BÃI BỎ PHÁP LỆNH TÔN GIÁO

ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN  QUYỀN

 Ngày 18 tháng 6 vừa qua,  căn cứ vào Nghị Quyết ngày 26-11-2003 của Quốc Hội.  Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã ban hành pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo gọi tắt là Pháp Lệnh Tôn Giáo.  Đây là một hành vi lạm quyền, vi phạm hiến pháp quốc gia và công ước quốc tế.  

Chiếu các Điều 83 và 84 Hiến Pháp, Quốc Hội là cơ quan duy nhất

có quyền lập hiến và lập pháp, như san định hiến pháp, biểu quyết và ban hành các đạo luật, nghị quyết và pháp lệnh. Điều 91 Hiến Pháp dành cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội quyền ra pháp lệnh về những vấn đề được quốc hội giao phó. Tuy nhiên Nghị Quyết ngày 26-11-2003 của Quốc Hội không ủy quyền cho Ủy Ban Thường Vụ được biểu quyết và ban hành pháp lệnh tôn giáo.

Nghị Quyết này chỉ ấn định “chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2004”, như soạn thảo các dự án luật về phá sản, dân sự tố tụng, và một số dự án pháp lệnh về giống cây trồng, giống vật nuôi, thú y, chống nhiễm trùng bệnh AIDS, đặc biệt là dự án pháp lệnh tôn giáo. Vì là  những dự án, Ủy Ban Thường Vụ phải phúc trình trước Quốc Hội để được Quốc Hội biểu quyết thông qua, chứ không thể tự quyền  ban hành.  Trên nguyên tắc những vấn đề ghi trong pháp lệnh thường có tính lập quy (về hành chánh) hơn là lập pháp. 


Hơn nữa theo bản tin ngày 10-7-2004 của Đảng CS, pháp lệnh tôn giáo được ban hành nhằm “chuẩn bị tiến tới xây dựng Luật về Tín Ngưỡng, Tôn Giáo”. Do đó nó chưa phải là Luật về Tôn Giáo.   


Theo danh xưng, Ủy Ban Thường Vụ chỉ là một cơ quan để xử lý những sự vụ thông thường hay những công tác thường nhật của quốc hội (expédier les affaires courantes) .  Với một thành phần hạn hẹp gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch và một số ủy viên,  Ủy Ban Thường Vu,ï hay Ban Chấp Hành của Quốc Hội, chỉ là một cơ quan chấp hành những nghị quyết của Quốc Hội.  Ủy Ban không có quyền lập hiến và lập pháp vì dây là đặc quyền của Quốc Hội đại diện quốc dân.  Ủy Ban chỉ có quyền giải thích hiến pháp, luật pháp và pháp lệnh của Quốc Hội, hay phụ giúp Quốc Hội duyệt xét các dự án luật, dự án pháp lệnh để phúc trình trong các phiên họp Quốc Hội.  Ủy Ban không có quyền làm luật, trong khi đó Pháp Lệnh Tôn Giáo lại là một đạo luật cơ sở.


Về những đạo luật cơ sở xây dựng chế độ dân chủ như luật về tự do tôn giáo, tự do báo chí (quy chế báo chí), tự do lập hội và lập đảng (quy chế chính đảng), tự do tuyển cử v...v..., chỉ có Quốc Hội mới có thẩm quyền thảo luận, biểu quyết và ban hành. Ủy Ban Thường Vụ không có quyền này.


Lấy một thí dụ dễ hiểu:  Quy chế đầu tư thường chỉ liên hệ đến một thiểu số tư bản thường là ngoại quốc.  Vậy mà Quốc Hội đã phải ban hành Luật Đầu Tư.  Huống chi về những vấn đề liên quan đến hàng chục triệu người Việt, cần có các đạo luật về tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do lập hội và lập đảng, và tự do tuyển cử.  Đây là 4 đạo luật cơ sở về các quyền tự do tinh thần và tự do chính trị mệnh danh là quyền tự do dân chủ.
 
NHỮNG BẢO ĐẢM PHÁP LÝ.


Những nhân quyền và những quyền tự do căn bản này đã được thừa nhận bởi Hiến Pháp quốc gia và Luật Quốc Tế Nhân Quyền gồm những điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ), các Công Ước về những Quyền Dân Sự Chính Trị (CUDSCT), và về những quyền  Kinh Tế, Xã Hội Văn Hóa, cùng  các công ước bổ túc và khai triển.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm TNQTNQ, ngày 9-12-1998 LHQ đã ban hành Phụ Đính TNQTNQ, mệnh danh là “Tuyên Ngôn về Quyền và Trách Nhiệm của các cá nhân, hội đoàn, và các cơ quan chính quyền trong việc đề xướng bảo vệ và tôn trọng những quyền tự do căn bản”.  Theo Tuyên Ngôn Phụ Đính,  quốc gia phải có trách nhiệm tiên khởi và phải tạo  những bảo đảm pháp lý  để người dân được thực sự hưởng dụng những quyền tự do này với tư cách cá nhân hay hội đoàn.  Những bảo đảm pháp lý này phải được thể chế hóa trong các văn kiện lập hiến, lập pháp và lập quy.


Mặt khác các cá nhân và hội đoàn cũng có nghĩa vụ đề xướng những quyền tự do căn bản, bảo vệ dân chủ, phát huy các xã hội dân chủ, các định chế dân chủ và các thủ tục sinh họat dân chủ.  Vì những quyền tự do căn bản có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau nên nhà nước phải ban hành đồng thời những đạo luật về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội và lập đảng v...v...


TNQTNQ ghi lại 4 quyền tự do căn bản do Tổng Thống Franklin Roosevelt đề xướng, là tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng,  quyền được giải thoát khỏi sự túng thiếu và sự sợ hải (the four freedoms:  freedom of speech, freedom of belief, freedom from want, and freedom from fear).  


Theo Tuyên Ngôn Phụ Đính các cá nhân và hội đoàn có nghĩa vụ nghiên cứu và trình bày quan điểm về việc thực thi những quyền tự do căn bản về pháp lý cũng như trên thực tế, kể cả quyền đạo đạt đến chính quyền những phê bình chỉ trích và đề nghị cải thiện chính sách quốc gia, đồng thời lưu ý chính quyền về những đường lối hay các văn kiện lập pháp gây trở ngại cho việc thực thi những quyền tự do căn bản.

 

QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO.


Muốn truyền giáo và hành đạo, ngoài quyền tự do tôn giáo,  các cá nhân và giáo hội còn phải được hưởng quyền tự do phát biểu, tự do hội họp tự do lập hội, thành lập giáo hội để biểu thị tôn giáo và truyền đạt giáo lý.  Nguyên tắc phổ biến là các giáo hội phải được sinh hoạt tự trị,  không chịu sự can thiệp và giám sát  của nhà nước.


Trong các quốc gia dân chủ văn minh, tự do tôn giáo gồm có hai quyền:  Quyền Thành Lập Tôn Giáo và Giáo Hội dành riêng cho các công dân. Quyền này ngăn cấm nhà nước không được can thiệp vào việc thành lập hay yểm trợ các tôn giáo và giáo hội (Establishment Clause).  Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Ky,ø chủ trương thiết lập một bức tường ngăn cách giữa giáo hội  và nhà nước (Separation of church and state).  Đó là nguyên tắc biệt lập giữa tôn giáo và nhà nước.  Do đó nhà cầm quyền không được thành lập những giáo hội quốc doanh để phủ nhận tư cách pháp nhân của các giáo hội dân lập đã hoạt động từ trước, như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và các Giáo Hội Cao Đài, Hòa Hảo và các Hội Thánh Tin Lành ở Việt Nam. 


Ngoài ra chính quyền phải hết sức tránh không can thiệp, giám sát và gây rắc rối với các giáo hội về những hoạt động tôn giáo.  Đó là Quyền Tự Do Truyền Giáo và Hành Đạo (Free Exercise Clause).  Quyền này cho phép các giáo hội toàn quyền tự trị trong việc thành lập , phát triển và điều hành các hoạt động tôn giáo của các tổ chức thuộc giáo hội.  Chiếu nguyên tắc “điều gì không cấm là cho phép”, về quyền tự do báo chí,  nhà nước không bắt các báo chí phải bị kiểm duyệt trước khi phát hành (prior censorship), mà theo chính sách trách nhiệm hậu kiểm (subsequent liability).  Như vậy các báo chí có quyền tự do phát hành và chỉ có thể bị tịch thâu hay truy tố khi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo lý (thuần phong mỹ tục) hay xâm phạm quyền lợi và danh dự của người khác.  Cũng trong tinh thần đó,  đạo luật tự do tôn giáo phải dành quyền sinh hoạt tự trị  cho các giáo hội, các giáo sĩ và các tín đồ  trong các hoạt động tôn giáo như hành lễ, truyền giáo và hành đạo.  Do đó chế độ đăng ký, chấp thuận hay xin cho phải bị hủy bỏ. Chỉ khi nào có sự vi phạm luật pháp, hiến chương, điều lệ hay nội quy, lúc đó nhà cầm quyền mới can thiệp. 

 

NHỮNG ĐIỀU SAI TRÁI.


Pháp Lệnh Tôn Giáo vi phạm quyền tự do tôn giáo về 4 phương diện như: 

a)  Thiết lập các cơ quan giám sát; 

b) Chế tài về hình sự và hành chánh;  

c) Ngăn cản việc thành lập các tổ chức và hội đoàn tôn giáo và;

d)  Ngăn cản các hoạt động tôn giáo.


1) Trong chiều hướng đó, Đảng Cộng Sản không có quyền dùng những cơ quan chính quyền hay các tổ chức ngoại vi để can thiệp và giám sát những hoạt động tôn giáo.  Do đó Đìều 7 Pháp Lệnh đã hiển nhiên vi phạm quyền tự do tôn giáo khi dành cho Thủ Tướng Chính Phủ, Mặt Trận Tổ Quốc, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo và các ủy ban nhân dân, quyền giám sát các hoạt động tôn giáo. Mặt Trận Tổ Quốc không được quyền can thiệp bằng cách nêu lên những ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị về những vấn đề tôn giáo.  Những vấn đề này thuộc quyền giải quyết  của các giáo dân và giáo hội.  Nhà nước không nên và không có quyền can thiệp vào những nhu cầu tâm linh của các giáo dân, hay vào việc tổ chức và điều hành nội bộ của các giáo hội.


2)  Để đàn áp các nhà lãnh đạo tôn giáo, Điều 8 Pháp Lệnh quy định những tội giả tạo như lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tuyên truyền chống nhà nước,  hay phá hoại chính sách đoàn kết tôn giáo.  Năm 1995 Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị kết án 5 năm tù về tội phá hoại chính sách đoàn kết tôn giáo chiếu Điều 87 Bộ Luật Hình Sự,  chỉ vì ngài đã tổ chức cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại dồng bằng sông Cửu Long mà không có giấy phép của nhà cầm quyền.  Năm 2001 Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị kết án 13 năm tù cũng về tội này (cộng thêm 2 năm về tội vi phạm quyết định quản chế hành chánh cấm ngài không được thực hiện lễ nghi tôn giáo), chỉ vì ngài đã lên tiếng tố cáo Đảng Cộng Sản đàn áp tôn giáo trước các chính phủ và quốc hội  các quốc gia dân chủ văn minh.  


Ngoài quyền thành lập các tổ chức tôn giáo, tự do tôn giáo còn có
nghĩa là quyền được tự do truyền giáo và hành đạo.  Quyền này đã được thừa nhận trong Hiến Pháp Việt Nam ( Điều 70) cũng như trong các Điều 18 TNQTNQ và CUDSCT. “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo.  Quyền này bao gồm quyền tự do theo một tôn giáo hay tín ngưỡng, và quyền tự do hành đạo, biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng bằng thờ phụng, lễ nghi hay giảng dạy hoặc riêng tư hoặc với người khác tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.”

Điều 38 Pháp Lệnh cũng cam kết tôn trọng các công ước quốc tế như Công Ước Dân Sự Chính Trị mà Việt Nam đã gia nhập năm 1982.


3)  Các Điều 11 và 25 Pháp  Lệnh đã vi phạm TNQTNQ và CUDSCT khi buộc các chức sắc và các nhà tu hành phải thực hiện lễ nghi tôn giáo,  truyền giáo và hành  đạo tại các cơ sở tôn giáo như thánh đường, thánh thất, nhà thờ, chùa v...v...  Nếu việc thực hiên lễ nghi tôn giáo được tổ chức ngoài các cơ sở tôn giáo nói trên thì phải xin phép trước và được sự chấp thuận của các cơ quan hành chánh địa phương.  Các điều kiện này đã hạn chế vô lý và quá đáng quyền tự do truyền giáo và hành đạo và thực hiện lễ nghi tôn giáo,  trái với Điều 18 TNQTNQ và CUDSCT theo đó,  sự biểu thị tôn giáo bằng thờ phụng, lễ nghi hay giảng đạo có thể được tổ chức tại nhà riêng hay tại nơi công cộng, ngoài cơ sở tôn giáo.


Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã tuyên bố vi hiến một đạo luật của tiểu bang Maryland,  vì đã buộc các giáo sĩ và giáo dân phải xin phép và được sự chấp thuận của nhà cầm quyền trước khi thực hiện lễ nghi tôn giáo, truyền giáo và hành đạo tại một công viên thành phố (vụ án Niemotko năm 1951).


Hậu quả vô nhân đạo của Điều 11 là lễ cầu siêu sẽ không được thực hiện tại nhà riêng người quá cố cũng như tại nghĩa trang hay ngoài mặt trận cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ Quốc.  Trong khi đó Điều 5 Pháp Lệnh lại đề cao truyền thống tôn vinh những người có công với đất nước.


4) Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã hủy bãi một đạo luật của tiểu bang Connecticut vì buộc các giáo dân và giáo hội phải xin giấy phép trươc khi tổ chức những vụ lạc quyên gây quỹ cho nhà thờ (vụ án Cantwell năm 1940).  Trong khi đó Điều 28 lại dành cho chính phủ quyền kiểm soát những vụ quyên góp của các tổ chức tôn giáo.


5)  Điều 12 Pháp Lệnh buộc các giáo hội phải đăng ký chương trình họat động hàng năm,  những hoạt động không dự liệu trong chương trình chỉ hợp pháp nếu có sự chấp thuận trước của các cơ quan nhà nước.


Đây hiển nhiên là sự vi phạm thô bạo về quyền tự do truyền  giáo và hành đạo.  Tại các quốc gia dân chủ văn minh, các hội dân sư,ï như các giáo hội, công đoàn,  hội ái hữu tương tế,  hội từ thiện nhân đạo v...v... chỉ cần đệ nạp nhà cầm quyền những bản hiến chương, điều lệ và nội quy để được quyền tự trị và tự do sinh hoạt mà không cần phải đăng ký chương trình hoạt động hàng năm và cũng không phải xin phép trước để thực hành những hoạt động không thường xuyên hay định kỳ.


Xin đơn cử một vài thí dụ:


Các công đoàn lao động không thể thiết lập chương trình hoạt động thường niên để thông báo cho nhà cầm quyền biết trong niên khóa tới, công đoàn sẽ tổ chức bao nhiêu vụ đình công để đấu tranh cải thiện chế độ lương bổng và điều kiện làm việc của công nhân.  Bình thường những vụ đình công và thương thảo với  chủ nhân, chỉ xảy ra trong những trường hợp thời cơ, không thể tiên đoán hay dự liệu trước.  Do đó không có vấn đề đăng ký chương trình hoạt động nghiệp đoàn trong niên khóa tới.


Đặc biệt  những cơ quan từ thiện nhân đạo như Hội Hồng Thập Tự cũng không thể ấn định trước chương trình hoạt động về y tế, cứu thương vì những tai họa, tai nạn, chiến tranh, nội loạn v...v... thường xảy ra ngoài sự tiên liệu của mọi người.


6)  Quyền tự do và tự trị sinh hoạt của các giáo hội không cho phép nhà cầm quyền can thiệp vào những hoạt động tôn giáo, ngoại trừ các  trường hợp quy định nơi  Điều 18 khoản 3 CUDSCT: “Quyền tự do biểu thị tôn giáo chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý (thuần phong mỹ tục) hay những quyền tự do căn bản của người khác”. Điều khoản này không dự liệu trường hợp đình chỉ hoạt động tôn giáo vì có tác động xấu đến sự  “đoàn kết nhân dân” (Điều 15 Pháp Lệnh).  Đoàn kết nhân dân là một quan niệm quá bao quát và mơ hồ cũng như tội “phá hoại đoàn kết tôn giáo” của Điều 87 Bộ Luật Hình Sự.


7) Điều 12 Pháp Lệnh còn cấm chỉ các tù nhân lương tâm đã bị kết án hay quản chế hành chánh không được hành đạo, truyền giáo và quản trị tổ chức tôn giáo.  Đó là trường hợp của các Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ, Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, cụ Lê Quang Liêm v...v... Đặc biệt là sau khi mãn thụ hình hay quản chế,  các tù nhân lương tâm này vẫn không được trở lại quản trị tổ chức, hành đạo và truyền giáo nếu không có sự đăng ký và chấp thuận của cơ quan nhà nước (Điều 13).  Điều này đi trái tinh thần luật pháp theo đó sự mãn thụ hình và quản thúc có tác dụng khôi phục quyền công dân của đượng sự.


 8) Điều 16 Pháp Lệnh buộc các tổ chức tôn giáo phải “gắn bó với dân tộc và phục vụ lợi ích của dân tộc”.  Điều này quá bao quát và mơ hồ và sẽ cho phép nhà cầm quyền thâu hồi giấy phép và tước đoạt tư cách pháp nhân của giáo hội vì đã xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, của dân tộc khi hành sử quyền tự do tôn giáo.  Nó nhắc chúng ta về tội danh giả tạo “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước”  của Điều 258 Bộ Luật Hình Sự.


 9)  Hiện nay nhà cầm quyền đã thiết lập những giáo hội quốc doanh với những danh xưng giáo hội Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành v...v... Và như vậy thủ tướng chính phủ tại trung ương hay các chủ tịch ủy ban nhân dân tại các địa phương có quyền không công nhận và không cấp giấy phép cho các tổ chức tôn giáo trùng tên với các tổ chức tôn giáo quốc doanh hiện hành chiếu Điều 16 Pháp Lệnh.  Điều này cũng cho phép chính phủ viện cớ để không công nhận các tổ chức tôn giáo đã đứng lên đòi tự do tôn giáo và đã có những hành động làm mất ổn định xã hội.


 10)   Tại các quốc gia dân chủ văn minh, các giáo hội chỉ cần đệ nạp nhà cầm quyền đơn xin thành lập kèm theo hiến chương, điều lệ và nội quy trong đó có quy định việc tổ chức đại hội thường niên hay hội nghị bất thường mà không cần phải có sự chấp thuận trước của các cơ quan chính quyền như Điều 18 Pháp Lệnh đòi hỏi.


11)  Các tu viện, thiền viện và các hội đoàn tôn giáo như Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Thanh Sinh Công, Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Phật Tử  v...v... được quyền công khai hoạt động mà không phải đăng ký với các cơ quan nhà nước như các Điều 19 và 20 Pháp Lệnh đòi hỏi.  Nhà cầm quyền không bao giờ đòi các tổ chức ngoại vi  hay các đảng đoàn của Đảng CS phải đăng ký.


12)  Điều 21 Pháp Lệnh  còn buộc giáo hội  phải đăng ký các nhà tu hành.  Điều này biểu lộ chính sách kiểm soát giáo hội chặt chẽ, trong khi chính phủ không buộc các đảng viên và cán bộ Cộng Sản phải làm thủ tục này.  


13)  Theo nguyên tắc tự trị sinh hoạt, việc bầu cử, bổ nhiệm, phong chức theo đúng hiến chương, nội qui, điều lệ, được tự do tiến hành mà không cần có sự đăng ký hay chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước vềø tôn giáo, trái với Điều 22 Pháp Lệnh.  Hơn nữa những vị có trách nhiệm lãnh đạo không phải bị duyệt xét xem có tinh thần “đoàn kết quốc gia, hòa hợp dân tộc” hay không.  Từ 1975, Đảng Cộng Sản giải thích rằng yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa, đoàn kết quốc gia là đoàn kết dưới lá cờ của Đảng, và hòa hợp dân tộc là hòa hợp với Đảng C.S. 


14)  Điều 24 Pháp Lệnh còn ép buộc phải giảng dạy môn lịch sử Việt Nam trong những lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo.  Lịch sử Việt Nam đã được diễn giảng theo quan niệm của Đảng CS, và Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc sánh ngang với Trần Hưng Đạo, và Đảng Cộng Sản đã có công giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.  Những điều này đã bị sự thật lịch sử  bác bỏ.  Vì Việt Nam đã được độc lập và thống nhất do Hiệp Định Élysée ký kết giữa Tổng Thống Pháp và Quốc Trưởng Việt Nam năm 1949.


15) Với chính sách độc quyền tư tưởng của Đảng CS,  chúng ta có quyền hoài nghi việc xuất bản các tác phẩm tôn giáo như kinh bổn, sách báo tạp chí v...v... sẽ bị nhà cầm quyền kiểm soát và chế tài nghiệt ngã chiếu Điều 32 Pháp Lệnh, trái với quyền tự do tư tưởng, tự do thông tin, và tự do phát biểu đã được Hiến Pháp quốc gia và Công Ước Dân sự Chính Trị  cam kết tôn trọng.  Cho đến nay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vẫn chưa được cấp giấy phép ấn hành bản thông tin mục vụ nội bộ.


16) Điều 33 Pháp Lệnh khuyến khích các giáo hội và hội đoàn tôn giáo tham gia hỗ trợ  các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo.  Tuy nhiên vì muốn giữ độc quyền tư tưởng, độc quyền văn hóa, Đảng CS không cho tư nhân và các hội đoàn mở các trường tư thục từ cấp tiểu học đến cấp đại học.  Ngay cả những công tác cứu trợ nhân đạo cũng bị cấm đoán nếu không có phép của nhà cầm quyền.  Đó là trường hợp Hòa Thượng Thích Quảng Độ tổ chức cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại đồng bằng Cửu Long năm 1995. 


17)  Một số các tôn giáo tại Việt Nam có liên hệ quốc tế như Công Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo, Tin Lành v...v...Do đó việc các nhà tu hành ngoại quốc đến thuyết giảng tại Việt Nam là việc bình thường và đáng hoan nghênh.  Vả lại nhân quyền và những quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo được áp dụng cho tất cả mọi người, dầu là công dân hay không công dân.  Do đó không cần có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương như Điều 36 đòi hỏi.


18)   Sau cùng chiếu Điều 39 Pháp Lệnh, do sự hợp thức hóa các
giáo hội quốc doanh Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, nhà cầm quyền sẽ có lý do không công nhận các giáo hội dân lập vì có sự trùng tên.  Tại Hà Nội,  Phan Văn Khải đã nhắn nhủ Hòa Thượng Thích Huyền Quang chỉ nên có một giáo hội Phật Giáo mà thôi !

 

Vì những điều sai trái nói trên về thủ tục và nội dung, Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền yêu cầu Quốc Hội Việt Nam hủy bỏ Pháp Lệnh Tôn Giáo ngày 18-6-2004.  Nếu nhà cầm quyền thực tâm xây dựng dân chủ, thì tiên quyết phải ban hành đồng thời 4 đạo luật về những quyền tự do tinh thần và tự do chính trị như Luật Tự Do Tôn Giáo, Tự Do Báo Chí,  Tự Do Hội Họp và Lập Hội và Tự Do Tuyển Cử, theo tinh thần Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã gia nhập năm 1982.

 

Làm tại California ngày 19-9-2004
TM. ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN  QUYỀN
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

 

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]