Báo cáo của Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) vẫn còn nương tay với Việt Nam

 

RFA | 2023.07.26

Trong báo cáo thường niên công bố hôm 26/7, tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (Human Rights Measure Initiative- HRMI) có trụ sở tại New Zealand nói tình trạng nhân quyền của Việt Nam trong năm 2022 suy giảm tới mức tệ hại sau khi có cải thiện chút ít trong năm trước đó.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của HRMI, Việt Nam có điểm số 4,9 ở mục An toàn trước Nhà nước và 2,7 ở mục Trao quyền trên thang điểm 10 trong năm 2022, so với mức điểm tương ứng 5.3 và 3,0 của năm 2021.

Điểm An toàn trước Nhà nước đang ở mức dưới trung bình, cho thấy nhiều người Việt không an toàn trước một hoặc nhiều điều như: bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn và bị ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua tòa án.

Đối với các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để đối chiếu theo khu vực. Tuy nhiên, so với 43 quốc gia khác được chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về quyền được an toàn trước nhà nước,” HRMI nói trong báo cáo.

Nhận xét về đánh giá của HRMI cho mục An toàn trước Nhà nước, luật sư Nguyễn Văn Đài, người theo dõi sát sao hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong nhiều năm qua, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 26/7:

Tôi đánh giá trang điểm mà tổ chức nhân quyền này đưa ra như vậy vẫn còn cao hơn so với thực tế. Tình trạng thực tế nó tệ hơn rất là nhiều, ở các mục như bắt giữ tùy tiện hay là tra tấn đối xử hay là vấn đề kết án tử hình thì ba cái đó là cái điểm ở mức rất tệ. Như vậy cái thang điểm ấy chỉ khoảng từ 1,5 đến 2 điểm thôi. Và khi tổng hợp lại họ cho 4,9 thì rất là cao.”

Trong báo cáo, HRMI chấm điểm Trao quyền ở mức 2,7 cho thấy nhiều người không được hưởng các quyền tự do dân sự và tự do chính trị như tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và các quyền dân chủ.

Chi tiết hơn, Việt Nam được chấm 3,0 cho hai tiêu chí Tự do hội họp và hiệp hội, và Tự do quan điểm và biểu đạt. Tiêu chí Tham gia chính phủ được chấm điểm 2,5 còn mục Tôn giáo và tín ngưỡng được cho 3,1.

Đối với các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để đối chiếu theo khu vực. Tuy nhiên, so với 41 quốc gia khác được chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về các quyền về trao quyền,” báo cáo đánh giá.

Nhận xét về điểm số mà HRMI chấm cho Việt Nam, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho rằng tổ chức này vẫn còn “ưu ái” cho Hà Nội, vì trên thực tế nhà nước độc đảng đàn áp mọi tổ chức dân sự độc lập và nhiều lãnh đạo dân sự có đăng ký với nhà nước cũng bị giam cầm; nhà nước bỏ tù, phạt hành chính hoặc sách nhiễu những người dám thực hiện quyền biểu đạt. Ông nói:

Bốn cái tiêu chí của Trao quyền thì ba tiêu chí đầu tôi đánh giá bằng Không (0) hết, chỉ có tiêu chí tự do tôn giáo và tín ngưỡng có khá hơn một chút. Do vậy, tổng điểm 2,7/10 vẫn là cao, nó chỉ đạt 1 điểm thôi.”

Trong mục Chất lượng cuộc sống, HRMI nói về Việt Nam như sau:

So với các quốc gia khác ở Đông Á, Việt Nam đang thực thi tốt hơn mức trung bình khi chúng tôi đối chiếu các quyền dựa trên dữ liệu mà chúng tôi có.”

Tổ chức này xếp tiêu chí Có thực phẩm ở mức tệ, còn ba tiêu chí còn lại là Được chăm sóc y tế, Có nơi ở, và Có công ăn việc làm ở mức khá.

Một nhà hoạt động ở Hà Nội, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

Chất lượng cuộc sống ở Việt Nam được HRMI đánh giá có vẻ quá cao so với thực tế. Có lẽ họ đánh giá theo tiêu chuẩn tối thiểu. Đặc biệt, HRMI cho điểm khá cho tiêu chí Có công ăn việc làm cho dù thực tế tỷ lệ thất nghiệp cao của người trong độ tuổi lao động.”

Nhận xét tổng thể về báo cáo của HRMI về nhân quyền Việt Nam trong năm 2022, luật sư Nguyễn Văn Đài, người bị buộc sống lưu vong ở Đức từ năm 2019, nói:

Tổng hợp lại thì cái bản báo cáo này về khía cạnh chất lượng cuộc sống thì nó tạm được, còn tất cả về vấn đề an toàn nhà nước hay là vấn đề trao quyền cho người dân thì họ đánh giá cao hơn cái thực tế, nó tệ hơn nhiều so với những gì mà báo cáo nhân quyền này đưa ra.”

Phóng viên có gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của HRMI nhưng không nhận được ngay phản hồi.

HRMI là một sáng kiến khởi xướng từ năm 2016 bởi một nhóm chuyên gia kinh tế, nghiên cứu chính sách công và nhân quyền. Tổ chức này bắt đầu tiến hành khảo sát ở 13 nước vào năm 2017, 19 nước vào năm 2019, 33 nước vào năm 2020, 39 quốc gia năm 2021, và 44 quốc gia trong năm 2022.

Tổ chức này hướng đến việc đo lường có hệ thống tất cả các quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ở mọi quốc gia trên thế giới.

Thông qua việc đánh giá nhân quyền, tổ chức đang làm sáng tỏ những gì đang thực sự diễn ra, và đưa ra cho các chính phủ một sự đánh giá để khích lệ việc đối xử với mọi người dân tốt hơn.

Mỗi năm, dữ liệu nhân quyền về chính trị và dân sự của tổ chức này lại được tập hợp bằng khảo sát đa ngôn ngữ được soạn thảo cẩn thận, với người tham gia là những chuyên gia địa phương trong lĩnh vực này.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]