Nhà hoạt động Hoàng Văn Vương bị tuyên 5 năm tù, gia đình không hay biết

 

RFA | 2023.08.07

Toà án Nhân dân huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) kết án năm năm tù đối với ông Hoàng Văn Vương về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong một phiên xử hồi tháng tư, không luật sư bào chữa và gia đình hoàn toàn không được thông báo.

Ông Vương, 45 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ ít tiếng tăm, bị Công an huyện Thống Nhất bắt giữ vào ngày 03/1/2023.

Một ngày sau, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an huyện Thống Nhất gửi cho gia đình văn bản có tiêu đề “Thông báo về áp dụng biện pháp tạm giam” đối với ông Vương. Theo văn bản này, cơ quan trên giam giữ ông Vương trong vòng hai tháng nhưng không nêu rõ lý do.

Đó là văn bản duy nhất mà cho tới nay gia đình tôi nhận được từ chính quyền địa phương về việc liên quan đến Hoàng Văn Vương,” một người thân không muốn nêu danh tính của ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 07/8.

Đầu tháng năm, gia đình tôi nhận được cuộc gọi từ Trại tạm giam B5 của Công an tỉnh Đồng Nai, báo rằng Hoàng Văn Vương đang bị giam ở đây, và gia đình có thể đến để thăm nuôi,” người này nói.

Gia đình sau đó đến nơi tạm giam và được ông Vương cho biết, bản thân đã bị kết án năm năm tù về tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự trong một phiên toà không có luật sư vào ngày 18/4.

Trại tạm giam của Công an tỉnh Đồng Nai cấp cho gia đình ông Hoàng Văn Vương cuốn sổ thăm gặp, trong đó có ghi “Hành vi phạm tội: Lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “Án phạt: 5 năm.” 

Ông Vương nói với gia đình, sau phiên tòa sơ thẩm ông đã làm đơn kháng cáo nhưng sau đó lại rút đơn.

Phóng viên gọi điện thoại cho Công an huyện Thống Nhất nhưng không ai nghe máy. Phóng viên cũng gọi điện cho Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai và người trực điện thoại đề nghị phóng viên đến trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.

Truyền thông nhà nước không đưa tin gì về việc bắt giữ và kết án ông Vương kể từ đầu năm đến nay.

Bình luận về việc Đồng Nai kết án và giam cầm ông Vương, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với RFA qua email ngày 08/8"

Việc kết án tù Hoàng Văn Vương mà không có luật sư hoặc gia đình của ông ta thậm chí không biết cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam đã trở thành một trò hề hoàn toàn. Đối với những nhà hoạt động tương đối ít tên tuổi như Vương, họ thậm chí không có được sự trợ giúp pháp lý. Điều rõ ràng là chính quyền tỉnh Đồng Nai vì một lý do nào đó đã tức giận với ông, và vì vậy họ đã kết án ông 5 năm tù dựa trên một lý do được ngụy tạo bởi công an và được đảng Cộng sản cầm quyền chấp thuận. Đó là cách dễ dàng để đánh mất tự do và quyền của một người dưới chế độ độc đảng độc đảng của Việt Nam khi nó sử dụng các điều luật vi phạm nhân quyền để biến hầu hết mọi hoạt động thành ‘lạm dụng quyền tự do dân chủ’.

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho người hoạt động ôn hoà. Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc Khu vực phụ trách chiến dịch của tổ chức này phát biểu với RFA:

"Chính quyền ở Việt Nam thường giam cầm những người mà họ cho là có quan điểm bất lợi, như một cách để bịt miệng họ, và để đe dọa những người khác để họ không lên tiếng. Chỉ trích một cách ôn hòa các chính sách của chính phủ không phải là tội. Quyền tự do ngôn luận phải được bảo vệ. Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền đã bị bắt giữ và kết án tùy tiện chỉ vì chia sẻ quan điểm của họ một cách ôn hòa.

Việc Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận đi ngược lại với các nghĩa vụ nhân quyền của mình. Các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo rằng những người bị giam giữ không bị cản trở trong việc thực hiện quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý mà họ lựa chọn. Như hiện tại, hồ sơ vi phạm nhân quyền được ghi chép đầy đủ của Việt Nam tiếp tục làm suy yếu vị thế của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc."

Ông Vương lên tiếng phản biện trên mạng xã hội từ năm 2011, đã từng bị bắt và bị đánh đập trong những năm 2011-2012 vì tham gia biểu tình ôn hoà phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và bất công ở nhiều nơi của Việt Nam.

Một số nhà hoạt động cho biết, ông Vương thường xuyên trợ giúp gia đình một số tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp hiểm nguy như ông Đinh Văn Hải và bà Hoàng Thị Thu Vang cho dù điều kiện kinh tế của gia đình ông còn khó khăn.

Trong năm 2018, ông nhiều lần bị Công an huyện Thống Nhất triệu tập lên đồn vì lên tiếng về xả thải của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi ở thành phố Biên Hoà.

Ông Vương là người bất đồng chính kiến thứ hai bị kết án từ đầu năm đến nay về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Cũng trong thời gian này, mười người đã bị bắt giữ về cáo buộc theo Điều 331, theo thống kê của RFA.

Cuối tháng trước, toà án Hà Nội đã kết án ông Nguyễn Sơn Lộ, cựu viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển SENA, với bản án ba năm tù giam vì “đã phát tán năm tài liệu với tổng hơn 1.000 trang và ba đơn khiếu nại có nội dung xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân." Ông còn bị thêm án hai năm tù giam vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” 

Cập nhật lúc 9 giờ ngày 8/8/2023 (giờ D.C):

Thêm phát biểu của ông Phil Robertson- Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của Human Rights Watch, và bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc Khu vực phụ trách chiến dịch của Ân xá Quốc tế .

 

Nhà hoạt động tôn giáo Nay Y Blang được gặp luật sư trong trại tạm giam

RFA | 2023.08.10

 

Ông Nay Y Blang, tín hữu Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” được gặp luật sư lần đầu tiên trong trại tạm giam của Công an tỉnh Phú Yên.

Nhà hoạt động này từng bị sách nhiễu nhiều lần sau khi đi gặp phái đoàn Ngoại giao của Hoa Kỳ và có báo cáo về đàn áp tôn giáo, mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) nhiều lần đưa tin.

Đến ngày 18/5 vừa qua, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên bắt tạm giam ông với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ Luật Hình sự.

Luật sư Hà Huy Sơn, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, được gia đình ông Nay Y Blang ký hợp đồng bào chữa. Trong tháng 7, vị luật sư này đã gặp được thân chủ trong trại tạm giam công an tỉnh. Ông nói với phóng viên trong ngày 10/8:

Cơ quan điều tra đã cấp giấy bào chữa cho tôi rồi và tôi cũng đã dự cung được một buổi cách đây một tháng.

Sau đó, cơ quan điều tra có hỏi cung nhiều lần và cũng đều thông báo cho tôi nhưng vì điều kiện ở xa nên tôi mới chỉ dự cung được một lần thôi.”

Luật sư Hà Huy Sơn từ chối trả lời chi tiết về buổi dự cung vì quy định luật sư không được phép chia sẻ thông tin của vụ án khi quá trình điều tra chưa kết thúc.

Mục sư Aga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, cho biết gia đình ông Nay Y Blang chỉ được gửi đồ tiếp tế mà không được gặp thân nhân. Phía công an nói với gia đình nếu thuyết phục được ông từ bỏ đạo sẽ cho gặp nhưng gia đình từ chối.

Phóng viên gọi điện thoại cho Công an tỉnh Phú Yên với đề nghị bình luận về thông tin của mục sư Aga. Người trực ban đề nghị phóng viên đến trụ sở của cơ quan này để được phát ngôn nhân của Công an Phú Yên trả lời.

Một trong những người dân tộc thiểu số trong vụ án chính trị được có luật sư

Mục sư Aga, người hiện đang tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ, cho biết ông Nay Y Blang là một trường hợp hiếm hoi trong nhóm những người Thượng có được sự trợ giúp pháp lý trong một vụ án chính trị.

Theo mục sư Aga, một người Thượng khác là ông A Đảo bị bắt giữ hồi năm 2016 sau khi ông tham gia hội nghị về tự do tôn giáo ở Đông Timor và trở lại Việt Nam. Gia đình ông này có liên hệ mời luật sư nhưng sau đó ông bị buộc viết đơn từ chối trợ giúp pháp lý do sức ép của phía chính quyền.

Năm 2017, toà án tỉnh Gia Lai đã kết án ông với bản án năm năm tù về tội nhiều lần tổ chức đưa người Thượng đi Thái Lan trái phép.

Mục sư Aga nói với RFA trong ngày 10/8:

Người đồng bào chưa bao giờ có luật sư. Đây là lần đầu tiên từ bao nhiêu vụ án, bao nhiêu vụ xét xử không bao giờ có được luật sư. Một cái điều bất lợi cho người đồng bào chúng tôi.

Vì họ không có luật sư nên họ không có tội thành có tội, tội nhẹ thành tội nặng và mức án bao nhiêu năm là tùy ý họ (tòa án- PV) thôi.”

Một người Thượng khác là nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo Y Wô Niê từng được luật sư Nguyễn Văn Miếng bào chữa trong hai phiên tòa hồi năm 2022. 

Theo mục sư Aga, bên cạnh việc công an thuyết phục từ bỏ quyền được có luật sư bào chữa và đe doạ mức án sẽ cao hơn, thì lý do phí thuê luật sư cao đối với thu nhập của người Thượng cũng là một nguyên nhân khiến hàng trăm người hoạt động tự do tôn giáo không có trợ giúp pháp lý trong các vụ án trước đây.

Ngoài ra, đa số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không biết cách liên hệ và thuê luật sư.

Ông Nay Y Blang, 47 tuổi, thường trú tại buôn Bưng B, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Cơ quan Điều tra cho rằng từ cuối năm 2019 cho đến nay, ông Nay Y Blang tham gia Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, nhóm tôn giáo độc lập bị Công an Phú Yên cho rằng do ông Aga chỉ đạo.

Trong nhiều năm gần đây, ông và nhiều tín đồ của tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận này liên tục bị sách nhiễu.

Vào tháng 8/2022, ông có gặp một viên chức ngoại giao thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó ông và gia đình bị chính quyền địa phương sách nhiễu, hỏi thông tin về cuộc gặp này.

Một tháng sau, ông được mời gặp phái đoàn phụ trách tôn giáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông không thể đến địa điểm gặp vì bị an ninh câu lưu ở bến xe Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa.

Công an Phú Yên cho rằng ông Nay Y Blang cung cấp thông tin sai sự thật cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài vu cáo, xuyên tạc chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam; nhằm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong vụ án khác, vào đầu tháng tư vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ thầy truyền đạo Y Krêč Byă với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116 của BLHS bên cạnh việc khởi tố bị can đối với mục sư Aga (đang ở Hoa Kỳ) về cùng cáo buộc.

Cả hai bị cho là “có hành vi chỉ đạo tiến hành những âm mưu, hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết; tổ chức hàng trăm buổi hội họp tập huấn trực tuyến để chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu xuyên tạc, gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền và lực lượng vũ trang; gây chia rẽ giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau.”

Luật sư Hà Huy Sơn cũng cho biết ông đã ký hợp đồng trợ giúp pháp lý cho ôngY Krêč Byă và được nhà chức trách tỉnh Đắk Lắk cấp giấy bào chữa, tuy nhiên do cáo buộc đối với ông này nằm trong chương "An ninh quốc gia" và vụ án vẫn còn đang trong giai đoạn điều tra nên luật sư chưa được gặp thân chủ.

* Đính chính lúc 4 giờ 20 ngày 11/8/2023: 

- Trường hợp ông Nay Y Blang không phải là trường hợp người Thượng đầu tiên có luật sư, trước đó vào năm 2022 ông Y Wô Niê từng được luật sư Nguyễn Văn Miếng bào chữa trong cả hai phiên tòa. 

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]