HRW: Công an không thể ngăn cản Facebooker Lê Minh Thể tiếp cận luật sư và gặp gia đình

 

RFA | 2023.03.03

Công an ngăn cản gia đình gặp Facebooker Lê Minh Thể trong giai đoạn điều tra, dù ông bị tạm giam với cáo buộc Điều 331 không nằm trong chương "An ninh quốc gia" của Bộ luật Hình sự, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khẳng định việc này là "vi phạm nhân quyền."

Ông Lê Minh Thể, 60 tuổi, người từng bị kết án hai năm tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ," bị bắt tạm giam vào ngày 22/2 vừa qua với cáo buộc trên. Hiện ông đang bị giam tại Trại tạm giam Long Tuyền của Công an thành phố Cần Thơ.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức HRW, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn trong ngày 3/3:

“Không có lý do nào có thể chấp nhận được để Việt Nam ngăn cản luật sư và người thân đến thăm Lê Minh Thể.

Mỗi khi chính quyền thực hiện một hành vi vi phạm nhân quyền rõ ràng như vậy, điều đó làm suy yếu những tuyên bố của Hà Nội về các phiên tòa xét xử tự do và công bằng cho những người mà họ truy tố trước tòa.”

Ông nói, bằng việc từ chối cho ông Lê Minh Thể gặp gia đình và luật sư, phía công an tin rằng họ không bị trừng phạt khi làm bất cứ điều gì họ muốn và luật pháp không nhất thiết phải áp dụng cho họ.

Bà Lê Thị Bình, em gái của ông Lê Minh Thể, người cũng mới mãn hạn hai năm tù giam với cùng tội danh, cho RFA biết gia đình bà bị phía trại tạm giam từ chối cho thăm gặp thân nhân, tuy nhiên có cho gửi quà và tiền lưu ký.

Hôm đó (01/3- PV) tôi có lên trên đó gửi đồ ăn cho anh Thể và đòi thăm gặp thì phía trại giam nói không được gặp trong thời gian điều tra. Tôi có gọi điện cho bên điều tra nhưng họ không bắt máy.”

Bà cho biết cho đến giờ, gia đình chưa nhận được bất cứ giấy tờ gì từ phía công an quận Bình Thuỷ, là đơn vị tiến hành bắt giữ ông Thể, kể cả biên bản khám xét nhà trong ngày 22/2.

Phóng viên có gọi điện cho điều tra viên tên Kỷ trong vụ án của ông Thể để kiểm chứng thông tin nhưng người này từ chối trả lời, nói rằng cần liên hệ với công an quận Bình Thuỷ. Tuy nhiên, người trực điện thoại của công an quận nói phóng viên cần đến gặp trực tiếp lãnh đạo của cơ quan để được cung cấp thông tin.

Theo luật sư Hà Huy Sơn từ Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, chỉ có những người bị điều tra về cáo buộc trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự mới không được gặp thân nhân và luật sư trong quá trình điều tra, và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” không nằm trong phần An ninh quốc gia.

Chính bản thân hai anh em ông Thể khi bị bắt tạm giam trong đợt trước với cùng tội danh cũng bị cách ly với gia đình.

Truyền thông nhà nước dẫn cáo buộc của cơ quan công an cho rằng, ông Thể có hành vi đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh có nội dung vi phạm pháp luật lên trang Facebook cá nhân để nhiều người chia sẻ, bình luận.

Thông tin không cho biết cụ thể những nội dung vi phạm pháp luật này là gì. Tài khoản mạng xã hội của ông Thể có dòng trạng thái cuối cùng được đăng vào ngày 21/2 là hình ảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Ukraine.

Các bài đăng khác là thông tin, hình ảnh, video về tình hình Việt Nam, giấy triệu tập của công an đối với bà Lê Thị Bình, em gái ông Thể, xe điện VinFast, và bài viết mới đây của RFA về trường hợp một linh mục Công giáo bị giáo dân nghi ngờ có gian lận khi được phong linh mục.

Bà Bình nói với RFA:

Theo tôi nhìn cách anh ấy livestream và nói (trên Facebook- PV) thì không có gì chống nhà nước hết trơn.

Anh ấy nói về một số quan chức tham ô và họ cũng đã bị bắt. Anh ấy có livestream một chỗ nước thải nước bẩn ở gần khu phố anh ấy.”

Bà cho biết đa số những chia sẻ của anh ruột mình có nguồn từ báo chí nhà nước.

Ông Phil Robertson cho rằng, việc ông Lê Minh Thể bị bắt vì bày tỏ suy nghĩ của mình trên Facebook cho thấy chính quyền không dung thứ đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Mặc dù quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và không nên bị hình sự hóa, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn thường xuyên sách nhiễu, đe dọa và bắt giữ những cá nhân lên tiếng ôn hòa chỉ trích các chính sách của chính phủ.

Dự đoán ông Thể sẽ bị kết tội với một bản án nặng nề khác vì dám nói lên sự thật, chuyên gia về vấn đề nhân quyền Việt Nam của HRW kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động.

Các nhà ngoại giao nước ngoài nên yêu cầu Hà Nội chấm dứt các hình thức bắt bớ này và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Lê Minh Thể,” ông nói.

Ông Thể từng bị bắt vào tháng 10 năm 2018 cũng theo Điều 331. Ông bị kết tội đã sử dụng Facebook để phát trực tiếp các nội dung tuyên truyền nói xấu đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây phá hoại sự đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước; gây phương hại đến an ninh trật tự chính trị quốc gia, an toàn xã hội.

Ông bị kết án hai năm tù giam và mãn hạn tù vào tháng 7 năm 2020.

Em gái ông, bà Lê Thị Bình cũng bị kết án hai năm với cùng tội danh vì các hoạt động trực tuyến. Bà mãn hạn tù vào cuối năm ngoái.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]