Chính quyền các nước trên thế giới nên thừa nhận vụ bắt cóc và xét xử ngụy tạo nhà hoạt động dân chủ này là ví dụ mới nhất về hành vi côn đồ coi thường luật pháp quốc tế và quyền của công dân của Chính phủ Việt Nam.” Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ nói vụ bắt cóc ông Thái, người đã được Liên Hiệp quốc cấp quy chế tị nạn và đang chờ được định cư ở nước thứ ba, xảy ra trong thời điểm có một làn sóng đàn áp các nhà hoạt động dân chủ, dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu Bộ Công an lúc bấy giờ là Tô Lâm, nay là Tổng Bí thư đảng cầm quyền. Trong tin nhắn gửi RFA, ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS, bày tỏ nỗi kinh hoàng khi biết về kết quả phiên tòa. Ông viết: “Bản án vô lý này làm nổi bật môi trường đàn áp ở Việt Nam đối với những người chọn lên tiếng. Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông.” Ông cũng cho rằng vụ việc của ông Thái là minh chứng nổi bật về cách Việt Nam sử dụng các chiến thuật đàn áp xuyên quốc gia để làm câm lặng những tiếng nói bất đồng. Tổ chức Văn bút Quốc tế (PEN America) cũng lên án bản án đối với blogger chuyên đưa chuyện "đấu đá trong nội bộ Đảng," cho rằng việc kết tội ông là hành vi vi phạm rõ ràng quyền tự do ngôn luận. Tổ chức này khẳng định "việc bịt miệng những người viết vì bất đồng chính kiến ôn hòa là vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế," kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án khắc nghiệt này và trả tự do cho ông Thái. Trong khi đó, bà Aleksandra Bielakowska - Trưởng phòng vận động Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương, của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) gọi việc bắt cóc ông Thái và tuyên án tù nặng nè cho thấy "mức độ coi thường thực sự của chế độ Việt Nam đối với quyền tự do báo chí." Trong email gửi cho RFA, bà kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường gây áp lực lên chính quyền Việt Nam để trả tự do cho ông Thái cũng như 36 nhà báo và người bảo vệ quyền tự do báo chí khác hiện đang bị giam giữ. Bà Aleksandra viết: "Chúng tôi cũng kêu gọi chính quyền Thái Lan làm sáng tỏ vụ bắt cóc ông (Thái-PV) và đảm bảo rằng không có người bảo vệ quyền tự do báo chí nào bị bắt cóc nữa ở Thái Lan, nơi vẫn là quốc gia đầu tiên mà nhiều nhà báo và người bảo vệ quyền tự do báo chí đến, những người chạy trốn khỏi các chế độ áp bức và tìm kiếm nơi ẩn náu." Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị cho ý kiến về bình luận của các tổ chức về phiên toà kín xử Đường Văn Thái, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]
|