Luật sư bị làm khó khi chuẩn bị bào chữa cho "thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm

 

RFA | 2023.04.26

Toà án Nhân dân thành phố Đà Nẵng gây khó khăn cho luật sư Lê Đình Việt trong việc gặp gỡ với thân chủ - nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm để chuẩn bị bào chữa cho ông trong phiên toà sắp tới.

Ông Lâm, một chủ bán bún bò Huế ven đường, được biết đến với video nhại lại động tác của "thánh rắc muối" Salt Bae khi đút bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn, và sau đó được dân mạng gọi là "thánh rắc hành". Sau video này ông bị công an Đà Nẵng gây khó dễ và bị mời làm việc nhiều lần.

Ông bị bắt ngày 07/9/2022 với cáo buộc “Tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam."

Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng đến nay đã chuyển hồ sơ cho toà án để truy tố ông theo Khoản 1 của cáo buộc Điều 117, với mức án từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.

Luật sư Lê Đình Việt được gia đình ông Lâm mời bào chữa cho phiên tòa sơ thẩm và đã được Toà án thành phố Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận bào chữa vào ngày 24/4 sau khi kết thúc điều tra.

Ông Việt, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết ngay khi nhận được "Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng," ông đã đến trại tạm giam của Công an Đà Nẵng để gặp thân chủ nhằm chuẩn bị bào chữa, tuy nhiên ông không được phía trại tạm giam cho gặp.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 26/4:

Họ đã từ chối không cho tôi gặp. Phía Toà án Nhân dân Thành phố Đà Nẵng nói rằng là do hồ sơ mới được Viện Kiểm sát chuyển sang, thẩm phán chưa có thời gian nghiên cứu và để đề phòng những bất trắc, phía Toà án đề nghị luật sư trong trường hợp muốn gặp thì sẽ thông báo thời gian gặp cho Toà án để Toà án bố trí người giám sát buổi làm việc với bị can.”

Ông cho biết, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cùng năm không có quy định nào buộc phải có sự giám sát của cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng khi luật sư bào chữa gặp thân chủ là bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, Thông tư liên tịch 01 năm 2018 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Toà án Nhân dân Tối cao và Thông tư số 46 năm 2019 của Bộ Công an hạn chế quyền của luật sư với việc các cơ quan tố tụng có quyền cử người giám sát các cuộc gặp giữa luật sư và thân chủ nếu họ thấy cần thiết, luật sư Việt cho biết.

Trong khoảng 10 năm hành nghề, luật sư đã tham gia bào chữa trong bốn vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nhưng luật sư Việt chưa bao giờ bị gây khó khăn trong việc tiếp xúc với thân chủ, đặc biệt sau khi kết thúc điều tra, như trường hợp của ông Bùi Tuấn Lâm, ông chia sẻ với RFA.

Theo cáo trạng ban hành bởi Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Bùi Tuấn Lâm bị cho là đăng tải 19 bài viết trên danh khoản Facebook “Peter Lam Bui” và 25 video và bài viết lên kênh YouTube trong thời gian từ ngày 17/4/2020 đến ngày 26/7/2022 với nội dung bị cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”

Chúng tôi nhận thấy trong cáo trạng, đường link Facebook bị cho là của ông Bùi Tuấn Lâm dùng để đăng tải 19 bài viết nói trên không khả dụng.

Ngoài ra, đường link kênh YouTube mang tên "Nguyễn Văn Bung - VKSND thành phố Đà Nẵng" cũng được cho là của ông Lâm dùng để đăng tải 25 video và bài viết, đến nay chỉ còn duy nhất ba video mới đăng tải vài ngày gần đây, và kênh này không chứa các video và bài đăng như trong cáo trạng đã nêu.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]