Việt Nam kiểm tra toàn diện Tik Tok kể từ ngày 15/5, đặc biệt nội dung “phản động”

 

RFA | 2023.05.05

Đợt kiểm tra toàn diện Tik Tok sẽ diễn ra từ ngày 15/5 cho đến cuối tháng. Một trong những mục tiêu nhắm đến mảng nội dung bị cho “phản động” chống đảng, chống Nhà nước Việt Nam.

Đây là thông tin mới nhất về biện pháp này đối với mạng xã hội Tik Tok do Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin (PT-TT-TT) thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông Việt Nam đưa ra ngày 5/5.

Đại diện cơ quan này cho truyền thông Nhà nước biết kế hoạch, danh sách thành viên đoàn kiểm tra đã được gửi đến các Bộ, ngành liên quan để yêu cầu cử người tham gia. Đó là các bộ gồm Công Thương, Văn hóa- Thể thao- Du lịch, Công an, Tổng Cục Thuế.

Nội dung kiểm tra được cho biết tập trung vào các mảng chính gồm thuế, thương mại điện tử và quảng cáo.

Vào đầu tháng tư vừa qua, Cục Trưởng Cục PT-TT-TT, ông Lê Quang Tự Do, chỉ ra sáu sai phạm của Tik Tok tại Việt Nam. Những sai phạm gồm: không có biện pháp kiểm soát những nội dung bị cho vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá đảng cộng sản, Nhà nước Việt Nam; nội dung bị cho nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hại đối với trẻ em; không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; không quản lý hoạt động của các idol TikTok nên để nhiều idol có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa; không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền; không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác; sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

Tính đến tháng 2/2023, có khoảng 50 triệu người dùng TikTok ở Việt Nam, đứng thứ sáu trong 10 quốc gia có lượng người dùng lớn nhất thế giới, theo số liệu của DataReportal chuyên theo dõi các nền tảng mạng xã hội toàn cầu.

Tuy nhiên, theo báo Nhà nước, TikTok liên tục vướng vào lùm xùm xuất hiện nội dung xấu độc như phim ngắn phản văn hóa, dung tục, các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, nhiều nội dung cổ xúy hành vi phạm tội.

Chính phủ Việt Nam thời gian qua cũng mạnh tay xử lý những trường hợp bị cho là vi phạm khi sử dụng các trang mạng xã hội khác như Facebook, YouTube. Các biện pháp áp dụng bao gồm báo cáo, yêu cầu Meta (công ty chủ của Facebook) và Google (công ty chủ của YouTube) gỡ các nội dung bị xác định là vi phạm; triệu tập các các nhân đăng tải nội dung vi phạm và bắt phạt hành chính; trường hợp nặng hơn thì phạt tù với các điều luật trong Bộ luật Hình sự. Những người bị phạt tù thường là những dân oan mất đất, nhà hoạt động xã hội thực hiện các quyền căn bản của mình một cách ôn hòa trên mạng xã hội.

Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các tập đoàn quốc tế có mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ByteDance (hãng chủ sở hữu TikTok) tuân thủ quy định này.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]