Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Liên Hiệp Quốc, Liên Âu và 13 tổ chức quốc tế đề nghị dừng thi hành án

 

RFA | 2023.08.11

Liên quan đến vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng có thể bị đưa ra thi hành án bất kỳ lúc nào, mới đây hàng loạt các cơ quan quốc tế và phái đoàn ngoại giao của các nước phương Tây kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam dừng thi hành án, và đảm bảo ông Chưởng được xét xử công bằng.  

Ông Jeremy Laurence, người phát ngôn Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 11/8 ra thông cáo bày tỏ lo ngại trước các báo cáo về việc Việt Nam sắp xử tử Nguyễn Văn Chưởng, giữa những cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm xét xử công bằng.

"Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách ngay lập tức dừng việc hành quyết và tiến hành một cuộc điều tra độc lập và vô tư về các cáo buộc tra tấn," ông nói. 

Dẫn lại thông tin tử tù này luôn kêu oan và khẳng định rằng, công an có được lời thú tội của ông Chưởng thông qua tra tấn và chính lời thú tội này được làm bằng chứng để kết tội, cơ quan của LHQ khẳng định: 

"Việc sử dụng lời thú tội được trích xuất trong khi bị tra tấn dẫn đến kết án tử hình vi phạm cả việc cấm tuyệt đối tra tấn cũng như đảm bảo xét xử công bằng, khiến bản án trở nên tùy tiện và vi phạm quyền sống, như được quy định tại Điều 6 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một quốc gia thành viên."

Ngày 11/8, luật sư Lê Văn Hòa, cựu Tổ trưởng tổ Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, các kiến nghị của các tổ chức quốc tế điển hình là của cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc và của các phái đoàn ngoại giao "chắc chắn sẽ có tác động lên ban lãnh đạo nhà nước Việt Nam". 

Ông nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau: 

"Bởi vì đây là một vụ án rất nổi cộm ở Việt Nam hiện nay, dư luận trong nước người ta cũng có các kiến nghị lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam có chỉ đạo dừng thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng, để có chỉ đạo kiểm tra, làm rõ. 

Bây giờ có thêm tiếng nói của các tổ chức quốc tế thì tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam chắc chắn phải quan tâm." 

Cũng theo ông Jeremy Laurence, Việt Nam tiếp tục sử dụng hình phạt tử hình, phần lớn là bí mật, bất chấp xu hướng toàn cầu hướng tới việc bãi bỏ hình phạt tử hình. 

Văn phòng của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneve "nhắc nhở các nhà chức trách rằng sự minh bạch và tôn trọng đầy đủ các quyền của tù nhân và gia đình họ là yêu cầu tối thiểu đối với các chính phủ chưa bãi bỏ hình phạt tử hình. 

Thông tin cần thiết liên quan đến một vụ hành quyết theo kế hoạch cụ thể cần được cung cấp ngay cho tù nhân và gia đình họ, đồng thời thông tin liên quan đến án tử hình, thông báo và vụ hành quyết cũng cần được công bố rộng rãi."

Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi Hà Nội ngay lập tức thiết lập một lệnh cấm chính thức đối với tất cả các vụ hành quyết nhằm xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.

Liên minh châu Âu (EU) nói sẽ hỗ trợ Việt Nam xóa bỏ án tử hình

Phái đoàn EU tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Anh ngày 10/8 ra tuyên bố chung, kêu gọi các cơ quan thẩm quyền Việt Nam dừng việc thi hành án tử hình ông Nguyễn Văn Chưởng. Tuyên bố có đoạn:

"Chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình.

Ngày nay, hơn hai phần ba các quốc gia trên thế giới đã trở thành những quốc gia bãi bỏ (án tử hình-PV) trong luật pháp hoặc trên thực tiễn, điều này khẳng định xu hướng toàn cầu ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình. Không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù. "

Liên minh châu Âu cho rằng, việc cải tạo với vai trò như một mục tiêu của luật hình sự hiện đại không thể thực hiện được bằng việc áp dụng hình phạt tử hình. Không những thế, bất kỳ sai sót nào - điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống luật pháp nào - đều không thể đảo ngược. 

Các phái đoàn ngoại giao cho biết, sẽ tiếp tục tích cực nỗ lực để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới loại bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường tiến tới việc xóa bỏ hình thức này.

Ông Lê Văn Hòa sau khi rời cơ quan nhà nước và nghỉ hưu, ông đã trở thành luật sư và tư vấn pháp lý cho gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Theo ông Hòa, hiện nay chỉ có quyết định của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới cứu được người tù nay khỏi bị thi hành án, ông nói: 

"Trong tình hình này đã rất cấp bách rồi, Chánh án TAND tối cao thành phố Hải Phòng đã ký quyết định thi hành án trong ngày 4/8 vừa rồi, bây giờ chỉ có sự quan tâm, xem xét của lãnh đạo nhà nước Việt Nam. 

Trong đó quyết định của Chủ tịch nước Việt Nam là quan trọng nhất, nếu ông ấy có chỉ đạo để Chánh án tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng dừng việc thi hành án để kiểm tra, làm rõ thì mới dừng được."

Theo luật sư Hòa, nếu Chủ tịch nước không chỉ đạo cũng như các cơ quan chức năng không có kiến nghị và đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm thì điều đó sẽ rất nguy hiểm. Việc thi hành án sau quyết định của Chánh án TAND tối cao thành phố Hải Phòng sẽ diễn ra bất kỳ lúc nào. 

13 tổ chức nhân quyền quốc tế gửi thư đến Chủ tịch nước Việt Nam 

Nêu đích danh của người đứng đầu nhà nước Việt Nam trong bức thư chung, 13 tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có các tổ chức nổi tiếng như Ân Xá Quốc tế, FORUM-ASIA, People In Need... kêu gọi ông Võ Văn Thưởng và các cơ quan có trách nhiệm "đảm bảo dừng việc thi hành án ngay lập tức và bắt đầu một cuộc điều tra nhanh chóng, vô tư và hiệu quả về những cáo buộc rằng ông ta đã bị tra tấn để buộc phải “thú nhận” tội lỗi."

Cho đến nay, các tổ chức này vẫn chưa rõ liệu việc hành quyết có thể sắp xảy ra hay đã được thực hiện, tuy nhiên nếu xét đến khả năng ông Chưởng đã phải chịu một phiên tòa và thủ tục tố tụng không công bằng dẫn đến việc bị kết án và tuyên án tử hình, thì "việc xử tử ông ta sẽ vi phạm quyền được sống và không bị trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm theo luật nhân quyền quốc tế và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Việt Nam." 

13 tổ chức đồng đề nghị ông Võ Văn Thưởng, thông báo về tình trạng hiện tại của tử tù Nguyễn Văn Chưởng cho gia đình, ngay lập tức miễn thi hành án vĩnh viễn cho ông Chưởng, trả tự do hoặc cho tử tù này một phiên tòa mới phù hợp với các tiêu chuẩn xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế. 

Ngoài ra, họ cũng yêu cầu người đứng đầu nhà nước Việt Nam phải tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, vô tư và hiệu quả về những cáo buộc rằng ông Chưởng đã bị tra tấn hoặc đối xử tàn ác, hạ nhục hoặc vô nhân đạo khác nhằm đạt được “lời thú tội”, và nếu điều này được chứng minh, phải đưa thủ phạm ra trước công lý và cung cấp cho ông và gia đình khả năng tiếp cận biện pháp khắc phục và bồi thường hiệu quả phù hợp với luật và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]